#Chương 6 (Kỳ 2): Mối quan hệ giữa Mẹ và Con trai

Ở kỳ 1, chúng ta đã hiểu rõ hơn về mối quan hệ tâm liền tâm và sự gắn bó an toàn đầu đời mà các chàng trai có với Mẹ của mình. Chúng ta biết được 4 giai đoạn thay đổi trên hành trình phát triển của một chàng trai đòi hỏi sự điều chỉnh và thay đổi của Mẹ trong mối quan hệ thiêng liêng này như thế nào, hiểu hơn về những thách thức của Mẹ khi con trai trưởng thành. Và nhìn thấy tầm quan trọng của Mẹ trong việc tạo dựng nền tảng tâm lý ổn định của các chàng trai. Ở kỳ 2, chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về những phong cách làm mẹ khác nhau ảnh hưởng đến tâm lý các chàng trai như thế nào và nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là gì. Đồng thời, chúng ta sẽ tham khảo những giải pháp gợi ý của hai tác giả để giúp mối quan hệ Mẹ và Con trai trở nên tốt đẹp hơn và đời sống cảm xúc của các chàng trai trở nên lành mạnh hơn.
PHONG CÁCH LÀM MẸ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TÂM LÝ CHÀNG TRAI NHƯ THẾ NÀO?
Phong cách làm mẹ với cách nuôi dạy con khác nhau có thể mang đến những ảnh hưởng khác nhau đến tâm lý các chàng trai khi trưởng thành. Hai tác giả quan sát các mẹ dành thời gian chơi với con trên sân chơi và nhận ra: có những “bà mẹ trực thăng” luôn lo lắng, sát sao con, không bao giờ rời con trai nửa bước, ngay cả khi con đủ lớn và có thể để con tự lập; cũng có những bà mẹ không bao giờ lao tới bên con, ngay cả khi con rõ ràng đang gặp phiền muộn hay rõ ràng đang làm phiền người khác; ngược lại, có những bà mẹ vui tính - kề bên con, tương tác với con, dường như vô cùng thương con trai mình, và những bà mẹ ngồi chăm chú dõi theo con từ khoảng cách xa, vẫy tay và trao đổi ý kiến với con trai mình, cho phép con di chuyển tự do tùy theo sở thích lúc này lúc kia của con. Hầu hết những bà mẹ này đều có động lực chung là mong muốn được nhìn thấy con trai mình lớn lên trở thành những người đàn ông hạnh phúc và thành đạt. Không có một lối làm mẹ đúng đắn nào, và có những bà mẹ yêu thích sự gắn kết tâm liền tâm tuyệt vời giữa mình với đứa con trai sơ sinh nhưng lại ít kết nối với con khi chúng lên vị thành niên. Trong những trường hợp khác, các bà mẹ lại làm điều ngược lại.
Qua nhiều cách làm mẹ khác nhau, các bà mẹ có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến sự tự tin và lòng tự trọng của con. Dưới đây là những câu chuyện thực tế đáng suy ngẫm về cách nuôi dạy con của các bậc làm Mẹ dẫn đến hệ quả là những vết thương tinh thần của các chàng trai.
✍️ MẸ THƯỜNG XUYÊN CHỈ TRÍCH
Trường hợp của Lewis là ví dụ điển hình, cậu bé 16 tuổi giỏi giang này có nhiều thành tích nổi bật ở trường, nhưng cậu tránh về nhà vì luôn phải đối diện với sự chỉ trích từ mẹ. “Mẹ chưa bao giờ nói một lời tử tế với em. Tại sao một người mẹ lại làm như vậy với con trai mình?” – câu hỏi của Lewis phản ánh sự tổn thương sâu sắc mà cậu cảm nhận khi mẹ thường xuyên chê trách và nghi ngờ khả năng của mình. Những cậu bé như Lewis, nếu thường xuyên phải chịu đựng sự chỉ trích và áp lực từ mẹ, sẽ dần cảm thấy mình “bất tài hoặc không đáng yêu thương,” đặc biệt trong môi trường học đường cạnh tranh khốc liệt.
✍️ MẸ QUẢN LÝ THÁI QUÁ
Khi người mẹ gửi “thông điệp bất tín nhiệm” đến con trai mình, đặc biệt qua hành vi quản lý thái quá lại vô tình gây ra những t-ổ-n t-h-ư-ơ-n-g tâm lý cho con trai. Câu chuyện về Mẹ của Jerry được xem là khá phổ biến. Bà là một luật sư và bà lo lắng rằng Jerry chưa đạt thành tích học tập tốt nhất do các khuyết tật học tập nhẹ. Bà thường xuyên thay cậu trả lời hoặc hoàn tất các câu nói của cậu, kể cả khi Jerry cố gắng bày tỏ suy nghĩ của mình. Khi thực hiện liệu pháp gia đình, mẹ sẽ nói nốt câu của Jerry và cậu sẽ im lặng. Bà đang thẳng thừng với cậu rằng bà không tin cậu có thể tư vấn về cảm xúc của mình, rồi cậu ngày càng trở nên thu mình, thụ động và ít nói hơn. Ở tuổi mười bốn, Jerry cảm thấy mình có năng lực tự lên tiếng cho chính mình và thấy cần phải kiểm soát tình hình học tập của mình nhiều hơn. Sự nhúng tay liên tục và thái quá của mẹ đã bầu cho cậu một phiếu “bất tín nhiệm”. Kết quả là Jerry cảm thấy mình bất tài, tuyệt vọng và tức giận với mẹ mình. Ranh giới giữa sự ủng hộ mang tính xây dựng và sự quản lý đến từng chân tơ kẽ tóc mang tính hủy hoại trong cuộc sống của một cậu bé là hết sức mong manh. Cậu cần cơ hội để học biết về thế giới theo cách không gây nguy hiểm đến tính mạng. Khuyết tật về thể chất hoặc khả năng học tập sẽ tăng thêm phần thách thức, nhưng rốt cuộc, vấn đề trong học tập về cơ bản vẫn giống nhau: trẻ cần học cách tự đứng vững trên đôi chân của mình và trải nghiệm thất bại trong một môi trường an toàn tương đối. Trong hầu hết trường hợp, tốt hơn là để một cậu bé ngã sõng xoài khi còn là học sinh lớp 8 hoặc lớp 9 và học được hậu quả hơn là tiếp tục nhúng tay để cậu đạt thành công và khiến cậu không sẵn sàng chịu trách nhiệm cho bản thân khi bước vào tuổi trưởng thành.
