Hành trình trưởng thành - Phần 2 (mô thức trì hoãn)

Tôi muốn bắt đầu phần 2 – mô thức trì hoãn này từ góc nhìn dưới việc quan sát tâm trí của chính mình. Và để quan sát được tiến trình tâm của mình, tôi mời gọi bạn hãy đưa mình vào một bối cảnh cụ thể mà bạn đã và đang trì hoãn một vấn đề nào đó.

Tôi tin rằng, tất cả chúng ta đều có mô thức trì hoãn trong những bối cảnh nhất định, và chúng ta cũng có đủ khả năng để nhìn thấy những bất lợi và hậu quả mà trì hoãn đem lại.

Vậy vì sao chúng ta chưa thể phá vỡ được mô thức trì hoãn này?

Có lẽ có vô vàn những tips, phương pháp để bạn có thể thực hành theo với mong muốn phá vỡ mô thức trì hoãn này của mình. Nhưng nó có hiệu quả?

Để giải quyết được một vấn đề hay giải phóng một mô thức lặp đi lặp lại, điều tiên quyết chúng ta cần phải nhìn ra được nguyên nhân gốc rễ ẩn sau mô thức đó!

Vậy nguyên nhân của việc bạn đang trì hoãn một vấn đề gì đó xuất phát từ đâu?

- Vì bạn không thích làm việc đó?

- Vậy điều gì khiến bạn không thích làm việc đó?

- Vì nó làm bạn mất nhiều thời gian, vì bạn không có kinh nghiệm trong việc này, vì nó quá phiền phức, vì nó khiến bạn cảm thấy khó chịu…

Hàng loạt những lí do để bạn có thể nói rằng bạn không thích một việc, tưởng chừng như chính đáng, nhưng ẩn đằng sau đó là 1 lí do lớn mà nó chi phối và “đẻ” ra được hàng loạt lí do để biện mình cho sự trì hoãn của mình. Và cái lí do chính yếu, căn cốt nhất đó chính là NỖI SỢ ĐỐI DIỆN VỚI CẢM GIÁC KHÓ CHỊU!

Một người có khả năng vượt khó lớn, thì khả năng trì hoãn của họ sẽ ít hơn với những người có khả năng vượt khó kém.

Thử bắt đầu bằng một sự quan sát của bản thân tôi:

Tôi có một thói quen là mỗi khi mở máy tính lên, tôi sẽ ngồi lướt một vòng những công việc cần làm trong ngày và sắp xếp chúng để hoàn tất. Mọi thứ tưởng chừng lập trình rất khoa học và trình tự, nhưng cho đến một ngày, tôi phát hiện ra một mô thức của mình, đó là luôn ưu tiên những việc dễ, đơn giản nhất lên đầu, những việc mà tôi cảm thấy khó, tôi sẽ để xuống cuối cùng và luôn chờ gần đến deadline tôi mới bắt tay vào để xử lý nó, có khi là dời sang vài ngày hôm sau. Và việc trì hoãn công việc khó đó khiến tôi luôn nghĩ về nó để tìm cách xem làm như nào, sắp hết hạn chưa, và tôi cũng chẳng thể thoải mái thực sự để hiện diện với hiện tại của mình, bởi bên trong tâm trí tôi vẫn có một việc chưa hoàn thành xong…, nhưng hễ động vào để chuẩn bị xử lý thì tôi lại cảm thấy bức bối, khó chịu, không muốn tập trung… và rồi, tôi tìm những việc đơn giản khác hơn để làm, hay rơi vào những chứng nghiện nào đó để chạy trốn những cảm xúc khó chịu ở thực tại: lướt điện thoại, nghe nhạc, facebook, xem phim, đọc truyện, shopping, chơi game, ăn uống,.., hoặc đôi khi là vô thức tự tạo ra một việc đơn giản, dễ chịu nào đó để cảm thấy không tội lỗi bên trong chính mình… Rất dễ hiểu khi chúng ta muốn trốn chạy những khó khăn ở thực tại, thì việc rơi vào trạng thái nghiện ngập một thứ gì đó là điều dễ hiểu. Nghiện bản chất là tạo ra 1 thế giới ảo để chạy trốn những cảm giác khó chịu trên thân và tâm MỘT CÁCH TẠM THỜI. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không thể chạy trốn mãi vào thế giới nghiện ngập đó được, đến một thời điểm khi chúng ta rời cái cảm giác nghiện ngập đó, thì chúng ta sẽ phải tiếp tục đối diện với thực tại của chính mình, thậm chí mức độ khó chịu và bế tắc còn tăng lên cao hơn trước… Chỉ cho đến khi bạn thực sự chấp nhận và đối diện với thực tại một cách trưởng thành, thì chúng ta mới có thể cắt đứt được vòng lặp nghiện ngập này của bản thân, từ đó có những lựa chọn, quyết định sáng suốt cho mình.

