KỲ_10 | Đồng hành cùng MEET UP | GẶP GỠ NHÀ TRỊ LIỆU

‼️ CÂU 1: LÀM SAO ĐỂ TĨNH TÂM, TÌM LẠI CẢM GIÁC AN YÊN TRONG CHÍNH MÌNH?
Chị Thanh trả lời: Tĩnh tâm có nghĩa là trạng thái tâm trí trong sự tĩnh lặng. Vậy để tâm trí có thể đạt được trạng thái tĩnh lặng thì chúng ta cần hiểu tâm trí vận hành như thế nào và cách thức vận hành của tâm trí được ảnh hưởng như thế nào. Một cách rất đơn giản, khi nhắc đến tâm trí, chúng ta sẽ thấy hai phần rất quan trọng mà chúng ta cần phải biết, đó chính là tâm trí có ý thức và tâm trí vô thức.
Tâm trí có ý thức chính là những thứ chúng ta ý thức được về chính bản thân mình. Ví dụ: Khi tôi hành động có ý thức, tôi biết được tôi đang hành động; khi tôi phát ngôn có ý thức có nghĩa là tôi biết những gì tôi đang phát ngôn; ý thức về mặt cảm xúc có nghĩa là tôi ý thức được những cảm nhận mà tôi đang cảm nhận và ý thức được về suy nghĩ có nghĩa rằng là tôi biết tôi đang nghĩ điều gì. Bạn cứ nghĩ rằng tâm trí ý thức này quyết định mọi thứ của một cá nhân nhưng thực ra nó chiếm một phần rất là nhỏ. Có một cái tảng băng chìm hình thành nên tâm trí của chúng ta, chiếm rất nhiều không gian và sự hiện hữu - đó chính là tâm trí vô thức. Tâm trí vô thức chính là những điều thuộc về bạn nhưng bạn không hoàn toàn ý thức được về nó. Điều này có nghĩa là nó vẫn chạy, vẫn vận hành, vẫn là một sợi dây quản lý cách bạn nói, cách bạn cảm, cách bạn hành động và cách bạn suy nghĩ, nhưng bạn hoàn toàn không ý thức được nó. Ý thức về phần tâm trí vô thức này mới là một phần rất quan trọng mà chúng ta cần ngày một hiểu biết về nó nhiều hơn.
Như Carl Jung - nhà phân tâm học nổi tiếng người Thụy Sĩ, đã nói rằng: “Chỉ cho đến khi chúng ta càng ngày càng ý thức được về những gì đang vận hành trong vô thức của chúng ta thì lúc đấy cuộc đời của chúng ta mới trở nên thay đổi”. Vậy thì công việc đưa những phần vô thức trở nên có ý thức là một công việc có thể cần phải làm việc trọn đời, để chúng ta ngày càng trở nên có ý thức hơn. Trong tâm lý trị liệu, sống tỉnh thức có nghĩa là càng ngày bạn càng có khả năng ý thức về những gì nằm ở vô thức của bạn. Và tôi càng ý thức về kho tàng vô thức của tôi có nghĩa là tôi ngày càng trở nên tỉnh thức về bản thân. Tôi tỉnh thức đơn giản là tỉnh táo và ý thức được về mọi thứ, kể cả những thứ mà tôi không đang quản lý được.
Vậy để có thể trở nên tĩnh tâm, tức là làm cho tâm trí của ta trở nên tĩnh lặng thì bạn sẽ cần làm cho phần tâm trí ý thức và phần tâm trí vô thức cùng trở nên tĩnh lặng. Để làm cho phần tâm trí ý thức của chúng ta trở nên tĩnh lặng có vẻ như đơn giản hơn, bởi vì chúng ta ý thức được về điều đó và chúng ta quyết định được. Nhưng khó hơn rất nhiều, đó là làm cho phần tâm trí vô thức tĩnh lặng. Vậy làm thế nào để phần tâm trí vô thức trở nên tĩnh lặng? Một trong những kiến thức rất quan trọng trong tâm lý trị liệu mà Sigmund Freud - Ông tổ của ngành phân tâm học là người đầu tiên phát ngôn ra công chúng về khái niệm “tâm trí vô thức”. Freud đã nói rằng: “Phần vô thức chính là ngân hàng lưu trữ toàn bộ tất cả những điều mà chúng ta trải nghiệm trong cuộc đời, từ khi chúng ta ở trong bụng mẹ”. Điều đó có nghĩa là kể cả những điều mà ý thức của bạn không còn có khả năng nhớ lại thì ngân hàng vô thức này cũng đang luôn cất trữ tất cả những điều đó - những trải nghiệm vui/buồn/đau khổ/ngạc nhiên, mà hoàn toàn không có bất kể một bộ lọc nào. Sự tĩnh lặng của tâm trí vô thức phụ thuộc vào những trải nghiệm mà ta đã từng trải qua và phụ thuộc vào ngân hàng cảm xúc mà ta đã từng tích lũy trong cuộc đời của mình. Không biết là may mắn hay không may mắn khi mà loài người chúng ta sinh ra để trải nghiệm những trạng thái cảm xúc không thoải mái nhiều hơn là những trạng thái cảm xúc thoải mái. Bởi vì, dường như đấy chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của loài người, để trở nên tiến hóa hơn, thông qua việc làm việc với những trạng thái không thoải mái đó!
Chúng ta không thể tĩnh tâm nếu như chúng ta không quan tâm và chăm sóc tới tâm trí vô thức của mình. Vậy thì để tôi bình an, chắc chắn tôi sẽ cần phải ghé thăm lại những thứ đã từng khiến tôi không bình an và không tĩnh lặng - đó chính là vai trò của việc chúng ta làm việc với những ký ức quá khứ. Có nhiều người vẫn nói rằng: Vì sao cần phải quay trở lại quá khứ? Vì sao cần phải đào bới những thứ đó lên? Thậm chí những thứ mà tôi không nhớ được, tôi phải hỏi cha mẹ tôi, thậm chí là cả ông bà tôi nếu ông bà tôi còn sống. Tại sao phải làm những thứ rất phức tạp, rối rắm và phiền não đến như vậy? Bởi vì tôi hiểu rằng bản thân tôi là sự cộng hòa, không chỉ của bố mẹ tôi, dòng máu bên trong tôi lúc này không chỉ là dòng máu tôi có từ bố, từ mẹ, mà từ ông, từ bà, từ cụ, từ kỵ, từ tổ tiên của tôi và thậm chí là từ rất nhiều hình thái tồn tại của loài người đi qua các thời kỳ trước đó.

