Hiểu về cơn giận (kì 2)

Tất cả chúng ta đều có thể cảm thấy tức giận ở những thời điểm khác nhau, ở những mức độ khác nhau. Cảm giác tức giận, cũng giống như mọi loại trải nghiệm khác, chỉ đơn giản là một trải nghiệm của con người.

Bạn thân mến,

Tất cả chúng ta đều có thể cảm thấy tức giận ở những thời điểm khác nhau, ở những mức độ khác nhau. Cảm giác tức giận, cũng giống như mọi loại cảm giác khác, chỉ đơn giản là một trải nghiệm của con người.

Các nghiên cứu của thuyết cảm xúc cơ bản BET đã chỉ ra rằng cảm giác tức giận nảy sinh trong các tình huống: bạn đang trải qua sự đối xử bất công; hoặc khi cảm thấy sự an toàn của bản thân bị đe doạ (sự an toàn ở đây bao hàm cả sự an toàn về thể vật lý và cảm giác an toàn về tâm lý). Điều này cho thấy rằng thực chất cảm giác tức giận của chúng ta được sinh ra từ những động cơ hết sức tích cực – đó là nhằm giúp bảo vệ chúng ta khỏi sự bất công và cảm giác không an toàn. Hiểu được điều này thực sự rất quan trọng, vì nó giúp bạn có thể có được cái nhìn đầy trắc ẩn với người bạn cảm xúc “đặc biệt” này của mình, thay vì ghét bỏ và sợ hãi nó phải không?

Chính vì vậy đôi khi trong bạn nảy sinh sự tức giận lại hoàn toàn là một trạng thái hết sức hợp lý. Không có cảm giác tức giận, chúng ta sẽ không đứng lên chống lại sự bất công hay bảo vệ sự an toàn của bản thân. Sự tức giận lúc này giống như là một hồi chuông báo động nội bộ cho chúng ta biết điều gì đó đang diễn ra không hoàn toàn đúng.

Trải nghiệm của sự tức giận có thể bắt đầu từ một trạng thái cáu kỉnh nhẹ, đến cảm xúc thất vọng, tiếp đến có thể là những cảm xúc rất không thoải mái hơn (như cảm giác buồn chán là một phiên bản nhẹ của sự tức giận ở dạng không hài lòng với những gì đang xảy ra)… cho đến khi cảm xúc tức giận được đẩy lên cao nhất trở thành cơn thịnh nộ.

Có một sự thật là cảm xúc tức giận là một cảm xúc thứ yếu. Điều đó có nghĩa là cảm xúc tức giận bao hàm một hoặc nhiều cảm xúc khác nằm ẩn bên dưới nó. Cái bạn thấy là cảm xúc tức giận nhưng bạn không biết rằng ẩn sâu bên trong sự tức giận này lại là những lớp cảm xúc gốc rễ khác hình thành nên sự tức giận. Bài viết kỳ này sẽ giải thích sự tức giận là một cảm xúc thứ cấp. Bằng cách hiểu được gốc rễ của sự tức giận - nghĩa là, tìm ra những cảm xúc chính thúc đẩy hình thành nên cảm xúc tức giận, mọi người có thể nhìn nhận rõ hơn về nguồn gốc cơn giận của mình. Đây là một bước đầu tiên quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến cơn giận.

Có một sự thật là cảm xúc tức giận là một cảm xúc thứ yếu. Điều đó có nghĩa là cảm xúc tức giận bao hàm một hoặc nhiều cảm xúc khác nằm ẩn bên dưới nó.

Bạn biết không, một trong những cảm xúc gốc rễ có thể được tìm thấy bên dưới sự tức giận đó là cảm xúc sợ hãi/lo lắng hoặc buồn bã/thất vọng, chán nản. Để tôi giải thích cho bạn biết vì sao từ cảm xúc sợ hãi và buồn bã, chúng ta lại nảy sinh nên cảm xúc tức giận ngay bây giờ.

Bạn có đồng ý với tôi có một thực tế rằng cảm thấy sợ hãi và buồn bã là cảm giác khá khó chịu đối với hầu hết mọi người. Nó làm cho bạn cảm thấy dễ bị tổn thương và đôi khi cảm giác mình không kiểm soát được tình hình. Chính vì điều này, chúng ta có xu hướng tránh những cảm giác này bằng mọi cách có thể. Và một cách rất dễ dàng để làm điều này đó là một cách vô thức, bạn cho phép những cảm xúc sợ hãi và buồn bã này chuyển sang chế độ tức giận. Bởi vì trái ngược với nỗi sợ hãi và nỗi buồn – nó khiến bạn ỉu xìu, trong trạng thái năng lượng rất thấp – thì sự tức giận ngay lập tức có thể đẩy mức năng lượng của bạn tăng vọt lên (điều này rất dễ hiểu nếu như bạn quán chiếu lại lúc bạn tức giận, có phải người bạn nóng lên và bạn cảm thấy mình hừng hực năng lượng để làm bất kể điều gì hay không?) . Và chính yếu tố này khiến bạn cảm thấy có vẻ như bạn có thể“chủ động”hơn trong tình huống sầu thảm của mình, thay vì cảm thấy dễ bị tổn thương hoặc bất lực với tình trạng của mình. Về cơ bản, sự tức giận là một phương tiện để tạo ra cảm giác tôi đang kiểm soát được tình trạng của tôi và sức mạnh khi đối mặt với sự tổn thương và sự không chắc chắn. Quả là một cơ chế thật thú vị về cách mà cơn giận của bạn được hình thành phải không nào!

