Sự mất kết nối của con người ngày nay

Kết nối là một trong những nhu cầu phổ quát của loài người. Cũng giúp như các nhu cầu cơ bản khác: nhu cầu ăn, nhu cầu ở, nhu cầu mặc, nhu cầu được yêu thương, nhu cầu được tôn trọng… thì nhu cầu được kết nối cũng là một trong những nhu cầu như vậy.

Vài ngày trước mình có một cuộc trò chuyện cùng Nhà trị liệu Phạm Phương Thanh, người mà mình hay gọi thân mật là chị Thanh, về chủ đề: ”Vì sao con người ngày nay lại cảm thấy mất kết nối với cuộc sống?”. Buổi trò chuyện này, chị Thanh đã giúp mình vỡ oà rất nhiều những vấn đề cốt lõi mà trước đây mình chưa từng biết đến. Mình thật sự bất ngờ về cách chị phân tích, đi sâu và làm rõ gốc rễ của từng vấn đề cũng như giải pháp cho nó. Cuộc trò chuyện đã giúp mình rất nhiều trên hành trình nhận diện, kết nối với bản thân mình, và mình tin bạn cũng sẽ nhận được nhiều lợi ích từ những chia sẻ này giống như mình nè! Vậy nên mình xin ghi chép lại nội dung buổi trò chuyện này dưới đây để bạn cùng ngẫm với mình nhé!

Hỏi: Chị ơi, vì sao con người cần kết nối với nhau?

Nhà trị liệu (NTL) Phạm Phương Thanh: Kết nối là một trong những nhu cầu phổ quát của loài người. Cũng giúp như các nhu cầu cơ bản khác: nhu cầu ăn, nhu cầu ở, nhu cầu mặc, nhu cầu được yêu thương, nhu cầu được tôn trọng… thì nhu cầu được kết nối cũng là một trong những nhu cầu như vậy.

Đi sâu hơn một chút, chúng ta hãy tìm hiểu xem sự kết nối của con người đến với hành trình sống này thì bao gồm những gì? Theo chị tựu chung lại có ba trụ kết nối quan trọng nhất của một người: Một đó là sự kết nối của người đó với chính họ, hai là sự kết nối giữa người đó và những người xung quanh, ba là sự kết nối giữa người đó với thiên nhiên, đất Mẹ. Khi một người nói họ đang có sự kết nối hài hoà với cuộc sống thì phải nhìn nhận xem ba trụ kết nối này của họ có đang được duy trì như một chiếc kiềng ba chân hay không? Nếu thiếu một trong ba trụ này mình không thể coi người đó đang có một sự kết nối hài hoà với cuộc sống được. Và có một điều quan trọng cần nói tới ở đây là trong ba trụ kết nối này, trụ đầu tiên là tiền đề cho tất cả mọi sự kết nối hoặc mất kết nối của con người.

Vậy theo chị khi con người được kết nối hài hoà thì con người sẽ trong trạng thái như thế nào ạ?

NTL Phạm Phương Thanh: Chúng ta hãy cùng nghĩ đến hình ảnh của một đứa trẻ. Nó được trong vòng tay của bố mẹ, được hoà mình với thiên nhiên, chơi cùng bạn bè những trò chơi xúc chạm tay chân như nặn đất sét, nhảy lò cò. Ngay lập tức, mình có thể hình dung khuôn mặt nó lúc đó của nó như thế nào. Thì đấy chính là trạng thái của một người có đầy đủ sự kết nối.