💚 CÂU HỎI MỞ RỘNG:
❓ Nếu mình không đủ sức đối diện với vô thức, với những khó khăn trong vô thức. Nếu chỉ lôi lên và không biết cách làm việc với nó thì có nên lôi lên?
Chị Thanh trả lời: “Thì đừng lôi lên”. Nhưng bạn có biết rằng, kể cả bạn không muốn lôi nó lên, nó cũng tự trồi lên - đấy là cách thức hoạt động của vô thức. Vô thức - nó sẽ luôn ở đó và sẽ luôn chi phối bạn, bạn không ý thức về nó thì nó vẫn hoạt động, bạn ý thức về nó thì nó vẫn hoạt động, nên điều đó không có nghĩa rằng muốn quên là có thể quên và muốn lờ là có thể lờ. Nó không phải là cách thức hoạt động của tâm trí của bạn. Vô thức của bạn luôn luôn hiện diện ở đó và luôn có cách thức vận hành nhưng bạn luôn có sự lựa chọn. Bạn chủ động tiếp cận nó hay cứ để nó diễn ra một cách quán tính và bạn là nạn nhân? Bạn hoàn toàn có sự lựa chọn. Thực ra, cách bạn đang phản ứng hay cư xử trước một tình huống nào đấy hàng ngày, phần lớn là theo quán tính. Và quán tính chính là vô thức, chính là tâm trí vô thức của bạn đang giật dây và khiến chúng ta đang phản ứng ra bên ngoài như vậy. Vậy thì, điều đầu tiên bạn cần làm là ý thức được lúc nào bạn đang bị vô thức giật dây và tìm hiểu tại sao nó giật dây mình theo cách này mà không phải cách khác. Chắc chắn phải có một tiểu sử nào đấy để rèn luyện vô thức khiến chúng ta hành động và phản ứng theo cách như vậy. Giống như Thanh hay nói rằng: Chúng ta sẽ không thể nào kể lại một món ăn nếu như chúng ta chưa từng nếm thử. Có nghĩa rằng tất cả những cơ chế hiện tại của bạn đều đã từng được rèn luyện qua các trải nghiệm lặp đi lặp lại trong cuộc đời của bạn.


