Phần giới thiệu | Bảo vệ đời sống của những chàng trai
Vị thành niên là giai đoạn chuyển tiếp giữa tuổi ấu thơ và tuổi trưởng thành, trong tâm lý học đây là thời kỳ quan trọng trong tiến trình phát triển tâm hồn của một cá nhân. Giai đoạn này, các em dần thoát khỏi phạm vi gia đình, học cách hòa nhập tập thể, tìm hiểu và khám phá thế giới xung quanh. Đây cũng là giai đoạn hình thành bản sắc cá nhân và tự khẳng định mình. Nhưng một thực tế đáng lo ngại về sức khỏe tâm thần ở độ tuổi này mà theo kết quả của Điều tra Sức khỏe Tâm thần Vị thành niên Việt Nam mới nhất [1] nêu bật: nhiều trẻ em, vị thành niên và thanh niên đang phải vật lộn với những khó khăn về sức khỏe tâm thần, và các em còn thiếu các kỹ năng ứng phó, các hỗ trợ cần thiết và các dịch vụ quan trọng liên quan đến phúc lợi tổng thể của mình.
Báo cáo Điều tra còn cho thấy: Vị thành niên chiếm khoảng 14,5% dân số Việt Nam, tương đương với gần 14 triệu người từ 10-19 tuổi (TCTK 2020), trong đó có một phần năm trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần, và chỉ 8,4% các em đã tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn cho những vấn đề về cảm xúc và hành vi. Hơn nữa, chỉ có 5,1% cha mẹ có con vị thành niên nhận thấy con của mình cần sự giúp đỡ đối với các vấn đề về cảm xúc và hành vi. Ở Việt Nam chưa có một chính sách, chiến lược hoặc kế hoạch riêng biệt nào tập trung vào sức khỏe tâm thần vị thành niên, mà chỉ được mặc định đã bao gồm trong các luật hoặc quyết định liên quan đến sức khỏe tâm thần.
Theo Bản tóm tắt nghiên cứu về sức khỏe tâm thần và sự phát triển toàn diện của trẻ em vị thành niên tại Việt Nam [2] thì: Các vấn đề với bạn bè cùng trang lứa (ví dụ: trải nghiệm bị bắt nạt), các vấn đề về cảm xúc (tức là các triệu chứng trầm cảm và lo âu) và các vấn đề về hành vi là những thách thức phổ biến nhất đối với trẻ vị thành niên. Tỷ lệ rối loạn hành vi của trẻ em trai ở lứa tuổi vị thành niên cao hơn trẻ em gái. Sự thiếu hiểu biết về sức khỏe tâm thần của học sinh, phụ huynh và giáo viên là một yếu tố nguy cơ đối với các vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh.
Theo Báo cáo trình bày kết quả Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam 2019 [3] thì các bậc phụ huynh đặt kỳ vọng vào con em là học sinh nam nhiều hơn so với các em nữ. Và theo Bài nghiên cứu về “Thực trạng năng lực cảm xúc - xã hội của lứa tuổi vị thành niên” [4]: Năng lực cảm xúc - xã hội của học sinh nam thấp hơn học sinh nữ. Nhóm tác giả cũng đưa ra kiến nghị về việc cần quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển năng lực cảm xúc - xã hội cho học sinh nam.
