#Chương 5 (Kỳ 2): Mối quan hệ của cha và con trai

#Kỳ_2: Nguyên nhân của sự chống đối và khoảng cách giữa cha - con trai và giải pháp cho vấn đề này

Ở kỳ 1, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về vai trò của người cha tới việc nhận thức về bản thân của mỗi chàng trai vô cùng quan trọng. Chúng ta thấy rõ ràng rằng những cậu bé có khả năng điều tiết và kiên định về cảm xúc được lớn lên trong tình yêu thương của cha, người cha sẽ quan tâm và thể hiện sự quan tâm bằng cử chỉ vỗ về và kiên định. Nhưng chỉ có số ít bậc làm cha có mối quan hệ như thế này với con trai của họ. Và chính việc có khoảng cách về mặt cảm xúc này đã tạo ra sự chống đối giữa 2 người đàn ông này. Ở kỳ 2, chúng ta sẽ tìm ra nguyên nhân cho vấn đề của sự chống đối và khoảng cách giữa cha – con trai và từ đó đưa ra những giải pháp thết thực cho vấn đề này!


HIỆN THỰC GIỮA CHA VÀ CON TRAI


Đối với hầu hết các bạn nam, tuổi thanh niên là quãng thời gian biến động cảm xúc vì chúng gặp khó trong việc kiềm chế - hoặc tỏ ra tự kiềm chế - trong cuộc đời mình. Nỗ lực che giấu tổn thương khiến các cậu chàng luôn phải phòng bị dù đi bất cứ đâu - kể cả ở nhà, nhất là khi ở cùng cha. Một đứa trẻ tuổi vị thành niên vẫn cần cha, về mặt tình cảm, nhưng cậu không muốn thừa nhận. Với cậu, cha vẫn là lời nhắc nhở khó chịu về sự phụ thuộc của cậu, về thực tế rằng dù ít dù nhiều cậu vẫn còn là một đứa trẻ, và những khao khát bây giờ cậu không thể thừa nhận về tình cha, sự chú ý và sự chấp thuận của cha, những cảm giác này bất đồng với lòng trung thành ngày càng tăng với nhóm bạn đồng trang lứa của cậu. Sự căng thẳng này làm rạn nứt mối quan hệ giữa cha và con trai, gia tăng khoảng cách hiểu lầm giữa hai bên.


Quan sát của các cậu chàng vị thành niên trong quá trình sống cùng cha khẳng định điều mà nghiên cứu chỉ ra là nguồn cơn quan trọng dẫn đến xung đột: cạnh tranh, chỉ trích và thiếu sự thấu hiểu. Trong một nghiên cứu, các bạn nam báo cáo rằng họ hỏi xin ý kiến hoặc lời khuyên của cha về các vấn đề thực tiễn nhưng cho biết chúng không cảm thấy cha hồi đáp hay thể hiện bất kỳ sự quan tâm nào về ý kiến của chúng. Đôi khi, dường như cha và con trai tuổi vị thành niên không sống trong cùng một thực tại.


Trong một nghiên cứu về trải nghiệm gia đình thường được gọi là “nghiên cứu máy bíp”, các thành viên trong gia đình mang theo máy bíp và được các nhà nghiên cứu “bật âm bíp” vào những thời điểm ngẫu nhiên. Sau đó, họ ghi những gì mình đang làm và cảm xúc của mình tại thời điểm đó vào nhật ký. Những lời kể khác nhau của các thành viên trong gia đình về cùng một thời điểm hoặc sự kiện đã cho thấy bằng chứng đáng chú ý về khác biệt trong trải nghiệm giữa cha và con trai. Trong nghiên cứu này, khoảng 50% trường hợp cha và con trai kể lại những trải nghiệm hoàn toàn khác nhau về cùng một khoảnh khắc.


Sự khác biệt có thể do thực tế, cha luôn thấy mình là người kiểm soát cuộc trò chuyện. Chẳng hạn, khi máy bíp kêu, một người cha đang cùng con trai làm việc nhà sẽ nói rằng ông ấy đang tận hưởng thời gian ở bên con và đang dạy kỹ năng cho con. Tuy nhiên, con trai anh ấy lại mô tả khoảnh khắc đó thật nhàm chán hoặc giống như khoảnh khắc mà cha đang “la mắng tôi”. Khoảnh khắc mà các cậu chàng vị thành niên thích thú nhất là khi được cùng kiểm soát, chẳng hạn như khi chúng có thể dạy cho cha mình điều gì đó và các ông bố sẵn sàng học hỏi.