‼️ CÂU 2: LÀM SAO ĐỂ BẢN THÂN MỞ LÒNG THÀNH THẬT VỚI CHÍNH MÌNH?
Chị Thanh trả lời: Không dễ để chân thật với chính mình. Mình luôn nghĩ rằng mình hiểu mình lắm, thương mình lắm, chân thành với chính mình lắm, mình rất thật với bản thân mình, thật ra đấy là phần tâm trí ý thức của chúng ta nghĩ như vậy. Nhưng tâm trí chúng ta còn được vận hành bởi một kho tàng rất đồ sộ - tảng băng chìm rất lớn ở phía dưới, chính là tất cả những cơ chế của vô thức. Bạn đặt câu hỏi này nghĩa là bạn đã có trí tuệ, bởi vì bạn biết rằng, để thành thật với chính mình không dễ và dù tôi ý thức tôi muốn thành thật với bản thân nhưng có điều gì đó khiến tôi không thành thật được với chính mình? Ý thức được về chính mình không chỉ là việc biết những thứ mình đang biết, mà còn là biết những thứ mình không biết về chính mình. Nếu như bạn đã từng nghe Thanh nói về “tổn thương” thì bạn sẽ thấy rằng: Trong cuộc đời của chúng ta, thông qua rất nhiều trải nghiệm, từ khi chúng ta ở trong bụng mẹ cho đến bây giờ, khi chúng ta lớn lên, chúng ta mang theo rất nhiều sự kiện. Có những sự kiện rất vui và hạnh phúc, là nguồn động lực sống cho chúng ta khi ta trưởng thành và tạo ra những hệ giá trị rất lành mạnh của chúng ta. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những sự kiện khiến chúng ta cảm thấy bị đau, cảm thấy bị hắt hủi, khiến chúng ta cảm thấy không được công nhận và không được là chính mình thì những tổn thương này tạo nên những cơ chế phòng vệ ở bên trong vô thức của chúng ta. Người càng có nhiều tổn thương thì càng có nhiều cơ chế phòng vệ ở cấp độ vô thức. Và những lớp phòng vệ ở cấp độ vô thức này giống như những lớp áo giáp để bảo vệ bản thân không bị tổn thương thêm một lần nào nữa. Chính những lớp áo giáp này đã dần che đi bản chất thực sự ở bên trong bạn và khiến bạn không có khả năng công nhận chính mình và nhìn nhận bản thân như đúng bản chất thực sự của mình. Để có thể đến gần hơn tới con người chân thật của bạn, không có cách nào khác, bạn cần phải gỡ dần đi những cơ chế phòng vệ này. Thanh hay nói rằng: Để trở thành chính bản thân mình, bạn phải biết những gì không phải là chính bạn và gỡ nó đi. Để trở nên là chính bản thân tôi nhiều hơn, không có cách nào khác, bạn cần phải làm việc trên những tổn thương của mình, gỡ bỏ và hàn gắn những tổn thương này để những lớp áo giáp không cần thiết phải tồn tại và hệ thống phòng vệ được gỡ ra. Lúc đấy, bạn thấy nhẹ nhõm và nhìn thấy bản chất của mình. Câu chuyện làm việc trên những ký ức của mình, câu chuyện thay đổi những niềm tin và cảm xúc trong những khối ký ức của bạn sẽ giúp bạn ngày càng trở nên chân thật hơn với chính bản thân mình.


