Lược sử về Thôi miên nhân văn

Chúng tôi nhận thức rằng hình thức thôi miên này có hiệu quả tuyệt vời nhưng vẫn còn khá mới mẻ và lạ lẫm với người Việt Nam. Vậy nên, bài viết hôm nay Domdom chia sẻ với bạn là một bài viết chuyên đề được trích dịch từ cuốn “L'Hypnose humaniste: Changez grâce aux états de conscience augmentée (Olivier Lockert, Thôi miên nhân văn: Thay đổi nhờ trạng thái ý thức tăng cường), IFHE, 2013.” nhằm chia sẻ tới bạn kiến thức về lịch sử ngành Thôi miên nói chung và Thôi miên Nhân Văn nói riêng.

GIAI ĐOẠN 1: DẤU VẾT CỦA CHỮA BỆNH QUA LỜI NÓI

Những con người đầu tiên trên trái đất đã rất sớm có cảm giác rằng: chúng ta không chỉ được tạo ra bằng xương và thịt. Từ thời tiền sử, người ta đã tìm thấy dấu vết của nghi lễ dành riêng cho những sức mạnh thiên nhiên, những nữ thần và những vị chúa tể, và những nghi lễ mai táng trọng thể. Người ta hy vọng, thông qua những nghi lễ này, sẽ được che chở, ban cho những chuyến săn bắn thuận lợi, cho cuộc sống trên trần thế cũng như ở cõi bên kia.
Cuốn sách về cõi Chết của Ai Cập đã có tuổi đời hơn 4.000 năm, và từ thời đó, người Ai Cập đã phát triển các kỹ thuật chăm sóc tinh vi.

Liên quan đến sự trợ giúp qua lời nói, dấu vết đầu tiên được tìm thấy cách đây hơn 6.000 năm ở Mesopotamia, nơi một bản thảo hình chữ nêm của Sumer đã mô tả các phương pháp chữa bệnh đạt được thông qua các trạng thái ý thức biến đổi, cũng như ba trạng thái nhập đồng (Tiếng Anh: trance, Tiếng Pháp: transe) sau này được phát hiện lại trong thế kỷ XIX với Thôi miên Cổ điển (Charcot).

Sau đó xuyên suốt nhiều thế kỷ: ở Ấn Độ, Hindu giáo/Ấn độ giáo mới ra đời đề xuất các bài tập nội hiện (Tiếng Anh: interiorisation, Tiếng Pháp: intériorisation) gần với tự thôi miên (yoga, thiền định ); ở Ai Cập, mối quan hệ giữa bộ não và tâm trí đã được nghiên cứu vào 1.500 năm trước Công nguyên. Tài liệu y khoa đồ sộ nhất của Ai Cập cổ đại, bản papyrus Ebers, mô tả 877 quy trình y tế, trong số đó có các phương pháp và ứng dụng của một dạng Thôi miên trị liệu! ... Một tấm bia Ai Cập thuộc triều đại thứ 20 (Vua Ramsès II), được khám phá bởi Musès vào năm 1972 và được lưu giữ ở Paris, đã mô tả những gì mà ngày nay chúng ta gọi là một "phiên thôi miên".

Từ các thầy cúng và tu sĩ Châu Âu đến các pháp sư và phù thủy châu Phi, thổ dân châu Mỹ, châu Úc hay người Inuit, người ta đã tìm thấy ở khắp mọi nơi những thực hành chăm sóc và nghi thức, thường mang tính tôn giáo, liên quan đến thế giới của Linh hồn (TP: Esprit, TA: Spirit) - hay của những linh hồn... Nối tiếp những thần thoại Ai Cập về Isis và Osiris, sau này được các học giả của thời Phục hưng mượn lại, những bí ẩn về Eleusis của Hy Lạp dẫn chúng ta đến Pythagore, ngày nay ông được biết đến với định lý nổi tiếng mang tên ông hơn là phép màu ông tìm ra với những con số (mà ông cho chúng là những "phần tử của linh hồn"), thứ phép màu mà theo ông, có thể giải thích những bí ẩn của cuộc sống.