Bạn thấy đấy, qua nhiều thời kỳ, nền giáo dục ở Việt Nam vẫn còn tập trung nhiều vào phát triển trí thông minh. Trong khi đó, giáo dục cảm xúc chưa được phổ biến rộng ở trường học, phần lớn giáo viên chưa được đào tạo chuyên sâu về giáo dục cảm xúc. Điều này gây nên nhiều áp lực học tập cho học sinh, dẫn đến tình trạng căng thẳng, lo âu, và thiếu khả năng xử lý cảm xúc. Cộng thêm, văn hóa Việt Nam từ nhiều thế hệ đi trước đã có những định kiến sai lệch về việc thể hiện cảm xúc, đặc biệt là với nam giới, coi đó là biểu hiện của sự yếu đuối. Điều này dẫn đến việc kìm nén cảm xúc - là nguy cơ cho nhiều vấn đề tâm lý và hành vi khi trưởng thành. Đồng thời, xã hội Việt Nam vẫn còn nhiều kỳ vọng truyền thống về vai trò giới tính, như việc các chàng trai phải mạnh mẽ, kiên cường, ít khi thể hiện cảm xúc. Điều này tạo áp lực và ngăn cản họ phát triển toàn diện về mặt cảm xúc. Trong khi đó, các dịch vụ hỗ trợ tâm lý và tư vấn về giáo dục cảm xúc còn rất hạn chế tại Việt Nam, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Tài liệu giáo dục cảm xúc dành cho trẻ vị thành niên ở nước ta, đặc biệt về tâm lý các chàng trai còn rất ít và chưa đa dạng. Hơn nữa, hiện nay, các nhóm cộng đồng lành mạnh giúp chăm sóc đời sống cảm xúc dành cho các chàng trai hầu như rất ít.
Từ thực trạng chung trên cộng thêm qua quá trình hỗ trợ trị liệu tâm lý của các chuyên gia ở Vườn Đom Đóm thì chúng tôi thống kê được chỉ có khoảng 20% thân chủ tìm đến các can thiệp tâm lý là nam giới, trong đó đã bao gồm cả các bé trai ở độ tuổi vị thành niên. Chính những điều này đã thôi thúc Đom Đóm lựa chọn chuyển ngữ và lan tỏa đến cộng đồng cuốn sách trong tủ sách Tâm lý học có tựa đề "Raising Cain: Protecting the Emotional Life of Boys" - “BẢO VỆ ĐỜI SỐNG CẢM XÚC CỦA NHỮNG CHÀNG TRAI”.
Dự án sách “BẢO VỆ ĐỜI SỐNG CẢM XÚC CỦA NHỮNG CHÀNG TRAI” là món quà đầy tâm huyết của đội ngũ Đom Đóm dành tặng cho:
- Giới đàn ông, dù đang độc thân hay đang là chồng hoặc làm cha
- Trẻ vị thành niên là nam
- Phụ huynh
- Giáo viên
- Cán bộ y tế trường học, cán bộ tư vấn tâm lý học đường, cán bộ quản lý giáo dục
- Những ai đang làm việc trong môi trường có sự tương tác hỗ trợ nam giới nói chung và các bé trai ở tuổi vị thành niên nói riêng
- Những ai đang quan tâm đến giáo dục và tâm lý học nói chungvới mong muốn mang đến những hiểu biết sâu sắc về thế giới nội tâm của các chàng trai đang hoặc đã trải qua độ tuổi vị thành niên dưới góc nhìn tâm lý học.
MỤC TIÊU MÀ DỰ ÁN HƯỚNG TỚI
Thông qua việc chuyển ngữ, tóm tắt và chia sẻ nội dung cuốn sách, chúng tôi hướng tới 3 mục tiêu sau:
- Cung cấp kiến thức về tâm lý trị liệu giúp mọi người thấu hiểu hơn về thế giới nội tâm của các chàng trai ở độ tuổi vị thành niên, nhìn rõ các vấn đề tâm lý và cảm xúc mà các chàng trai phải đối mặt, và nhận thấy tầm quan trọng của việc chăm sóc cảm xúc các chàng trai.
- Chia sẻ những case study thực tế, những câu chuyện gần gũi từ chính trải nghiệm làm việc với thân chủ là nam giới của hai tác giả, với những biểu hiện cụ thể về tâm lý - hành vi liên quan ở giai đoạn vị thành niên, trong đó lý giải rõ ràng nguyên nhân của những vấn đề không lành mạnh về mặc cảm xúc ở họ. Điều này đặc biệt giúp ích cho các bạn nam đã từng hay đang là trẻ vị thành niên có cơ hội nhìn ngắm lại hay quan sát chính mình ở độ tuổi này, có manh mối để khám phá ra gốc rễ của những t.ổ.n t.h.ư.ơ.n.g hay sợi dây liên kết nào đó dẫn đến đời sống cảm xúc và sức khỏe tinh thần hiện tại của mình.