KHOẢNG CÁCH VỀ GIỚI - NGUYÊN NHÂN PHÁ VỠ MỐI QUAN HỆ MẸ VÀ CON TRAI
Mẹ của một chàng trai phải đối mặt với hai trở ngại giới đặc trưng mà có thể phá vỡ mối quan hệ “tâm liền tâm” giữa mẹ và con trai: (1) Nếu mẹ không lớn lên cùng các anh hoặc em trai, mẹ sẽ thấy mình không hiểu con trai như thế nào nhiều ra sao. Hoặc (2) nếu mẹ từng có nhiều trải nghiệm không mấy vui vẻ với con trai hoặc đàn ông, điều này có thể ảnh hưởng đến cách mẹ nhìn nhận con trai mình. Mức độ thành công của mẹ trong việc chỉ nhìn nhận con người thật của con và thu hẹp khoảng cách giới tính giữa hai người liên quan nhiều đến mức độ thành công của mẹ trong việc thấu hiểu, thích nghi và đặc biệt là yêu thương con trai mình.
- Khi kỳ vọng biến thành trở ngại:
Người mẹ không dễ dàng nhìn nhận được rằng chính những kỳ vọng và sợ hãi của mình có thể làm ảnh hưởng đến con. Câu chuyện của Alice - mẹ của Tom là trường hợp điển hình. Alice đã phải đối diện với một nỗi sợ sâu thẳm, bắt nguồn từ quá khứ đau buồn với anh trai – người mà lúc còn nhỏ mắc chứng khuyết tật học tập và các vấn đề về hành vi tương tự như Tom và Alice đã dành cả thời thơ ấu của mình lo lắng cho anh trai. Anh ta nghiện ma túy nặng và qua đời khi lái xe máy đâm vào cây trong một đêm ra ngoài chơi. Cô lo lắng và mang trong mình nỗi sợ hãi tương tự đối với con. Nỗi sợ này khiến cô gần như mất niềm tin vào việc có thể giúp đỡ con mình, cô cảm giác Tom đang dần đi đến một kết cục tồi tệ như thể định mệnh của con đã được định sẵn. Nhưng khi xác định nguồn gốc sâu xa của nỗi sợ và tách trải nghiệm của cô trong ký ức với anh trai khỏi cuộc sống của con trai, Alice đã bắt đầu nhìn nhận Tom như một cá thể riêng biệt. Cô thấy được nhu cầu của con một cách rõ ràng hơn và đáp ứng con một cách thẳng thắn và ý nghĩa hơn. Cô đã sắp xếp gia sư dạy khuyết tật học tập cho Tom và hiểu được nhu cầu của con trong suốt năm học. Bằng cách này, cô có thể tránh được sự phủ nhận - việc che đậy cảm xúc - mà gia đình đã làm khi đối mặt với hành vi nguy hiểm của anh trai cô và từ đó bảo vệ con trai cô theo cách tốt nhất: đáp ứng nhu cầu của cậu bé thay vì phản ứng lại nỗi sợ hãi của cô.
Thái độ của người mẹ đối với nam giới cũng truyền thông điệp đến con trai về tình cảm của mẹ đối với cậu. Đây là lời nhắc rằng cách người mẹ nhìn nhận người đàn ông trong cuộc đời mình cũng sẽ ảnh hưởng đến cách con trai cảm nhận về bản thân. Nếu một người phụ nữ thất vọng về chồng hoặc chồng cũ của mình và truyền đạt điều này tới con, cô không chỉ khiến mối quan hệ giữa con trai mình và người cha duy nhất của cậu trở xấu mà còn đang ngầm chỉ trích cậu. Một người mẹ mà vui vẻ lớn lên cùng anh em trai sẽ thấy thoải mái khi sống cùng năng lượng của phái nam đó trong gia đình lần nữa, và thông điệp mà cô truyền tới con trai là hành vi của cậu bé được thấu hiểu và cậu bé thật đáng yêu. Nếu anh trai cô là kẻ chủ mưu hành hạ cô, cô sẽ thấy rất tức giận hoặc phòng vệ trước cách thể hiện cảm xúc bình thường của con trai mình.
