#Chương 5 (Kỳ 1): Mối quan hệ của cha và con trai

#Kỳ 1: Vai trò của người cha tới nhận thức bản thân của những chàng trai

Ở chương 4 chúng ta ta đã cùng đi tới một bức tranh lớn về một vấn đề nổi trội mà các bé trai cần phải đối diện trong môi trường trường học, mối quan hệ bạn bè, đó là văn hóa bắt nạt. Những tác động của văn hóa bắt nạt đến tâm lý của các chàng trai, không chỉ là nạn nhân của việc trêu chọc mà còn ảnh hưởng lên chính kẻ bắt nạt và toàn bộ văn hóa học đường. Đồng thời chúng ta cũng khám phá ra những nguyên nhân ngầm đằng sau văn hóa bắt nạt ở trường học. Đó có thể là những áp lực về thế hiện sự nam tính, những khuyết điểm kích thước cơ thể, lo lắng về bản dạng giới hay thể dục thể thao đôi khi trở thành con dao hai lưỡi với các chàng trai. Sự tự ti, mất kết nối, thu mình và luôn phòng thủ … là những t.ổ.n t.h.ư.ơ.n.g tinh thần thường gặp ở các chàng trai. Và cũng từ đó khám phá vài gợi ý từ hai tác giả cách thức để giúp các chàng trai bảo vệ đời sống cảm xúc trước ảnh hưởng của văn hóa bắt nạt.


Và ở kỳ 5 này, chúng tôi sẽ gợi mở một bức tranh sâu gốc hơn, một trong 2 mối quan hệ gốc, đầu đời vô cùng quan trọng đã tạo nên hình tượng của những chàng trai trưởng thành sau này, đó là mối quan hệ cha-con trai.


NGƯỜI CHA ĐÓNG VAI TRÒ TRUNG TÂM TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC VỀ BẢN THÂN CỦA NHỮNG CHÀNG TRAI
Ít có điều gì có thể khiến một người đàn ông rơi nước mắt. Anh ta có thể kể về cuộc hôn nhân đổ vỡ, lũ trẻ quậy phá, nỗi thất vọng trong sự nghiệp, quyết định kinh doanh thất bại và nỗi đau thể xác với đôi mắt ráo hoảnh. Khi một người đàn ông trưởng thành khóc, hầu như lúc nào anh ta cũng rơi nước mắt vì cha mình.
Anh có thể bị ghét hoặc được tôn sùng, còn sống hoặc đã chết. Câu chuyện thường được kể với sự thiếu vắng người cha, sự hiện diện đau đớn của ông, hoặc những hạn chế về tinh thần và cảm xúc. Từ “yêu” hiếm khi xuất hiện trong những câu chuyện kể của nam giới, nhưng cách họ kể về những câu chuyện đó lại thể hiện rằng họ rất yêu. Cha và con trai là nhân vật trong câu chuyện kể về tình yêu không được đáp lại - một câu chuyện được kể trong khao khát, giận dữ, buồn bã và tủi hổ.
Một hố sâu tình cảm ngăn cách đa số con trai với cha mình, điều này đặc biệt gây tổn thương đối với những chàng trai vì người cha đóng vai trò trung tâm trong quá trình phát triển nhận thức về bản thân của cậu.


Đối với nhiều chàng trai, rạn nứt tình cảm giữa chúng và cha vẫn là nguồn gốc của nỗi đau buồn, sự tức giận, cay đắng hoặc xấu hổ suốt cuộc đời. Khoảng cách tình cảm khiến nhiều người đàn ông tử tế không thể trở thành người cha tốt; tuy nhiên điều này không khiến mong muốn kết nối của cậu con trai giảm đi. Cho dù cha cậu có tệ như thế nào, thì tận sâu thẳm tâm hồn mình, cậu con trai vẫn muốn yêu cha, muốn cha biết tình yêu của cậu và muốn được cha yêu thương.


