#Chương 6 (Kỳ 1): Mối quan hệ giữa Mẹ và Con trai

Ở chương 5, chúng ta đã tìm hiểu về Mối quan hệ giữa Cha và con trai. Người cha có vai trò quan trọng trong việc định hình nhận thức về bản thân của các chàng trai, nhưng thực tế không ít bậc làm cha phải đối diện với thách thức về sự chống đối của con trai mình và sợi dây khoảng cách giữa hai bố con ngày càng xa. Hi vọng các chàng trai và bậc phụ huynh đặc biệt là các ông bố đã những phút suy ngẫm về mối quan hệ với con trai mình và soi chiếu lại mối quan hệ với bố mình ngày xưa, biết được những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến hiện trạng mình đang có với con và có thêm những giải pháp gợi ý đáng để tham khảo nhằm rút ngắn sợi dây khoảng cách này và giúp các chàng trai tự tin thể hiện chính mình và chăm sóc đời sống cảm xúc của mình tốt hơn. Chương 6 là chương đặc biệt dành cho các Mẹ có con trai và các chàng trai dù chưa lớn hay đã trưởng thành. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ hơn về Mối quan hệ thiêng liêng giữa Mẹ và con trai dưới góc nhìn tâm lý học.
Và ở kỳ 1, chúng ta sẽ bàn về vai trò và thách thức của người Mẹ trong việc gắn bó những năm đầu đời đến hành trình tìm kiếm sự tự chủ của các chàng trai.
MỐI LIÊN KẾT TÂM LIỀN TÂM - SỰ GẮN BÓ BAN ĐẦU GIỮA MẸ VÀ CON TRAI
“Tình yêu dịu dàng bền bỉ mẹ dành cho con trai vượt lên mọi tình cảm khác của trái tim” - Washington Irving.
Đặc điểm căn bản trong mối quan hệ giữa mẹ và con trai là mẹ như “nhà,” còn chàng trai là “nhà thám hiểm”. Về mặt cảm xúc lẫn thể chất, suốt thời thơ ấu, chàng trai khám phá thế giới với sự tự tin vì biết rằng luôn có mẹ là nơi an toàn để trở về. Khi lớn lên, chàng trai cần học cách tự lập, có năng lực rời khỏi vòng tay mẹ nhưng vẫn duy trì sự gắn kết tình cảm, đồng thời có năng lực quay về với mẹ mà không đánh mất chính mình. Mẹ cũng có nhiệm vụ quan trọng là yêu thương và đáp ứng nhu cầu của con trai ở từng giai đoạn cuộc đời. Khi cả hai đạt được sự hài hòa này, mối quan hệ đạt được sự cân bằng, đó chính là “mối liên kết tâm liền tâm” (từ gốc: synchronous - đồng bộ). Câu chuyện của người mẹ và cậu con trai 24 tháng tuổi trong công viên là một ví dụ điển hình cho mối quan hệ mật thiết và đầy yêu thương giữa mẹ và con trai. Trong khi mẹ yên lặng ngồi đọc sách, cậu bé khám phá môi trường xung quanh với ánh mắt tò mò và dần dần dám bước ra xa khỏi mẹ hơn, nới rộng quỹ đạo khám phá hơn một chút. Tuy nhiên, sau mỗi cuộc “phiêu lưu” nhỏ, cậu luôn quay về, ôm lấy mẹ như một nơi an toàn để nương tựa. Mẹ luôn để mắt đến cậu, và khi cảm thấy cậu đã đi đủ xa, mẹ gọi cậu lại và nhân nhượng tiến về phía cậu. Sự gắn bó này tượng trưng cho quá trình phát triển tự nhiên của các chàng trai, khi các em dần học cách khám phá và tự lập nhưng vẫn cần cảm nhận tình thương và sự an toàn từ mẹ.
Nhà triết học/tâm lý học Erich Fromm đã viết: “Trong những năm đầu mang tính quyết định của cuộc đời, đứa trẻ cảm thấy mẹ như một nguồn sức mạnh nuôi dưỡng bảo vệ và bao bọc mọi mặt”. “Mẹ là thức ăn; mẹ là tình yêu; mẹ ấm áp; mẹ là cả thế giới. Được mẹ yêu thương có nghĩa là được sống, được có cảm giác thuộc về nhà ”. Khi mẹ đáp ứng một cách đáng tin cậy và nhạy cảm trước nhu cầu của con mình, con sẽ hình thành một mối liên hệ nội tâm với mẹ - điều mà các nhà tâm lý học gọi là “sự gắn bó an toàn” - trong đó xây dựng nền tảng tin yêu vững chắc để từ đó con xây dựng các mối quan hệ khác.