Mọi bà mẹ có con trai đều phải đối mặt với nhiệm vụ phải cố gắng hiểu các khía cạnh trong cuộc sống của con và con lại cho rằng mẹ không thể trải nghiệm được: Tại sao con trai không thể ngồi yên? Tại sao con lại gặm bánh mì nướng thành hình súng và dao găm? Tại sao con không thường nghĩ về hậu quả trước khi thực hiện hành động đó? Tại sao con không chia sẻ nhiều hơn về cuộc sống của mình? Tức giận, tăng động, trầm lặng và chấp nhận rủi ro về thể chất là những đặc điểm của con trai mà phụ nữ cần cố gắng hiểu cho con. Fran có cậu con trai năm tuổi và việc đối mặt với những cơn giận dữ của cậu bé khiến cô cảm thấy như mình đang đối phó với một "người đàn ông hoang dã" thực sự. Fran sợ con và không nhận ra điều đó. Cô có xu hướng dùng những phương pháp kỷ luật quá nghiêm khắc, điều này chỉ khiến cậu bé phản kháng mạnh mẽ hơn. Những gì cô có chỉ là một cậu bé năm tuổi đang cần có giới hạn. Cô cho rằng cậu bé là con nít quỷ. Cô chưa bao giờ dành nhiều thời gian ở cùng các cậu bé, và cô cần nhớ rằng cậu chỉ mới năm tuổi. Nhưng vì đứa trẻ năm tuổi này ở trong hình hài một bé trai nên cô không thể nào hiểu được. Thật ra, điều cậu bé cần là những giới hạn rõ ràng và một sự thấu hiểu từ mẹ.
Bất kể mẹ sợ hãi hay kỳ vọng gì khi sống với con trai mình, dù nỗi sợ và niềm kỳ vọng này được cất lên thành tiếng hay chỉ tồn tại trong suy nghĩ, chúng vẫn truyền tới con và sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của con về chính bản thân cũng như chất lượng mối quan hệ giữa mẹ và con. Rhonda chia sẻ về trải nghiệm của mình với hai cậu con trai, Jonathan và Mark, mỗi người có một cá tính và cách thể hiện cảm xúc khác nhau. Rhonda thường dễ dàng thấu hiểu và gần gũi với Jonathan, người luôn chia sẻ với mẹ mọi điều, trong khi với Mark, cậu bé thường im lặng, khiêm tốn, hay suy ngẫm giống như cha mình và ít nói về những vấn đề cá nhân. Khi biết tin Mark chia tay người yêu qua mẹ cô gái, Rhonda gọi điện cho Mark để hỏi vì sao cậu không tự kể về chuyện này. Mark xin lỗi nhưng cậu không cho rằng đấy là chuyện gì lớn. Rhonda tổn thương vì Mark không kể về cuộc chia tay và cố gắng làm cậu cảm thấy tội lỗi về điều này suốt thời gian sau đó. Không phải Mark che giấu chuyện này vì muốn khiến mẹ tổn thương, nhưng sự im lặng của cậu, thực sự, đã làm tổn thương cảm xúc của mẹ. Khi câu trả lời không vui của mẹ cho thấy cậu đã làm sai điều gì đó, rằng cậu đã không đáp ứng được kỳ vọng của mẹ, Mark không thể hiểu được điều này và cảm thấy mình bị chỉ trích một cách bất công. Khi Rhonda đánh giá hành động của cậu dựa trên tiêu chuẩn nữ tính - trong trường hợp này, khá dễ hiểu khi kỳ vọng ai đó chia sẻ ngay một điều quan trọng đến mức này - cô đã tự khiến mình thất vọng. Cô không nhận ra rằng, với Mark, việc chia sẻ không phải là cách duy nhất để thể hiện tình cảm và sự gắn kết.
Điều mà bất kỳ bà mẹ nào cũng phải làm để xích gần khoảng cách giới tính là phải thực sự thấu hiểu sự khác biệt giữa tư tưởng lẫn lối sống của nam và nữ, và rằng quan điểm của cô dưới góc độ phụ nữ không phải lúc nào cũng giúp cô hiểu rõ động cơ thúc đẩy hành vi của con trai mình. Thật sai lầm khi giải thích sự kìm nén của con trai theo cách giải thích sự kìm nén của một người bạn nữ. Nhưng sẽ có ích nếu hiểu rằng lối hành xử của cậu bé trước hết là sự phản ánh góc nhìn của cậu dưới góc độ một bé trai và sau đó là mối quan hệ độc đáo giữa mẹ và con. Khi mẹ hiểu nhầm tín hiệu đó do thiếu đồng cảm và tự mình tổn thương hay tức giận, thì những tín hiệu bị hiểu nhầm sẽ khiến tình hình tồi tệ hơn và ảnh hưởng đến sự gắn kết tâm liền tâm giữa mẹ và con.
- Khi cử chỉ thân thiết thường ngày trở thành nỗi lo và cần có sự chuyển giao
Đến một thời điểm nào đó trong đời, hầu hết các bà mẹ đều nhận thấy con trai mình né tránh những cử chỉ thân thiết công khai với mẹ. Hầu hết các bà mẹ cũng đều cho biết rằng, đến lúc nào đó, bà cảm thấy không thoải mái khi ôm, hôn hoặc âu yếm con như bà thường làm hồi con còn nhỏ. Mẹ và con trai trải qua sự chuyển giao này theo cách hoàn toàn khác nhau. Sandy, một bà mẹ ba con, chia sẻ nỗi lo ngại khi cô bắt đầu cảm thấy không còn thoải mái và có xu hướng né tránh những cái ôm của cậu con trai 13 tuổi mà đây vốn là thói quen từ nhỏ của các con. Cô nghĩ Bryant đã lên mười ba và chuyện này có vẻ không ổn lắm. Cô biết điều này dường như không công bằng đối với con, cô nói: “Hành vi của con là hệ quả tự nhiên và con không cố ý khiến tôi khó chịu.” Nhưng cô lo lắng và cảm thấy sự gần gũi có thể gửi đi “thông điệp sai” cho con trai trong giai đoạn nhạy cảm này. Cô muốn mối quan hệ giữa mình với con phải trong chừng mực và không muốn làm điều sai trái.