Pythagore, sinh năm 570 TCN, dạy học trong các ngôi đền của Ai Cập và Phoenicia, đã truyền cảm hứng cho Plato cũng như nhà thiên văn học Kepler. Ta có thể thấy dấu ấn của ông trong khoa học hiện đại, từ vật lý lượng tử đến lý thuyết Siêu dây ... và cho đến cả Thôi miên Nhân văn!

Không lâu sau, ở Hy Lạp cổ đại, Socrates sẽ nói về terpnos logos như một phương thức đặc biệt nhằm thể hiện bản thân với những lời nói gây dễ chịu và có tác dụng đặt mọi người vào trạng thái dễ tiếp nhận và khai mở tinh thần. Là con trai của một bà đỡ, ông tự mô tả mình như một người "hộ sinh cho các linh hồn".

Plato, mặt khác, mô tả sự vận hành của thế giới trong "huyền thoại hang động" nổi tiếng của ông (trong cuốn Cộng hòa), ông lấy lại khái niệm của các triết gia tiền-Socrates về Những ý tưởng: là thế giới của Toàn thức (Conscience) và Thông tin (Information) mà hiện nay chúng ta đề cập trong vật lý lượng tử!

Cũng vẫn ở Hy Lạp cổ đại, Antiphon của Athens đã viết ngay trên mặt tiền nhà mình rằng ông có sức mạnh "chữa lành bằng lời nói", có thể nói rằng ông đã phát minh ra nghề thôi miên.

Hơn nữa, ở Rome, cũng như ở Hy Lạp, ám thị thôi miên được sử dụng trong những ngôi đền chữa bệnh, nơi các linh mục thì thầm vào tai những người bệnh nửa tỉnh nửa mê những câu nói chữa lành (đền Aesculapius).

GIAI ĐOẠN 2: NIỀM TIN VỀ CUỘC SỐNG VÀ CÁCH VẬN HÀNH TRONG TÂM LÝ HỌC

Giữa thế kỷ I và thế kỷ thứ III sau CN, xuất hiện những trang viết của cuốn Corpus Hermeticum (trong đó có bản khắc cổ Phiến đá Lục bảo (The Emerald Tablet), là nền tảng của tôn giáo bí ẩn Hermeticism, gây ảnh hưởng lên cả Thuật giả kim và Isaac Newton lẫn C.G. Jung.

Trên toàn thế giới, những niềm tin về Cuộc sống và cách nó vận hành giúp con người hiểu và cải thiện cuộc sống của mình. Mục tiêu, như ngày nay vẫn thế, là nhằm đạt được cuộc sống lành mạnh bằng cách tôn trọng quy tắc này hay quy tắc kia của Tự nhiên hoặc những mong muốn được cho là của một vị Thượng đế này hay vị Thượng đế kia.

Với khởi đầu mang tính tôn giáo, những niềm tin này dần được hợp lý hóa trong Tâm lý học với các khái niệm Vô thức, và sau đó, là Toàn thức.

Trước khi nói về Tâm lý học, ta không thể nói về các nhà trị liệu trong Lịch sử mà không nhắc đến Đấng Christ/Ki-tô, người mà di sản sẽ chi phối hầu hết truyền thống phương Tây, kiến trúc cũng như lịch của các nước phương Tây!

Song song với chủ nghĩa thần bí (TP: exotérisme, TA: exoterism) là bộ mặt bên ngoài ta được biết, còn phát triển một nhánh Cơ đốc giáo bí truyền (TP: ésotérisme chrétien, TA: christian esoterism), từ những thế kỷ đầu tiên sau CN. "Bí truyền" chỉ đơn giản có nghĩa là: "từ bên trong", mối bận tâm ở đây luôn nằm ở việc nghiên cứu ý nghĩa của cuộc sống.

Những cuộn giấy da viết về Sự Ngộ đạo (TP: gnose, TA: gnosis) của Nag Hammadi , được phát hiện vào năm 1945 ở Ai Cập, là một ví dụ của giai đoạn này. Hãy tìm đọc Phúc âm (Evangile) nổi tiếng của Thomas, cuốn sách có thể tiết lộ rất nhiều cho những ai biết cách giải mã các biểu tượng.

