#Chương 4 (Kỳ 2): Văn hóa bắt nạt

#Kỳ 2: Lời giải giúp bảo vệ các chàng trai trước văn hóa bắt nạt

Ở kỳ 1, chúng ta đã tìm hiểu tác động của văn hóa bắt nạt đến tâm lý của các chàng trai, không chỉ là nạn nhân của việc trêu chọc mà còn ảnh hưởng lên chính kẻ bắt nạt và toàn bộ văn hóa học đường. Đồng thời chúng ta cũng khám phá ra những nguyên nhân ngầm đằng sau văn hóa bắt nạt ở trường học. Đó có thể là những áp lực về thế hiện sự nam tính, những khuyết điểm kích thước cơ thể, lo lắng về bản dạng giới hay thể dục thể thao đôi khi trở thành con dao hai lưỡi với các chàng trai. Sự tự ti, mất kết nối, thu mình và luôn phòng thủ … là những t.ổ.n t.h.ư.ơ.n.g tinh thần thường gặp ở các chàng trai. Ở kỳ 2 này, chúng ta sẽ cùng khám phá vài gợi ý từ hai tác giả cách thức để giúp các chàng trai bảo vệ đời sống cảm xúc trước ảnh hưởng của văn hóa bắt nạt.


ĐỜI SỐNG NỘI TÂM BÌNH THƯỜNG VÀ QUAN TRỌNG CỦA MỘT CHÀNG TRAI
Văn hóa bắt nạt đã trở nên bình thường trong thế giới của chúng ta đến nỗi chúng ta gần như không nghĩ sẽ thắc mắc về nó. Đôi khi ngay cả giáo viên và phụ huynh cũng ngầm định chấp nhận nó như một phần quen thuộc trong trường học mà cũng rất khó khăn để can thiệp. Connor, một cậu bé lớp 7, sống trong một gia đình trung lưu, nhưng có chút khác biệt so với những gia đình giàu có xung quanh. Connor không phải là mẫu hình của một đứa trẻ dễ bị bắt nạt. Cậu không quá nhỏ bé hay có điều gì quá khác biệt về ngoại hình, mà trái lại, trông cậu bình thường và có thể hòa mình vào đám đông. Connor thậm chí còn là một trong những người chơi bóng rổ giỏi nhất lớp, điều mà ta thường nghĩ sẽ giúp cậu tránh khỏi sự trêu chọc. Tuy nhiên, thực tế lại khác. Cậu bị bắt nạt bởi một thứ rất nhỏ nhặt: cuốn vở Power Rangers cũ của mình. Connor phạm vào cái tội trở thành một đứa trẻ con khi mà Power Rangers đã trở nên lỗi thời trong mắt những cậu bé lớp 7. Điều này gợi lên rằng trong thế giới của trẻ em, đôi khi chỉ một chi tiết nhỏ như việc mang một cuốn vở in hình siêu anh hùng cũ cũng có thể khiến một đứa trẻ trở thành mục tiêu bị trêu chọc. Những biệt danh như “Siêu nhân đỏ” hay “Jason” và “Zordon” mà các bạn đặt cho Connor xuất phát từ sự chế giễu cậu về sở thích của một đứa trẻ nhỏ hơn, dù có lẽ cậu cũng không còn thích Power Rangers nữa, nhưng bố mẹ cậu ấy không muốn lãng phí tiền bạc khi cứ vứt bỏ cuốn vở còn nguyên. Tác giả đoán rằng Connor đã “làm mất” cuốn vở nhanh chóng. Khi được tác giả hỏi về việc bị bắt nạt thì cậu bộc bạch rằng mình đã quen với việc bị bắt nạt. Cậu nói “Không có gì to tát cả”. Tác giả cho rằng cậu ấy có lẽ đã quen với việc bị bắt nạt và rằng cậu ấy không gặp “nguy hiểm” thực sự nào như cách mà chúng ta - những bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học và nhân viên công tác xã hội, thường nghĩ. Chuyện bắt nạt không giống như thể cậu ấy tè ra quần, ăn cắp vặt hay hút cần sa. Cậu ấy chỉ biết mình luôn phải cảnh giác trước sự tấn công của các bạn cùng lớp, chỉ biết kiềm chế cảm xúc và nhủ rằng không nên tin tưởng bất cứ ai. Không có mã chẩn đoán trong cẩm nang chẩn đoán rối loạn tâm thần (ND) cho những triệu chứng này.


