#06 | Ký sự soi rọi nội tâm - Ánh nhìn về giá trị bản thân

Chúng ta thường lớn lên cùng những tổn thương mà chính mình không nhận ra. Chúng âm thầm chảy ngược vào tiềm thức, ảnh hưởng đến cách ta yêu thương, kết nối và thể hiện bản thân trong thế giới này. Có những nỗi đau đến từ bạo lực thể chất, đến từ ánh mắt, lời nói, hoặc một hành động nhỏ nhưng lặp đi lặp lại – đủ để khắc thành niềm tin sai lệch rằng "Mình không xứng đáng."


Tôi từng nghĩ mình là một đứa trẻ nhút nhát. Nhưng không phải, tôi đã từng rất sôi nổi, yêu đời và đôi khi là dư năng lượng cho những trò chơi thông trưa cùng lũ bạn trong xóm, một đứa trẻ tự tin la hét chơi đùa cùng đám bạn, một đứa trẻ thông minh, lanh lợi để phản biện với đám bạn của nó... Mãi đến một ngày, tôi bị kéo ra khỏi vùng an toàn ấy – không phải bởi một biến cố to lớn, mà là chuỗi những vết cắt nhỏ, lặp đi lặp lại, khắc sâu vào ký ức non nớt.


Tôi vẫn nhớ rõ cái ngày mùa đông năm lớp 3. Trời lạnh buốt. Tôi được gọi lên bảng làm bài tập. Và thật trớ trêu sao tôi học mãi mà vẫn không thể nhớ được công thức của bài toán đó. Tôi vẫn làm sai mặc cho cô vẫn đứng bên cạnh quát tháo. Trước ánh mắt tò mò, chú tâm của đám học sinh ngồi bên dưới, bàn tay cô vung xuống. Đau. Nhưng không đau bằng cảm giác bị phơi bày, bị lột trần lòng tự trọng bé nhỏ của một đứa trẻ đang cố gắng hiểu thế nào là "sai". Cái cảm giác tôi muốn được chui xuống 1 cái hố thật sâu để không ai có thể nhìn thấy tôi ở thời điểm đó. Cảm giác đau của cái tát trên má không nhằm nhò gì với cái cảm giác đau vì xấu hổ mà tôi phải đối diện với hơn 30 đứa bạn đang ngồi bên dưới để chứng kiến. Tôi đau mà không dám khóc, tôi cúi gầm mặt xuống với hi vọng đừng ai nhìn thấy tôi, rồi lững thững đi về chỗ ngồi của mình.


Cả đoạn đường tan học về nhà, tôi đã dùng khăn để che má của mình lại với hi vọng không có thêm bất kỳ ai có thể nhìn thấy cái “vết xước” đó. Cái vết hằn trên má như một minh chứng cho việc “tôi chính xác là đứa trẻ tội đồ, đứa trẻ xấu xí và ngu dốt”. Đó là sự trừng phạt mà tôi phải chịu… Từ một đứa trẻ tự tin, yêu đời, sôi động… chỉ sau đó vài giờ, nó bông biến thành một đứa trẻ trầm mặc, lo sợ, đầy rẫy những tiêu cực, phát xét bên trong mình. Ánh nhìn của cô bé đó về chính mình đã thay đổi từ giây phút đó…


Suốt những năm tháng sau này, tôi luôn muốn nép mình vào góc tường, hoặc nơi ít ai chú ý. Tôi học được rằng, nếu mình lặng lẽ, nếu không gây chú ý, thì sẽ không bị tổn thương.


Khi trưởng thành, tôi vẫn mang theo cơ chế ấy như một bản năng sinh tồn. Mỗi khi cần phải tham dự các sự kiện đông người, hoặc phải gặp những người lạ, tim tôi đập nhanh bất thường, căng thẳng, tay lạnh, và đặc biệt... da tôi nổi mụn một cách bất thường trước một ngày khi sự kiện diễn ra. Rất lạ, chỉ trước những dịp như vậy thì da tôi mới nổi mụn nhiều và nặng như vậy. Mỗi lần nhìn gương, tôi lại nghe tiếng thì thầm bên trong: "Mình xấu xí, mình không nên xuất hiện". Tôi hiểu rằng, da tôi đang cố "ngụy trang", như thể mời gọi việc tôi tự cảm thấy bản thân mình thật tệ!


