Hiểu về cơn giận (kì 1)

Đã bao nhiêu lần, bạn cảm thấy tức giận hay hứng chịu sự tức giận từ người khác? Ngay lúc đó, bạn cảm thấy thế nào?

Rất nhiều người trong số chúng ta sợ phải đối mặt với cảm xúc tức giận (về một ai đó, một điều gì đó, một tình huống nào đó...) của chính mình hoặc sợ phải chứng kiến hay “chịu trận” trong các tình huống mà ai đó đang thể hiện sự tức giận với bạn trong cuộc sống hàng ngày.

Trong loạt bài viết nhiều kỳ với chủ đề “Hiểu về cơn giận”, Đom Đóm xin được chia sẻ để bạn thực sự hiểu về loại cảm xúc đặc biệt này, nhằm giúp bạn có sự nhận thức đúng đắn và từ đó hiểu và có được cách thức phù hợp để làm việc với cơn giận của mình. và hơn nữa có thể thực hành giao tiếp gia tăng lòng trắc ẩn với chính mình hoặc với người khác khi bạn đang trong cảnh huống phải chứng kiến cơn giận của một người nào đó trước mặt mình.

Tại sao chúng ta sợ hãi cơn tức giận?

Có nhiều lí do để giải thích cho việc vì sao chúng ta lại trở nên sợ hãi cơn tức giận đến vậy. Một trong những lí do đó đến từ cách chúng ta được giáo dục về cảm xúc và đặc biệt là hiểu về vai trò của những cảm xúc khó trong hành trình phát triển của mỗi cá nhân. Có phải bạn đã từng được cha mẹ hoặc người lớn xung quanh mình nói rằng tức giận là xấu, tức giận sinh ra nhiều tai hoạ và những điều bất lợi cho bản thân, hoặc người hay tức giận là người khó ưa và không được yêu mến...? Rất nhiều những hiểu biết và niềm tin thiếu đúng đắn về cơn giận được cài đặt trong tư duy của bạn và thật dễ để hiểu tại sao chúng ta lại sợ phải đối mặt với cảm xúc này đến vậy.

Rất nhiều những hiểu biết và niềm tin thiếu đúng đắn về cơn giận được cài đặt trong tư duy của bạn và thật dễ để hiểu tại sao chúng ta lại sợ phải đối mặt với cảm xúc này đến vậy.

Nếu bạn để ý bạn sẽ thấy chúng ta thường có hai cơ chế phổ thông để ứng phó với cơn giận của mình.

  • Cơ chế thứ nhất là cố gắng lờ nó đi, kìm nén hay giấu nhẹm sự tức giận đang diễn ra vào sâu bên trong cơ thể của bạn. Nếu bạn duy trì cách thức này trong một khoảng thời gian đủ lâu, bạn sẽ trở nên hoặc chai lì với mọi loại cảm xúc, hoặc cuộc sống của bạn sẽ xuất hiện những cơn thịnh nộ tanh bành mà không cần một lí do đủ lớn để tạo nên cơn sóng thần cảm xúc vô cớ đó.
  • Cơ chế thứ hai là bạn chọn cách trút hết toàn bộ cảm giác tức giận này lên đối tượng, không gian đang ở xung quanh bạn lúc đó, như kiểu xả nước lũ vậy, rất nhanh và mạnh. Và nếu bạn chọn cách này, thường sau khi “xả lũ”, cơn tức giận của bạn có vẻ như vơi đi được ít nhiều nhưng ngay sau đó nó còn trở nên lớn hơn vì lúc này trong bạn lại nảy sinh thêm một cơn tức giận mới – bạn tức giận với chính cơn tức giận của mình, điển hình là hang loạt câu hỏi tự vấn: vì sao tôi lại là người luôn tức giận, tôi thật tồi tệ, tại sao tôi lại hành xử như vậy...

Nói đến đây bạn cần hiểu rằng việc giữ lại hay kìm nén cơn giận hay bất kể cảm xúc không thoải mái nào đều là một việc làm không lành mạnh cho sức khoẻ tinh thần và cả thể chất của bạn về lâu dài dù với bất cứ lý do nào. Hay ngược lại, nhiều người lại nghĩ cách trút hết cơn giận của mình lên các đối tượng bên ngoài là lành mạnh hơn, rằng sự tức giận của bạn là hợp lý hoặc bạn cần thể hiện sự giận dữ của mình để có được sự tôn trọng. Rất tiếc, cả hai cách trên đều không phải là cách thức được khuyến khích để bạn áp dụng và xử trí với cơn giận của mình vì những điều này hoàn toàn không hề giúp bạn làm hoà triệt để với cơn giận xuất phát từ bên trong bạn. Sự thực là cả hai cách này đều đang tạo ra một bức tường khiến bạn tự ngăn cách bạn với cơn giận của bạn, bạn không cho phép mình giao tiếp với cơn giận và vì thế thông điệp mà cơn giận muốn gửi đến bạn không bao giờ có cơ hội được truyền tải.