Một số bà mẹ lo ngại rằng việc một người mẹ có cử chỉ âu yếm với con có thể khiến con trai mình trở thành đ*ng t*nh luy*n *i, “bám váy mẹ” hoặc sự gần gũi về mặt thể xác sẽ gửi đi “thông điệp sai trái” hoặc bị hiểu nhầm, nhất là đối với cậu con trai tuổi vị thành niên mà xu hướng t*nh d*c của cậu đang dần trở thành khía cạnh nổi trội trong đời. Nhiều bà mẹ chia sẻ rằng họ chỉ đơn giản là không muốn làm con mình xấu hổ trước mặt những cậu bé khác theo cách mà có thể khiến con trở thành mục tiêu trêu chọc. Tất cả những niềm tin hay nỗi sợ hãi này đều có ý nghĩa trong cuộc đời của cậu bé, nhưng ý nghĩa mà nó đem lại thường hoàn toàn khác với những gì người mẹ tưởng tượng. Tuy nhiên, thực tế là sự tiếp xúc có tính nuôi dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nghiên cứu cũng cho thấy tầm quan trọng của nó trong việc truyền tình thương và chăm sóc giữa cha mẹ và con cái khi đã lớn. Hầu hết các bà mẹ đều duy trì mức độ gần gũi về thể xác nhất định với con gái khi con lớn lên. Tuy nhiên, thái độ đối với con trai lại khá khác biệt. Hầu hết các bà mẹ có con trai nhận thấy rằng sự tiếp xúc có tính nuôi dưỡng với con trai sẽ ngày càng ít đi và trở nên lúng túng hơn khi con lên tầm tám hoặc chín tuổi, nhưng có lẽ sự thay đổi diễn ra mạnh mẽ nhất khi trẻ bước vào tuổi thiếu niên. Maureen, mẹ của một cậu bé 17 tuổi, nhớ lại khoảnh khắc mà cô không còn cảm thấy thoải mái khi ôm con: “Tôi nhận ra con cao lớn hơn mình, và sau đó tôi thấy lúng túng.” Những khoảnh khắc ngượng ngùng này trở thành dấu hiệu cho sự thay đổi trong mối quan hệ mẹ con, nhưng không có nghĩa là tình cảm đã mất đi.
Cũng như nhiều khía cạnh khác của việc làm mẹ, sự gần gũi về thể xác vẫn đóng vai trò quan trọng trong suốt cuộc đời chàng trai. Có thể chuyện này đối với một đứa trẻ năm tuổi sẽ khác khi so với một đứa trẻ mười lăm tuổi, nhưng thông điệp về sự kết nối yêu thương vẫn vẹn nguyên như thế. Không có mặt xấu nào trong thông điệp này. Cử chỉ âu yếm đơn thuần của mẹ, nếu vẫn trong chừng mực khiến cậu con trai thoải mái, sẽ không ẩn chứa nguy hiểm nào. Điều này không quyết định xu hướng t*nh d*c của một cậu bé. Nó không thúc đẩy t*nh d*c lo*n lu*n hay t*nh d*c không lành mạnh, và cũng sẽ không làm suy yếu tính nam của cậu bé. Aaron, một cậu bé 13 tuổi, từng rất tình cảm với mẹ, Hope. Cậu và mẹ thường trao nhau những cái ôm và hôn vội trước khi vào trường. Tuy nhiên, khi Aaron lên lớp 4, Hope nhận thấy rằng "hầu hết mẹ của các bạn nam cùng lớp với con mình không còn làm điều đó nữa," nhưng hai mẹ con vẫn tiếp tục duy trì thói quen này. Đến khi Aaron lên 10 tuổi, vào ngày đầu tiên của lớp 5, hai mẹ con có một "khoảng dừng khó xử" khi cậu không nghiêng người ôm mẹ. Họ nhìn nhau một lúc, rồi cả hai bật cười. Hope kể lại: “Chúng tôi hét chào nhau, và tôi hiểu ra. Đây là kiểu ‘ôm và hôn’ mới. Từ đó, họ thay đổi cách thể hiện tình cảm – mỗi sáng chỉ đơn giản là trao nhau nụ cười và lời tạm biệt vui vẻ. Sau khoảng một tuần, Aaron dần tự điều chỉnh. Vào buổi chiều, cậu bắt đầu tìm đến mẹ và yêu cầu một "cái ôm tiếp năng lượng". Hope giải thích, “Yêu cầu về ‘cái ôm tiếp năng lượng’ đã trở thành dấu chỉ” – không chỉ là biểu hiện tình cảm ngẫu hứng mà còn là cách Aaron chia sẻ rằng mình vừa trải qua một ngày căng thẳng và cần được mẹ tiếp thêm động lực.
Khi các chàng trai bắt đầu tránh thể hiện tình mẫu tử công khai, điều này thường xuất phát từ mong muốn tránh việc bị xem là “cậu bé” phụ thuộc vào mẹ. Như Matt, 19 tuổi, chia sẻ: “Thật xấu hổ khi thể hiện tình cảm, chẳng hạn như việc mẹ hôn bạn ở nơi công cộng.” Thậm chí, việc nói rằng mình yêu mẹ “sẽ thật kỳ quặc.” Tuy nhiên, Matt lại thích được mẹ xoa lưng khi đi ngủ, dù điều này đã dừng lại từ khi cậu lên lớp 9 vì cậu thức khuya hơn mẹ. Dù rất nhớ cử chỉ thân thiết đó, Matt chưa bao giờ chia sẻ cảm xúc của mình. Dù không nói ra, con trai vẫn đều cần và muốn nhận được sự âu yếm chăm sóc của mẹ. Mẹ là một trong số ít những người phụ nữ có thể cho cậu cảm giác thoải mái về tinh thần nhờ hơi ấm thể chất không nhuốm màu t*nh d*c, và các chàng trai cũng cần trải nghiệm những cử chỉ dịu dàng đó nếu muốn thể hiện tình cảm theo cách này trong tương lai. Nếu không như thế, các chàng trai sẽ học về những cử chỉ yêu thương này thông qua huấn luyện viên bóng đá, đối thủ đấu vật và người yêu của họ.