‼️ CÂU 3: EM CHƯA CÓ SỰ KẾT NỐI VÀ MỞ LÒNG TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI GIA ĐÌNH VÀ LUÔN CẢM THẤY KHÔNG SẴN SÀNG CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU XUNG QUANH MÌNH HAY NÓI NHỮNG LỜI YÊU THƯƠNG VỚI NGƯỜI THÂN. HẦU HẾT THỜI GIAN EM DÀNH CHO BẠN BÈ VÀ CÁC MỐI QUAN HỆ KHÁC VÌ NƠI ĐÓ EM CẢM THẤY AN TOÀN VÀ THOẢI MÁI HƠN ĐỂ ĐƯỢC LÀ CHÍNH MÌNH. BA MẸ EM KHÔNG HÒA HỢP, THƯỜNG XẢY RA MÂU THUẪN, LỚN TIẾNG, CÃI VẢ VÀ PHÁN XÉT TIÊU CỰC VÀ CÓ NHỮNG THÓI QUEN KHÔNG LÀNH MẠNH ĐỂ GIẢI TỎA NĂNG LƯỢNG. NHÀ TRỊ LIỆU CHIA SẺ GIÚP EM NHỮNG PHƯƠNG PHÁP ĐỂ EM DỄ DÀNG CHIA SẺ VÀ GẮN KẾT HƠN VỚI GIA ĐÌNH, ĐÀO SÂU NHỮNG NỖI SỢ BÊN TRONG VÀ CÁC THÀNH VIÊN ĐỂ MỌI NGƯỜI HÒA HỢP VÀ THỂ HIỆN TÌNH YÊU CHÂN THÀNH VÀ NHẸ NHÀNG HƠN?
Chị Thanh trả lời: Có rất nhiều điều cần ta làm việc để có thể là chính mình nhưng có một điều mà chúng ta không thể bỏ qua, đó chính là kết nối lại và làm việc lại với những phần đã tạo nên chính bạn, đó là cha mẹ của bạn. Làm sao để tôi được là chính tôi khi tôi chối bỏ đi nguồn gốc đã tạo ra tôi? Không có tinh cha huyết mẹ làm sao có tôi, Thanh không nói tất cả nhưng đó là những phần căn cốt nhất để tạo nên tôi. Vậy thì chúng ta đang trải nghiệm những sự rất nghịch lý trong cuộc đời, đấy là tôi cảm giác tôi được là chính tôi ở trong nơi mà tôi không được sinh ra. Thanh luôn nhắc nhở rằng: Hành trình làm việc trên bản thân, bạn sẽ không bao giờ có thể bỏ qua được câu chuyện làm việc với hai mối liên kết rất quan trọng hình thành nên bạn, đó chính là với cha bạn và với mẹ bạn.
Di truyền học người ta đã nghiên cứu được rằng trong cùng một môi trường bào thai thì có ba thế hệ đang cùng tồn tại ở đó. Bạn có biết rằng, khi bà ngoại của bạn mang bầu mẹ của bạn, vào tháng thứ 5 của thai kỳ thì một trong những trứng sẽ hình thành nên bạn sau này đã được hình thành ở bên trong bào thai mẹ bạn. Điều này có nghĩa rằng là ngay khi mẹ bạn mới chỉ là bào thai trong bụng của bà ngoại bạn thì chủng tử hình thành nên bạn đã có từ lúc đó rồi. Vậy thì những gì mà bà ngoại của bạn cảm thấy khi mang bầu mẹ bạn, những suy nghĩ mà bà có lúc đó, những trải nghiệm mà bà có lúc đó, những cảm xúc mà bà phải trải qua lúc đó, rất có khả năng bạn thấm nhuần điều đó rồi. Chính vì vậy, trong nhánh Trị liệu gia đình, bắt buộc chúng ta phải làm việc ít nhất trên ba thế hệ, ba thế hệ cùng chia sẻ trong một môi trường sinh học. Bạn cảm thấy thoải mái để chia sẻ với bạn bè và những môi trường bên ngoài gia đình, đơn giản bởi vì bạn và những người đó không mang những ký ức gốc liên đới tới nhau. Bạn chỉ thiết lập mối quan hệ với những người đó khi bạn đã trở nên trưởng thành, khi mà cấu trúc tâm lý của bạn và nền tảng tâm lý của bạn đã được định hình. Những trải nghiệm trong tuổi thơ của bạn là nơi định hình nên cấu trúc tâm lý của ta. Đấy là lý do vì sao ta có thể rất thoải mái với bạn bè nhưng khi người đó trở thành người yêu hoặc đặc biệt là trở thành chồng/vợ của ta thì khả năng kích hoạt lại rất khác nhau. Thậm chí, vẫn là một người nhưng khi là người yêu và khi là chồng thì khả năng kích hoạt nhau cũng rất khác biệt.
Phương pháp để giúp em dễ dàng chia sẻ với gia đình mình và gắn kết với mọi người một cách cốt lõi nhất và không mang tính bề mặt, đó chính là em bắt buộc phải làm việc lại với những ký ức khó khăn mà em đã có với cha mẹ mình. Em có thể nói lời tha thứ cha mẹ, nói lời yêu thương cha mẹ nhưng đó là phần tâm trí ý thức của người lớn trong em làm. Đứa trẻ bên trong em - phần tổn thương của em chưa được hắn gắn, đứa trẻ đó chưa được công nhận và chưa có cảm giác an toàn, đứa trẻ đó chưa có cảm giác được sự yêu thương, chưa được ôm, chưa được nói lời yêu thương, chưa được hỗ trợ thì dù ý thức của người lớn trong em có quyết định tha thứ cho ba mẹ, quyết định hàn gắn với ba mẹ, quyết định nói lời yêu thương với ba mẹ, hay ôm ba mẹ thì có thể em làm được một hai lần trong sự cưỡng ép, bởi vì cơ thể lúc đấy sẽ căng cứng. Cơ thể của chúng ta là nơi vô thức hoạt động một cách sống động nhất nên đó không phải là cách lâu dài. Căn cốt nhất chính là chúng ta cần phải lật lại Tiểu sử của bản thân và đi qua lại tất cả những trải nghiệm khó khăn mà đứa trẻ của ta có với cha mẹ của mình. Chúng ta đưa sự nhận thức mới của chúng ta vào đó, giáo dục và chăm sóc lại chính bản thân mình, chăm sóc đứa trẻ nội tâm và giáo dục lại em. Lúc đó những gì mà chúng ta ý thức để muốn làm và hàn gắn với cha mẹ mới đến một cách tự nhiên và bền vững được.


