#02 | Ký sự soi rọi nội tâm - Sự tồn tại của tôi có xứng đáng không?!

Tôi từng nghe mẹ kể – vài lần trong đời, thoáng qua như thể chuyện cũ vô thưởng vô phạt – rằng tôi là kết quả của việc “lỡ kế hoạch”.
Bố mẹ lấy nhau năm 24 tuổi, ở cái tuổi mẹ cũng gọi là lớn tuổi ở thời đó, nên việc mong muốn có con sau khi cưới là điều rất được mong đợi sau khi bố mẹ tôi kết hôn. Nhưng phải mãi đến 4 năm sau mẹ mới mang bầu chị gái tôi. Chị tôi đến như một món quà mà Thượng đế ban tặng cho bố mẹ. Mình vẫn nhớ ánh mắt tự hào và đầy niềm vui mỗi lần bố mẹ kể về việc sinh chị: chị có đôi mắt đen, da trắng, môi đỏ, xinh nhất cái khu tập thể… Bao nhiêu sự yêu thương, chăm sóc từ bố mẹ và mọi người đã dành cho chị để bù bắp cho khoảng thời gian chờ đợi 4 năm trước đó. Bố mẹ lúc bấy giờ đang là công nhân đường sắt, mình nhớ mẹ có nói về việc đối với công nhân nhà nước, quy định sau 5 năm mới được sinh con thứ 2, nếu sinh sớm sẽ bị phạt và hạ thành tích. Và… mình “lỡ” ra đời sớm hơn 1 năm! Sau chị thì 4 năm sau mình có mặt ở thế giới này…
“Lúc đó nhà nghèo, công ty cũng có cho sinh đâu mà lỡ rồi nên phải sinh đấy chứ,” mẹ vừa gọt trái cây, vừa kể. Bố thì: “đáng lẽ chỉ sinh một đứa thôi đấy, làm gì có tiền mà đẻ nữa”. Tôi cũng cười nhưng trong lòng thì như có ai lấy đá bỏ vào, lạnh buốt.
Tôi không trách bố mẹ – ít nhất là tôi đã tự nghĩ vậy. Nhưng từ rất sớm, tôi đã tự cảm thấy được một điều: Sự hiện diện của tôi là một điều gì đó... thừa thãi, không được mong muốn. Và có lẽ cũng vì thế, tôi lớn lên trong nỗi ám ảnh phải chứng minh rằng mình xứng đáng để tồn tại.
Từ nhỏ tôi luôn thấy bản thân thua kém người khác – không cần ai nói ra. Tôi tự biết. Tôi luôn nép mình vào chỗ nào nhỏ nhất, ít được để ý nhất để không ai có thể nhìn thấy tôi, tôi luôn chọn ngồi hay đứng ở chỗ hẹp nhất như thể không gian ấy quá chật chội để chứa một người như tôi. Khi nghe ai đó khen tôi “M.A. giỏi thật đấy”, phản ứng đầu tiên của tôi luôn là: “Chắc họ đang khách sáo thôi”. Tôi nghi ngờ và không tin vào những lời khen ấy, tôi có đầy đủ những lý do được tích trữ bên trong mình để phủi bay những lời khen đó và khiến tôi cảm thấy tôi không xứng đáng như vậy. Cho đến mãi sau này, khi tôi bắt đầu dũng cảm mở cánh cửa và “đột nhập” vào căn phòng nội tâm cất trữ những thứ mà tôi nói về chính mình. Nó là những lời phán xét, chỉ trích, chê bai… và tôi hiểu tại sao trong suốt khoảng thời gian đó, tôi đã “nhạy cảm” với những lời khen như vậy. Làm sao tôi có thể tin tôi xứng đáng khi bên trong tôi có 1 căn phòng chứa đầy những thứ tệ hại mà tôi vẽ ra cho bản thân mình?
Tôi từng ghét chính mình – từ gương mặt, giọng nói cho đến những thứ nhỏ nhặt như cách tôi cười, cách tôi đi. Tôi nhìn thấy mình trong gương và lập tức chỉ ra những khuyết điểm: mắt sụp mí, răng không đều, da không trắng, dáng đi không thẳng… Tôi chưa bao giờ thấy bản thân... đủ đẹp, đủ giỏi, đủ gì cả. Tôi theo đuổi sự hoàn hảo một cách ám ảnh như thể mình có thể cứu vãn được chút ít “giá trị bản thân” cho bản thân mình, bởi tôi nghĩ tôi phải như vậy thì mới có thể bằng một phần nhỏ nào đó so với người khác. Mọi việc tôi làm – dù là nhỏ nhất – cũng phải chỉn chu đến từng chi tiết. Chỉ cần một lỗi sai, tôi sẽ ngồi tự dằn vặt cả đêm. Tôi không tha thứ cho bản thân. Tôi luôn nghĩ: “Nếu mày muốn được yêu thương, mày phải hoàn hảo. Không ai muốn giữ một người như mày nếu mày không làm được gì ra hồn cả”. Tôi có thể động viên người khác rằng hãy mắc sai lầm đi, sai lầm giúp chúng ta tốt hơn, nhưng tôi lại không cho phép tôi được mắc sai lầm. Một sai lầm nhỏ sẽ khiến tôi sụp đổ và liên tiếp chỉ trích bản thân mình!