- Đưa ra những gợi ý và đề xuất từ hai tác giả về những giải pháp giúp bảo vệ và chăm sóc đời sống cảm xúc của các chàng trai một cách lành mạnh hơn, như một cách tham khảo để ứng dụng vào bối cảnh Việt Nam, giúp họ trở thành những chàng trai có hiểu biết và quản lý được cảm xúc của chính mình.
VỀ HAI TÁC GIẢ
- Tiến sĩ Dan Kindlon là một nhà tâm lý học và nhà nghiên cứu tâm lý học trẻ em, đặc biệt tập trung vào chẩn đoán và điều trị các vấn đề cảm xúc, rối loạn học tập và rối loạn tăng động giảm chú ý của trẻ em và thanh thiếu niên. Ông nhận bằng tiến sĩ về tâm lý học lâm sàng từ Đại học Columbia, và có hơn 20 năm kinh nghiệm giảng dạy tại Đại học Harvard. Ông là tác giả của nhiều bài báo trên các tạp chí khoa học và nhiều cuốn sách, bao gồm Alpha Girls, Raising Cain, Too Much of a Good Thing, và Tough Times, Strong Children. Tiến sĩ Kindlon thường xuyên diễn thuyết trước các nhóm phụ huynh, nhà giáo dục, và chuyên gia sức khỏe tâm thần, và đã xuất hiện nhiều lần trên các phương tiện truyền thông như The Today Show, 20/20, CNN, và National Public Radio.
- Tiến sĩ Michael Thompson là một nhà tâm lý học lâm sàng chuyên về tâm lý học trẻ em và thanh thiếu niên, với sự tập trung đặc biệt vào mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, cũng như giữa các học sinh với nhau. Ông nhận bằng tiến sĩ từ Đại học Michigan và là thành viên của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ. Tiến sĩ Thompson có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với các trường học và gia đình, ông đã phát biểu tại hoặc tư vấn cho hơn 500 trường học tại Mỹ và ở nước ngoài. Ông cũng là tác giả hoặc đồng tác giả của nhiều cuốn sách, bao gồm cuốn sách bán chạy nhất của New York Times. Ông đã xuất hiện trên các chương trình như Today Show, Oprah Winfrey Show, 20/20 và 60 Minutes. Ông là đồng tác giả, người dẫn chương trình và người dẫn truyện của một bộ phim tài liệu dài hai giờ trên PBS mang tên “Raising Cain: Focus on Boys”.
Dan Kindlon và Michael Thompson đã hợp tác để viết Raising Cain nhằm mục tiêu giải quyết một vấn đề rất cấp thiết: Làm thế nào để các chàng trai ở độ tuổi vị thành niên phát triển cảm xúc một cách lành mạnh trong một thế giới mà sự nam tính thường bị định nghĩa bằng việc che giấu cảm xúc. Cuốn sách này được viết dựa trên những kinh nghiệm lâm sàng phong phú của hai tác giả sau hơn 35 năm kinh nghiệm làm việc với các bé trai vị thành niên và gia đình của các em, cũng như những nghiên cứu sâu rộng về phát triển trẻ em. Cả hai tác giả đều mong muốn giúp mọi người nhìn thấy được bên trong cuộc sống của các chàng trai ở độ tuổi vị thành niên, vượt ra khỏi bề mặt để thấy được sự phong phú và phức tạp thường bị bỏ qua trong nội tâm của các chàng trai. Thông qua Raising Cain, Dan Kindlon và Michael Thompson đã đóng góp một phần quan trọng vào việc thay đổi cách nhìn nhận và tiếp cận về giáo dục cảm xúc cho các chàng trai ở độ tuổi vị thành niên trên toàn thế giới. Chính vì thế mà Đom Đóm đã dồn tâm sức và kinh phí để chuyển ngữ và lan tỏa cuốn sách này miễn phí đến với cộng đồng người Việt mình.