Vậy làm thế nào để tôi biết cách đối xử với cơn giận của mình một cách đúng đắn?

Từ “đúng đắn” mà người viết bài đang muốn nói ở đây có nghĩa là một cách để tốt cho cả bạn, cho cả cơn giận của bạn và cho những đối tượng xung quanh.

Điều chúng ta cần làm trước tiên là trang bị những hiểu biết đúng đắn về cơn giận. Như bao cảm xúc khác của con người, tức giận là một cảm xúc bình thường, lành mạnh, không tốt cũng không xấu.

Sở dĩ các cảm xúc được đặt tên khác nhau thực chất vì hai lí do: một là do chúng mang lại những trạng thái cảm giác khác nhau (thoải mái hay không thoải mái) trong bạn; hai là do chúng đến với những vai trò khác nhau. Giống như bất kỳ cảm xúc nào, cảm xúc đến để nhằm mục đích truyền tải một thông điệp nào đó tới bạn. Trong trường hợp cụ thể này, cơn giận đến nhằm cho bạn biết rằng bạn đang phải ở trong một tình huống gây khó chịu, bất công hoặc đe dọa đến sự an toàn (phần nhiều là về mặt tâm lý) của bạn. Bạn thấy không, cơn giận đến mang theo cho bạn một thông điệp hết sức đẹp đẽ và có ích cho bạn mà phải không? Hà cớ gì chúng ta lại ghét bỏ người bạn tốt bụng này cơ chứ?!

Điều chúng ta cần làm trước tiên là trang bị những hiểu biết đúng đắn về cơn giận. Như bao cảm xúc khác của con người, tức giận là một cảm xúc bình thường, lành mạnh, không tốt cũng không xấu.

Vì vậy, hãy nhớ rằng mục tiêu thực sự khi làm việc với cơn giận không phải là để ngăn chặn cảm giác tức giận không bao giờ xuất hiện trong cuộc đời của bạn, cũng không phải để chối bỏ, kìm nén hay lờ nó đi... mà là để mở cánh cửa trái tim bạn ra, đưa một cánh tay về phía cơn giận đang hiện hữu, tạo ra một cuộc đối thoại đầy thiện chí và nhân ái với cơn giận của mình rồi từ đó đọc ra thông điệp đằng sau cảm xúc giận dữ này và cuối cùng là học cách để cho phép nó được bộc lộ ra ngoài một cách lành mạnh mà không mất kiểm soát trong hành vi biểu đạt của mình.

Có một sự thật rằng chúng ta có nhiều khả năng để làm hoà và học hỏi từ cơn giận của mình hơn chúng ta nghĩ. Với cái nhìn sâu sắc về lý do thực sự cho sự có mặt của cơn tức giận của bạn và các công cụ để làm việc với sự tức giận này, bạn có thể học cách thể hiện cảm xúc của mình mà không làm tổn thương người khác, bạn sẽ không chỉ cảm thấy tốt hơn, bạn còn có nhiều khả năng đáp ứng nhu cầu của bạn, có khả năng xử lý xung đột trong cuộc sống và củng cố các mối quan hệ của bạn trở nên tốt đẹp và lâu bền hơn.

Ở bài viết tiếp theo Vườn Đom Đóm sẽ cùng các bạn tìm hiểu cơ chế hình thành cơn giận và khám phá những gì thực sự diễn ra đằng sau mọi cơn giận của chúng ta, hãy theo dõi và cùng đón chờ những bài viết tiếp theo bạn nhé!

Thương mến,

The Domdom Healing Garden

Khu vườn chữa lành Đom Đóm - không gian trị liệu và chăm sóc thế giới tinh thần cùng bạn!

Địa chỉ:27, đường số 3, Hiệp Bình Phước, Thủ Đức
Điện thoại:0932360164
Email:thedomdomhealinggarden@gmail.com

Follow Vườn

Bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ Đom Đóm?

Hãy để lại địa chỉ email để Đom Đóm thông báo cho bạn về các hoạt động và bài viết bổ ích nhé!