Những chàng trai khao khát được cha yêu thương và coi trọng, dù ở độ tuổi nào. Họ muốn nuôi dạy con trai mình “thật tốt”, tốt hơn cách cha họ đã làm, nhưng đồng thời con trai họ “không bao giờ nghe lời”; chúng “không thấu hiểu”; chúng khó ở, thất vọng, hoặc hư đốn hơn. Các chàng trai miêu tả cha mình bằng những từ tương tự như bất mãn, như những người không biết lắng nghe, không thấu hiểu, muốn được tôn trọng nhưng không tôn trọng ai.
Các bà mẹ thường nói với chúng tôi rằng họ tìm mọi cách để gắn kết chồng với con. Nhưng hầu như họ đều phải đảm nhận vai trò trọng tài hoặc điều dưỡng, xoa dịu cơn nóng nảy hoặc chữa lành những tổn thương. Nhiều phụ nữ tức giận với chồng vì không gắn kết nhiều hơn với cuộc sống của con trai. Các cậu bé dường như rất mong được làm bạn với cha mình, nhưng mọi thứ cậu bé làm lại khiến cha mình khó chịu. Cả hai dường như không hiểu gì về cảm xúc của nhau.


Chúng ta thấy rõ ràng rằng những cậu bé có khả năng điều tiết và kiên định về cảm xúc được lớn lên trong tình yêu thương của cha, người cha sẽ quan tâm và thể hiện sự quan tâm bằng cử chỉ vỗ về và kiên định. Đáng buồn thay, chỉ có số ít bậc làm cha có mối quan hệ như thế này với con trai của họ.
Trong nền văn hóa của chúng ta, việc phụ nữ từ lâu phải đảm nhiệm xử lý các mối quan hệ đã biến cảm xúc thành “ngôn ngữ thứ hai” bị coi nhẹ đối với nam giới. Kết quả là, hầu hết nam giới đều thiếu nhận thức hoặc hiểu biết về cảm xúc của họ hoặc của người khác. Vì không được học những điều này từ chính cha mình, họ khó có suy nghĩ “yêu thương” hoặc bày tỏ yêu thương đối với con trai mình. Thay vào đó, họ có xu hướng hành xử theo những gì được dạy về cách đối xử với phái nam - cụ thể là cạnh tranh, kiểm soát và chỉ trích. Khi một đứa con trai ở tuổi vị thành niên bắt đầu thách thức quyền hạn của cha mình thì đây là phản ứng thông thường của người làm cha - ngay cả trong những mối quan hệ vốn đã bền chặt trong nhiều năm. Điều này cản trở quan hệ giữa cha với con trai và khiến họ khó hiểu thấu những cảm xúc tiêu cực bắt nguồn từ thời niên thiếu của chính mình.


👉 Hầu hết nam giới đều chất chứa những cảm xúc kìm nén về chính người cha của mình, bất kể một khoảng cách nào. Do đó, đặc điểm về niềm khát khao và nỗi thất vọng được truyền từ cha sang con trai, một khoản thừa kế đáng buồn.


CON TRAI LÀ DI SẢN KẾ THỪA CỦA CHA
Theo Mark Twain quan sát, ông thấy rằng, ở khoảng độ tuổi 12, cậu con trai sẽ chọn cho mình một nguyên mẫu đàn ông để ngưỡng mộ và học theo trong suốt cuộc đời. Nguyên mẫu này thường là cha mình, dù không phải lúc nào cậu cũng ý thức được hoặc sẽ cố gắng hết sức để tránh điều này. Cho dù cậu cố tình sống một cuộc đời khác xa cha mình đến đâu, thì cuối cùng cũng phải đối mặt với “ông già” của mình.