Một đứa trẻ, nó luôn bộc lộ cảm xúc và nhu cầu của nó: “Con đói quá Mẹ ơi! Con muốn đi vệ sinh Mẹ ơi! Mẹ ơi Mẹ ôm con được không?…” Còn khi nó tức giận nó có thể khóc cả tiếng đồng hồ nhưng cũng sẽ cười khanh khách ngay sau đó được . Đó chính là biểu hiện của việc tự do bộc lộ nhu cầu và cảm xúc. Rồi hãy để ý xem khi đứa trẻ chơi với một chiếc lá, nó có thể tưởng tượng và sáng tạo ngay lập tức. Nó gấp chiếc lá thành cái chén ăn cơm, nó có thể nghĩ chiếc lá là tờ tiền, còn khi nó thả chiếc lá xuống dòng sông thì nó coi chiếc lá là con thuyền. Nó tự do sáng tạo và luôn vui vẻ với mọi sự hiện hữu ở hiện tại hay nói cách khác là chúng luôn trải nghiệm hiện tại với một sự phong phú và tự nhiên nhất.

Vậy sống ở hiện tại có nghĩa là gì?

NTL Phạm Phương Thanh: Là khi mình không đặt bất kỳ khái niệm nào mà mình đã từng biết trước đây vào trong hiện tại của mình. Chính vì những điều này, chị nghĩ khi mình được kết nối đầy đủ thì trạng thái mình đạt được đó chính là trạng thái tự do thật sự. Mấy hôm trước chị đọc được một câu rất hay của Rudolf Steiner – một triết gia nổi tiếng người Đức, ông có thể giúp ta hiểu tự do thật sự có nghĩa là gì. Ông nói thế này: “Tự do là có thể suy nghĩ với những suy nghĩ của riêng bạn – không phải những suy nghĩ của cơ thể hay xã hội, mà là những suy nghĩ xuất phát từ bản thể sâu nhất, nguyên thuỷ nhất, quan trọng và tâm linh nhất, từ chính cá nhân bạn.” (Triết học về tự do). Ngẫm mà xem, đúng quá phải không? :)

Vì sao ngày nay con người càng lúc càng khó kết nối được với nhau và khó kết nối được với thiên nhiên, đất Mẹ ạ?

NTL Phạm Phương Thanh: Kết nối theo từ điển dịch là một sự vật này có sự xúc chạm, nối liền với một sự vật khác.

Ví dụ chị đang đưa tay ra cầm cái ly này lên có nghĩa là chị đang kết nối với cái ly này. Bàn tay chị và cái ly này đang nối lại với nhau. Mình hiểu theo nghĩa đen nhất có thể thì là vậy. Theo em, nếu như em không kết nối được với cái ly ngay trước mặt em, vậy em có kết nối được với cái cây tận ngoài cửa sổ kia không? Vậy câu chuyện là: “Làm sao em có thể kết nối được với cái cây nếu như em không kết nối được với cái ly? Làm sao em có thể kết nối với những thứ xa hơn em mà em không thể kết nối được với những thứ gần hơn? Ai là người gần em nhất? Chính là em.”

Từ hình ảnh ẩn dụ đấy mình có câu trả lời rất dễ dàng là: “Làm sao kết nối với thiên nhiên, vũ trụ bao la, làm sao kết nối với những mọi người ngoài kia nếu như cái người ngay ở đây (chính mình) em không kết nối được?” Câu chuyện nằm ở đấy, chúng ta không kết nối được với những thứ bên ngoài vì chúng ta không kết nối được với chính mình.

Vậy theo chị nguyên nhân nào khiến chúng ta cảm thấy khó kết nối với chính mình?

NTL Phạm Phương Thanh: Để trả lời câu hỏi này chúng ta cần phải quay về với hành trình phát triển của chính mình. Như mình vừa kể câu chuyện của đứa trẻ, lúc nó mới sinh ra sự kết nối của nó hoàn toàn đủ đầy. Vậy mình tự quan sát trên chính mình xem từ khi nào mình bị mất kết nối?

Có phải từ khi mình bắt đầu đi học. Ba mẹ, thầy cô cho mình những cái khuôn. Chúng ta được cài đặt vào hệ thống niềm tin của mình những kinh nghiệm của người đi trước. Mà kinh nghiệm nói vui là gì? Là những thứ nghiệm thấy mà kinh. Vô hình những điều này tạo nên cho ta rất nhiều nỗi sợ. Mà mình sợ càng nhiều thì mình kết nối càng ít.