Nghiên cứu tương tự cho thấy hầu hết thanh thiếu niên cảm thấy khi mình đến tuổi thanh niên, cha ít hiểu mình hơn so với hồi trước, và hầu hết các ông bố không nhận thức được cảm giác xa cách của con cái họ. Nhà nghiên cứu Reed Larson và Mayse Richards kết luận rằng người cha dường như là “mắt xích yếu” trong đời sống tình cảm của gia đình. Họ nhấn mạnh rằng cha thường kết nối với con trai của mình theo ba cách: vai trò lãnh đạo hoặc giáo viên, vai trò là người thúc đẩy hoặc khuyến khích và với vai trò là người thi hành kỷ luật. Các bậc làm cha do dự khi phải nhường quyền lãnh đạo và kiểm soát cho con mình khi chúng đương vị thành niên và nhìn chung, họ ít sử dụng biện pháp kiểm soát hành vi của con mình hơn so với các bà mẹ.


Cả cha và mẹ đều có thể cảm thấy xúc phạm khi đứa con trai bắt đầu thách thức họ, và cả hai người đều có thể bị tổn thương trước hành vi tiêu cực hoặc chống đối của con. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng các bà mẹ thường cố gắng tiếp tục hàn gắn mối quan hệ với con trai mình hoặc tìm cách xây dựng một mối quan hệ mới. Nhiều ông bố lại phản ứng bằng sự tức giận và muốn giành lại quyền kiểm soát.


Các ông bố thường không đối đầu với con gái ở mức độ tương tự như thế. Nghiên cứu mô tả sự khác biệt rõ ràng trong cách người cha tương tác với con trai và con gái ngay từ khi còn nhỏ. Thông thường, cha xu hướng đối xử và nói chuyện nhẹ nhàng hơn với đứa con gái sơ sinh. Khi con lớn lên, cha đối xử thô bạo hơn với con trai nhưng ít khi tỏ ra vuốt ve âu yếm hơn, thường xuyên chỉnh đốn chúng hơn và chơi theo lối cạnh tranh hơn. Từng năm trôi qua, cha thường bày tỏ thái độ bảo vệ hơn với con gái và cạnh tranh hơn với con trai mình.


Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi những cậu chàng đương tuổi vị thành niên không chia sẻ với cha về những vấn đề tình cảm. Trên thực tế, một nghiên cứu diện rộng phát hiện ra, trong số tất cả những người xuất hiện trong đời một bạn nam—kể cả cha mẹ, anh chị em và bạn bè—các cậu con trai thường coi cha mình là người mà chúng ít có khả năng thổ lộ cảm xúc thật nhất. Lý do hết sức chính đáng: phần lớn những điều mà các cậu bé đương tuổi vị thành niên chia sẻ là điều hoang đường hoặc viển vông. Cha khó lòng lắng nghe cậu cường điệu về bản sắc của mình - thử nghiệm những suy nghĩ khác nhau hoặc cố gắng tìm ra bản sắc cá nhân của mình. Khi cha nghe thấy điều gì ngu ngốc, anh như nhìn thấy một kẻ ngu xuẩn. Cha lo con mình đổ đốn nhân cách và suy giảm trí thông minh, hoặc có thái độ bàng quan không thể chấp nhận được về tương lai, và nhanh chóng cố gắng uốn nắn con trai mình.


NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN SỰ CHỐNG ĐỐI VÀ KHOẢNG CÁCH GIỮA CHA – CON TRAI
Một trong những nhân vật truyền hình đầu tiên được yêu mến là người cha Jim Anderson, do Robert Young thủ vai, trong chuỗi phim hài Father Knows Best (Cha hiểu rõ nhất). Trên thực tế, sự nức tiếng của Father Knows Best phản ánh lòng khao khát hình tượng người cha với vai trò là người chu cấp và là người phân xử công bằng trước những cuộc cãi vã trong gia đình như một chiếc áo len ấm áp. Việc một người cha thiếu kinh nghiệm trong việc thể hiện tình cảm đặt anh ấy vào thế bất lợi rõ rệt khi con trai bước vào tuổi vị thành niên. Dưới áp lực ngày càng tăng khi có thêm một người đàn ông trong nhà, những người cha dễ bị tổn thương chuyển sang thế phản ứng phòng bị theo thời gian để duy trì một điều hư cấu rằng “cha hiểu rõ nhất”: kiểm soát, cạnh tranh và chỉ trích.