Nhìn lại quá khứ của chính mình, tác giả chia sẻ về người bạn học tên Mick, người đã bị bắt nạt dã man hàng ngày chỉ vì có mái tóc đỏ khô xơ. Những trò chế nhạo và hành động độc ác nhắm vào Mick khi ấy, như việc cướp thức ăn hay thả ong vào bánh mì của cậu. Và tác giả không thể tin rằng mình đã ngồi yên và mặc kệ mọi chuyện xảy ra quanh mình. Tác giả không biết liệu sau này Mick có bị bắt nạt như thế nữa không. Điều này không giống như thể cậu sẽ phát điên hay trở nên bạo lực. Tuy nhiên, chắc chắn bắt nạt đã gây tổn thương - đến giờ khi nghĩ lại, những chuyện đó vẫn làm tác giả dằn vặt. Hẳn sự bắt nạt đã làm tim Mick chai sạn. Lý do dẫn đến việc một chàng trai bị tấn công thường không dựa trên điều gì thực sự quan trọng, mà có thể chỉ là những lý do ngẫu nhiên và vô lý. Bởi bắt nạt vốn không công bằng. Chàng trai bị đẩy vào một thế giới mà “phải đủ ngầu để hòa nhập” nhưng sự bắt nạt lại không tuân theo bất cứ quy tắc rõ ràng nào. Không có điểm tấn công rõ ràng và mục tiêu thì luôn di chuyển, điều này khiến việc đối phó với bắt nạt trở nên đặc biệt khó khăn cho cả những đứa trẻ và những người lớn muốn can thiệp.


Hai tác giả, những nhà trị liệu tâm lý, lần tìm manh mối như những thám tử, đọc hiểu cảm xúc sau những câu chuyện của đám trẻ, theo vết sự kiện, phỏng vấn những người tham gia và quan sát trong cuộc sống của một đứa trẻ, nghiên cứu cảm xúc của cậu ấy để tìm lời giải thích thay vì chứng cứ ngoại phạm. Người lớn dễ bị cám dỗ bởi những lối đi thuận lợi, dễ đồng tình với lời phủ nhận, những cuộc họp bị lỡ, những câu trả lời mơ hồ hay những lời trấn an rằng mọi chuyện đều “ổn, tôi đoán thế,” khi chúng ta biết chuyện không hề ổn khi hợp lý hóa suy nghĩ của một chàng trai rằng những rắc rối như “cơn đau chuột rút” và chỉ thế thôi. Thay vào đó, chúng ta phải tích cực tìm hiểu về những đứa trẻ như Connor trên thế giới; chúng ta phải dành thời gian, phải nỗ lực tìm hiểu cảm xúc và căn nguyên gây ra rắc rối của chúng. Đây là khổ lao của việc nuôi dạy, giáo dục, tư vấn cho con trẻ; không có con đường tắt. Khả năng sống sót của một chàng trai trong nền văn hóa bắt nạt hoàn toàn liên quan đến nguồn cảm xúc của cậu - khả năng nhận biết và hiểu cảm xúc của mình cũng như người khác. Những chàng trai được nâng cao về nhận thức về cảm xúc và sự đồng cảm sẽ ít khả năng khiến người khác tổn thương và trở nên kiên cường hơn trước áp lực bắt nạt ập đến với chúng.