Ví dụ nếu bạn sợ rắn bạn sẽ không dám vô rừng, nếu bạn sợ bị bỏ rơi hoặc bạn sợ bị chối bỏ bạn sẽ không bao giờ dám tham gia một nhóm hay một đám đông nào. Vì vậy, nguyên nhân của sự kết nối hay mất kết nối có liên quan đến nỗi sợ. Cơ chế của nỗi sợ là gì? Là thu rụt lại. Khi bạn sợ bạn thu người lại và cảm thấy cơ thể bị co rúm. Vậy nỗi sợ ở đây là những nỗi sợ gì?

Hôm trước chị có đọc được 1 câu chuyện rất hay trên trang cá nhân của một người bạn. Câu chuyện đại thể như thế này: Có một vị thiền sư trong một buổi trò chuyện thì được một học trò mình đặt một câu hỏi: "Sư phụ ơi, con người sợ nhất điều gì?” Trước khi Sư Phụ trả lời cho con thì con thử trả lời trước xem: ”Con người sợ nhất điều gì?”. Người học trò trả lời rất nhiều đáp án như sợ chết, sợ đói, sợ khổ, sợ không được yêu thương,… Vị Thiền sư trả lời:” Tất cả đều không đúng”. Thế là người hoc trò trả lời: "Con cũng không biết. Sư phụ có thể trả lời cho con không?”. Vị thiền Sư từ tốn trả lời: “Cái mà con sợ nhất đó là chính là con”.

Chị ngồi ngẫm và cảm thấy rất đúng. Nếu mình không sợ mình nhất thì mình đâu phải đeo mặt nạ với những người xung quanh. Mình sợ những cái phần không tốt đẹp bên trong mình. Mình sợ bản thân mình nhìn thấy nó và cũng sợ người khác nhìn thấy nó. Mà thậm chí, có nhiều người còn sợ luôn phần ánh sáng của chính mình nữa. Họ nói: “Wow mình có khả năng này. Ôi! như thế này thì không được, mình không thể nào giỏi như thế này được, mình là người nhỏ bé làm sao mình có khả năng này được.” Vì vậy, con người không chỉ sợ phần bóng tối mà còn cả sợ phần ánh sáng của chính mình. Con người sợ nhất là chính mình. Sau cùng vị thiền sư nói một câu kết: “Một người mà ngay cả bản thân mình cũng không sợ thì không còn biết sợ cái gì nữa”. Có nghĩa là nỗi sợ nằm bên trong chúng ta, chứ không phải nỗi sợ nằm bên ngoài. Chúng ta chỉ đang phóng chiếu nỗi sợ của chính mình ra bên ngoài mà thôi.

Quay trở về với sự mất kết nối, mình càng giải phóng nhiều nỗi sợ bao nhiêu thì tự nhiên sự kết nối được gắn kết lại nhiều bấy nhiêu. Khi bạn không còn sợ rắn nữa thì tự động một ngày bạn sẽ tìm đến những khu rừng để trải nghiệm trekking một cách rất tự nhiên mà không cần ai ép buộc. Mà cho đến khi bạn vẫn còn sợ rắn thì cái sự mất kết nối với những khu rừng vẫn còn đó. Vậy tóm lại là gì, sự mất kết nối đến từ nỗi sợ. Nỗi sợ lớn nhất là gì? Là nỗi sợ chính bản thân mình. Nỗi sợ mang tính tự thân và cho đến khi mình giải phóng được các nỗi sợ bên trong mình thì sự kết nối sẽ đến một cách tự nhiên như một kết quả. Nên đừng đi tìm câu trả lời là làm thế nào để kết nối mà bây giờ là hãy hỏi làm thế nào để giải phóng các nỗi sợ.

Vậy chị có thể chỉ ra cách nào để ta có thể giải phóng nỗi sợ được không?