Thuyết tĩnh tọa (TP: hésychasme, TA: Hesychasm) nhánh thần bí thuộc chính thống giáo, là một con đường khác tiết lộ về Cơ đốc giáo bí truyền này, nơi con người nỗ lực tìm về cái trung tâm thiết yếu của mình, trái tim, để tìm "kho báu ẩn giấu" nơi thẳm sâu bên trong mình. Chúng ta đang ở năm 1000, với Simeon-nhà-Thần-học-Mới (TP:Syméon le Nouveau Théologien), và cho đến đầu thế kỷ XIV, với Grégoire Palamas.

Rồi đến thời Trung cổ, với Cuộc săn tìm Chén Thánh.
Một số người xem đây như biểu tượng của cuộc tìm kiếm một sự hòa hợp toàn diện về tinh thần, bên trong (bí truyền - esoteric) và bên ngoài (đại kết - TP: œcuménique, TA: ecunemical), như Thánh Augustine (năm 400) đã viết rằng, theo ông, những người "Gaulois khôn ngoan" nằm trong số những kẻ đã nhận ra "Đức Chúa Trời đích thực và tối thượng là tác giả của sự sáng tạo, của ánh sáng tri thức" và rằng "cũng chính điều này, mà ngày nay được gọi là Kitô hữu, đã tồn tại ở những người cổ xưa (Anciens) và chưa bao giờ ngừng tồn tại kể từ khởi thủy của loài người, cho đến khi chính Chúa Kitô đến, chúng ta mới bắt đầu gọi tôn giáo đích thực tồn tại trước đây là Kitô giáo." Vì vậy, có một thực tại duy nhất nhưng có nhiều cách để tôn vinh nó, như những gì người Sufis cũng nhắc chúng ta...

Tuy nhiên, ảnh hưởng của Chén Thánh đã biến mất, cho đến cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX nó mới thịnh hành trở lại trong âm nhạc của Wagner cũng như ở tác phẩm của CG Jung, Corbin, René Guénon ... hoặc gần đây nhất là Mật mã Da Vinci của Dan Brown!

Cuộc dò tìm ý nghĩa cuộc sống nơi loài người, trong số đó có sức khỏe, hạnh phúc và chìa khóa cho một hy vọng về sự bất diệt của linh hồn, trong thời gian này, đã đi qua những con đường của Giả kim thuật (Nicolas Flamel, 1330-1417), một môn khoa học cổ đại được cho là xuất phát từ Ai Cập - với bậc thầy khoa học và nghệ thuật, tên Toth - và tất nhiên là cũng từ Hy Lạp - với Phiến đá Lục bảo nổi tiếng của Hermes Trismegistus. Giả kim thuật tự đặt nhiệm vụ chuyển hóa trái tim con người như chuyển đổi từ kim loại chì tầm thường thành vàng. Nó cũng dựa trên truyền thống Đạo giáo của Trâu Diễn tại Trung Hoa (thế kỷ IV) và liên hệ khá chặt chẽ với Kabbalah của Do Thái.

Trong số các nhà trị liệu của thời kỳ này có Cornelius Agrippa, một bác sĩ và nhà du hành lớn người Đức (1486-1535), tác giả của quyển Triết học huyền bí (Occult Philosophy) nổi tiếng. "Huyền bí" ở đây đơn giản có nghĩa là "bị ẩn giấu"). Còn có Paracelsus (1493-1541), một bác sĩ người Thụy Sĩ đặt nền tảng cho hình thức y học tự nhiên và vi lượng đồng căn trong tương lai.

Isaac Newton sẽ tìm thấy trong Giả kim thuật một phần những nền tảng cho lý thuyết hấp dẫn của ông. Có thể tin được chăng?