NỘI DUNG CHÍNH CỦA CUỐN SÁCH
Cuốn sách gồm 12 chương lần lượt dẫn dắt chúng ta đi vào khám phá thế giới nội tâm của các chàng trai qua những nội dung sau:
- Chương 1. Con Đường Không Lối: KHIẾN NHỮNG CHÀNG TRAI TRỐN CHẠY KHỎI CUỘC SỐNG NỘI TÂM
- Chương 2. Gai Trong Hoa Hồng: SỰ ĐẤU TRANH CỦA CÁC BÉ TRAI TRONG GIÁO DỤC SỚM
- Chương 3. Cái giá đắt của kỷ luật hà khắc
- Chương 4. Văn hóa bắt nạt
- Chương 5. Cha và con trai: DI SẢN CỦA KHÁT KHAO VÀ KHOẢNG CÁCH
- Chương 6. Mẹ và con trai: C U CHUYỆN CỦA KẾT NỐI VÀ THAY ĐỔI
- Chương 7. Bên trong pháo đài của sự cô độc
- Chương 8. Cuộc đấu tranh của các chàng trai với Chứng Trầm cảm và Tự tử
- Chương 9. Rượu bia và chất kích thích: LẤP ĐẦY KHOẢNG TRỐNG TÂM TRÍ
- Chương 10. Tình yêu bất diệt: TỪ MỐI QUAN HỆ CHÂN THÀNH ĐẾN VÔ CẢM VỚI CÁC BẠN NỮ
- Chương 11. Sự Tức Giận và Bạo Lực: GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC SỰ TỨC GIẬN TỐT NHẤT ĐÓ LÀ TRÌ HOÃN
- Chương 12. Điều con trai cần
CÁCH THỨC TRIỂN KHAI DỰ ÁN
Trong giai đoạn đầu tiên của dự án, vào mỗi tuần, Đom Đóm sẽ có một bài chia sẻ trên fanpage và website chính thức của Đom Đóm tóm tắt nội dung sách theo từng chương, phát sóng định kỳ vào 20h tối thứ 7 hàng tuần, bắt đầu từ ngày 24/8/2024.
Bạn có thể cùng Đom Đóm chia sẻ, lan tỏa đến những người cùng mối quan tâm, và cũng có thể để lại những bình luận, thắc mắc hay cảm nhận sau khi đọc. Điều này thật sự hữu ích và giúp chúng tôi có thêm động lực để thực hiện các dự án tương tự trong thời gian tới. Mong đợi sự hưởng ứng và chia sẻ nhiệt tình từ bạn!
Hẹn gặp bạn ở bài chia sẻ đầu tiên vào 20h tối thứ 7 tuần sau - 24/8/2024!
Bản quyền dự án: Toàn bộ bản dịch, nội dung biên soạn và hình ảnh thiết kế của dự án thuộc về trí tuệ sáng tạo của The Domdom Healing Garden, mọi sao chép/trích dẫn vui lòng ghi rõ nguồn, nếu không Domdom xin phép liên lạc đề nghị gỡ bỏ.
Thương mến,
The DomDom Healing Garden.
#DomDomHealingGarden #NuoidayConcai #CamxucBeTrai #TamlyTrevithanhnien #HieuConTrai #GiaoducCamxuc #Parenting #EQ
=====* Chú thích:
[1] “Điều tra Sức khỏe Tâm thần Vị thành niên Việt Nam (V-NAMHS) - Báo cáo Kết quả chủ yếu” của Viện Xã hội học (IOS) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) do Đại học Queensland (UQ) ở Úc điều phối với sự hỗ trợ từ Trường Y tế công cộng Bloomberg của Đại học Johns Hopkins (JHSPH) ở Hoa Kỳ, xuất bản tháng 11/2022.
[2] “Bản tóm tắt nghiên cứu toàn diện về các yếu tố liên quan đến trường học ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và sự phát triển toàn diện của trẻ em nam và nữ vị thành niên tại Việt Nam” xuất bản tháng 06/ 2022 của Tổ chức UNICEF Việt Nam.
[3] Báo cáo trình bày kết quả Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu (GSHS) tại Việt Nam 2019 được Bộ Y tế Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phối hợp thực hiện.
[4] Bài báo nghiên cứu “Thực trạng năng lực cảm xúc - xã hội của lứa tuổi vị thành niên” của nhóm tác giả thuộc Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế (Trần Thị Tú Anh, Đinh Thị Hồng Vân, Nguyễn Phước Cát Tường, Đậu Minh Long) đăng tháng 09/2019.