Hành trình trưởng thành - Phần 1 (mô thức chối bỏ trách nhiệm)

Đã bao lần tôi hỏi chính mình rằng: Một người trưởng thành là người như thế nào?

Trẻ con thì mong được trưởng thành để tự do với những lựa chọn, quyết định của mình mà không có sự kiểm soát, chi phối hay ảnh hưởng từ những ý kiến, quan điểm của ba mẹ, người lớn. Còn người lớn lại muốn quay trở về thời gian của những đứa trẻ hồn nhiên, vô tư, không lo nghĩ, và có người bảo vệ.

Vậy điều gì đã khiến những người lớn như chúng ta lại cảm thấy nặng nề và áp lực với những nhiệm vụ của một người trưởng thành đến vậy?

Liệu một lần nữa, nếu hỏi rằng bạn muốn trở thành người trưởng thành không, bạn sẽ trả lời ra sao?

Tôi nghĩ rằng việc trưởng thành không phải là một thời điểm hay có một cột mốc cụ thể nào cho từng người, mà nó là hành trình nỗ lực của mỗi cá nhân. Trưởng thành là khi bản thân ta có nhiều khả năng để đối diện với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Đâu ai mong muốn cuộc sống của mình khó khăn hay đau khổ, nhưng thực tế thì con người chỉ có thể phát triển và trưởng thành thông qua những vấn đề, khó khăn mà chúng ta đang đối diện mỗi ngày trong cuộc sống của mình. Và chính bởi sự không chấp nhận những vấn đề đau khổ trong cuộc sống của mình, chúng ta đã vô tình lảng tránh, chạy trốn nó để tìm kiếm những khoảnh khắc vui thú tức thời.

Tôi đã từng từ chối trưởng thành trong một khoảng thời gian dài khi liên tục sử dụng mô thức chối bỏ trách nhiệm của mình trước những vấn đề. Đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, cho môi trường xung quanh, coi bản thân mình là nạn nhân của các vấn đề là một biểu hiện rất rõ của một người chưa thực sự trưởng thành. Nếu mô thức này lặp đi lặp lại càng nhiều môi trường, hoàn cảnh khác nhau thì điều đó càng chứng tỏ hành trình trưởng thành của bạn đang gặp rào cản.

Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc giật mình của bản thân khi nhìn thấy cách mà mô thức chối bỏ trách nhiệm diễn tiến. Tâm trí đã tìm mọi lý do từ bên ngoài để có thể giải thích, chứng minh cho người khác thấy (và thuyết phục chính bản thân mình) về việc tôi hành xử như vậy là vì người khác, vì hoàn cảnh bên ngoài, chứ không phải do tôi. Mục đích duy nhất là để tôi sẽ không phải đối diện với vấn đề rằng: Tôi cần phải chịu trách nhiệm về những sự cố đó và tìm cách giải quyết nó. Việc chịu trách nhiệm đồng nghĩa với việc chúng ta cần phải tìm giải pháp xử lý hay tìm cách để thay đổi cho những vấn đề đó. Và bạn biết đấy, đâu ai muốn mình phải lãnh những khó khăn đó về mình. Và thế là, mô thức chối bỏ trách nhiệm được lặp đi lặp lại như một công cụ để chúng ta thoát khỏi việc đối diện với những tình huống, vấn đề khó khăn đó.

Tôi tin đã có rất nhiều khoảnh khắc chúng ta quan sát được việc chối bỏ trách nhiệm của mình, nhưng việc chúng ta có dám dũng cảm “trưởng thành” để chấp nhận, đối diện với tình huống thực tại đó hay không thì lại phụ thuộc vào sự lựa chọn rằng bạn có muốn bước chân trên hành trình trưởng thành tinh thần của mình hay không, hay chúng ta vẫn luôn muốn mang một cơ thể của một người trưởng thành, nhưng tâm trí lại là một đứa trẻ?! Việc sợ phải đối diện với những tình huống khó, tìm cách để giải quyết những sai lệch luôn khiến con người ta muốn trở thành một đứa trẻ vô tư, hồn nhiên, không biết gì, với hi vọng có thể trốn chạy việc phải đối diện và chịu trách nhiệm về những gì đang diễn ra ở thực tại. Nếu bạn thấy mình đang có mô thức này được lặp đi lặp lại trong một hay một vài trường hợp, hãy quan sát và dũng cảm để chấp nhận rằng: Mình đang chưa thực sự trưởng thành! Và rồi, từ việc bạn chấp nhận nó, và mong muốn có thể trưởng thành chính mình, bạn sẽ biết bạn cần phải thay đổi điều gì cho chính mình!

Liệu cuộc sống của chúng ta sẽ luôn suôn sẻ và êm đềm? Tôi không nghĩ vậy, nên việc hy vọng, mong cầu cuộc sống luôn thuận theo ý mình là ảo tưởng, nó không có thật. Việc chúng ta chạy trốn những vấn đề, khó khăn trong cuộc sống cũng không giúp chúng ta trở nên hạnh phúc hay an ổn hơn. Cuộc sống sẽ trở nên an ổn, khi chúng ta sẵn sàng đối diện với những thử thách, và ở đó chúng ta có thể tìm ra được giải pháp, con đường vượt khỏi những khó khăn hay vấn đề nào đó!

Tựu chung lại, trưởng thành là thước đo cho khả năng vượt khổ, khó khăn của mỗi người. Một người có khả năng vượt khổ càng lớn, thì sự trưởng thành của người đó càng mạnh mẽ. Thay vì tìm cách để chối bỏ hay lảng tránh những khó khăn trong cuộc sống của mình, chúng ta cần dũng cảm để đối diện với nó. Trong những khổ đau, khó khăn đó, bạn sẽ tìm thấy được những viên ngọc sáng bên trong chính mình và viên ngọc đó là phần thưởng trên hành trình trưởng thành của chính bạn!

Cầu chúc bạn có đủ dũng cảm, tỉnh thức để bước tiếp hành trình trưởng thành của chính mình!

The Domdom Healing Garden

Khu vườn chữa lành Đom Đóm - không gian trị liệu và chăm sóc thế giới tinh thần cùng bạn!

Địa chỉ:27, đường số 3, Hiệp Bình Phước, Thủ Đức
Điện thoại:0932360164
Email:thedomdomhealinggarden@gmail.com

Follow Vườn

Bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ Đom Đóm?

Hãy để lại địa chỉ email để Đom Đóm thông báo cho bạn về các hoạt động và bài viết bổ ích nhé!