Điều đáng ghi nhớ là từ Ma thuật (TP: la magie, TA: magic), một cách gọi mà hiện nay mang vẻ khá đáng ngờ, đã khai sinh ra cả toán học (Pythagoras) và thiên văn học, dược và y học - những thầy thuốc hiện đại đầu tiên chỉ cần lấy lại những phát kiến của các nhà giả kim lẫn các "phù thủy" hay "ông lang nắn xương" vùng thôn dã thuở xưa và xem như đó là vốn nghề của họ...

Nhưng hãy quay trở lại cuộc hành trình qua thời gian của chúng ta: Kabbalah, văn bản thần bí của Luật Do Thái (Zohar), cũng theo đuổi cùng một mục tiêu khám phá chính mình và Sự sống. Từ những kết luận của nó, ta tìm thấy những công cụ mà ngày nay được giảng dạy trong số các phương pháp trị liệu như Cách tiếp cận Nhân vị trọng tâm (Person Centered Approach), NLP, v.v. (mà không ai ý thức được sự liên hệ nào với nguồn gốc cổ xưa này).

Giờ chúng ta đến thăm thế kỷ XII, Hồi giáo Sufi/Sufi giáo (TP: le Soufisme, TA: Sufism) đã được khai sinh và tồn tại được hơn 300 năm, phát triển chiều kích bí truyền của kinh Koran.

Với triết lý đại kết, Sufi giáo dạy rằng Chân lý có hàng nghìn khuôn mặt và Nhân loại rõ ràng là một cộng đồng duy nhất, vượt lên sự đa dạng của niềm tin. Mỗi tôn giáo phản ánh một khía cạnh của Đấng linh thiêng. Từ nhiều phương diện, Sufi giáo là truyền thống triết học gần nhất với những ý tưởng hiện đang hướng dẫn cách mà Thôi miên nhân văn thực hành trị liệu.

"Diễn văn về nhân phẩm của con người" đã tuyên bố thật to và rõ sự ra đời một thế giới mới, nơi con người, thông qua sự tự do của mình, trở nên quý giá và trở thành trung tâm” (Éric Vinson). Đây là chủ nghĩa nhân văn lịch sử mà Thôi miên Nhân văn đã xem xét lại và làm mới hơn trong triết lý vận hành của mình!

GIAI ĐOẠN 3: CHẶNG ĐƯỜNG LÀM MỚI TRIẾT LÝ VẬN HÀNH CỦA THÔI MIÊN NHÂN VĂN

Một số người thấy trong đó một khuynh hướng duy vật, tập trung vào con người, là đối cực của tất cả những niềm tin tôn giáo. Nhưng không chính xác là như vậy.

Những đại diện chính của Chủ nghĩa Nhân văn gồm Ficino, một linh mục, người đã phát triển một bước nhảy vọt tinh thần lan rộng khắp châu Âu; Lefèvre d'Étaples, nhà thần học và dịch giả Kinh Thánh; Erasmus, một tinh thần độc lập và thích châm biếm, đã tìm cách hòa giải giữa Công giáo và những cải cách bằng các công trình của ông về Tân Ước và cuối cùng - và đặc biệt là Pic de la Mirandole trẻ tuổi, một "học giả vĩ đại, cha đẻ của Kabbalah Kitô giáo, đặc trưng bởi thuyết bí truyền vừa Kitô giáo lại vừa phổ quát, nơi hội tụ những truyền thống bí mật của nhân loại; Pic de la Mirándole diễn giải chi tiết các tiêu chí thiết yếu của bất cứ thuyết bí truyền đích thực nào, đó là: nguồn gốc thiêng liêng của truyền thống, học thuyết siêu hình, tính biểu tượng, tính phổ quát và tính tương thích của nó với những truyền thống của các nền văn hóa khác, tính không thể tách rời giữa thuyết bí truyền với sự trao truyền từ thầy sang trò. "Diễn văn về nhân phẩm của con người" (1486) của ông là một hiến chương đích thực của chủ nghĩa nhân văn, đã tuyên bố thật to và rõ sự ra đời một thế giới mới, nơi con người, thông qua sự tự do của mình, trở nên quý giá và trở thành trung tâm.” (Éric Vinson)

Đây là chủ nghĩa nhân văn lịch sử mà Thôi miên Nhân văn đã xem xét lại và làm mới hơn trong triết lý vận hành của mình!