💚 CÂU HỎI MỞ RỘNG:
❓1/ Nếu mình không thể nói chuyện với bà ngoại vì bà đã già và lẫn thì làm sao để tìm hiểu về bản thân qua 3 thế hệ?
Chị Thanh trả lời: Khi chúng ta làm việc về trị liệu gia đình, một trong những công việc mất rất nhiều thời gian, đó chính là chúng ta phải truy xuất được lại càng nhiều càng tốt những ký ức, những tiểu sử không chỉ của mình, của cha mẹ mình, của ông bà mình, mà của cả dòng họ mình, ít nhất là ở ba thế hệ như Thanh đã nói. Và chúng ta chỉ làm tốt nhất có thể thôi. Chúng ta truy xất nhiều nhất có thể về mặt ý thức, tìm được lại những nhân chứng, những câu chuyện để có thể đưa các thông tin lên cây gia đình - Family Tree của mình và phục vụ cho quá trình làm việc của bản thân. Và có những điều rất thú vị, đấy là chúng ta không chỉ truy xuất những thông tin đó về mặt ý thức, mà chúng ta có thể làm việc với phần vô thức để vô thức của mình có thể hỗ trợ mình. Một là có thể thông qua giấc mơ, vô thức cho bạn biết những ký ức mà bạn đã từng trải qua nhưng ý thức của bạn không nhớ được nó, hai là có thể đến từ câu chuyện khi bạn đi vào trong những phiên Thôi miên và bạn ở trong những trạng thái ý thức biến đổi và những ký ức được trỗi dậy một cách rất mạnh mẽ. Luôn luôn có bất ngờ giữa Thanh và thân chủ khi vào phiên trị liệu thôi miên vì luôn được đào sâu nhiều hơn về tiểu sử của mình thông qua những sự tiết lộ của vô thức khi chúng ta ở những trạng thái ý thức tăng cường hay ý thức biến đổi. Đây là hai trong những cách mà chúng ta có thể được truy xuất bởi vô thức. Thanh cũng được biết đến trong thực hành Shamanic là thông qua việc dùng một vài thảo mộc, đơn giản về mặt hóa học, lá hoặc cây đó tiết ra hoạt chất mà chúng ta uống/ngửi/ hít thì ý thức của chúng ta biến đổi và chúng ta có thể đi vào những chiều kích tinh thần và lúc đấy những ký ức trong vô thức của chúng ta được hoạt động và được nhớ lại.


2/ Em đã cố gắng kết nối với cha mẹ trong giấc mơ hay nói với cha mẹ trước bàn thờ hay nói trong tâm trí nhưng vẫn chưa tìm lại được mình thật sự là ai vì cha mẹ mất khi lúc em còn nhỏ. Vậy thì em nên làm gì?
Chị Thanh trả lời: Hành trình để làm việc lại trên hai mối quan hệ gốc không phải là một sớm một chiều. Nhưng ít nhất chị đã có hành động. Bàn thờ, trong văn hóa của người Việt Nam nói riêng và văn hóa Châu Á nói chung, đối với Thanh, nó rất đẹp và rất thiêng liêng và thực sự nhiệm màu. Nhiệm màu khi bạn thực sự tin rằng ban thờ là nơi khi bạn đứng trước tâm của bạn hoàn toàn hướng về những điều thiện, những điều tích cực, những điều tiến về phía trước và bạn hoàn toàn cho phép mình tin tưởng rằng những gì bạn đang nói với ai đấy trước ban thờ thực sự là một sự giao tiếp ở cấp độ tinh thần sâu sắc thì nó cũng y chang như một phiên thôi miên nơi bạn ở trong trạng thái ý thức biến đổi. Chị hãy cứ tiếp tục nếu như những nghi thức đó khiến chị cảm thấy thanh thản và chị có một kênh để có thể giao tiếp với bậc sinh thành đã mất của mình thì hãy cứ tiếp tục. Và nhớ rằng hành trình để hàn gắn lại với cha mẹ gốc của mình là một hành trình rất nhiều lớp, mình cũng đang trong tiến trình tiến về nó nhưng mà không phải một sớm một chiều.


