#04 | Ký sự soi rọi nội tâm - Nỗi sợ nghèo đói và câu hỏi về sự tự do trong thời bình

Tôi có một người bạn thân, nó lớn lên trong một gia đình không nghèo, thậm chí là đủ đầy theo chuẩn mực của nhiều người. Nhưng suốt thời thơ ấu và đến cả hiện tại, nó luôn chia sẻ với tôi về trạng thái lo âu thường trực về tiền bạc, về sự thiếu thốn, về một ngày nào đó “mọi thứ có thể sẽ không còn”.
Mỗi khi đi siêu thị, nó sẽ lựa chọn món đồ rẻ nhất, dù món đồ đắt hơn lại tốt và bền hơn và điều đáng nói là với mức thu nhập về tài chính hiện tại của nó, nó có thể thoải mái để lựa chọn những món đồ tốt hơn như thế để sử dụng. Dù chỉ có ngoài 30 tuổi, nhưng nó có những thói quen như của các bà già: giữ lại những bao nilon, hộp nhựa, túi giấy – “biết đâu sau này cần dùng tới”. Với sự quan sát của tôi, thì mẹ của nó cũng như vậy, bà tích trữ những chai lọ thủy tinh cũ, quần áo cũ dù không còn mặc đến nhưng bà cứ đóng lại và cất vào kho chứ quyết không bỏ đi…
Có một nỗi sợ luôn ở đó, lặng lẽ và dai dẳng – nó sợ hết tiền, sợ một ngày nào đó không có gì trong tay. Không phải kiểu sợ khi tài khoản chỉ còn vài trăm nghìn, mà là một nỗi sợ sâu hơn, khó gọi tên: sợ thiếu, sợ khốn khó, sợ một ngày nào đó “mọi thứ biến mất”… Nếu lỡ nó mua cái gì đó tốt tốt, mắc tiền một chút cho bản thân là nó sẽ cảm thấy tội lỗi và hối hận về điều đó.
Nó từng nghĩ mình chỉ “cẩn thận với tiền bạc”. Nhưng đến một ngày, nó hỏi tôi: Vì sao mình lại luôn sống trong cảm giác không đủ – ngay cả khi rõ ràng là đã đủ?
Nó luôn phải ở trong trạng thái mâu thuẫn với chính bản thân mình về việc tại sao nó lại không thể sống thoải mái như những người khác, tại sao nó phải dành dụm, phải tiết kiệm, phải hối lỗi mỗi khi mua đồ gì giá trị cho bản thân… nhưng nó lại không thể chống trả được những mô thức ngầm đang chạy bên trong nó. Đứng trước sự lựa chọn, nó vẫn quyết định lựa chọn những thứ mà nó nghĩ là sẽ “an toàn”: tiết kiệm, tích cóp, dè chừng một cách thái quá. Nó không thể lựa chọn những hoạt động mang tính chất tận hưởng hay xứng đáng có được.
Mãi đến khi tôi đồng hành và cùng nó quay về tìm hiểu lại về lịch sử gia đình, nó mới dần hiểu được “mô thức vô hình” đã sống cùng nó suốt bao năm. Ông bà nó từng sống qua nạn đói năm 1945 – thời kỳ mà cái chết vì đói xảy ra ngay trước cửa nhà, nơi mà người ta phải ăn cả vỏ cây, rễ cỏ. Bố mẹ nó sinh ra vào những năm chiến tranh khốc liệt, nơi mỗi bữa ăn có thịt là một điều xa xỉ. Sự khốn khó không chỉ là một phần trong ký ức của họ – nó trở thành một phần trong tâm lý, trong cách sống, và truyền sang nó như một thứ "di sản tinh thần". Những ký ức đó không chỉ là chuyện cũ – nó trở thành một phần trong cách sống, trong niềm tin, và được truyền lại – âm thầm – sang thế hệ sau.
Tôi nhận ra, nỗi sợ bị nghèo đói mà nó mang theo mỗi ngày không phải là của riêng bạn của tôi. Đó là nỗi sợ của một thế hệ, của một dân tộc từng trải qua quá nhiều mất mát và đói khổ. Nó sống trong từng hành vi nhỏ nhất – từ cách nó cân đo từng đồng tiền, cách nó luôn thấy mình “chưa đủ giỏi để nghỉ ngơi”, cho tới cảm giác tội lỗi mỗi khi tiêu xài cho chính mình. Nó khiến chúng ta không thể thoát ra để trở nên tự do với cuộc sống hiện tại của chính mình. Những nỗi đau vẫn âm ỉ bên trong để điều khiển cách chúng ta nhìn và cư xử với cuộc sống hiện tại của mình.