VAI TRÒ CỦA TÌNH BẠN VÀ SỰ PHẢN BỘI TRONG VĂN HÓA BẮT NẠT
Tình bạn chân chính là khi bạn được là chính mình, có thể buông lớp phòng bị và tin tưởng rằng bạn bè sẽ không lợi dụng chuyện chúng biết để chống lại bạn. Các chàng trai có thể giằng xé giữa mong muốn giãi bày trong tình bạn và kỳ vọng dựa trên định kiến giới rằng nam giới phải quyết đoán và bạo lực, hoặc mạnh mẽ và trầm tính. Chia sẻ bí mật với một bạn bè là điều không phù hợp. Tuy nhiên, nhu cầu thể hiện cảm xúc của mọi đứa trẻ đều khá lớn. Hơn nữa, khi một chàng trai ngày càng rời xa cha mẹ và sống độc lập, một người bạn tâm giao càng trở nên quan trọng. Kể cả khi có mối quan hệ thân thiết với bố hoặc mẹ hoặc cả hai thì nam giới vẫn thường chia sẻ với bố mẹ những chuyện khác nhau theo cách khác nhau so với khi chia sẻ với bạn thân. Nhóm bạn gồm Lefty, Swifty, Red Rose, Popsy, và khoảng 12 bạn nam khác, họ kết bạn khi còn rất trẻ và duy trì mối quan hệ đó suốt hơn 60 năm. Điều đáng kinh ngạc ở đây là, trong khi tình bạn lâu dài vốn đã là một thách thức lớn, thì thực tế rằng họ vẫn giữ được tình bạn thân thiết qua nhiều thập kỷ, đặc biệt khi họ là nam giới, là điều hiếm hoi và đáng chú ý. Bởi vì nam giới thường khó có được tình bạn riêng tư và thân thiết. Đó là cái giá phải trả cho sự xói mòn lòng tin; đối với nhiều chàng trai, câu chuyện về tình bạn thuở thiếu thời có thể có một kết thúc đáng thất vọng và đầy bối rối. Khả năng có được một tình bạn kiên định và sâu sắc luôn tỉ lệ thuận với khả năng xảy ra trêu chọc, bắt nạt và cô lập. Những vấn đề song song này hiện diện trong cuộc sống của các cậu bé từ năm 7 tuổi, và thậm chí sớm hơn trong môi trường khắc nghiệt hơn. Nguy cơ xảy ra cao hơn đáng kể ở giai đoạn đầu tuổi vị thành niên khi sự bảo vệ từ cha mẹ và người lớn giảm đi.