NTL Phạm Phương Thanh: Bước đầu tiên là phải nhận diện và gọi tên được các nỗi sợ. Trong Workshop HIỂU VỀ CHÍNH MÌNH chị điều phối ở vườn Đom Đóm, chúng ta sẽ cùng nói về 7 cổ mẫu của nỗi sợ. Chúng ta sẽ không nói về các nỗi sợ rất nhỏ mà chúng ta nói về các cổ mẫu của nó. Em có thể hình dung 7 cổ mẫu của nỗi sợ này như 7 cây cổ thụ và các nỗi sợ mà mọi người đang trải qua bây giờ giống như là lá cây của 7 cây cổ thụ này. Và khi chúng ta hiểu được 7 cây cổ thụ ta sẽ hiểu được từng cái lá trong 7 cây cổ thụ đó.

Bước tiếp theo là mình sẽ cùng phân tích tìm lại nguyên nhân gốc rễ của nỗi sợ. Tại sao mình mang nỗi sợ này? Mình phải học bài học gì thông qua nỗi sợ này? Rồi nhận ra điểm tích cực và hạn của nỗi sợ. Điểm tích cực thì giữ lại, điểm hạn chế thì mình tìm cách chuyện hoá. Tất cả những điều này chúng ta sẽ được học trong Workshop 1 – Hiểu về chính mình.

Quá trình giải phóng nỗi sợ diễn ra trong bao lâu, theo chị?

NTL Phạm Phương Thanh: Sẽ không có chuyện tất cả nỗi sợ sẽ biến mất chỉ sau một đêm, cần phải có một quá trình, thậm chí là tốn kém kha khá thời gian và sức lực. Thậm chí có những nỗi sợ mình phải sống với nó suốt cả cuộc đời nhưng nếu chúng ta có sự nhận thức về nỗi sợ của mình, nó sẽ rất khác với một người để nỗi sợ hoàn toàn chi phối mọi hành vi và quyết định trong cuộc đời của họ.

Sau buổi trò chuyện với chị Thanh bên trong mình có điều gì đó rất thông suốt, mình nhận ra rằng tất cả những vần đề từ trước đến nay của mình không đến từ phía ngoài mà nó đến từ việc mình không hiểu mình và không kết nối được với chính bản thân mình. Vì vậy, Hiểu và kết nối được với chính mình sẽ là câu trả lời cho mọi vấn đề mà bạn đang đối mặt trong cuộc sống.

Mình biết ơn và cảm ơn Nhà trị liệu Phạm Phương Thanh rất nhiều về tất cả những điều mà chị đã chia sẻ.

Còn bạn thì sao? Sau khi đọc bài viết này bạn cảm thấy điều gì? Hãy chia sẻ với vườn Đom Đóm bạn nhé.

CÁCH THỨC ĐĂNG KÍ HEALING WORKSHOP 1 - HIỂU VỀ CHÍNH MÌNH:

Để chuẩn bị tham gia chương trình Workshop, bạn còn có thể tham gia 2 chương trình định hướng trước đó, bao gồm:

  • Public Talk Online - Tin vào chính mình - diễn ra từ 19:30 - 21:30 đêm 07/05/2022. Phí tham gia: người tham gia tự lựa chọn mức chi trả
  • Đêm Tự Vấn Offline - The Change - diễn ra từ 19:00 - 21:00 đêm 12/05/2022. Phí tham gia: 500.000 đồng/người
  • Link đăng ký tham gia: https://bit.ly/3OLfx4c

Chào đón bạn khi bạn đã sẵn sàng!

The Domdom Healing Garden

Khu vườn chữa lành Đom Đóm - không gian trị liệu và chăm sóc thế giới tinh thần cùng bạn!

Địa chỉ:27, đường số 3, Hiệp Bình Phước, Thủ Đức
Điện thoại:0932360164
Email:thedomdomhealinggarden@gmail.com

Follow Vườn

Bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ Đom Đóm?

Hãy để lại địa chỉ email để Đom Đóm thông báo cho bạn về các hoạt động và bài viết bổ ích nhé!