Chúng ta đang sống trong một thời đại rất khác ông bà, cha mẹ mình. Không còn bom đạn, không còn cảnh phải nhịn đói, không còn “phiếu mua gạo” hay “tem thực phẩm”. Rất nhiều người trong chúng ta có mức sống ổn định, thậm chí là dư dả – có thể mua sắm, đi du lịch, học thêm kỹ năng mới… Nhưng nghịch lý là: vẫn rất nhiều người trong chúng ta không cảm thấy an toàn. Không cảm thấy đủ. Không cho phép bản thân sống trọn vẹn.
Tôi đã nhận ra mô thức sợ nghèo đói ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của chúng ta, và bản thân tôi cũng có điều đó – không phải bằng những điều lớn lao, mà bằng cách nó gặm nhấm từng chút một khả năng tận hưởng cuộc sống. Chúng ta đang không còn sống trong chiến tranh – nhưng tâm trí thì vẫn chưa được giải phóng. Nó là cảm giác luôn thiếu, luôn chưa đủ, luôn cần phải lo xa, luôn phải dè chừng. Và vì thế, nó khiến ta không tin vào sự đủ đầy của hiện tại, không cho phép mình tận hưởng mà không thấy có lỗi, không dám bước ra khỏi “vùng tiết kiệm” – cả trong vật chất lẫn trong tâm hồn.
30/4 – 1/5, không chỉ là ngày đất nước thống nhất, mà còn là dịp để tự ngẫm về việc, có phải chăng Giải phóng tâm hồn – đó cũng là một dạng tự do, độc lập?! Chúng ta nói về “giải phóng dân tộc” – nhưng liệu mỗi người đã thật sự giải phóng khỏi những vết hằn trong tâm trí của chính mình chưa? Chúng ta không trách ông bà, bố mẹ, cũng không giận bản thân vì đã mang theo nỗi sợ ấy. Nó từng giúp gia đình chúng ta sống sót, giúp dân tộc này vượt qua những năm tháng khốn khó. Nhưng ở một thời đại mới – có lẽ đã đến lúc chúng ta học cách sống tự do hơn, không để những tổn thương trong quá khứ chi phối và điều khiển cuộc sống hiện tại của từng cá nhân.
Tôi và bạn - chúng ta - những người trẻ, được sinh ra trong thời bình, lớn lên với đủ đầy hơn cha mẹ và ông bà mình từng có — đang mang trên vai một trách nhiệm đặc biệt: giải phóng tâm trí khỏi những mô thức cũ để chữa lành cho cả dòng tộc và quốc gia của mình! Sự chữa lành không nằm ở việc phủ nhận quá khứ — mà là nhìn lại nó với sự biết ơn, và rồi lựa chọn một cách sống mới - một cách sống mà ở đó, ta không cần phải gồng mình để cảm thấy “đủ”.
Và có lẽ, chính khoảnh khắc bạn dám cho phép mình thở nhẹ một cái, ăn ngon một bữa, sống hết lòng một ngày, là lúc bạn đang chữa lành cho những nỗi đau không lời mà bao đời trước từng mang…
Cảm ơn bạn!


Tháng 7/2024 | Chuỗi chương trình phục vụ cộng đồng thường niên
Bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ Đom Đóm?
Hãy để lại địa chỉ email để Đom Đóm thông báo cho bạn về các hoạt động và bài viết bổ ích nhé!
Bài viết liên quan

#05 | Con đường chuyển hóa bóng tối - Giả kim thuật nội tâm, khi ta chủ động dạo chơi cùng bóng tối

#04 | Con đường chuyển hóa bóng tối - Pha màu bóng tối, vẽ lại chính mình