3/ Làm thế nào để gợi lại và nhớ được các ký ức quá khứ để mình có thể giải phóng nó đi, bởi vì có những thứ, thứ nhất là mình không ý thức được, thứ hai nữa là nó đã rất lâu như lúc mình còn quá nhỏ và mình không có ý thức gì cả thì bằng trí nhớ bình thường thì mình không thể nào nhớ được khi mình trong bụng mẹ?
Chị Thanh trả lời: Ta đã nhận ra một điều rằng ngoài tâm trí ý thức - chỉ chiếm 3 - 5% những gì ta có khả năng nhớ được, bởi vì tâm trí ý thức là một tâm trí ngắn hạn, chỉ có khả năng nhớ trong khoảng thời gian nhất định; còn phần lớn tất cả những trí nhớ dài hạn và vĩnh cửu nằm ở phần tâm trí vô thức của tôi - chiếm từ 95 - 97%. Và tôi rất muốn biết nhiều hơn về chính mình, thông qua việc khai thác được những ký ức đang nằm ngủ ngầm ở trong phần vô thức của tôi, để có một bức tranh lớn hơn về chính mình. Và từ đó, tôi có khả năng làm hòa với nó và khiến cho cuộc sống hiện tại và tương lai của tôi trở nên tốt hơn. Anh cũng đưa ra một quan sát là gần như những năm 2 - 3 tuổi, ta không nhớ được những ký ức, vậy làm sao nhớ được những ký ức khi còn trong bụng mẹ. Bởi vì trong ngành khoa học não bộ thì nằm trong não của chúng ta có một bộ phận là hạt hạnh nhân - chính là bộ phận lưu trữ những ký ức khi chúng ta ở trong bụng mẹ đến khi chúng ta khoảng tầm ba tuổi. Và bạn có biết rằng toàn bộ tất cả các ký ức của chúng ta từ khi chúng ta ở trong bụng mẹ cho đến khi chúng ta khoảng 3 tuổi được hạt hạnh nhân của người mẹ lưu trữ. Đấy là lý do vì sao chúng ta gần như không có khả năng để nhớ được các ký ức từ 0 tháng tuổi cho đến 36 tháng tuổi. Đấy là lý do Thanh luôn nói rằng: Những năm đầu đời của bạn, sự hạnh phúc của bạn được thể hiện trên sự hạnh phúc của người mẹ của bạn. Thanh hay hỏi nhiều về mẹ, vậy bởi vì chính những câu chuyện của mẹ và hạt hạnh nhân của mẹ là nơi cất giữ đau khổ và hạnh phúc của tôi. Thông qua việc tôi hiểu về mẹ tôi, tôi hiểu về chính những cái nền tảng tâm lý đầu đời của chính bản thân mình. Và một đứa trẻ sẽ không thể biết nó là ai nếu như nó không có những tấm gương phản chiếu trong giai đoạn đầu đời. Những tấm gương phản chiếu của một cá nhân trong giai đoạn đầu đời hết sức quan trọng trong quá trình người đó định vị được bản thân mình trong tương lai. Có rất nhiều người trải qua cảm giác lạc lối, không biết mình là ai, không bao giờ hiểu về bản thân mình, bởi vì bạn không có những tấm gương phản chiếu lành mạnh. Có những người còn không có những tấm cương phản chiếu vì bị bỏ rơi trong cô nhi viện hay sống tháng vài tháng với người vú này rồi lại chuyển sang ở nhà bà ngoại, rồi lại chuyển sang ở với người này người kia, có nghĩa là không có những người chăm sóc cố định nên không có những tấm gương phản chiếu về chính bản thân mình. Những người ở xung quanh chúng ta trong 6 năm đầu đời chính là những tấm gương phản chiếu về chính chúng ta để chúng ta nhìn vào đó và biết chúng ta là ai. Bạn có biết rằng 6 năm đầu đời của một đứa trẻ, tất cả những gì xảy ra xung quanh nó, nó đều tiếp nhận toàn bộ. Bạn nghĩ rằng những điều bí mật trong gia đình của bạn, những câu chuyện bí mật cá nhân của cha bạn, những câu chuyện bí mật cá nhân của mẹ bạn, từ khi bạn 0 tuổi đến 6 tuổi, họ không bao giờ kể cho bạn nghe, nhưng không có nghĩa là bạn không biết. “Biết” ở đây là được cảm nhận bằng linh cảm, bằng trực giác, bằng những cảm nhận “Tôi cảm giác có điều gì đó không ổn ở đây”. Việc cha ngoại tình khi bạn ba tuổi, thậm chí mẹ bạn cũng không bao giờ biết, việc mẹ của mình đã từng chết đuối hụt khi bà còn nhỏ, hay bất kể điều gì trong 6 năm đầu đời những điều mà cha mẹ bạn trải qua và không bao giờ nói với bạn, ta gọi nó là “bí mật gia đình” và bạn vẫn hoàn toàn biết nó, bạn biết ở cấp độ vô thức. Chính vì vậy, một điều khôn ngoan, đấy chính là tất cả những gì mà bạn đã trải qua khi bạn có con, bạn cần phải kể cho chúng nghe. Một tác giả khi Thanh học về Trị liệu gia đình đã nói: Tất cả những gì không được kể trong gia đình sẽ được lặp lại trong tương lai của các thế hệ kế tiếp.
Làm thế nào hiểu nhiều hơn và biết nhiều hơn về những ký ức vô thức của mình, Thanh nghĩ việc đầu tiên anh có thể làm và việc này cũng đã có rất nhiều việc để làm, chính là làm việc trên những ký ức mà anh ý thức được trước. Trong quá trình anh làm việc trên những ký ức mà anh ý thức và nhớ được thì thông qua việc thanh tẩy những ký ức này, phần vô thức của anh sẽ mở ra nhiều hơn vì nó cảm thấy an toàn để tiết lộ cho chính thân chủ của nó, rằng là người này đã đủ mạnh để có thể đối diện với những vùng ký ức mạnh hơn. Bởi vì ký ức càng mạnh thì càng bị nén sâu, đấy là cơ chế của vô thức. Ký ức càng đau đớn, nghĩ là tổn thương càng đau thì thân chủ của mình càng không nên bị trải nghiệm lại một lần nữa và nó càng nén rất sâu để bảo vệ chính mình. Khi vô thức của chúng ta hiểu được rằng nó an toàn để phun trào, an toàn để mở ra nhiều hơn và lúc này anh sẽ được hỗ trợ rất nhiều từ vô thức của anh và nhà trị liệu sẽ là người giúp anh để có thể giao tiếp được với phần vô thức của anh thông qua rất nhiều cách…