TỪ GẮN BÓ ĐẾN ĐỘC LẬP - BƯỚC CHUYỂN ĐÁNH DẤU SỰ THAY ĐỔI TRONG MỐI QUAN HỆ MẸ VÀ CON TRAI
Khởi đầu từ sự gần gũi tuyệt đối, những cột mốc phát triển nhất định trong cuộc đời của chàng trai sẽ đánh dấu sự những thay đổi trong mối quan hệ giữa mẹ với cậu. Bốn bước chuyển quan trọng bao gồm: (1) giai đoạn chập chững biết đi, khi cậu trở nên năng động và có thể tự khám phá thế giới riêng; (2) khi cậu đi học mẫu giáo và bước vào một thế giới mới với nhiều người chăm sóc - những người sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời cậu; (3) giai đoạn tuổi dậy thì, khi cậu dần quan tâm đến bạn nữ nào đó, khi ảnh hưởng của bạn bè đồng trang lứa thách thức sức ảnh hưởng của mẹ; (4) giai đoạn sau khi tốt nghiệp cấp ba và thường xuyên không ở nhà. Tại mỗi giai đoạn, mẹ phải điều chỉnh mối liên kết với cậu, xây dựng nền tảng tinh thần và đem lại sự tự do cảm xúc mà cậu cần để trưởng thành. Cậu cần cảm thấy rằng mẹ tin tưởng vào khả năng xoay xở trước những trải nghiệm mới trong đời.
Câu chuyện cổ điển dành cho trẻ em “Chú thỏ chạy trốn” của Margaret Wise Brown diễn tả sinh động quá trình này. Trong câu chuyện, chú thỏ con vui vẻ cười nhạo mẹ với lời đe dọa rằng cậu sẽ chạy trốn khỏi bà và bà sẽ không bao giờ có thể tìm thấy cậu. Cậu sẽ biến thành một vật gì đó hoàn toàn khác - một ngọn núi, một bông hoa, một chiếc thuyền buồm, một con chim, một con cá hồi. Nhưng dù thỏ con có biến thành gì, hình ảnh thỏ mẹ luôn xuất hiện để trấn an cậu. Mẹ nói: “Nếu con biến thành chim và bay xa khỏi mẹ, mẹ sẽ là cây để con có nhà trở về”. Câu chuyện này khiến cậu bé ba tuổi thấy yên tâm trước tình yêu và sự hiện diện không đổi của mẹ. Nhưng khi lớn lên, đặc biệt ở tuổi thiếu niên, sự bao bọc kiên định ấy có thể trở thành điều “nghẹt thở” mà cậu muốn trốn tránh. Khi ấy, cậu vẫn cần tình yêu của mẹ, nhưng cậu kỳ vọng cách biểu hiện của mẹ sẽ thay đổi. Điều này nhắc nhở rằng sự điều chỉnh liên tục của mẹ trong cách yêu thương sẽ giúp con trai có nền tảng tinh thần vững chắc và cảm giác tự do cần thiết trong hành trình trưởng thành.
NHỮNG THÁCH THỨC MẸ GẶP PHẢI TRONG HÀNH TRÌNH TRƯỞNG THÀNH CỦA CON TRAI
Việc nuôi dạy bất kỳ đứa trẻ nào đều phụ thuộc vào sự cân bằng mong manh giữa gần gũi và xa cách, nhưng trong mối quan hệ giữa mẹ và con trai, mối liên kết tâm liền tâm này có thể bị phá vỡ do nhiều nguyên nhân. Nếu mẹ không nhận ra những giai đoạn cần thiết trong quá trình trưởng thành ẩn chứa trong sự thay đổi hành vi và thái độ của cậu với mẹ, thì mẹ không thể nào đáp ứng nhu cầu của cậu, hoặc sẽ tiếp tục cố gắng cung cấp những gì mà cậu không cần hoặc muốn nữa. Với nhiều phụ nữ, việc nuôi dạy một cậu con trai còn nhiều khó khăn hơn khi cảm thấy mình không thể hiểu nổi con mình, bởi vì mẹ chưa bao giờ thực sự sống trong thế giới mà cậu đang sống; hoặc từ mối quan hệ với bố và anh trai mà mẹ có kỳ vọng tương tự với cậu, điều này ảnh hưởng đến cách mẹ nhìn nhận con trai mình.