Trong một cuộc phỏng vấn phát thanh, Buddy Guy, một trong những nghệ sĩ ghi-ta chơi nhạc blues vĩ đại nhất vẫn còn sống của nước Mỹ, đã kể câu chuyện về đứa con trai mà ông sinh ra nhưng không nuôi nấng. Khi cậu bé bước vào tuổi trưởng thành, Buddy đã nỗ lực tìm gặp cậu với hy vọng hai cha con có thể thân thiết hơn. Con trai của ông ấy cũng trở thành một nghệ sĩ ghi-ta, nhưng lòng cậu chất chứa bao cay đắng trước khoảng thời gian thiếu vắng Buddy đến nỗi cậu không muốn liên quan gì với ông hoặc thương hiệu âm nhạc của ông nữa. Cậu ấy có thần tượng của riêng mình, những ngôi sao nhạc rock đương đại mà đáng chú ý nhất là ca sĩ trước đây được biết đến với tên Prince. Khi cậu chàng âm thầm tìm kiếm một giáo viên có thể giúp cậu giống như thần tượng của mình, cậu nhận được lời dạy rằng, nếu muốn trở nên giống Prince, cậu cần phải biết chơi ghi-ta như Jimi Hendrix, nhạc sĩ mà Prince đã tìm để theo học. Và để chơi đàn được như Jimi Hendrix, giáo viên nói, cậu cần tìm hiểu về người đã có ảnh hưởng âm nhạc lớn nhất lên Hendrix: nghệ sĩ ghi-ta Buddy Guy.


Nhiều người nhận thấy họ trở nên giống cha mình dù đó không phải là điều họ hướng đến. Bị cha mình, một thư ký văn phòng chính phủ và là tay cờ bạc nghiệp dư bỏ rơi, ở tuổi lên 6, Jack kiên quyết vạch ra hướng đi ngược lại cho cuộc đời mình. Cậu là học sinh đạt điểm toàn A trong suốt những năm cấp 3, giành học bổng vào đại học, tự kiếm tiền học y và trở thành bác sĩ cấp cứu, nhân viên của một trung tâm y tế lớn. Động lực phải thành công là nỗi ám ảnh của cậu; cậu ít khi đi chơi với bạn bè và dễ bối rối khi phải tương tác xã hội.
Cuối cùng, Jack kết hôn và có hai cậu con trai nhỏ, anh nhận thấy mình thích sự hỗn loạn có kiểm soát của phòng cấp cứu hơn là sự hỗn loạn của gia đình ở nhà. Ít nhất công việc mang lại sự hài lòng. Anh được đồng nghiệp tôn trọng, có cảm giác hài lòng vì biết mình đang cứu sống những cuộc đời. Tài năng của anh được đền đáp bởi mức lương đáng kể chừng sáu con số. Ở nhà, anh bị vợ chỉ trích và gây áp lực phải dành nhiều thời gian hơn cho con trai. Được thăng chức khiến anh phải làm thêm nhiều giờ vào cuối tuần, và chẳng mấy chốc, lịch làm việc của anh dày đặc đến mức anh hiếm khi gặp vợ con trừ những cái lướt qua. Với việc góp vào đời những điều tốt đẹp và khả năng chu cấp vật chất cho gia đình, Jack đã thoát khỏi thất bại tài chính mà cha mình truyền lại. Nhưng với đứa con trai lớn sắp tròn sáu tuổi, Jack bắt gặp bóng dáng của cha mình khi anh bước ra khỏi cửa mỗi ngày để trốn thoát khỏi gia đình đến nơi hào nhoáng và được xã hội chấp nhận.


👉 Những chàng trai luôn tìm cách chạy trốn khỏi hình bóng của cha mình, làm ngược lại tất cả những gì cha mình đã làm. Nhưng sau một thời gian, chính người đàn ông đó lại nhận ra rằng: Mình là một phiên bản khác của chính cha mình, mình đang làm y hệt những thứ mà mình ghét, ko ưa ở cha mình.