1. SỰ KIỂM SOÁT
Phần lớn nghiên cứu liên quan tới cha của các cậu bé tuổi vị thành niên bao gồm việc cố gắng ngăn cản các bậc làm cha vô thức kiểm soát thái quá những hành vi bình thường của con trai họ. Khi một cậu bé 13 hoặc 14 tuổi trở về nhà và nói rằng học toán thật vô ích hoặc bất kỳ sự không hài lòng nào mà cậu bé đang cảm thấy…, thì viễn cảnh về tương lai đen tối của con trai hiện ra trước mắt người cha: cậu sẽ đánh mất cơ hội vào đại học, một công việc tốt, sự thành công trong thế giới người trưởng thành; cậu sẽ bôi tro trát trấu vào mặt bố mẹ, cậu sẽ trở thành kẻ thất bại.... Người cha cảm thấy mình phải làm điều gì đó ngay lập tức, chẳng hạn như giảng giải cho con trai mình về phẩm chất mà một người đàn ông phải có để thực sự thành công.


Chính việc người cha phóng chiếu những nỗi sợ bên trong mình và áp đặt lên con trai những suy nghĩ về sự mạnh mẽ, thành công, không khuất phục… đã khiến cho những cậu bé cảm thấy không được cảm thông, tôn trọng.
Một chàng trai chia sẻ: “Với cha, cuộc trò chuyện nào cũng giống nhau. Cha nghĩ rằng, chỉ vì cha trả tiền cho mọi thứ, em nên muốn đi chơi cùng và nói yêu cha. Nhưng cuộc sống không diễn ra theo cách đó. Cha chỉ hét vào mặt em những lúc em chia sẻ những khó khăn của mình. Như thể việc la hét thực sự sẽ khiến em trở nên mạnh mẽ và có thể thay đổi được mọi thứ vậy. Cha yêu cầu em phải thể hiện sự tôn trọng với cha. Nhưng thực tình, em không hề tôn trọng ông ấy. Cha sẽ nói, kiểu như, rằng cha sẽ thay đổi, nhưng chỉ được khoảng một ngày, rồi cha lại chứng nào tật nấy.”


Việc người cha không thể lắng nghe được những chia sẻ hay để vào tai quan điểm nào khác ngoài quan điểm của mình đã đẩy con trai xa cách ông ấy. Bằng cách không lắng nghe những điều con trai mình nói, những người cha đang không tôn trọng, bôi nhọ suy nghĩ, cảm xúc, mong muốn của họ. Vì vậy, để có được cảm giác rằng mình cũng có quyền kiểm soát cuộc đời mình, những chàng trai đã phải phản kháng cha mình, điều này thể hiện qua việc các chàng trai sẽ làm ngược lại những gì cha mình mong muốn hay kỳ vọng ở mình.


👉 Việc người cha có thể học cách lắng nghe con trai mình, đặt câu hỏi và thể hiện sự quan tâm chân tình, cho cậu bé được nói ra những suy nghĩ hay cảm nhận của mình sẽ giúp khoảng cách của cha – con trai sẽ rút ngắn lại, nhưng cha và con trai không có cách nào nói chuyện với nhau về bất kỳ điều gì với sự bao dung, thấu hiểu và chia sẻ. Mối quan hệ cha con điển hình ở độ tuổi này trở thành sự sắp xếp mang tính thực tiễn: người cha đáp ứng nhu cầu vật chất của con trai và đổi lại mong con vâng lời và tôn trọng. Những chàng trai thì đang ở tuổi thành niên đang đấu tranh để xây dựng bản sắc cá nhân và độc lập hơn lại cần được coi trọng. Nếu không, cậu sẽ không tôn trọng lại. Người cha có thể giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh giành quyền kiểm soát cuộc sống của con trai mình trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng phải trả giá đắt cho khoảng cách ngày càng xa với con mình.