Mọi người thường cho rằng mối liên kết giữa mẹ với con trai là hữu hạn, đây là sự mất mát tất yếu trong quá trình trưởng thành của chàng trai. Chắc chắn, sẽ có một thời điểm nào đó trong tuổi đôi mươi, khi chàng trai phải chuyển dời sự gắn bó mật thiết của mình từ mẹ sang cha và bắt đầu tự nhận mình “sắp thành người lớn”. Tuy nhiên, không có một mốc cụ thể nào - không phải ở tuổi lên bốn, chín, hay mười ba, khi cậu phải “tách khỏi” mẹ mình, hay khi mẹ phải “tách khỏi” cậu. Mối quan hệ mẹ con tâm liền tâm sẽ tự biến đổi - và biến đổi trong cả mẹ lẫn con trai - trong suốt thời thơ ấu. Hai tác giả tin rằng một chàng trai lúc nhỏ bị tách khỏi mẹ sẽ gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều chàng trai bắt đầu hành động như thể mọi thứ mà mẹ từng đại diện cho - sự thân mật, ấm áp, tình yêu thương, sự nuôi dưỡng - giờ đây không còn trong vùng mà cậu có thể chạm tới, sự gần gũi giữa mẹ và cậu giờ đã không còn tăm tích. Nhiều bà mẹ kháng cự lại điều này, đã có nhiều bà mẹ muốn giữ gìn sự gần gũi với con nhưng không biết làm thế nào. Những bà mẹ yêu con trai sợ mất đi con, nhưng đồng thời họ thấy mình bị thôi thúc bởi những thông điệp văn hóa “không bám váy mẹ, để con tự lập”. Một người mẹ quan tâm con trai mình và muốn những gì tốt nhất cho con có thể dễ dàng rơi vào nỗi lo rằng nếu mẹ quá gần gũi với con thì con sẽ trở thành một đứa con trai bám váy mẹ, hoặc tệ hơn, là một kẻ yếu đuối.
Về phần mình, chàng trai có nhu cầu cố hữu là được cảm thấy mình có năng lực và phẩm chất đàn ông rõ ràng. Cậu hướng về mẹ để kiếm tìm tình yêu và sự chấp nhận, nhưng cậu sẽ tách khỏi mẹ khi cảm thấy cần tự chủ hoặc khẳng định “tính nam” của mình. Đó là điều tự nhiên và dễ đoán, nhưng nhu cầu được mẹ thấu hiểu và yêu thương cũng không bao giờ mất đi trong cậu. Sự dao động giữa nhu cầu độc lập và mong mỏi sâu sắc này có thể khiến nhiều bà mẹ bối rối. Bởi vì nhiệm vụ trưởng thành và thay đổi của một cậu bé khá khác so với nhiệm vụ dẫn lối và nuôi dưỡng của mẹ, nên mối quan hệ giữa hai người diễn ra theo hai phiên bản riêng biệt: mối quan hệ từ góc nhìn của cậu và của mẹ. Không phải lúc nào cả hai cũng ăn khớp với nhau.
- Khi mối liên kết giữa mẹ và con trai bị đứt gãy:
Các chàng trai thường phàn nàn rằng: “Mẹ không hiểu gì cả”. Thực ra các cậu không cần mẹ phải thực sự hiểu; mẹ là phụ huynh, có một số điều mà cha mẹ không “hiểu được”. Nhưng các chàng trai thất vọng với mối quan hệ với mẹ khi thấy mẹ thường xuyên hiểu lầm hoặc rằng mẹ - do kinh hãi hoặc ngây thơ - phản ứng thái quá với những điều bình thường xảy ra ở tầm tuổi cậu. Câu chuyện của Sam là một ví dụ điển hình. Thuở bé, Sam và mẹ rất thân thiết. Khi bố và anh trai chơi Little League, mẹ đưa Sam đến xưởng điêu khắc của bà, cho cậu đất sét riêng để chơi. Ban đêm, khi bố và anh trai đọc về cuộc Nội chiến, mẹ sẽ đọc thơ cho Sam nghe. Nhưng khi Sam lên 12 tuổi, cậu bắt đầu phàn nàn rằng thơ ca chỉ dành cho “trẻ sơ sinh” và “đất sét thì thật nhàm chán.” Cậu dần từ chối những cái ôm và dành nhiều thời gian hơn trong phòng riêng sau bữa tối. Mẹ, tuy cố gắng hiểu, nhưng không tránh khỏi tổn thương, vì vậy mỗi khi cậu lùi một bước, bà lại cố bước tới gần hơn. Muốn duy trì thói quen trò chuyện ban đêm, mẹ Sam bắt đầu gõ cửa phòng cậu. Khi vào phòng, bà ngồi ở mép giường và bắt chuyện, nhưng Sam không che giấu vẻ bực bội, nói “Mẹ ơi, con phải học, mẹ có thể ra ngoài không ạ?” Cuối cùng, Sam bắt đầu khóa cửa phòng, và mẹ cậu không thể chịu nổi: “Mở cửa ra! Mẹ là mẹ của con, chết tiệt!” Những nỗ lực giữ lại mối gắn bó thân thiết chỉ khiến Sam thêm xa cách, và cuối cùng, mối quan hệ giữa hai mẹ con đã rạn nứt. Ba mươi năm sau, Sam vẫn nhớ lại sự xích mích thời đó.