Về cơ bản, sự tức giận là một phương tiện để tạo ra cảm giác tôi đang kiểm soát được tình trạng của tôi và sức mạnh khi đối mặt với sự tổn thương và sự không chắc chắn.

Hãy cho phép tôi lấy một vài ví dụ để chúng ta có thể nhìn rõ hơn về cơ chế cơn giận được hình thành với vai trò là một dạng cảm xúc thứ yếu. Khi bạn và vợ/chồng của mình nảy sinh một cuộc cãi vã căng thẳng. Bạn trở nên vô cùng tức giận vì nhiều lý do cụ thể khác nhau như: họ không về nhà đúng giờ như bạn mong muốn, họ không nhớ ngày kỉ niệm chung của hai người, họ không bắt máy cuộc gọi của bạn, họ nói dối bạn một điều gì đó...vv. Nhưng nếu bây giờ tôi đề nghị bạn thử nhìn sâu hơn vào trong cơn giận dữ đó, vượt xa hơn những lý do bạn có thể kể ra rất mạch lạc phía trên, có phải bạn nhận ra rằng có một nỗi sợ bị bỏ rơi hay cảm giác không an toàn trong mối quan hệ này ở bên dưới sự giận dữ này có phải không? Trong những trường hợp này, nó là sự kết hợp sự sợ hãi và cảm giác không an toàn có thể thúc đẩy hình thành nên cơn tức giận. Cảm giác không chắc chắn và cảm thấy vô định cũng có thể kích hoạt tạo nên sự tức giận. Tại sao? Bởi vì sự không chắc chắn sẽ chạm vào vùng “un-known”- vùng không biết của chúng ta - cái có xu hướng đáng sợ đối với hầu hết mọi người.

Hoặc bạn đã bao giờ bắt đầu một cuộc tranh cãi về lý do gì đó rất ngớ ngẩn như người bạn của bạn bị trễ mười phút hay ai đó không trả lời tin nhắn của bạn... vv? Nhưng thực chất có một vấn đề lớn hơn đằng sau nó. Nếu bạn thấy sự cáu kỉnh và tức giận của mình tăng lên nhanh chóng, hãy tự hỏi mình “ngay bây giờ tôi thực sự tức giận về điều gì?” Xác định nguồn gốc của sự thất vọng thực sự sẽ giúp bạn truyền đạt sự tức giận của mình tốt hơn, hành động mang tính xây dựng và hướng tới giải quyết.

Sự tức giận của bạn cũng có thể ẩn sâu những cảm giác khác như bối rối, bất an, tổn thương, xấu hổ ở bên dưới. Nếu bạn thường hay phản ứng với các tình huống trong cuộc sống của mình bằng sự nóng nảy hay tức giận, thì rất có thể tính khí nóng nảy của bạn là một chiếc mặt nạ che đậy cảm xúc thật bên trong bạn. Điều này đặc biệt có khả năng nếu bạn lớn lên trong một gia đình nơi mà việc bày tỏ tình cảm hay cảm xúc cá nhân bị ngăn cản mạnh mẽ hoặc không được khuyến khích. Giống như tôi quan sát có rất nhiều bậc cha mẹ dạy con cái rằng bày tỏ cảm xúc thật là một việc không tốt vì nó thể hiện bạn là người yếu đuối, uỷ mị, mềm yếu, kém cỏi; rằng người mạnh mẽ và thành công là người biết kiểm soát cảm xúc của mình trước đám đông hay trong mọi tình huống trong cuộc sống...vv. Chính những niềm tin thiếu đúng đắn và hiểu biết sai lệch về kiến thức về cảm xúc này tạo ra một loạt các niềm tin sai lệch khác trong tiềm thức của bạn khiến bạn trở nên tự hào về sự cứng rắn và kiểm soát của bản thân trước các cảm xúc của mình. Dẫn đến khi trưởng thành, bạn gặp khó khăn trong việc cảm nhận và nhận ra cảm xúc thật của mình hay bạn không cảm thấy thoải mái với những loại cảm xúc khác nhau, dần dần bạn bị ngắt kết nối với chính cảm xúc thật của mình và sự tức giận là sự lựa chọn duy nhất bạn có thể lựa chọn như một vỏ bọc để biểu đạt cảm xúc ra bên ngoài. Và điều bạn cần làm ở đây là phải liên lạc lại với cảm xúc thực sự đang diễn ra bên trong bạn, cho chúng một sự thừa nhận chân thật và dũng cảm bộc lộ nó ra.

Thương mến,

The Domdom Healing Garden

Khu vườn chữa lành Đom Đóm - không gian trị liệu và chăm sóc thế giới tinh thần cùng bạn!

Địa chỉ:27, đường số 3, Hiệp Bình Phước, Thủ Đức
Điện thoại:0932360164
Email:thedomdomhealinggarden@gmail.com

Follow Vườn

Bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ Đom Đóm?

Hãy để lại địa chỉ email để Đom Đóm thông báo cho bạn về các hoạt động và bài viết bổ ích nhé!