2. SỰ CẠNH TRANH

Giữa đàn ông với nhau, họ cạnh tranh vì sự thống trị, địa vị và quyền lực…và không ngoại trừ với mối quan hệ cha – con trai. Ở tuổi thiếu niên, cuộc cạnh tranh giữa cậu thanh niên với cha mình đạt đến đỉnh điểm, với kết quả khó đoán định.
Cuộc xung đột giữa sự tự tin và quyền uy ngày càng tăng của thanh thiếu niên và tư thế phòng bị ngày càng tăng của người cha là điều tất yếu xảy ra. Cha của những chàng trai đang ở tuổi thành niên rất dễ bị tổn thương. Thông thường khi bước vào độ tuổi bốn mươi, nam giới dần nhìn thấy và cảm nhận được những tác động của lão hóa, không chỉ về thể chất mà thường thấy được trong công việc và hoạt động giải trí. Họ tỉnh táo nhận thức được tuổi trẻ đã trôi qua, và họ thường phủ nhận và tức giận trước sự mất mát tuổi xuân này. Đồng thời, con trai của họ đang phát triển mạnh mẽ trong tuổi dậy thì, phát triển nhanh chóng về chiều cao, cân nặng và khối lượng cơ bắp. Chúng ngập tràn đầy niềm vui khai phá những khả năng mới. Mỗi bước nhảy vọt của cậu con trai đều làm nổi bật sự chênh lệch ngày càng tăng về thể chất giữa cha và cậu. Trong một mối quan hệ được xác định bởi khoảng cách tình cảm, những bước phát triển này không được nhắc đến nhiều chứ đừng nói đến việc tán thưởng, nhưng dù sao chúng cũng là những cột mốc trong quá trình trưởng thành về mặt cảm xúc của một chàng trai. Hầu hết nam giới đều mang trong mình những ký ức sống động về lần đầu tiên họ nhận ra rằng mình có thể “thắng” cha mình.


Sự cạnh tranh bên ngoài giữa cha – con trai biểu hiện sự tự ti bên trong của chính những người cha. Hình ảnh một thanh niên cường tráng, đầy sức mạnh, nhiệt huyết… đã vô tình đánh thức đi những mất mát bên trong của chính người cha. Từ việc cạnh tranh trực tiếp với những cậu con trai của mình, người cha dần chuyển sang coi con trai như một hình mẫu của chính mình. Những mong muốn, kỳ vọng của người cha về bản thân mình chưa được thực hiện sẽ đổ dồn lên cho những cậu con trai đó.


👉 Những bậc làm cha cần ăn mừng trước thành tích của con trai mình, tôn vinh con người thật của chúng. Và ở giai đoạn này, người cha cần học cách tách rời hình mẫu của mình ra khỏi người con trai của mình. Tôn trọng sự độc lập và cá tính riêng của con. Nếu người cha biến con trai thành người đại diện cho mình - buộc con phải đạt thành tích khi chơi một môn thể thao hoặc lĩnh vực cụ thể để cha có thể gián tiếp tuyên bố mình đã giành chiến thắng - thì mối quan hệ giữa họ khó có cơ hội nảy nở.


3. SỰ CHỈ TRÍCH

Nếu một người cha cảm thấy mình phải lấn át hoặc kiểm soát con trai mình, anh ta sẽ sử dụng bất cứ quyền lực nào mình có. Đôi khi, anh ta trừng phạt con bằng cách hạn chế con sử dụng điện thoại, tiền bạc hoặc thời gian rảnh. Ngay cả khi đứa con nhận thấy mình mạnh hơn cha, cậu vẫn cảm thấy cha chi phối cảm xúc của cậu. Vũ khí tâm lý tối thượng của cha là chỉ trích, bởi hầu hết con trai rất nhạy cảm trước lời sỉ nhục của cha mãi đến khi trưởng thành.
Chúng ta nghe được những câu chuyện về xung đột giữa cha và con này từ tất cả những người đã vượt qua “cuộc chiến”: những bé trai cáu kỉnh và buồn bã; những cậu trai trưởng thành vẫn còn cay cú trước lòng quyết tâm của cha mình trong việc kiểm soát chúng hồi còn nhỏ; và những phụ nữ nhíu mày khi nhớ đến cha và anh, chồng và con trai rơi vào cuộc chiến tình cảm không cân sức.