TÓM LẠI, sự khác biệt về giới khiến các Mẹ gặp khó khăn trong việc hiểu con trai, đôi khi Mẹ cảm thấy sợ hãi và lo lắng trong quá trình đồng hành cùng con, đặc biệt khi con bước vào độ tuổi vị thành niên. Các chàng trai với mong muốn thể hiện sự nam tính và tự chủ của mình bỗng trở nên bối rối và lúng túng trước cách ứng xử và kỳ vọng của Mẹ. Nhưng tình yêu thương và sự chăm sóc từ Mẹ luôn là điều mà các chàng trai cần, dù không phải lúc nào chàng trai cũng chia sẻ hay thể hiện ra điều đó. Sự điều chỉnh từ cả hai phía - Mẹ và con trai đều cần rất nhiều sự nỗ lực và khéo léo.
GIẢI PHÁP GIÚP GẮN KẾT MỐI QUAN HỆ MẸ VÀ CON TRAI
- Sức mạnh của sự Kết nối - Cách mẹ xây dựng Nội lực cho con
Trong câu chuyện “Peter Pan”, Never-Never Land (vùng đất tưởng tượng) là quê hương của Những cậu bé đi lạc, nơi các cậu bé mồ côi khao khát có một người mẹ. Họ tưởng tượng về người mẹ sẽ hát, kể chuyện, và ở bên cạnh với tình thương và sự khôn ngoan. Hình ảnh người mẹ tưởng chừng như ủy mị này thực tế lại rất quan trọng trong cuộc đời của một cậu bé. Không có tình yêu ấy, cậu thực sự là “cậu bé lạc lối”.
Để giúp chàng trai vượt qua trạng thái hỗn loạn xúc cảm của tuổi thiếu niên và nền văn hóa bắt nạt, người mẹ nên tạo dựng kết nối với con một cách khôn ngoan bằng cách giúp con trai mình cảm thấy được yêu thương và tôn trọng. Và mẹ có thể mở rộng vốn hiểu biết của con - giúp con nhìn xa hơn, sâu hơn hoặc dưới góc nhìn mới mẻ - để con có thể đưa ra những lựa chọn sáng suốt hơn. Các mẹ có thể thắt chặt sự kết nối này với con trai thông qua: (1) việc thảo luận thẳng thắn về một vấn đề với con, chẳng hạn như nhắc lại những giá trị hoặc kỳ vọng về đạo đức nhất định; hoặc (2) qua những hành động quan tâm đơn giản - lắng nghe mà không phán xét hay cố giải quyết vấn đề của con, nấu món con thích ăn, chơi trò con thích chơi, tán dóc về một bộ phim hoặc một cuốn sách, hoặc (3) làm con bất ngờ bằng món quà có ý nghĩa đặc biệt với con. Chỉ cần biết rằng mình có “nền tảng” yêu thương, chàng trai sẽ có niềm hy vọng và năng lượng cần thiết để tự giải quyết khó khăn. Câu chuyện về Darryl - cậu bé 12 tuổi là minh chứng điển hình cho quan điểm này của hai tác giả. Darryl nổi giận với mẹ vì bà yêu cầu cậu cam kết luyện đàn piano nếu muốn tiếp tục học gia sư. Cậu hét lên rằng “Con làm gì cũng không đúng cả! Con không thể làm bất cứ điều gì để làm hài lòng bất kỳ ai - không một ai - con hoàn toàn là kẻ thua cuộc!”. Jan - mẹ Darryl thảng thốt trước phản ứng bất thường này, nhưng thay vì nổi giận trước cơn bộc phát của con, cô ngồi xuống cạnh con, nói rằng có vẻ con đang lo lắng bởi điều gì đó lớn hơn việc tập piano và hỏi con liệu ở trường có điều gì làm con phiền lòng hay không. “Không,” cậu nói. Nhưng sau đó khi Mẹ tự giễu cợt mình, bắt chước tuyên bố chuyên quyền của cô về việc tập piano thì sau một trận cười sảng khoái, Darryl kể với cô rằng cậu căng thẳng vì bị trêu chọc bởi “đám con trai nổi tiếng” ở trường. Jan nhẹ nhàng trò chuyện, lắng nghe nỗi lòng của con. Cậu muốn chấm dứt trò trêu chọc này nhưng lại không muốn đánh nhau, và cậu biết rằng bất kỳ cú trả đòn nào cậu thực hiện đều sẽ chống lại cậu. Mẹ đã nắm được tình thế bất công này và hỏi Darryl liệu cậu có hướng giải quyết nào không. Cậu bảo không—và không, cậu không muốn mẹ gọi cho giáo viên của cậu. Ngày hôm sau, Jan đã suy nghĩ rất kỹ về việc liệu có nên liên hệ riêng với các giáo viên của con hay không nhúng tay vào như con đã yêu cầu. Nhưng Darryl tự đăng ký tham gia hòa giải với bạn, và việc trêu chọc chấm dứt. Nhờ sự lắng nghe, tôn trọng và động viên từ mẹ, cậu cảm thấy thỏa mãn khi đã tự mình vượt qua khó khăn.