Hãy làm một cú nhảy thời gian và tới Châu Âu, vào năm 1766, với Tiến sĩ Franz Anton Mesmer, đệ tử tâm linh của bác sĩ Paracelsus, cũng là nhà giả kim thuật người Thụy Sĩ. Mesmer trở thành nhà tâm lý trị liệu đầu tiên của thời hiện đại (thực hiện chăm sóc bằng tinh thần) với khái niệm "Từ tính Động vật".

Đây là những bước đầu tiên của điều sẽ trở thành Thôi miên, rồi Tâm lý học, và cuối cùng, Thôi miên nhân văn.


Vì vậy, bất chấp những kẻ gièm pha, việc thực hành chữa bệnh bằng từ tính của Mesmer là một công cụ trị liệu tiên tiến nhất của thời đại đó và đã thịnh hành ở tất cả các vương quốc phương Tây. Và vào năm 1841, nhà phẫu thuật người Scotland James Braid đặt cơ sở khoa học về kỹ thuật mà ông sẽ đặt tên là: "Thôi miên". Phép màu của từ tính mở đường cho tâm lý học, hoặc thậm chí mở ra cả một cách tiếp cận khoa học. Liệu pháp này dần dần sẽ trở thành một sự hợp tác giữa bệnh nhân và nhà trị liệu.
Nhưng trước khi đi đến kết quả này, vẫn còn một chặng đường dài phải đi…

Nửa thế kỷ sẽ trôi qua trước khi giáo sư y học Hippolyte Bernheim lấy lại thuật ngữ "tâm lý trị liệu” (TP: psychothérapeutique, TA: psychotherapeutic), được nghĩ ra vào năm 1872 bởi Daniel Hack Tuke, một bác sĩ người Anh.

Cụm từ mới này bao hàm bất kỳ chăm sóc y tế nào mà có cho thấy tác động của tâm trí lên cơ thể. Liébault và Giáo sư Bernheim phổ biến việc sử dụng thuật ngữ này và đưa ra tên gọi "tâm lý trị liệu" (TP: psychothérapie, TA: psychotherapy), để nói về phương pháp điều trị dựa trên ám thị thôi miên. Chúng ta đang ở năm 1891. Thôi miên được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là trong y học, nơi hàng ngàn cuộc giảm đau đã được thực hiện dưới hình thức thôi miên trên toàn thế giới.

Đó là nhờ (hay là bởi) việc sử dụng rộng rãi của thôi miên, dưới mọi hình thức, mà các nhà nghiên cứu hàng đầu của thời đại, chứ không phải những người hạng trung, đã chỉ ra những sự kiện vượt khả năng giải thích của khoa học vật chất ... Đây là những dấu hiệu đầu tiên của một thứ Toàn thức bất định xứ (TP: non-local).

Hiệp hội Nghiên cứu Tâm linh (Society for Psychical Researches) được thành lập tại London. Cơ sở này, do Giáo sư Sidkwicg thuộc Đại học Cambridge chủ trì, tập hợp các nhà khoa học hàng đầu và nhiều thành viên của Hội Hoàng gia Luân Đôn, như nhà hóa học và vật lý Sir William Crookes: nhiều nhân vật đã tham gia vào việc tạo ra ngành y học và khoa học của hôm nay! Những quý ông này đã nghiên cứu những điều kỳ lạ như thần giao cách cảm, ngoại hiện năng lực cảm giác (mà ngày nay ta sẽ gọi là sự mở rộng ý thức). Họ thực sự nghĩ rằng tất cả những điều này sẽ làm nên khoa học hiện đại!

Vào thời điểm đó, những ông bà đồng trình độ cao (được cho là có khả năng thấu thị, điều khiển vật từ xa (TP: télékinésie, TA: telekinesis), v.v.) được gọi là các nhà tâm lý.