Càng đào sâu, tôi càng nhận ra những cơ chế vô thức mà tôi dùng để bảo vệ mình. Có những lần, trước khi ai đó kịp chê bai tôi, tôi đã tự chế giễu chính mình: "Tôi dở lắm, cái này tôi làm chắc hỏng." Hoặc tôi sẽ làm những hành động rất kì quặc, xấu xí trước mặt người khác, như một cách "hạ mình trước" để khỏi bị tổn thương.


Cho đến một ngày, tôi tìm hiểu về cơ chế tự vệ tâm lý, tôi hiểu ra tôi đang tự tạo ra 1 rào chắn để bảo vệ cái tổn thương của mình. Tôi nhận diện và quan sát những suy nghĩ, hành động của bản thân trong đời sống hàng ngày và quả thực, có những hành động, suy nghĩ diễn ra hoàn toàn một cách vô thức mà tôi không ý thức được về nó. Bằng cách ngồi xuống với chính mình, tôi tự vấn và đặt câu hỏi cho chính mình, thành thật với chính mình một cách tuyệt đối. Tôi biết, tôi đang hành xử dưới sự sợ hãi, run rẩy của cô bé năm lớp 3.


Tôi đã tìm lại được một em bé của chính mình, em bé mùa đông năm lớp 3 ấy! Thương em vô cùng. Tôi sẽ sưởi ấm cho đôi tay lạnh cóng đó, vuốt má em thật âu yếm, ôm em vào lòng và nói với em rằng: Dù em có ra sao, chị vẫn luôn ở đây, yêu thương em
Tôi tập dần đứng giữa đám đông, dù lòng bàn tay vẫn ướt mồ hôi. Tôi học cách trân trọng mình ngay cả khi thấy mình chưa đủ tốt, tôi không tự giễu mình cũng như tự làm đau bản thân…


Giờ đây, mỗi khi soi gương, tôi không chỉ nhìn thấy mụn, nỗi sợ hay những lớp phòng vệ. Tôi thấy một con người đang học cách yêu lại chính mình – đầy thương tích nhưng can đảm. Và tôi biết, chỉ khi ta dám nhìn vào bóng tối, ta mới thực sự thấy ánh sáng.


Chữa lành không phải là xóa bỏ quá khứ, mà là hiểu được tại sao những phần quá khứ ấy lại hiện diện trong hành vi, cảm xúc hôm nay. Mỗi tổn thương, nếu ta đủ dũng cảm nhìn vào, đều là cơ hội để ta trở về với chính mình – chân thật và toàn vẹn hơn.


Nếu bạn từng cảm thấy mình nhỏ bé, sợ hãi, hoặc không đủ tốt – hãy biết rằng bạn không cô đơn. Phần bóng tối bên trong bạn không phải là thứ cần xua đuổi, mà là phần đang chờ được bạn yêu thương, ôm ấp và thấu hiểu.
Ánh sáng không nằm ngoài kia. Nó bắt đầu từ chính nơi tối tăm nhất mà bạn dám bước vào!


Cảm ơn bạn,
P.M.A

The Domdom Healing Garden

Khu vườn chữa lành Đom Đóm - không gian trị liệu và chăm sóc thế giới tinh thần cùng bạn!

Địa chỉ:27, đường số 3, Hiệp Bình Phước, Thủ Đức
Điện thoại:0932360164
Email:thedomdomhealinggarden@gmail.com

Follow Vườn

Bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ Đom Đóm?

Hãy để lại địa chỉ email để Đom Đóm thông báo cho bạn về các hoạt động và bài viết bổ ích nhé!