Bạn đang làm gì với những cảm xúc không thoải mái của mình?

Chúng ta không biết rằng mọi cảm xúc nếu không được đối xử đúng cách, thì đều đang tích tụ vào vô thức của ta, chờ ngày nổ tung như một dấu hiệu cảnh tỉnh: phải đối diện với cảm xúc của mình thay vì đè nén chúng. Tiếc rằng chúng ta thường phớt lờ hay không nhận ra dấu hiệu này, và vì thế làm cho cuộc sống của mình càng thêm phức tạp.

Bạn thân mến,

Con người sinh ra hầu như ai cũng đều đã, đang hoặc sẽ trải qua 06 cung bậc cảm xúc cơ bản, đó là: SỢ HÃI, HẠNH PHÚC, GIẬN DỮ, BUỒN, GHÊ TỞM, NGẠC NHIÊN.

Khi đọc những dòng này, bạn có đang cảm thấy bối rối với bất cứ cảm xúc nào trong số các cảm xúc trên không? Và trong sự bối rối này, bạn chọn cách lướt Facebook để phớt lờ những xôn xao đang diễn ra trong lòng hay phớt lờ Facebook để lắng nghe cảm xúc của chính mình vậy?

Nhiều người trong chúng ta vô tình được tập cho thói quen chối bỏ cảm xúc ngay từ khi còn nhỏ. Khi lớn lên, ta không thực sự biết cách làm việc với những cảm xúc của mình ngoài việc chối bỏ, chạy trốn khỏi chúng, dù đó là cảm xúc: sợ hãi, hạnh phúc, giận dữ, buồn, ghê tởm hay ngạc nhiên.

Chúng ta không biết rằng mọi cảm xúc nếu không được đối xử đúng cách, thì đều đang tích tụ vào vô thức của ta, chờ ngày nổ tung như một dấu hiệu cảnh tỉnh: phải đối diện với cảm xúc của mình thay vì đè nén chúng. Tiếc rằng chúng ta thường phớt lờ hay không nhận ra dấu hiệu này, và vì thế làm cho cuộc sống của mình càng thêm phức tạp.

Thông thường, để cảm thấy vui lên, con người có xu hướng đè nén hay trốn chạy khỏi những cảm xúc mà chúng ta cho là khó chịu/ tiêu cực.

Ví dụ như:

"Đầu óc căng thẳng quá, hút điếu thuốc thôi."

"Tôi cô đơn quá, giá mà có ai bầu bạn lúc này thì tốt biết mấy."

"Sao cứ thấy chán chán kiểu gì. Tìm phim gì hay hay xem nào/mở Facebook xem tí nào."

"Mình là đàn ông, khóc thì mất mặt lắm. Đàn ông không được khóc!"

Những cuộc chạy trốn bất tận. Bạn có thể thêm vào bao nhiêu tùy thích.

Chúng ta đè nén hoặc trốn chạy bởi vì ngay khi một cảm xúc khó chịu xuất hiện, lí trí của chúng ta đã được "dạy" để chối bỏ nó: hãy nhớ lại mà xem, khi một đứa trẻ khóc toáng lên, người bố hay người mẹ cảm thấy bối rối và bảo nó "Sao bỗng dưng con lại khóc toáng lên thế? Có nín đi không thì bảo! Bé ngoan ai lại khóc nhè!"

Như một lời nguyền con người phải nhận lấy từ thế hệ đi trước mình trong một vòng lặp bất tận, rất nhiều người khi lớn lên vẫn giữ thói quen chối bỏ những cảm xúc khó chịu. Không được yếu đuối, chẳng ai muốn yêu một kẻ yếu đuối cả. Buồn ư? Vui lên đi, đời đẹp mà. Tuyệt vọng? Suy nghĩ tích cực lên chứ, nhìn xem còn bao nhiêu người bất hạnh hơn mình. v.v...

Các bạn ạ,

Tôi tin rằng chạy trốn khỏi cảm xúc không thoải mái mà chúng ta đang vô hình gọi nó là những cảm xúc tiêu cực, chỉ càng làm xấu thêm tình hình thôi (phần lớn thời gian những lời khuyên như "Hãy vui lên đi / Cố mà suy nghĩ tích cực lên đi" chỉ khiến bạn càng cảm thấy khó chịu hơn, khi bạn đang buồn bã, đau đớn, tuyệt vọng,...)