VAI TRÒ CỦA NGƯỜI CHA TRONG VIỆC PHÁT TRIỂN CỦA NHỮNG CẬU BÉ
Các nhà nghiên cứu quan tâm đến tác động của việc cha mẹ gần gũi và tham gia vào quá trình nuôi dạy con đối với sức khỏe tâm lý và giáo dục của con cái họ khi chúng bước vào tuổi trưởng thành. Những đứa trẻ thân thiết và gắn bó sâu sắc với cha sẽ đạt trình độ học vấn cao hơn và ít khả năng phạm pháp tuổi vị thành niên, chẳng hạn như phá hoại của công hoặc nổi loạn. Những ảnh hưởng này không rõ rệt khi có sự tham gia từ phía người mẹ. Lý do không phải vì người mẹ không quan trọng mà vì mức độ tham gia vào quá trình nuôi dạy con cái không biến động nhiều giữa các bậc làm mẹ, thế nên khi một người cha tham gia nhiều vào quá trình này thì đây là một điểm cộng lớn.


Nghiên cứu ấn tượng nhất liên quan đến vấn đề giáo dục cảm xúc và lòng đồng cảm có lẽ là những kết quả đến từ nghiên cứu kéo dài 26 năm, theo dõi một nhóm trẻ em nam và nữ từ khi 5 tuổi cho đến khi 31 tuổi. Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu cả vai trò làm cha và làm mẹ của mỗi bậc phụ huynh, xem xét các đặc điểm trong việc nuôi dạy con cái, bao gồm mức độ mẹ cố gắng ngăn cản con mình hành động hung hăng, mức độ mẹ hài lòng với vai trò của mình trong gia đình và mức độ cha chăm sóc con cái.


Mặc dù những đặc điểm làm mẹ này liên quan đến việc phụ nữ có mức độ đồng cảm cao hơn ở tuổi 31, nhưng yếu tố có sức ảnh hưởng nhất - quan trọng hơn tất cả các yếu tố làm mẹ cộng lại - là liệu người cha có tham gia nuôi dưỡng con cái hay không. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khi tham gia nuôi dưỡng con, người cha có xu hướng dành nhiều thời gian và tâm sức hơn cho con trai, đặc biệt khi chúng ở tuổi thiếu niên. Người cha đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển cảm xúc của con trai - nhất là trong những khía cạnh mà con trai chậm hơn so với con gái, như khả năng đồng cảm - và bảo vệ con mình trước những tệ nạn tác động mạnh đến trẻ em trai, chẳng hạn như phạm tội vị thành niên.


Mặc dù ngày nay, những bậc làm cha trong các gia đình đầy đủ có xu hướng tham gia chăm sóc con cái nhiều hơn so với 20 năm trước (tăng khoảng 15%), nhưng sự tham gia này không phải lúc nào cũng biến chuyển thành sự gắn bó thân thiết mà các cậu con trai mong muốn. Những nhà nghiên cứu phát hiện rằng các bạn nam cảm thấy thiếu hụt, không chỉ về mặt thời gian (mà cha dành cho mình) mà còn về mặt tình cảm, và sự mất mát này sẽ theo chúng đến tuổi trưởng thành. Điều này được thể hiện qua những phát hiện từ cuộc khảo sát các doanh nhân. Trong nghiên cứu này, 300 nam giám đốc điều hành và quản lý cấp trung được hỏi họ sẽ thay đổi điều gì trong mối quan hệ với cha hồi nhỏ. Đa số nam giới bày tỏ mong muốn được gần gũi với cha mình hơn và mong muốn cha mình thể hiện tình cảm và yêu thương nhiều hơn.


Trong giai đoạn giữa thời thơ ấu, lối hành xử của người cha trong các trò chơi hoặc hoạt động chung sẽ dạy con trẻ cách kiểm soát cảm xúc. Cách cậu chàng giải quyết vấn đề xảy ra trong các tình huống xã hội ở tuổi vị thành niên và ở tuổi trưởng thành có thể lập tức tìm được nguyên nhân ở những bài học mà cậu rút ra từ cha mình trên sân chơi và trong gia đình. Chẳng hạn, nghiên cứu cho thấy những cậu bé hung hăng và ít cư xử vị tha đối với xã hội - nghĩa là chúng không chia sẻ - thì nhiều khả năng cha cậu thường nói năng cáu bẳn với chúng, chẳng hạn như mắng ngược lại đứa con trai đã hét lên với họ.