‼️CÂU HỎI 4: EM MONG MUỐN MÌNH CÓ THỂ TẬP TRUNG HỌC MỘT LĨNH VỰC CHUYÊN SÂU ĐỂ SAU NÀY CHIA SẺ VÀ LAN TỎA NHỮNG GIÁ TRỊ MÌNH HỌC ĐƯỢC CHO CỘNG ĐỒNG NHƯNG HIỆN TẠI EM CHƯA TÌM ĐƯỢC ĐIỀU MÀ EM NÊN TẬP TRUNG HỌC MÀ VẪN LOAY HOAY VÀ CHƯA CÓ SỰ KIÊN TRÌ, THẤU SUỐT, ĐÀO SÂU. NHÀ TRỊ LIỆU CÓ THỂ CHIA SẺ MỘT VÀI CÁCH ĐỂ HIỂU RÕ GIÁ TRỊ BẢN THÂN, TÌM RA ĐIỀU MÌNH MUỐN CỐNG HIẾN TRONG HÀNH TRÌNH HỌC VÀ CHUYỂN HÓA BẢN THÂN?
Chị Thanh trả lời: Để hiểu rõ những giá trị của bản thân thì việc đầu tiên em cần làm là khôi phục lại niềm tin và cảm giác rằng em có giá trị Trước khi đi tìm giá trị của mình. Em phải tin rằng em có giá trị. câu nói: “Tôi tin tôi có giá trị” không chỉ là câu nói. Ai cũng muốn tin rằng tôi có giá trị, bởi nếu tôi tin tôi có giá trị thì tôi mới có thể tạo ra giá trị cho mình và cho người khác được. Nhưng vì sao tôi không thể tạo ra giá trị cho tôi, cho gia đình của tôi, cho những người tôi muốn cống hiến? Bởi vì tôi không có niềm tin rằng tôi có giá trị. Vậy thì trước khi đi tìm tôi có giá trị gì thì bạn phải khôi phục lại niềm tin. Niềm tin rằng tôi vô giá trị, tôi không đủ tốt, tôi thừa thải, tôi không tồn tại trong cuộc đời này… tất cả những niềm tin sai lệch đó đều đến từ tổn thương. Bạn sinh ra không phải là bạn đã có những niềm tin đó. Điều gì đã khiến tôi có niềm tin rằng tôi rất vô giá trị, tôi không bao giờ đủ, tôi phải làm rất nhiều để được yêu, tôi muốn được nhìn thấy, không bao giờ tôi cảm giác tôi được “to be seen” (được nhìn thấy)? Vậy thì trước khi theo đuổi câu chuyện làm thế nào tôi có thể cống hiến và tạo ra giá trị, hãy đặt câu hỏi: Bạn đã có niềm tin rằng bạn có giá trị chưa? Self - Esteem (lòng tự trân trọng của bạn) đang ở đâu ở cấp độ nào? và khi bạn có khả năng khôi phục lại niềm tin, rằng tôi có những mặt hạn chế nhưng tôi tin là tôi có những giá trị nào đó, dù tôi chưa biết đấy là giá trị gì nhưng tôi có niềm tin rằng tôi có giá trị đó, sự tồn tại của tôi là có giá trị. Hãy kiểm tra xem bạn đã có niềm tin rằng bạn là một người có giá trị hay chưa, nếu chưa, hãy làm việc trên câu chuyện đó trước tiên. Khi đã khôi phục lại được niềm tin đó, bạn có một đôi mắt sáng rõ và nhìn thấy tôi có giá trị gì và hạn chế gì. Lúc đấy bạn sẽ hoàn toàn có thể tập trung vào những điều mà bạn coi đấy là giá trị của bạn và sử dụng những giá trị đấy để tạo ra giá trị cho người khác.