Khi các chàng trai muốn kết bạn với nhau cũng phải đấu tranh với sức ảnh hưởng tệ hại của văn hóa bắt nạt, đòi hỏi một cậu bé phải đặt lòng trung thành với tập thể lên trên lòng trung thành với bạn bè và phải sẵn sàng chứng minh điều đó, và ở nơi mà bạn bè phản bội lẫn nhau là chuyện bình thường. Sự phản bội có thể hiển hiện rõ ràng và đầy kịch tính: đuổi một đứa bạn ra khỏi hoạt động vốn được lên kế hoạch; lạc mất bạn mình một cách “vô tình có cố ý” khi đi chơi như một trò chơi khăm; hoặc tiết lộ bí mật của nhau. Sự phản bội cũng có thể ở dạng bị động: không thể bảo vệ bạn mình trước những lời chế nhạo của nhóm bạn. Đối với người bị phản bội, nỗi đau mất lòng tin lúc đó rất sâu sắc. Kẻ phản bội rút ra bài học tương tự theo một cách khác: cậu ta biết mình có thể là người bị phản bội tiếp theo. Cả hai đều dần thiếu tin tưởng với nhau và luôn thận trọng khi để lộ điểm yếu của mình trong các mối quan hệ. Bởi vì niềm tin đối với tình bạn thời thơ ấu sẽ hình thành hình mẫu cho các mối quan hệ trong suốt cuộc đời nên việc tình bạn hy sinh trước văn hóa bắt nạt thời niên thiếu gây những hậu quả đặc biệt đáng buồn. Một ví dụ đau lòng về sự phản bội trong tình bạn là câu chuyện của Gary 42 tuổi nhìn lại bước ngoặt thời niên thiếu đời mình khi lần đầu tiên anh dứt bỏ tình bạn với một cậu bạn không được yêu mến vì tình bạn này “quá mạo hiểm” và sau đó bản thân trở thành đối tượng bị bỏ rơi tương tự bởi một người bạn mà mình tin cậy. Khi còn nhỏ, Gary đã có một người bạn thân tên là Peter, người mà Garythường xuyên gặp gỡ và cùng chơi những trò chơi tuổi thơ. Peter là một tay chơi thể thao giỏi, nhưng đến năm lớp sáu, những đứa bạn khác bắt đầu chọc ghẹo cậu ấy vì kích thước cơ thể. Ban đầu Peter chỉ phớt lờ chúng. Gary đã bảo vệ Peter đôi lần, nhưng theo thời gian, tôi dần thấy mình như thể là mẹ của cậu ấy vậy. Gary cảm thấy khó xử và dần dần không còn bảo vệ Peter nữa. "Tôi nhớ khoảnh khắc khi mắt cậu ấy bắt gặp ánh mắt tôi," Gary kể lại, nhưng thay vì giúp đỡ bạn mình, cậu đã lặng lẽ rời đi và để Peter đối mặt với sự sỉ nhục một mình. Đây chính là dấu chấm hết cho tình bạn của họ. Gary thừa nhận rằng, “Cậu ấy đã trở thành nỗi khó xử của tôi và tôi không có can đảm để đối mặt”. Sau đó, Gary kết bạn với một người bạn mới tên Lee - một người chơi thể thao giỏi, học sinh giỏi, nhà lãnh đạo thực thụ. Hai người mặc quần áo cùng kích cỡ và đổi cà vạt cho nhau, đôi khi cả áo khoác, đó là biểu hiện quan trọng của tình bạn và lòng trung thành. Tuy nhiên, chính Lee sau đó đã phản bội Gary khi nhóm bạn quyết định không tham dự lễ trưởng thành Do Thái của Gary, mặc dù cậu đã mời họ. Tệ hơn nữa, khi Gary hỏi lý do, Lee thú nhận rằng họ không muốn đội "mũ kyke" – một lời chế giễu mang tính xúc phạm về tôn giáo của Gary. Ý nghĩa của việc trở thành một người đàn ông đối với Gary khi cậu tham gia lễ trưởng thành là: “Tôi nhận ra rằng mình chỉ có một mình. Tôi không bao giờ có bạn thân lần nữa”. Tình bạn của cậu đã tan vỡ theo một cách đầy đau đớn.


LỜI GIẢI PHÁ VỠ LUẬT IM LẶNG NGẦM ĐỊNH CỦA VĂN HÓA BẮT NẠT
Xuyên suốt những mất mát - về tình bạn, lòng tin và lòng tự trọng - và sự khóa chặt cảm xúc cần thiết để đạt được nhiệm vụ bất khả thi của tuổi trưởng thành, văn hóa bắt nạt áp đặt luật im lặng lên các chàng trai, yêu cầu chúng phải chịu tổn thương mà không được chia sẻ, và phải im lặng chứng kiến hành vi bắt nạt người khác. Sức mạnh của thứ luật này hết sức mạnh mẽ và trở thành khía cạnh nổi trội trong bản sắc nam tính, đến nỗi các bạn nam coi đó là điều hiển nhiên. Chúng giữ im lặng vì nhiều lý do. Chúng sợ trở thành nạn nhân lần nữa. Chúng không muốn thực thi những hành động kỷ luật chống lại chàng trai khác. Chúng không muốn bị tẩy chay khỏi nhóm bạn cùng trang lứa. chúng rút ra bài học cho mình. Giữ im lặng là mạnh mẽ và nam tính, còn nói ra thì không.