Và các bạn có biết ai là đại diện của Pháp trong Hiệp hội Nghiên cứu Tâm linh này không? Những vị rất nghiêm túc 

  • Liébault và Bernheim, những bác sĩ, nhà thôi miên và tiền nhân khai lập Thôi miên y khoa.
  • Còn cả Pierre Janet (cha đẻ của Tâm lý học Lâm sàng), là nhà thôi miên trị liệu và là người đào tạo thôi miên cho Freud và Jung
  • Beauni, Giáo sư danh dự về Y học,
  • Charles Richet, đạt giải Nobel Y học
  • Triết gia Hippolyte Taine...
    Họ làm việc tại Pháp với những ngôi nhân vật xuất sắc như đại tá - bá tước Albert de Rochas, quản lý Đại học Bách khoa Pháp (École Polytechnique), Tiến sĩ Encausse, cũng như nhiều nhà nghiên cứu và giảng viên khác của những trường đại học.

    Cả cái thế giới đẹp đẽ này cùng tập hợp tại Pháp, trong Hiệp Hội Tâm lý Sinh lý học (Société de Psychologie Physiologique) của Viện Hàn lâm Pháp, do Sully-Prudhomme chủ trì. Bạn có muốn biết họ đã kết luận những gì từ nghiên cứu không, chẳng hạn với những nhân chứng về hiện tượng thần giao cách cảm?

    "Các sự kiện được nêu lên như ảo giác thần giao cách cảm là khá nhiều, và đủ thú vị, xứng đáng được chú ý và thảo luận.” Từ đó trở đi, những nghiên cứu như vậy đã được thực hiện nhiều lần trên khắp thế giới, và chúng luôn luôn có kết luận giống như thế.

    Mãi cho đến sau này, các nhà vật lý hiện đại chứng minh là tất cả chúng ta đều kết nối với nhau...

    Đối với các lĩnh vực ít người lai vãng này, Thôi miên là một công cụ khám phá kỳ diệu. Thật không may, trước khi xuất hiện Thôi miên Nhân văn, ngành Tâm lý học hàn lâm của giới đại học cứ tự giới hạn trong cái Vô thức của Freud, và cái toàn thể của Toàn thức chúng ta vẫn là một lãnh thổ chưa được khám phá.

    Các bác sĩ thôi miên trị liệu của thế kỷ XIX thực sự nghĩ rằng những hiện tượng này, trước đây được gọi là "cận tâm lý", sẽ được chính thức công nhận và sẽ là nền tảng cho Y học của tương lai.

    Nhưng Khoa học vẫn chưa sẵn sàng, và nỗi sợ hãi của con người trước những điều chưa biết đã cản trở tiến trình Lịch sử, làm trễ mất một ít thời gian.

    Thôi miên từng bị giảm tính thời thượng cùng với sự xuất hiện của những hóa chất gây mê. Pierre Janet ở Pháp đã một mình theo đuổi những nghiên cứu của mình về hiện tượng thôi miên (1919). Ông phát triển kỹ thuật thôi miên hồi quy, và cũng minh họa những hoạt động trị liệu đầu tiên có sử dụng năng lực toàn ảnh (holographic capacity) của não bộ, điều mà 80 năm sau sẽ được Thôi miên nhân văn phổ biến rộng rãi: [năng lực toàn ảnh] "là Ý tưởng về cái được thực hiện, có trước sự thực hiện.” Đây là những bước đầu tiên của Trị liệu Biểu tượng (sẽ xuất hiện năm 2001).

    Tuy nhiên, Thôi miên vẫn được sử dụng trong hai cuộc chiến tranh thế giới nhằm chăm sóc các rối loạn sau sang chấn - với thành công rất lớn.

GIAI ĐOẠN 4: THÔI MIÊN NHÂN VĂN VÀ TOÀN THỨC

Tại Hoa Kỳ, các bài báo và sách của Milton Hyland Erickson, một bác sĩ tâm thần sinh năm 1901, đã làm đảo lộn các khái niệm về Thôi miên, về Trị liệu và Hỗ trợ con người nói chung. Cách tiếp cận trường phái Erickson được khai sinh. Khía cạnh thôi miên của cách tiếp cận này được người ta đặc biệt chú ý, nó ảnh hưởng đến Richard Bandler và John Grinder, những người đồng sáng lập Lập trình Ngôn ngữ-Tư duy (NLP, 1975) và những nhà trị liệu theo trường phái sau này sẽ được gọi là Thôi miên Mới.