Nhiều bà mẹ tâm sự rằng thật khó để liên tục điều chỉnh bản thân, thay đổi quan điểm hoặc phản ứng của mình để phù hợp với trạng thái mới trong quá trình trưởng thành của con. Một phiên bản thường nghe là “câu chuyện về chiếc áo len”, người mẹ cảm thấy gắn bó sâu sắc với con mình đến mức khi nhiệt độ giảm xuống và tự mình thấy lạnh thì ngay lập tức mẹ chạy đi lấy cho cậu một chiếc áo len. Nhưng sẽ đến lúc người mẹ phải cho phép con trai mình tự đưa ra quyết định - được phạm sai lầm, ngay cả khi điều đó có nghĩa là môi cậu tái xanh và răng thì va lập cập. - Hành trình tìm kiếm sự tự quyết của con và cách đón nhận của mẹ:
Đến tuổi thiếu niên, nhu cầu tự chủ của con trở nên rõ ràng. Câu chuyện của Jason là một trường hợp khá phổ biến. Jason là một cậu con trai hoàn hảo trong mắt mẹ – vui vẻ, ngoan ngoãn và luôn làm theo lời mẹ. Khi Jason lên mười, do bố thường xuyên vắng nhà, Jason càng đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn và luôn hợp tác với mẹ. Nhưng đến năm mười bốn tuổi, mọi thứ bắt đầu thay đổi khi Jason dần thách thức mẹ về mọi điều: “Nếu mẹ nói cậu có mặt ở nhà lúc sáu giờ, thì cậu sẽ về lúc bảy giờ.” Thậm chí, cậu còn cãi nhau với mẹ về độ dài của mái tóc và nhuộm tóc thành màu xanh lam, sau đó là đen, và cuối cùng là cạo trọc. Anne – mẹ của Jason – cảm thấy cuộc đối đầu này quá khó khăn và đến mức mất niềm tin vào bản thân đến mức cô bắt đầu tự hỏi liệu mình có phải một bà mẹ tốt hay không. Như nhiều bà mẹ có con trai tuổi vị thành niên, cô tự hỏi liệu Jason có thích thú hay để tâm đến bất cứ điều gì cô nói hay không. Cô tự hỏi: “Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với con mình. Thằng bé hầu như không nói chuyện với tôi và chúng tôi cãi nhau liên miên.” Anne nghi ngờ rằng hành vi của con là do sự vắng mặt lâu ngày của chồng, nhưng cô biết các cặp vợ chồng khác cũng đang trải qua việc đứa con trai mới lớn của mình có hành vi nổi loạn tương tự. Mỗi lần Jason cố gắng phát huy ý thức độc lập đang chớm nở của mình, Anne lại ngăn cản vì sợ mình sẽ không thể kiểm soát con. Nguyên nhân sâu xa hơn là cô sợ mình đánh mất mối liên kết chung giữa mình với con. Một vấn đề của Anne là cô không nhận ra rằng nỗ lực giành quyền tự chủ của thanh thiếu niên là điều bình thường. Thanh niên thích “kiểm tra giới hạn”, xem thử mình có thể thoát trót lọt khỏi điều gì, liệu chúng có khiến mẹ mình phát điên hay không. Điều này giống như đang lặp lại thời kỳ trẻ lên hai (thời kỳ trẻ khó ở, hay ăn vạ–ND). Như một chàng trai ở tuổi vị thành niên đã nói: “Nhìn này - em là một thanh niên. Em vốn phải nói những lời khiêu khích.” Khi quyền hạn của người mẹ bị thách thức, bà phải làm hai việc cùng một lúc: chấp thuận và ủng hộ việc con mình tiếp tục phụ thuộc mà không thô lỗ từ chối, chấp nhận những nỗ lực trở nên độc lập nho nhỏ của cậu mà không phản ứng thái quá như thể những hành vi này