Những chàng trai quan sát cách cha mình giải quyết xung đột, phối hợp và làm việc với tư cách là một đối tác trong hôn nhân và gia đình, trong cộng đồng và tại nơi làm việc. Trong tất cả khía cạnh cuộc đời, hành động của cha mang nhiều ý nghĩa hơn lời nói và cậu bé quan sát cẩn thận cả hai điều đó. Nếu cha là người trung thực về cảm xúc, thẳng thắn, chu đáo và biết tùy cơ ứng biến thì tự nhiên sẽ nhận được sự tôn trọng từ cậu. Một người cha lý tưởng hóa điểm mạnh và thành tích của bản thân sẽ xa rời thực tế mà con trai anh đang sống - một thế giới với nhiều cảm xúc và trải nghiệm đa dạng hơn. Chẳng hạn, một người cha đang chơi quần vợt với con trai mình. Liệu cha sẽ cư xử thế nào khi phát bóng hỏng? Cha sẽ chửi thề rồi bĩu môi, hay cho con mình thấy sự bình tĩnh, thản nhiên đối mặt với điều đó? Khi cùng con thực hiện dự án hay bài tập và con lỡ làm rơi dụng cụ hoặc mắc sai lầm, liệu cha sẽ cười xòa cho qua hoặc biến nó thành “khoảnh khắc dạy dỗ” tinh tế, hay sẽ đánh đập con mình? Khi vật lộn với con, liệu cha có phải chứng minh với con rằng mình khỏe hơn? Liệu cha nói năng một cách hung hăng hay vui đùa? Cha làm gì khi đứa con 6 tuổi của mình buồn hoặc tức giận? Liệu cha có đáp lại bằng lời cộc cằn, hay cha giả vờ không để ý, hay sẽ đến bên con và cố gắng giúp con giải quyết vấn đề căn bản?


Các bậc cha mẹ, với nỗ lực giữ gìn hòa bình và trật tự, lại thường quên rằng mục đích của trò chơi là để khuấy động mọi thứ. Khi cậu con trai đấu vật, chơi bóng rổ, hay tham gia vào nhiều hoạt động khác, cậu chắc chắn sẽ bộc lộ cảm xúc. Cậu có thể ngã và bị đau, bỏ lỡ hoặc thực hiện thành công một cú phát bóng quan trọng, trải qua nỗi thất vọng hay hưng phấn ngắn ngủi. Rối loạn cảm xúc khi chơi các trò chơi giải trí dường như giúp não bộ đang phát triển của cậu được rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện và cách thể hiện cảm xúc trong một môi trường thân thiện—nói ngắn gọn, rèn luyện cảm xúc trong vô thức. Một người cha tích cực và hay đùa có thể giúp con trai mình khám phá trường cảm xúc rộng lớn, trong đó hướng dẫn cậu làm sao để chấp nhận nỗi thất vọng, làm sao để luôn lịch thiệp dù thắng hay thua, và làm sao để giữ bình tĩnh.


Nhà tâm lý học Erik Erikson đã khéo léo miêu tả những cậu chàng đang độ giữa niên thiếu này là “quả quyết, giỏi giải quyết vấn đề và kiêu hãnh”. Trưởng thành là một nhiệm vụ đầy thử thách, và các cậu chàng cần có cảm giác kiêu hãnh và tự tin rằng mình có thể hoàn thành nhiệm vụ. Trong những năm đầu đời, khi còn mù mờ với nhiều thứ, quan điểm của cha mình về những thứ này có sức nặng rất lớn. Bất kể chàng trai chơi bóng đá, tay trống trong ban nhạc hay dựng tàu mô hình trước mặt cha thì cậu đều cực kỳ nhạy cảm với phản ứng của cha mình.