Các bà mẹ thường đánh giá thấp giá trị của sự ủng hộ tinh thần mà họ mang lại qua việc đơn giản là lắng nghe, chia sẻ gánh nặng tinh thần mà con đang mang, bày tỏ niềm tin vào con và ủng hộ con tự hành động để giải quyết vấn đề của mình. Sự kết nối cảm xúc thường ngày này, dưới bất kỳ hình thức nào, cũng đều cho phép người mẹ kết nối với con trai mình để trò chuyện thẳng thắn hơn về những vấn đề nghiêm trọng hơn khi chúng phát sinh. Con trai Charlotte, Ron, 15 tuổi, đắm chìm trong mối tình đầu với Pearl - một cô bé mới chuyển đến trường. Charlotte không hài lòng với việc con trai mình hoàn toàn chìm đắm vào mối quan hệ này - cậu chán ăn, trông bơ phờ và xa cách hơn bao giờ hết - nhưng cô thậm chí còn phiền lòng hơn bởi hành vi và ngoại hình của Pearl cho thấy cô bé sử dụng ma túy. Ron phủ nhận và từ chối thảo luận về điều đó. Charlotte cảm thấy bất an nhưng không muốn đối đầu với con. Khi Pearl bị bắt giữ vì liên quan đến ma túy, Ron thừa nhận rằng cậu biết cô bé sử dụng ma túy và đã từng thử qua. Cẩn thận tránh việc trở thành kẻ thù của con, Charlotte và chồng đã tiến hành nhiều phiên thảo luận dài hơi với Ron, trong đó họ bày tỏ rõ ràng tình yêu và niềm tin tưởng rằng cậu là đứa trẻ ngoan ngoãn và tử tế. Ron luôn thân thiết với bố mẹ, và bố mẹ cậu đã thảo luận về nếp nhà, về việc ma túy và sự dối trá đã khiến Ron mâu thuẫn với nhận thức đúng sai của mình như thế nào. Charlotte tránh chỉ trích Pearl, thay vào đó, trong cuộc trò chuyện riêng với con, Charlotte chia sẻ quan điểm với Ron dưới góc độ một phụ nữ và một người mẹ, giải thích cách một cô gái tuổi vị thành niên sẽ suy nghĩ như thế nào trong những trường hợp nhất định, giúp Ron hiểu được khó khăn của Pearl cũng như ý nghĩa đằng sau những hành vi gây tổn thương và tự hủy hoại bản thân của cô bé. Cô cũng khơi gợi nhiều suy nghĩ trong Ron về những vấn đề này, giúp cậu có cơ hội khám phá và chia sẻ cảm xúc của mình mà không cần phải tự bào chữa cho tình yêu của mình hoặc phán đoán sai lầm của bản thân. Dần dần, Ron nhận ra cuộc sống của mình đã lệch hướng. Cậu quay lại với bạn bè cũ và hoạt động yêu thích, tập trung vào học tập và mục tiêu đại học. Charlotte luôn ở bên, sẵn sàng khi Ron cần trò chuyện và hỗ trợ để cậu xây dựng lại cuộc sống. Sau nhiều tháng, Ron tự quyết định chấm dứt mối quan hệ với Pearl. Đấy không phải là quyết định dễ dàng đối với cậu, nhưng đó là sự lựa chọn của cậu. Yếu tố quan trọng trong đó là sự ủng hộ miệt mài và sự vỗ về cảm xúc từ mẹ giúp Ron có thể khám phá nhu cầu và khát khao của mình một cách trọn vẹn hơn và đưa ra quyết định sáng suốt cho bản thân. - Tôn trọng những lựa chọn yêu thương của con - Cách gìn giữ gắn kết khi con trai trưởng thành
Dan - một trong hai tác giả kể lại chuyện lúc nhỏ, đó là lần đầu tiên Dan cảm nhận sự đặc biệt của một cô gái khi mới học lớp bảy. Điều thú vị là, đó không phải là mối quan hệ hẹn hò thực sự, mà chỉ là những khoảnh khắc giản dị khi cô ấy ngồi cạnh Dan trong ban nhạc của trường. Họ thường xuyên khiêu vũ cùng nhau ở lớp học nhảy, và chỉ cần nhìn thấy cô ấy trong cuốn kỷ yếu cũng đủ làm Dan xao xuyến. Với Dan, cô gái ấy có điều gì đó rất đặc biệt, và cậu mong muốn được mẹ ủng hộ cảm xúc này. Khi Dan cho mẹ xem bức ảnh của cô gái, câu trả lời của mẹ khiến cậu khá ngạc nhiên. Mẹ không khen ngợi như cậu mong đợi, mà chỉ bình luận ngắn gọn rằng cô ấy “ăn ảnh”. Dù mẹ có thái độ khá dè dặt nhưng Dan không cảm thấy khó chịu. Nhìn lại, Dan mới nhận ra rằng, ngay từ những rung động đầu đời của con, mẹ đã thể hiện sự tôn trọng với cảm xúc và lựa chọn của Dan một cách thầm lặng. Mẹ Dan duy trì thái độ tôn trọng này trong suốt những cuộc thử nghiệm yêu đương thời trung học của ông, và mẹ vẫn giữ thái độ điềm tĩnh như thế ngay cả khi Dan lên đại học, mặc dù ông biết mẹ phản ứng khá tiêu cực trước vài cô bạn gái theo phong trào phản văn hóa và có quan điểm gay gắt về mặt chính trị. Cô này hơi phàm tục so với mức mà mẹ có thể chấp nhận. Cô kia chỉ trích