Điều đáng buồn là, sự im lặng này không chỉ là lựa chọn của các cậu bé mà còn là một phần của hệ thống giáo dục và gia đình. Câu chuyện về Brian là một minh chứng rõ ràng. Brian bị bắt nạt trong nhiều tháng trời vì những đặc điểm cá nhân như chiều cao, mái tóc và trang phục. Cậu bé phải đối mặt với sự cô lập và quấy rối cả ở lớp học lẫn sân chơi. Cậu phải tự mình vật lộn với nỗi tổn thương. Đỉnh điểm là khi một nhóm bạn nam phá hủy quả bóng yêu thích của Brian trước mặt mọi người. Nhục nhã và tức giận, Brian túm lấy áo của một trong những kẻ bắt nạt và xé toạc. Vì điều này, người giám sát sân chơi đã đưa cậu đến gặp hiệu trưởng, sau cuộc chuyện trò đó, toàn bộ câu chuyện đã được hé lộ. Khi liên lạc với giáo viên của Brian về những vấn đề của cậu bé, người thầy tử tế này nói rằng ông không nhận thấy điều gì bất thường trong lớp, nhưng cố vấn của trường sau đó đã xác nhận rằng Brian bị bắt nạt vì “gần như mọi thứ” - từ việc cậu đọc thầm cho đến phát biểu trong thảo luận trên lớp.


Từ kinh nghiệm của mình, tác giả thấy rằng hầu hết giáo viên không đứng lên chống lại kiểu bắt nạt này đều tin rằng bắt nạt là điều bình thường đối với các bạn nam hoặc họ thấy sự bắt nạt nhưng không thể ngăn chặn. Giáo viên chưa được đào tạo để thực hiện kiểu can thiệp cảm xúc này và nhà trường cũng chưa xác định rằng đây là một phần công việc của họ. Tác giả cũng biết những giáo viên nam, những người mang trong mình vết sẹo từ những trải nghiệm năm cấp hai, không muốn chống lại những bạn nam luôn phô trương sức mạnh và có hành vi bắt nạt vì sợ bị coi là không ngầu. Hoặc họ không muốn xác định hay quá thông cảm với những đứa trẻ không ngầu bởi vì họ không có tuổi thơ thật ngầu và không thể quay lại quãng thời gian tổn thương đó, ngay cả với uy quyền và quan điểm của một người trưởng thành. Chính những rào cản cảm xúc đó đã khiến nhiều bậc cha mẹ không tích cực phản ứng hơn trước việc cuộc sống của con trẻ bị bắt nạt. Các bà mẹ thường không chắc liệu họ có nên lên tiếng hay bỏ mặc vấn đề như cách mà bản thân cậu bé có vẻ chuộng hơn. Một ông bố có thể chọn phớt lờ vấn đề vì ngay từ thời thơ ấu, ông đã biết quá rõ những hậu quả tàn khốc từ việc cố gắng làm bất cứ điều gì để giải quyết vấn đề. Trong trường hợp người cha đối xử tàn nhẫn với chính con trai mình, thường là do người cha đó đã không vượt qua những sự bắt nạt tương tự của xã hội trong cuộc sống của mình. Ông ta bị sỉ nhục khi có một đứa con trai không được ngầu, và vì vậy ông ta từ chối giúp cậu. Bởi vì cha là nguồn ủng hộ độc nhất của một cậu bé trong giai đoạn khắc nghiệt này, nên sự phản bội của ông bố là một hậu quả đặc biệt đáng buồn của văn hóa bắt nạt.
Trong suốt đời mình, các chàng trai không mong chờ được người lớn giải cứu, nhưng chúng coi thái độ thờ ơ của người lớn như một dấu hiệu cho thấy văn hóa bắt nạt hoạt động “ngoài vòng pháp luật” và những kẻ cầm đầu sẽ không phải chịu trách nhiệm. Chính các bậc cha mẹ và các nhà giáo dục cần phải tạo ra một môi trường mà ở đó, thông điệp đạo đức được truyền tải rõ ràng rằng bắt nạt không được dung thứ hay phớt lờ. Trong môi trường gia đình hoặc trường học khuyến khích nhận thức về cảm xúc và trách nhiệm cá nhân, nơi người lớn lên tiếng về những giá trị này, thì sự im lặng của các cậu chàng, cùng với sức mạnh ngầm của văn hóa bắt nạt sẽ bị phá vỡ.