gây đe dọa hay đáng sợ. Bạn có thể biết một cậu bé mong manh đến mức nào qua việc cậu đấu tranh quyết liệt như thế nào để giành quyền tự chủ. Càng tự tin vào sức mạnh của mình, cậu càng dễ thừa nhận sự phụ thuộc của bản thân. Một phần lý do mà Anne tranh cãi với Jason trong suốt hai năm là vì cô phản đối quá trình chuyển đổi này; khi chồng vắng nhà, cô cảm thấy mình phải kiên cường duy trì quyền lực hơn bao giờ hết. Jason cảm thấy mình cần tiếp tục mạnh mẽ giữ vững lập trường để khẳng định bản thân và hai mẹ con dần bị cuốn vào cuộc đấu tranh không hồi kết. Tuy nhiên, khi Jason bước vào những năm cuối cấp, mọi chuyện dần yên bình hơn. Anne cũng dần thấu hiểu và tin tưởng vào tình yêu dành cho con, giúp cô đón nhận những biểu hiện cá tính của Jason. Vào ngày tốt nghiệp, khi thấy Jason nhuộm tóc màu xanh sáng lần nữa, Anne chỉ bật cười. Sự bao dung giúp cô hiểu rằng việc tự quyết và khác biệt ở con là điều tự nhiên, không phải là mối đe dọa đến tình cảm mẹ con.
Bất kể mẹ và con trai giống nhau về tính khí, sở thích hay quan điểm đến mức nào, mẹ không bao giờ có thể ngộ nhận rằng con trai sẽ đồng tình với mẹ khi vấn đề thực sự là cậu đang tìm kiếm quyền tự chủ - quyền tự đưa ra quyết định - và nhu cầu tách mình khỏi quá khứ đã từng phụ thuộc vào cha mẹ và nhân chứng nổi bật nhất cho điều đó chính là mẹ.
VAI TRÒ CỦA MẸ TRONG ĐỜI SỐNG CẢM XÚC CỦA CHÀNG TRAI
Mẹ là người đóng vai trò tâm lý quan trọng trong đời sống cảm xúc của con trai. Sự kết nối với mẹ là một trong những mối liên kết sâu sắc nhất của các chàng trai và giúp hình thành nền tảng tâm lý ổn định cho họ trong suốt cuộc đời. Mẹ là người thầy về thấu hiểu cảm xúc của chàng trai. Mẹ là người có sức mạnh tâm lý mạnh mẽ. Sự kết nối tình cảm giữa một chàng trai với mẹ có thể là sự kết nối sâu sắc nhất trong cuộc đời. Đối với nhiều chàng trai, mẹ là người duy nhất họ có thể tin tưởng. Nếu không thể gắn kết với mẹ như thế, cậu có thể gánh chịu mất mát nặng nề. Andrew, một cậu bé mười bốn tuổi, cùng bố mẹ đến tiếp nhận tư vấn gia đình. Ngay khi vào phòng, Andrew thể hiện sự hiếu động bằng cách chạy quanh, mở tủ quần áo và xoay tròn trên ghế. Mặc dù mẹ cậu khuyên ngồi yên, nhưng Andrew vẫn tiếp tục dẫm vào chân mẹ, khiến bà khó chịu. Tuy nhiên, thay vì quở trách, mẹ chỉ nắm lấy chân cậu và tiếp tục trò chuyện, giúp Andrew bình tĩnh lại và tham gia vào cuộc trò chuyện. Sự thấu hiểu và kiên nhẫn từ mẹ sẽ hỗ trợ các chàng trai từng bước thấu hiểu và ổn định cảm xúc cho mình. Khi hai cậu bé trung học được hỏi về mối quan hệ với mẹ, và không dùng từ "yêu" theo đúng với độ tuổi các em, cả hai đều chia sẻ là cảm thấy thoải mái khi ở gần mẹ. Một trong hai cậu bé nói rằng mẹ thường đúng về mọi thứ, và mẹ thường hiểu ý cậu. Đối với một người mẹ, việc tìm ra câu trả lời “đúng” thường đòi hỏi nỗ lực tách biệt những trạng thái cảm xúc của con trai với của chính mình.