💚 CÂU HỎI MỞ RỘNG:
Những cách thức cụ thể nào hiệu quả để tự thực hành khôi phục niềm tin vào bản thân? Có phải là những bài tập viết câu tự khẳng định hay bài tập soi gương không?
Chị Thanh trả lời: Những bài tập này hoàn toàn tốt, chỉ quan trọng là chúng ta biết cách thức vận hành của những bài tập này đang tác động lên phần nào của chúng ta. Chúng ta biết rằng một niềm tin được hình thành dựa trên việc chúng ta trải nghiệm một điều gì đó ở trạng thái cảm xúc rất mạnh mẽ hoặc từ một việc gì đó được lặp đi lặp lại nhiều lần. Vậy thì niềm tin “tôi không đủ tốt” của bạn diễn ra theo cách thức nào? Nó xảy ra từ một sự kiện rất mạnh tại trường học hay tại nhà, hay nó ngấm ngầm theo thời gian, cứ được lặp đi lặp lại bởi những câu nói của cha mẹ hay của thầy cô của chúng ta? Bài tập soi gương, mọi người sẽ phải hiểu cơ chế hoạt động của nó và cách thức nó tác động lên là như thế nào. Quan trọng nhất trong bài tập soi gương là khi mọi người nhìn thấy bản thân mình ở trong gương là bạn nhìn vào tròng mắt của bạn. Tròng mắt là nơi mà bạn có thể tiếp xúc với phần vô thức của bạn rất là sống động. Và khi bạn thực sự giao tiếp với chính mình, giao tiếp với phần vô thức của mình thông qua việc nhìn vào tròng mắt của bạn khi soi gương và thực sự tin tưởng vào những gì mà bạn giao tiếp với bên trong tròng mắt của bạn, thực hiện hiệu quả hay không nằm ở chỗ bạn có thực sự tin vào những gì mà bạn đang nói với người trước gương đấy hay không. Nếu như cả cuộc đời của tôi, suốt 40 năm, lúc nào tôi cũng được nghe câu chuyện rằng là tôi rất là dở, tôi rất là hậu đậu, tôi chả có giá trị gì cả thì dù tôi có đứng trước gương và tôi có nhìn vào tròng mắt của tôi, tôi rất thành thật để nói rằng “Thanh ơi, Thanh xứng đáng được yêu thương! Thanh ơi, Thanh rất nhiều điều tốt đẹp”, nhưng khi tôi nói điều đó, có một tiếng nói rất to bên trong tâm trí của tôi, gào thét còn to hơn cả câu mà tôi đang nói trước gương “Không, mày rất tệ, mày biết không! Mày không bao giờ đủ tốt, mày biết không!” Cả hai điều đó đều đang hoạt động cùng với nhau và bên nào tiếng to hơn thì bên đó sẽ thắng. Đây là lý do vì sao mà cùng một phương pháp thực hành, có những người thực hiện hiệu quả và có người không, bởi vì tiếng nói nội tâm của họ to hay nhỏ, chất lượng của tiếng nói nội tâm như thế nào, sự độc hại hay lành mạnh của tiếng nói nội tâm của mỗi người là khác nhau.

The Domdom Healing Garden

Khu vườn chữa lành Đom Đóm - không gian trị liệu và chăm sóc thế giới tinh thần cùng bạn!

Địa chỉ:27, đường số 3, Hiệp Bình Phước, Thủ Đức
Điện thoại:0932360164
Email:thedomdomhealinggarden@gmail.com

Follow Vườn

Bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ Đom Đóm?

Hãy để lại địa chỉ email để Đom Đóm thông báo cho bạn về các hoạt động và bài viết bổ ích nhé!