Nếu kỹ thuật của Erickson đã đưa Thôi miên thịnh hành trở lại, thì cách tiếp cận tương đối cũ kỹ của nó sẽ phải tiến hoá thêm để phù hợp với thời đại và tập quán mới. Ernest Rossi, cánh tay phải trung thành của Erickson, được coi là người sáng lập nhánh sẽ được gọi là Thôi miên mới thông qua hệ thống hóa những cấu trúc điều trị của thôi miên Erickson. Nhà thôi miên Daniel Araoz là người chính thức đặt tên cho Thôi miên mới vào năm 1979.

Thôi miên Mới là "cách áp dụng được làm dịu đi, làm giàu lên và được cải thiện của một số kỹ thuật thôi miên Erickson, trong một trường trị liệu rộng hơn, quan tâm đến cả chất lượng cuộc sống và phát triển cá nhân. Vào đầu những năm 1980, Alain Cayrol du nhập hình thức Thôi miên mới này vào Pháp, sau đó Tiến sĩ Jean Godin cũng sẽ du nhập phương pháp Ericksonian vào lĩnh vực y khoa và tâm thần học.

Có một điều đặc biệt chưa từng thấy: Thôi miên Mới, lần đầu tiên, đã mang tiếng nói đến cho bệnh nhân. Đó là điều mà Thôi miên nhân văn sẽ làm thăng hoa (Olivier Lockert, 2001) bằng cách cung cấp cho mọi người khả năng tự thực hiện những điều xưa nay Thôi miên vẫn làm mà không cần sự can thiệp của nhà trị liệu. Nhà trị liệu chỉ giúp người ấy bước vào trạng thái ý thức tăng cường, nhờ những hình thức dẫn vào thôi miên (TP: induction hypnotique, TA: hypnotic induction) ngược hẳn với tất cả những gì được biết cho đến nay. Các lĩnh vực ứng dụng của thôi miên chưa bao giờ rộng lớn đến vậy (khai vấn [coaching], kinh doanh, tâm lý chuyên sâu, v.v).

Như vậy, người ta có thể tự tác động lên bản thân mình, hoàn toàn độc lập, ở cấp độ cơ thể, cảm xúc và tâm lý, chỉ nhờ sự hướng dẫn của nhà trị liệu - ở đây đóng vai trò người tư vấn và người thầy.

Cái Toàn thức rất cổ xưa, vài ngàn năm tuổi, cuối cùng cũng tìm thấy vị trí của nó trong trị liệu, trong việc chăm sóc cái Vô thức.

Song song đó, các ngành khoa học vật lý và truyền thông đã chứng minh cho ta thấy rằng vai trò của Toàn thức là tối quan trọng và "tất cả đều là Thông tin"... Hình thức Trị liệu của ngày mai, vì thế, nằm ở cấp độ thông tin!

----------------------

  • Trích dẫn nguồn: L'Hypnose humaniste: Changez grâce aux états de conscience augmentée (Olivier Lockert, Thôi miên nhân văn: Thay đổi nhờ trạng thái ý thức tăng cường), IFHE, 2013
  • Chuyển ngữ: Thạc sĩ Tâm lý học Trẻ em và Thanh thiếu niên Nguyễn Vân Anh
  • Hiệu đính: Tiến sĩ/ Bác sĩ Vũ Phi Yên

The Domdom Healing Garden

Khu vườn chữa lành Đom Đóm - không gian trị liệu và chăm sóc thế giới tinh thần cùng bạn!

Địa chỉ:27, đường số 3, Hiệp Bình Phước, Thủ Đức
Điện thoại:0932360164
Email:thedomdomhealinggarden@gmail.com

Follow Vườn

Bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ Đom Đóm?

Hãy để lại địa chỉ email để Đom Đóm thông báo cho bạn về các hoạt động và bài viết bổ ích nhé!