Dawn, người mẹ đang đối mặt với cuộc ly hôn với chồng cũ, Rick. Sau nhiều năm sống trong sự thờ ơ của Rick, Dawn quyết định ly thân và bắt đầu thủ tục ly hôn, mặc dù Rick không hề tỏ ra lo lắng, thậm chí còn có cảm giác nhẹ nhõm. Tuy nhiên, Rick tiếp tục kiểm soát cuộc sống của Dawn và thường xuyên gọi điện để quấy rối cô về vấn đề cấp dưỡng và nuôi con, điều này khiến cô rất tức giận. Dawn lo lắng về con trai mười ba tuổi của mình, Doug, người đang gặp khó khăn trong việc đối phó với cuộc ly hôn. Cô nhận thấy những biểu hiện của Rick ở Doug, như sự nóng nảy và những lời nói phân biệt giới tính, và rất sợ con sẽ học theo cách hành xử tiêu cực của cha. Mặc dù Rick là cha của Doug, Dawn cảm thấy đau đớn khi phải giao con trai cho một người mà cô cho rằng có thể gây hại cho con. Dawn phải đối mặt với câu hỏi khó khăn về việc giữ liên lạc với Rick để Doug có thể duy trì mối quan hệ với cha, trong khi vẫn muốn bảo vệ con khỏi những ảnh hưởng tiêu cực. Cô nhận ra rằng dù Rick có phải là một người chồng tồi tệ, Doug vẫn cần phải chấp nhận cha mình một cách tự nhiên. Vài năm sau, khi Dawn đã khôi phục cuộc sống và có một mối quan hệ mới với Bob, Rick lại bắt đầu quấy rối cô và cố gắng lôi kéo Doug về sống cùng. Cuối cùng, Doug quyết định chuyển đến ở với Rick, điều này khiến Dawn rất đau lòng. Tuy nhiên, cô cũng hiểu rằng Doug cần trải nghiệm cuộc sống với cha mình để nhận ra sự thật về con người của Rick. Sau bốn tháng, Dawn thấy Doug trở lại và nhận ra rằng cậu đã hiểu được sự trống rỗng trong lối sống của cha mình. Hơn một năm sau, tại đám cưới của Dawn và Bob, cô tự hào giới thiệu Doug, người giờ đã trưởng thành và đang học đại học, không còn mang vẻ mặt giận dữ như trước. Cậu đã tìm thấy sự bình yên và hạnh phúc, và giữa hai mẹ con giờ đây là một mối liên kết mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
KẾT LUẬN
Trong quá trình nuôi dưỡng và đồng hành cùng con trai, bậc làm Mẹ đôi khi gặp bối rối và khó khăn trước mong muốn gắn bó và nhu cầu tìm kiếm sự tự quyết của cách chàng trai. Việc người Mẹ hiểu về các giai đoạn phát triển và nhu cầu của chàng trai, điều chỉnh kỳ vọng, chấp nhận và đón nhận những thay đổi của con, đồng thời duy trì sự kết nối và gắn kết tình cảm sẽ giúp các chàng trai có được nền tảng tâm lý ổn định và đời sống cảm xúc lành mạnh.
#Teasing Chương 6 - kỳ 2: Ở kỳ 2, chúng ta sẽ tìm hiểu khi các mẹ kháng cự lại sự cần thay đổi trong mối quan hệ với con trai và để các chàng trai bước ra hòa nhập khẳng định bản thân thì hệ quả là gì, nguyên nhân sâu xa gốc rễ của vấn đề này là gì, đồng thời giải pháp có thể tham khảo ở đây là gì.
📍 Nguồn: Raising Cain: Protecting the Emotional Life of Boys - Dan Kindlon & Michael Thompson.
📍 Bản quyền dự án: Toàn bộ bản dịch, nội dung biên soạn và hình ảnh thiết kế của dự án thuộc về trí tuệ sáng tạo của The Domdom Healing Garden, mọi sao chép/trích dẫn vui lòng ghi rõ nguồn, nếu không Domdom xin phép liên lạc đề nghị gỡ bỏ.
Thương mến,
The DomDom Healing Garden.