Một học sinh lớp 11, thẳng thắn nói rằng cậu ghét cha mình: “Cha hoàn toàn không biết gì. Cha không thể chuyện trò về bất cứ chủ đề nào với em. Em làm gì cha cũng thấy không ổn; những khi cha không mắng mỏ em là khi cha chỉ nói về bản thân mình, như ta phải quan tâm đến những thứ còn chẳng liên quan gì đến ta. Cha hầu như không lắng nghe em, nhưng nếu cha lắng nghe thì còn tệ hơn bởi sau đó ông bắt đầu tấn công em. Tất cả biến thành một cuộc tranh cãi, và không có cách nào thắng cha cả.”
Phản ứng của cậu là tránh né cha mình nhiều nhất có thể. Khi phải tìm một công việc sau giờ học, cậu lựa chọn làm việc vào buổi tối để không phải ở nhà ba đêm mỗi tuần. Cuối cùng, cậu sẽ có sự nghiệp và cuộc sống của riêng mình; cuộc đời cậu sẽ thay đổi, nhưng hố sâu tình cảm giữa cậu và cha không có dấu hiệu hàn gắn.


👉 Việc không khen ngợi hoặc chỉ trích vô tội vạ để lại những hậu quả sâu sắc và lâu dài. Bước sang tuổi trung niên, nam giới có thể gợi lại sống động trong tâm trí những cảm xúc cụ thể như tổn thương, tức giận hoặc hoang mang.
👉 Sau tất cả, điều mà một đứa con trai cần ở một người cha của mình đó là sự tôn trọng và công nhận từ chính người cha của mình. Hơn bất kể điều gì, câu mà những câu con trai muốn nghe từ chính người cha của mình đó là: “Đây là con yêu dấu của cha, cha hài lòng về con.”
👉 Các bậc làm cha cần bày tỏ nhiều hơn với đứa con trai còn nhiều khuyết điểm của mình rằng chúng được yêu thương và trân trọng.


LẤP ĐẦY HỐ SÂU NGĂN CÁCH TÌNH CẢM CHA – CON TRAI

Chắc chắn chúng ta đã từng thấy những mối quan hệ cha - con đầy gắn bó, khi sự căng thẳng không thể tránh khỏi giữa cha và con trai chuyển hóa thành trải nghiệm gắn kết hai bên. Đôi khi, một cuộc khủng hoảng gia đình - chẳng hạn như mẹ ốm đau hoặc qua đời - đã xích gần cha và con. Nhưng tình cảm phụ tử thường được hình thành thông qua những hoạt động mà hai người cùng đóng góp, và thái độ tiếp thu - đơn giản như làm việc cùng nhau, lắng nghe và chia sẻ với sự tôn trọng.


Mối quan hệ cha - con bền chặt có thể trông và nghe không giống mối quan hệ giữa mẹ và con trai. Cụ thể, cha và con có thể không khám phá và chia sẻ cảm xúc với nhau, hoặc tiếp xúc cơ thể ở mức mà chúng ta thường liên tưởng đến sự thân thiết giữa phụ nữ. Giữa nam giới với nhau, cuộc trò chuyện có thể xoay quanh hành động thay vì suy ngẫm. Cử chỉ yêu thương có thể đến từ việc ở cùng một không gian với nhau - ngồi cạnh nhau khi lắp ráp mô hình hoặc đứng ở hai đầu sân khi chơi đuổi bắt, và ở đó, tình cảm cha con gắn kết bền chặt hiện hữu.


- Một ông bố nói rằng ông và đứa con trai mười ba tuổi tận hưởng những khoảnh thân thiết nhất khi đang sửa chữa một thứ gì đó. Anh ấy vui vẻ nhớ lại ngày mà anh giúp con trai sửa xe đạp. Anh vặn khớp nối một cách khéo léo, và con trai vỗ vào lưng anh, nói một cách dứt khoát, "Bố là đàn ông đích thực!"
- Một người cha khác kể rằng ông và con trai mình, hiện đang ở tuổi thiếu niên, đã chơi cờ vua cùng nhau từ khi cậu còn nhỏ. Khi cùng nhau chơi trò chơi cạnh tranh đầy trầm tĩnh dễ chịu này, nỗi căng thẳng trong ngày hoặc nỗi nhức nhối về sự bất đồng giữa hai người gần đây tan biến. Cờ vua cho họ không gian an toàn và thoải mái để ở cạnh nhau, vui vẻ bầu bạn với nhau.