Việc đó được lặp đi lặp lại khá nhiều trong bối cảnh công việc của tôi, và tôi đã quan sát thấy mô thức đó xuất phát từ việc khả năng để đối diện với những sự khó chịu, khó khăn, thử thách trong công việc của tôi không cao. Và bạn biết không, ngay tại thời điểm tôi nhìn ra được cái nguyên nhân sâu rễ của mô thức này, tôi đã chủ động lựa chọn để thay đổi nó, bằng cách cho mình một tâm thế sẵn sàng để đối diện với những sự khó chịu bên trong mình. Tôi hiểu hơn về sự khó chịu bên trong mình và không nuông chiều nó để chạy trốn đi tìm kiếm sự thoải mái khác để lấp liếm, và rồi, những chứng nghiện của tôi cũng từ đó mà giảm một cách đáng kể.

CHẤP NHẬN CẢM GIÁC KHÓ CHỊU...

Trong thế giới hiện đại, chúng ta mong đợi sự thoải mái, dễ chịu và lẩn trốn những khó khăn, nỗi đau. Tuy nhiên, tôi nhận ra chính sự thoải mái giả tạm này là cái bẫy, ngăn cản khả năng phát triển và học hỏi của mỗi người. Và chính sự thoải mái giả tạm đó khiến cho con người cảm thấy cuộc sống trở nên tẻ nhạt và nhàm chán, dần dần trở thành sự trống rỗng trong tâm hồn. Sự khác biệt giữa một người trưởng thành và một đứa trẻ chính là khả năng chịu đựng những khó khăn. Trẻ con thì sẽ luôn tìm cách thoả mãn ngay các nhu cầu khiến nó được dễ chịu, thoải mái (đói thì sẽ khóc cho đến khi nào được ăn thì thôi, muốn đồ chơi sẽ muốn có cho bằng được…), nhưng một người trưởng thành, là người mà có khả năng quan sát được những ham muốn của bản thân (phần lớn đến từ cái tôi thấp) để từ đó thực sự hiểu về những nhu cầu thực sự của bản thân, và chăm sóc chúng một cách lành mạnh nhất, chứ không phải là sự phụ thuộc, nuông chiều, dễ vui vào các ham muốn do cái tôi vẽ ra. Vì vậy chúng ta phải thực sự thành thật với chính mình để phân biệt và nhìn nhận ra điều này để từ đó không trở thành một người phụ thuộc vào những ham muốn của mình (hay có thể hiểu rằng, không để những mong muốn bên trong chi phối, kiểm soát cuộc đời của chính mình).

Bản chất của mỗi người trong chúng ta là sự tiến hóa, phát triển và đi tới sự trưởng thành thực thụ trong nội tâm. Và chỉ có những sự khó khăn, khó chịu mới có thể giúp bạn vượt qua được những giới hạn hạn hẹp bên trong mình, và rồi từ việc bạn bước ra khỏi sự giới hạn hạn hẹp đó thì bạn đã đang đi trên hành trình trưởng thành thực thụ của chính mình. Sự trưởng thành để cảm nhận được sự tự do thực sự bên trong tâm hồn mình! Việc đưa những khó khăn, khó chịu nhỏ nhặt vào trong cuộc sống, hay chính xác hơn là việc chấp nhận đối diện với những khó khăn và những khó chịu đó là một cách để củng cố tính thần, xây dựng khả năng phục hồi và sẵn sàng cho những thử thách không tránh khỏi trong cuộc sống. Chúng ta không thể kỳ vọng rằng cuộc đời này luôn may mắn, tốt đẹp theo mong muốn của mình được, bởi chính mong cầu đó, lại là cái khiến cho chúng ta rời xa, trốn chạy thực tại cuộc sống. Chỉ có cách chấp nhận thực tại, dũng cảm đối diện với những khó khăn, thử thách, khó chịu trong chính đời sống của mình, chúng ta mới có thể bước tới con đường của một người trưởng thành thực thụ, và rồi từ đó chúng ta sẽ có thể tự do trong chính cuộc đời của chính mình và người khác!

Cầu chúc bạn luôn tỉnh thức để nhận diện những mô thức trì hoãn của chính mình trong mọi bối cảnh, và đủ dũng cảm, kiên định để sẵn sàng chấp nhận, đối diện với những khó khăn bên trong mình, bạn nhé!

The Domdom Healing Garden

Khu vườn chữa lành Đom Đóm - không gian trị liệu và chăm sóc thế giới tinh thần cùng bạn!

Địa chỉ:27, đường số 3, Hiệp Bình Phước, Thủ Đức
Điện thoại:0932360164
Email:thedomdomhealinggarden@gmail.com

Follow Vườn

Bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ Đom Đóm?

Hãy để lại địa chỉ email để Đom Đóm thông báo cho bạn về các hoạt động và bài viết bổ ích nhé!