KẾT LUẬN
Thế giới nội tâm của các chàng trai chịu nhiều áp lực từ định kiến giới, kỳ vọng xã hội và văn hóa bắt nạt. Từ rất sớm, các chàng trai đã học cách che giấu cảm xúc, từ bỏ các mối quan hệ thân thiết để tránh bị tổn thương hoặc bị xem là yếu đuối. Tình bạn - nơi họ bộc lộ cảm xúc chân thật nhất, lại bị xói mòn bởi văn hóa bắt nạt và sự phản bội, khiến họ dần mất niềm tin vào người khác. Bên cạnh đó, luật im lặng do văn hóa này áp đặt càng làm cho sự cô lập và t.ổ.n t.h.ư.ơ.n.g kéo dài. Chính sự thờ ơ của người lớn, bao gồm cả phụ huynh và giáo viên, càng làm cho văn hóa bắt nạt trở nên khó phá vỡ, gây ra những hậu quả tâm lý dài hạn cho các chàng trai. Hậu quả là các chàng trai lớn lên mà thiếu sự kết nối sâu sắc và khả năng thể hiện cảm xúc của mình, gây ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống tinh thần và các mối quan hệ sau này. Giải pháp giúp các chàng trai bảo vệ đời sống cảm xúc của mình trước tác động của văn hóa bắt nạt được hai tác giả nhấn mạnh là giúp các chàng trai nâng cao về nhận thức về cảm xúc và sự đồng cảm. Đồng thời giáo viên, trường học và phụ huynh cần phá vỡ luật im lặng của văn hóa bắt nạt và xây dựng một môi trường an toàn - nơi mọi cảm xúc của các chàng trai đều được lắng nghe và bảo vệ.


#Teasing chương 5 - kỳ 1: Ở bài tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một trong hai mối quan hệ quan trọng đầu đời của một chàng trai - Mối quan hệ giữa Cha và Con Trai. Và chúng ta sẽ hiểu hơn về vai trò của người cha định hình nhận thức của một chàng trai như thế nào.


📍 Nguồn: Raising Cain: Protecting the Emotional Life of Boys - Dan Kindlon & Michael Thompson.
📍 Bản quyền dự án: Toàn bộ bản dịch, nội dung biên soạn và hình ảnh thiết kế của dự án thuộc về trí tuệ sáng tạo của The Domdom Healing Garden, mọi sao chép/trích dẫn vui lòng ghi rõ nguồn, nếu không Domdom xin phép liên lạc đề nghị gỡ bỏ.


Thương mến,
The DomDom Healing Garden.

Sidebar: Work-in-progress

The Domdom Healing Garden

Khu vườn chữa lành Đom Đóm - không gian trị liệu và chăm sóc thế giới tinh thần cùng bạn!

Địa chỉ:27, đường số 3, Hiệp Bình Phước, Thủ Đức
Điện thoại:0932360164
Email:thedomdomhealinggarden@gmail.com

Follow Vườn

Bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ Đom Đóm?

Hãy để lại địa chỉ email để Đom Đóm thông báo cho bạn về các hoạt động và bài viết bổ ích nhé!