Điều đã từng khiến cho tôi cảm thấy tệ hại nhất có lẽ là những lời chỉ trích ở bên trong tâm trí của chính mình. Sức mạnh của nó khiến tôi cảm thấy như mình bị bóp nghẹt lại, tôi không còn cảm thấy có động lực sống cuộc sống này. Tôi sống như thể lúc nào cũng phải "trả nợ" cho cuộc đời vì cái việc mình được sinh ra vậy. Có những khoảnh khắc những tiếng chỉ trích, phán xét ngập tràn trong tâm trí mà tôi không thể thoát ra khỏi nó được, tôi đã nằm nhìn trần nhà và tự hỏi: “Nếu ngày đó, bố mẹ lựa chọn khác… có lẽ tôi đã không phải luôn cố gắng và nỗ lực mệt mỏi để làm hài lòng cuộc sống đến thế này.” Tôi thấy mình không xứng đáng – với tình yêu, với sự tử tế, với sự công nhận. Người ta có thể nói tôi dễ thương, tài năng, tốt bụng nhưng tôi chẳng tin điều gì cả. Vì trong tôi luôn có một giọng nói thì thầm: “Nếu họ biết con người thật sự của mày, họ sẽ bỏ đi thôi.” Tôi đã từng sống như thể mình đang cố gắng xin lỗi vì đã được sinh ra.
Và điều đau lòng nhất là: Tôi không biết mình là ai ngoài nỗi ám ảnh phải chứng minh giá trị của bản thân. Nhưng làm sao tôi có thể chứng minh được giá trị của bản thân khi bản thân tôi luôn cảm thấy mình không có giá trị. Nó là một vòng luẩn quẩn và điều khiển tôi chạy như một con rối trong chính vở kịch cuộc đời của mình. Tôi không biết bắt đầu từ đâu để học cách tin rằng mình đáng được tồn tại, đáng được trân trọng – không cần điều kiện, không cần chứng minh. Nhưng tôi nghĩ... câu chuyện này, lúc đó chính là một bước đầu tiên trong hành trình chữa lành của tôi… Vì để chữa lành, đôi khi không cần làm gì to tát, chỉ cần dám gọi tên vết thương đã bị chôn vùi quá lâu.
Con người bị tổn thương nên họ học cách để phòng vệ, đó là bản năng giống như tổ tiên của chúng ta trú ngụ trong hang đá để tránh thú dữ và thời tiết khắc nghiệt. Ngày nay, chúng ta tổn thương thì sẽ xây dựng những lớp mặt nạ để phòng vệ, che chắn cho những tổn thương của chính mình! Những chiếc mặt nạ được tôi vun đắp đã tạo nên tôi với một hình thái khác – khác xa với bản thể chân thật của tôi – một bản thể nặng nề, co quắp đầy sợ hãi, tức giận bởi sự bất công, đau khổ bởi những trách nhiệm không tên đề lên vai… Rồi bỗng một ngày, tôi có ý tưởng về chính mình rằng: Tôi muốn được là mình mà không cần sự chấp thuận của ai, bởi chính sự có mặt của tôi ở đây đã là sự chấp thuận của bản thân mình rồi. Và giờ là lúc tôi tiếp tục học cách chấp thuận chính mình chứ không phải từ ai đó ngoài kia. Tôi thực sự khao khát được nhìn thấy bản thể chân thật của chính mình, được phá vỡ những “trách nhiệm” vô hình mà tôi tự gánh lên mình. Có lẽ để chạm được đến sự tự do trong tâm hồn, tôi phải học cách buông xuống những lớp mặt nạ phòng vệ trong vô thức không còn cần thiết này nữa!
Tôi từng nghĩ chữa lành là một điều gì đó to lớn. Là một ngày nào đó, tôi sẽ thức dậy và không còn thấy mình tệ hại nữa. Là một bước ngoặt – như trong phim – khiến mọi tổn thương biến mất. Nhưng không phải. Hóa ra, chữa lành… là một tiến trình lặng lẽ và chậm rãi. Nó bắt đầu từ một khoảnh khắc rất nhỏ – khi tôi kiệt sức vì cố gắng quá nhiều, và lần đầu tiên dám hỏi mình: “Nếu mình không cố nữa thì sao? Liệu có ai còn ở lại không?” Tôi đã tự hỏi chính mình như vậy đó và đó cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy tôi đang không phải là tôi. Một sự thương cảm trỗi dậy mạnh mẽ, cảm thấy thương chính mình và muốn làm gì đó cho chính mình. Và tôi lựa chọn dũng cảm đối mặt với nỗi sợ không có giá trị của chính mình, mỗi ngày…
Cứ thế tôi bắt đầu chăm chỉ và kiên nhẫn bước trên con đường quay vào bên trong để làm việc với những bóng tối của chính mình. Tôi không còn chạy trốn, tôi cũng không thỏa hiệp với những niềm tin sai lệch về chính mình. Hành trình này không phải là việc sẽ giúp tôi luôn luôn thấy mình đủ tốt, mà là việc tôi không còn rời bỏ chính mình mỗi khi thấy mình không đủ, không xứng đáng.
Tôi vẫn đang học cách… ở lại với chính mình! Còn bạn, bạn vẫn ở đó với chính mình chứ?
Cảm ơn bạn!


Tháng 7/2024 | Chuỗi chương trình phục vụ cộng đồng thường niên
Bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ Đom Đóm?
Hãy để lại địa chỉ email để Đom Đóm thông báo cho bạn về các hoạt động và bài viết bổ ích nhé!