Liệu quan hệ cha - con như thế có ít “tình cảm” hơn không, vì họ không thẳng thắn chia sẻ về tình yêu hay xung đột? Không nhất thiết. Nhìn chung, không nên giấu trong lòng những nét cảm xúc quan trọng và lời nói thường là cách rõ ràng và dứt khoát nhất để thổ lộ. Nhưng liệu có thang đo mối quan hệ với chất lượng hoàn hảo nào yêu cầu bạn phải chia sẻ với nhau về những điều này không? Trò chuyện không phải cách duy nhất để bày tỏ tình yêu thương hay giải quyết xung đột. Thực tế, đôi khi, lời nói trở thành vật ngáng đường. Ngay cả những hoạt động bình thường nhất cũng có thể gắn kết hai cha con khi giúp họ chia sẻ với nhau. Một người đàn ông đồng hành cùng cậu con trai nhỏ khi theo dõi “bọ di chuyển”, bề ngoài là tìm kiếm côn trùng để nghiên cứu; họ thường trở về nhà mà không thu hoạch được gì, nhưng họ hạnh phúc. Một người cha và con trai đi cắt tóc cùng nhau mỗi tháng một lần, trong khi ông bố khác đưa con trai đi mua đồ ăn ở cửa hàng đặc sản trong khu phố vào mỗi sáng thứ bảy để nấu ăn cùng gia đình. Những điều này và cả những điều sẻ chia đơn giản khác có thể là nền tảng tạo nên tình cha con bền chặt. Nhiều người cha và con trai đã có thể làm nhiều việc cùng nhau, những việc mà nhiều năm trước họ đã tạm gác; họ tìm lại đồng chí thân thiết đã mất đi bấy lâu. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng chúng tôi thường quan sát thấy rằng chỉ cần cùng nhau làm gì đó cũng có thể gia tăng khả năng quan hệ cha-con vượt qua khó khăn của tuổi mới lớn.


👉 Việc khép kín cảm xúc có thể được thay đổi. Những bậc làm cha có thể thay đổi điều đó. Một ông bố muốn có một mối quan hệ cha - con ưng ý có thể bắt đầu dựng xây từ những điều nhỏ bé nhưng ý nghĩa: kể chuyện cho con trước khi ngủ, chơi đuổi bắt, dành tặng lời khen, và nở nụ cười với con. Chính sự bằng lòng cố gắng là khởi đầu của mối quan hệ nơi nỗi thất vọng vì không thể gắn kết với con được thay thế bằng tình yêu thương còn mãi trong đời con.


-------------------------------------------------
#Teasing chương 6 - kỳ 1: Một mối quan hệ quan trọng không kém với các chàng trai, đó chính là MỐI QUAN HỆ GIỮA MẸ VÀ CON TRAI. Ở kỳ 1 chương 6, chúng ta sẽ cùng hiểu hơn mối liên kết tâm liền tâm giữa mẹ và con trai, những sự thay đổi trong quá trình trưởng thành của các chàng trai mang lại những thách thức gì cho các bậc làm mẹ, và vai trò của người mẹ trong việc giúp các chàng trai nhận diện và xử lý cảm xúc của mình.


📍 Nguồn: Raising Cain: Protecting the Emotional Life of Boys - Dan Kindlon & Michael Thompson.
📍 Bản quyền dự án: Toàn bộ bản dịch, nội dung biên soạn và hình ảnh thiết kế của dự án thuộc về trí tuệ sáng tạo của The Domdom Healing Garden, mọi sao chép/trích dẫn vui lòng ghi rõ nguồn, nếu không Domdom xin phép liên lạc đề nghị gỡ bỏ.


Thương mến,
The DomDom Healing Gaảden.

Sidebar: Work-in-progress

The Domdom Healing Garden

Khu vườn chữa lành Đom Đóm - không gian trị liệu và chăm sóc thế giới tinh thần cùng bạn!

Địa chỉ:27, đường số 3, Hiệp Bình Phước, Thủ Đức
Điện thoại:0932360164
Email:thedomdomhealinggarden@gmail.com

Follow Vườn

Bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ Đom Đóm?

Hãy để lại địa chỉ email để Đom Đóm thông báo cho bạn về các hoạt động và bài viết bổ ích nhé!