mẹ khi bà thuê một nữ tạp vụ. Sự không chung thủy của cô kia nữa đi ngược lại những giá trị cốt lõi của mẹ và khiến bà muốn bảo vệ Dan tránh khỏi tổn thương tình cảm gây ra bởi một người bạn đời lang chạ. Dan chưa bao giờ biết đến những cảm xúc đó cho đến mãi sau này, rất lâu sau khi Dan chia tay với những cô bạn gái đó. Cũng như việc Dan chưa bao giờ biết rằng người phụ nữ mà ông suýt cưới lại là người mà mẹ ông vô cùng yêu quý, nhưng khi Dan chia tay, mẹ không bao giờ thắc mắc về quyết định của ông. Mẹ cũng hành xử tương tự với những cô gái và những người phụ nữ đã đi qua cuộc đời của hai anh trai Dan. Một trong những lý do khiến mẹ giữ thái độ không phán xét và ủng hộ con trai là vì bà hiểu rằng, một khi con trai trưởng thành và xây dựng gia đình, mối quan hệ giữa mẹ và con có thể sẽ trở nên xa cách. Bà đã học cách yêu thương và tôn trọng những mối quan hệ mà Dan chọn, hiểu rằng đây là cuộc sống và hành trình trưởng thành của ông. Mẹ thừa nhận rằng bà muốn đảm bảo rằng mình luôn là một người đáng tin cậy để Dan có thể quay về, dù ông có lựa chọn như thế nào trong tình yêu. Nhìn lại, Dan nhận ra rằng sự kiên nhẫn và tình yêu vô điều kiện của mẹ đã giúp ông tự do khám phá tình yêu và trưởng thành. Mẹ không phải là người đưa ra quyết định, nhưng bà là điểm tựa vững chắc, luôn sẵn sàng chấp nhận con người thật của Dan và những người con yêu thương. Bằng cách ấy, mẹ đã âm thầm bảo vệ và củng cố mối quan hệ giữa hai mẹ con, tạo nên một nền tảng vững chắc giúp Dan thêm mạnh mẽ và an yên trong cuộc sống.
Khi chúng ta thấy mẫu tử liền tâm, chúng ta thấy một người mẹ sẵn sàng xem việc nuôi dạy con như một phép thực tập - như thiền hoặc yoga - và sẵn sàng cố gắng nhìn thế giới này qua đôi mắt của con để hiểu con cần gì. Tinh thần sẵn lòng học hỏi từ một đứa trẻ là điểm mạnh nhất của cha mẹ, đồng thời đóng vai trò quan trọng đối với mẹ của một cậu bé bởi có rất nhiều trải nghiệm của con về bản thân và thế giới mà mẹ phải tìm hiểu. Việc thực hành “mothering Zen” (tạm dịch là “Làm mẹ tỉnh thức”) này giúp mẹ thắt chặt tình cảm với con ngay cả khi con ngày càng đi xa mẹ. - Buông bỏ - dạy con cách sống với mất mát và nỗi đau
Michael - một trong hai tác giả chia sẻ rằng ông có đặc ân trở thành bác sĩ trị liệu cho Susan, người đã chiến đấu với căn bệnh ung thư đến hơi thở cuối cùng. Câu chuyện giữa Susan và hai con trai - Ethan, 23 tuổi và Tyler, 19 tuổi - là bài học về tình yêu, lòng can đảm, và sự buông bỏ trong hành trình cuối đời của một người mẹ. Một trong những điều Michael và Susan thảo luận là làm thế nào để cô giúp hai cậu con trai của mình sẵn sàng cho việc mẹ qua đời. Vì đã ly hôn nên Susan phải tự mình dạy con rất nhiều, dù cô đã nhờ bạn bè tham gia hướng dẫn các cậu con trai cách thanh toán hóa đơn và quản lý gia đình. Cô rất gần gũi với các con, ba người đã ở cùng nhau trong kỳ nghỉ hè này, và Ethan đã quyết định sống cùng mẹ cho đến thời điểm bà qua đời; Tyler đã lên kế hoạch trở lại trường vào mùa thu.
💚 Cuộc trò chuyện của mẹ con trước khi Tyler quay lại trường
Cuối tháng 7, Tyler, thường là người ôn hòa hơn, đã đi loanh quanh trong nhà, phát cáu với thanh treo rèm, cửa tủ và bất cứ thứ gì ngáng chân cậu. Sau khi thảo luận với mẹ, Ethan đã đề nghị Tyler nên nghỉ học để ở lại cùng mẹ. Khi Susan hỏi con về quyết định này, Tyler chân thành hỏi: “Mẹ sẽ ra đi khi nào?” Cậu lo lắng về việc mẹ sẽ qua đời vào đúng dịp lễ, khiến mỗi lần đến dịp này, cậu lại phải đối mặt với ký ức đau buồn. Susan nhẹ nhàng đáp lại con, giúp Tyler hiểu rằng việc kiểm soát thời điểm ra đi là điều cô không thể làm được. Mỗi lần Susan tận dụng những cơ hội này để tìm hiểu những nét cảm xúc mà con không bộc lộ, cô đã xoa dịu nỗi sợ hãi trong con và giúp con thêm vững vàng cho những ngày đau buồn sắp tới. Qua việc hỏi Tyler xem con muốn làm gì và xem con như một nhà tư vấn, Susan đã giúp con bày tỏ lòng mình, mà đến tận thời điểm đó, chính là “động cơ” cảm xúc khơi nguồn cơn thịnh nộ của con.