Raul kể về việc anh đưa cậu con trai sáu tuổi không giỏi thể thao của mình đi trượt tuyết và sau đó hỏi cậu thích điều gì nhất trong trải nghiệm lần này. Cậu chàng đáp: “Ngắm cha lúc cha ngắm con trượt tuyết!” Điều khiến cậu chàng thực sự bận tâm không phải là cậu trượt tốt hay kém ra sao mà là cha nghĩ gì về cậu. Hầu hết các cậu chàng ở độ tuổi giữa niên thiếu cũng vậy: quan điểm của chúng về việc chúng có đủ năng lực hay không phụ thuộc vào cách chúng nghĩ cha nhìn nhận chúng như thế nào.
Cậu con trai muốn kính trọng và ngưỡng mộ cha mình; cậu cần cảm thấy rằng cha mình có năng lực, bởi điều này giúp cậu tin rằng khi lớn lên, cậu cũng sẽ có năng lực như thế. Cậu muốn có một người cha nghĩ rằng cậu thật tuyệt vời - một người biết rằng cậu vẫn còn bé bỏng và không thể làm tốt mọi việc nhưng vẫn hết lòng yêu thương cậu.


Bài học về sự trung thực trong cảm xúc mà một người cha dạy cho con mình qua cách anh đối mặt với thiếu sót và thất bại của chính mình còn quan trọng hơn việc anh là chuyên gia trong mọi lĩnh vực. Dù nhận thức được hay không thì biểu hiện cảm xúc của cha không thể đánh lừa cậu con trai tầm 8 hoặc 9 tuổi của mình. Một người cha mà cư xử như thể mình giỏi hơn năng lực thực tế, hoặc không chịu thừa nhận sai lầm, sẽ dạy con trai mình về một hình mẫu nam tính nhiều khuyết điểm.
Trái ngược với nỗi sợ của một số người cha khi lo rằng nuông chiều đứa con trai của mình sẽ khiến con trở nên “mít ướt”, một người cha biết chấp nhận và giúp đỡ khi con gặp khó khăn sẽ giúp con trưởng thành hơn về mặt cảm xúc. Những người cha này hiểu được điều này, như Mark Twain đã viết: “Lòng can đảm chống lại nỗi sợ hãi, làm chủ nỗi sợ hãi, chứ không phải là không sợ hãi.” Đây là cách những người cha sẽ nhẹ nhàng giúp con trai mình vượt qua khó khăn trong quá trình trưởng thành hơn là cố gắng làm khó con hoặc buộc con cứng rắn để thích nghi với một thế giới khắc nghiệt.


Thực tế cho thấy rằng, những chàng trai dễ gục ngã nhất khi gặp khó khăn là những người được nuôi dưỡng với quan điểm rằng việc thừa nhận bị tổn thương, kể cả với bản thân, là yếu đuối.


#Teasing_kỳ 2: Ở kỳ 2, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về nguyên nhân dẫn đến việc có khoảng cách và sự chống đối giữa cha và con trai, để từ đó chúng ta cùng thảo luận về cách để lấp đầy hố sâu ngăn cách tình cảm giữa họ.


📍 Nguồn: Raising Cain: Protecting the Emotional Life of Boys - Dan Kindlon & Michael Thompson.
📍 Bản quyền dự án: Toàn bộ bản dịch, nội dung biên soạn và hình ảnh thiết kế của dự án thuộc về trí tuệ sáng tạo của The Domdom Healing Garden, mọi sao chép/trích dẫn vui lòng ghi rõ nguồn, nếu không Domdom xin phép liên lạc đề nghị gỡ bỏ.


Thương mến,
The DomDom Healing Gaảden.

Sidebar: Work-in-progress

The Domdom Healing Garden

Khu vườn chữa lành Đom Đóm - không gian trị liệu và chăm sóc thế giới tinh thần cùng bạn!

Địa chỉ:27, đường số 3, Hiệp Bình Phước, Thủ Đức
Điện thoại:0932360164
Email:thedomdomhealinggarden@gmail.com

Follow Vườn

Bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ Đom Đóm?

Hãy để lại địa chỉ email để Đom Đóm thông báo cho bạn về các hoạt động và bài viết bổ ích nhé!