Một trong những chìa khóa quan trọng để "vượt qua" một cảm xúc nào đó không nằm trong sự trốn chạy mà nằm ở sự hiện diện của toàn bộ con người bạn vào giây phút hiện tại cùng với trải nghiệm cảm xúc đó.

Nói một cách hình tượng thì: Cách tốt nhất để thoát khỏi địa ngục là đi xuyên qua nó.Tôi muốn bạn biết điều này: khi bạn trốn chạy một cảm xúc, bạn thực ra không phải đang "chạy" khỏi nó - đây chỉ là một cách nói hình tượng. Điều bạn đang thực sự làm là đè nén nó vào một vùng “không nhìn thấy” (vô thức) bên trong bạn.

Khi ai đó nói với bạn: không được buồn nữa, cố gắng vui lên đi! Và vài phút sau bạn trưng ra một gương mặt rạng rỡ, thì thực chất bạn đang đè nén nỗi buồn này vào trong vô thức của mình.

Như một dòng nước bị cản trở, những cảm xúc bị kìm nén sẽ tồn đọng lại và đến một lúc nào đó, "tức nước vỡ bờ", bạn sẽ phải chịu đựng một cơn lũ quét của tất cả những cảm xúc bị kìm nén đó.

Đó là lí do vì sao trong nhiều tình huống, người ta vô cùng sửng sốt khi thấy một người bình thường vốn hòa nhã, hiền lành bỗng đùng đùng "nổi điên lên". Nhiều vụ án mạng xảy ra với kẻ sát nhân là một người dường như chưa từng nổi giận hay gây hấn với ai.

Nếu không biết cách làm việc với cảm xúc thay vì đè nén chúng, một ngày nào đó sẽ đến lượt chúng ta bị nhấn chìm trong cơn lũ cảm xúc của chính mình (hoặc có thể nhiều người đã và đang bị cảm xúc chi phối nhưng không hoàn toàn biết về điều này)

Một trong những chìa khóa quan trọng để "vượt qua" một cảm xúc nào đó không nằm trong sự trốn chạy mà nằm ở sự hiện diện trong giây phút hiện tại cùng với trải nghiệm cảm xúc đó.

Hãy học cách quan sát và dừng lại toàn bộ lí trí đã được dạy để chối bỏ cảm xúc. Lúc đó bạn đã học được cách chấp nhận cảm xúc của chính mình.

Hãy mời gọi tất cả những cảm xúc bên trong bạn cùng hiện diện với bạn, quan sát chúng, lắng nghe chúng. Bạn không còn bỏ bê hay kìm nén chúng nữa, và vì vậy, các cảm xúc này còn rất ít cơ hội để "trốn" trong vô thức của bạn.

Càng thực hành chánh niệm/ hiện diện, bạn càng thuần thục thao tác lôi cảm xúc của mình ra phơi dưới ánh sáng của sự tự nhận thức. Bạn sẽ không còn là nô lệ của những cảm xúc đó nữa.

Mọi điều tuyệt vời - trí tuệ, sức mạnh, tình yêu, nguồn cảm hứng, sự bình an,… - đều nằm trong mỗi chúng ta! Hãy hướng vào bên trong, hãy làm việc với mọi cảm xúc và suy nghĩ khởi lên bên trong bạn. Hãy kiên nhẫn, vì từ sự tĩnh lặng của thế giới nội tại, bạn sẽ nghe thấy câu trả lời.

Cảm xúc là người bạn, là đồng minh, là sứ giả truyền thông điệp đến chúng ta. Liệu chúng ta có nên từ chối bạn bè, đồng minh của mình trong cuộc sống không? Trong bài viết tiếp theo, tôi sẽ chia sẻ cùng bạn về chức năng của những cảm xúc này, chúng được sử dụng để làm gì và tại sao nên lắng nghe chúng.

Thương mến!

The Domdom Healing Garden

Khu vườn chữa lành Đom Đóm - không gian trị liệu và chăm sóc thế giới tinh thần cùng bạn!

Địa chỉ:27, đường số 3, Hiệp Bình Phước, Thủ Đức
Điện thoại:0932360164
Email:thedomdomhealinggarden@gmail.com

Follow Vườn

Bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ Đom Đóm?

Hãy để lại địa chỉ email để Đom Đóm thông báo cho bạn về các hoạt động và bài viết bổ ích nhé!