💚 Sự khát khao của Ethan về chuyến hành trình chữa lành
Sau khi biết rằng căn bệnh của mẹ là không thể cứu chữa, Ethan từng nói về mong muốn thực hiện một chuyến đi Tây Tạng sau khi mẹ qua đời. Thay vì đáp lại con bằng nỗi thất vọng, Susan nhận ra đằng sau kế hoạch ấy là mong muốn chạy trốn khỏi khỏi thực tại đau thương của cô, lòng cô xót xa cho con. Sau đó, hai người nói chuyện rất lâu về việc cô qua đời sẽ có ý nghĩa gì, và Ethan cuối cùng đã có thể thừa nhận nỗi kinh hoàng của cậu trước sự ra đi của mẹ, nói rằng cậu không chắc mình có thể vượt qua nỗi đau đó khi mẹ thực sự ra đi. Cậu tưởng tượng chuyến đi Tây Tạng sẽ là cuộc hành trình chữa lành, dù đơn độc, nhưng sẽ kéo cậu ra khỏi nỗi buồn đó ngay lập tức. Susan đã giúp cậu hiểu rằng việc thoát ly hoàn toàn cảm xúc của mình là điều không thể - và vốn dĩ là điều không thể. Cậu cần trải nghiệm, sắp xếp cảm xúc của mình và tìm cách “đóng” chúng lại. Cô giải thích rằng cảm giác mất mát của cậu sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn, nhưng những ký ức ấm áp về mẹ cũng sẽ không bao giờ thực sự phai nhòa trong tâm trí cậu. Cuộc trò chuyện chân thành ấy đã giúp Ethan bình tĩnh hơn, mở ra hành trình chữa lành mà cậu bắt đầu khi mẹ vẫn còn bên cạnh.
💚 Tình yêu vô điều kiện mà mẹ dành cho các con
Vào một trong những đêm cuối cùng, Ethan đã hát cho mẹ nghe cho mẹ nghe, ‘Mẹ là ánh nắng của con, là tia nắng duy nhất của con…’ Khi cậu không thể hát tiếp được nữa thì Susan đã hát phần còn lại, để lại một ký ức ấm áp mà Ethan sẽ trân trọng mãi mãi. Anh nhận ra rằng mẹ yêu mình vô điều kiện, không vì thành công hay thất bại, và tình yêu đó luôn bên cạnh dù anh có trưởng thành ra sao. Năm cuối đời mình, Susan dành tình yêu thương cho các con dưới nhiều dáng vẻ, và cô luôn chú ý đến nhu cầu của con: Cô đưa con đi khám bác sĩ để chúng có thể thấu hiểu nhiều nhất có thể. Cô nhận ra sự đấu tranh trong cảm xúc của con và dẫn lối con trong quá trình giãi bày cảm xúc, và bằng những cách này hay cách khác, cô là tấm gương của lòng dũng cảm về mặt cảm xúc mà đây sẽ là món quà còn mãi trong đời con mà cô dành tặng chúng.
Tóm lại, buông bỏ thật sự không phải là bài học dễ dàng, ngay cả đối với một người mẹ biết mình sắp qua đời, nhưng bằng sự chấp nhận sự thật là mình sẽ không thể nào ở bên con mãi mãi, mẹ buông bỏ nỗi sợ của chính mình và dùng tình yêu thương vô điều kiện để hỗ trợ con bộc lộ, nhìn nhận đúng và xử lý những cảm xúc sâu kín, giúp con hiểu và buông bỏ mong muốn kiểm soát tình huống bất lực này, để các con không bị cuốn vào sự tức giận hay sự trốn tránh nỗi đau, giúp các con dần học cách sống mà không cần dựa vào sự có mặt của mẹ.
KẾT LUẬN
Khi một cậu bé ngày càng rời xa tầm bảo vệ của mẹ, nhất là khi bước vào tuổi thiếu niên và ở đó, nền văn hóa bắt nạt đang chờ đợi cậu, cậu cần có khả năng ôm lấy mẹ trong trái tim mình, trong sự an toàn mà tình yêu của mẹ đem lại và sự giáo dục cảm xúc mà mẹ đã dạy cậu. Cậu cần biết rằng, giữa mẹ và cậu, dù sự gắn kết ấy có như thế nào thì cậu vẫn luôn có thể tìm được nơi mà cậu được yêu thương “hơn cả”. Dù có những khoảng cách về giới khiến việc làm Mẹ của các chàng trai trở nên khó khăn nhưng bằng tình yêu thương vô điều kiện của Mẹ, với sự lắng nghe, thấu hiểu, tôn trọng những lựa chọn của con trai, tin tưởng vào con và để con có quyền tự quyết định cuộc đời của mình, dạy con cách quản lý cảm xúc của mình thật sự là món quà quý giá mà Mẹ trao cho các chàng trai để họ lớn lên với nền tảng yêu thương vững vàng, mạnh mẽ từ bên trong và có đời sống tinh thần lành mạnh.
Teasing chương 7 - kỳ 1: Ở bài tiếp theo, chúng ta sẽ cùng bước vào bên trong pháo đài của sự cô độc và thu mình của các chàng trai để cùng khám phá thế giới nội tâm của các chàng trai khi bị tổn thương tâm lý, từ đó có thêm suy ngẫm về đời sống cảm xúc của những chàng trai xung quanh mình.
📍 Nguồn: Raising Cain: Protecting the Emotional Life of Boys - Dan Kindlon & Michael Thompson.
📍 Bản quyền dự án: Toàn bộ bản dịch, nội dung biên soạn và hình ảnh thiết kế của dự án thuộc về trí tuệ sáng tạo của The Domdom Healing Garden, mọi sao chép/trích dẫn vui lòng ghi rõ nguồn, nếu không Domdom xin phép liên lạc đề nghị gỡ bỏ.
Thương mến,
The DomDom Healing Garden.
