#Chương 3 (Kỳ 2): Cái giá đắt của kỷ luật hà khắc

#Kỳ 2: Hệ quả của kỷ luật hà khắc và giải pháp tối ưu trong việc giáo dục trẻ

Ở chương 1, chúng ta đã hiểu như thế nào là kỷ luật hà khắc, đâu đó những bậc cha mẹ nhìn thấy mình trong bối cảnh đó, và cũng nhìn thấy sự chống đối hay chịu trận của những đứa con mình. Kỷ luật hà khắc liệu có phải là giải pháp duy nhất để chúng ta có thể giao dục con cái hay không? Dù lợi ích nhất thời cho người kỷ luật có là gì đi nữa, nhưng bài học về sự xấu hổ và tức giận đối với cậu bé sẽ trường cửu… Ở kỳ này chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về hệ quả của việc sử dụng kỷ luật hà khắc trong gia đình đã tác động lên tâm lý của họ như thế nào. Từ đó có thêm những giải pháp khác cho kỷ luật hà khắc này.


HỆ QUẢ CỦA KỶ LUẬT HÀ KHẮC VÀ VĂN HÓA TRỪNG PHẠT


Phân tâm học cổ điển được cho là sẽ hướng dẫn bạn khám phá ra những góc sâu nhất, đen tối nhất của những xung đột nội tâm, xung động, ham muốn và sự tức giận không thể giải thích được. Đó là một cách để tìm hiểu nhiều điều về bản thân. Nhưng nếu bạn thực sự muốn khám phá những thôi thúc đen tối bên trong chính mình, hãy sinh con; chúng cũng sẽ giúp bạn cảm nhận được tất cả những xung động thiếu kiểm soát và đáng tiếc nhất của bạn. Nếu bạn đã từng có một ngày tồi tệ tại nơi làm việc, phải mặc cả với một ông chủ độc đoán hoặc một người vợ/chồng cũ không biết điều, hoặc phải chịu đựng một quãng đường đi làm về nhà đầy căng thẳng, rồi bước vào nhà để rồi đối mặt với kiêu ngạo bất cẩn của cậu con trai, bạn có thể sẽ nhớ đến cơn thịnh nộ của chính mình hơn là điều gì đó “nhỏ nhặt” kia. Hầu hết chúng ta đều đã từng như vậy.


Nghiên cứu cho thấy rằng hình phạt khắc nghiệt hơn, nhằm mục đích định hướng quyền lực thường được kích hoạt bởi hành vi sai trái về vật lý của trẻ như là phá hoại tài sản và mất kiểm soát như chạy ra đường hoặc đánh anh chị em, hơn là do hành vi không mong muốn khác, chẳng hạn như rên rỉ hoặc nói năng không đúng mực. Nguyên do là bởi các cậu bé có xu hướng tham gia thực hiện loại hành vi tích cực và cường độ cao này cao hơn các bé gái; và vì chúng có xu hướng trưởng thành chậm hơn nên chúng cũng có xu hướng ít tự chủ hơn so với các bé gái cùng độ tuổi. Sự coi thường rõ ràng của một cậu bé đối với những kỳ vọng, quy tắc và yêu cầu tuân thủ thường khiến các bậc cha mẹ có chủ ý tốt nhất cũng phải phát cáu.


Trong một cuộc khảo sát đối với cha mẹ của trẻ từ 4 đến 10 tuổi, người ta thấy rằng hình phạt thể xác thường được sử dụng nhiều nhất để đáp lại “những hành vi vi phạm có tính kích thích cao” như chạy ra đường hoặc phá vỡ đồ vật có giá trị. Khi so sánh nhóm cha mẹ “bình thường” này với nhóm cha mẹ đang tiếp nhận điều trị do có tiền sử bạo hành con cái, người ta thấy rằng, trong những tình huống kích thích cao độ này, cha mẹ bình thường cũng giống như cha mẹ có tiền sử bạo hành con cái, họ có khả năng cao sẽ sử dụng hình phạt khắc nghiệt đối với con cái của họ.


Bất kỳ nơi nào chúng ta thấy tồn tại kỷ luật khắc nghiệt hoặc bạo lực trong cuộc sống của các cậu bé, thì chúng ta cũng có thể thấy được sự đấu tranh với sự xấu hổ, hận thù và tức giận của các cậu bé đó. Nhiều cậu bé chọn cách đơn giản là khép kín cảm xúc của mình khi còn nhỏ và cứ như vậy, họ không còn có thể thể hiểu hoặc bày tỏ cảm xúc của mình khi bước vào các mối quan hệ của người lớn trong công việc, hôn nhân và gia đình nữa. Những nỗi tủi hổ, buồn bã và tức giận sâu sắc của cậu bé ấy sẽ không thể tự biến mất theo thời gian. Chúng sẽ biến họ thành những người đàn ông giận dữ, lo lắng hay trầm cảm khi trưởng thành.


Một chàng trai phải trải qua thời thơ ấu và tuổi thiếu niên trong những lời mắng nhiếc, sự coi thường và đôi khi chịu đánh đòn, luôn phải lắng nghe về những thất bại của mình... Theo một cách nào đó, cuối cùng tâm lý của anh ấy cũng tin rằng cuộc đời là một chiến trường. Nhưng kẻ thù không phải là đối thủ kinh doanh hay nhà cung cấp đáng nghi mà là chính bản thân mình. Như các trường hợp không hài lòng với bản thân thường thấy, những chàng trai ấy sẽ thấy khuyết điểm ở hầu hết mọi người và mọi thứ xung quanh mình.


Trong các buổi tư vấn gia đình với các cậu bé và cha mẹ của các em, và trong môi trường học đường nơi chúng tôi thường được gọi đến để tư vấn về các trường hợp kỷ luật, chúng tôi thấy được các cậu bé phải chịu một khuôn mẫu kỷ luật và giao tiếp khắc nghiệt một cách không cần thiết và các cậu bé cho thấy hành vi tiêu cực hoặc đối đầu để phản ứng lại khuôn mẫu ấy. Khi chúng ta xem xét kỹ hơn các vấn đề ở trường học hoặc gia đình của các cậu bé, hoặc các vấn đề về cảm xúc, chúng ta hầu như luôn nhận thấy được rằng kỷ luật quá mức hoặc kỷ luật sai lầm chính là nguyên nhân gây ra xung đột.


Một trong những kết quả nghiên cứu đáng tin cậy hơn về cuộc sống của những người đàn ông đã trở thành tội phạm bạo lực cho biết nhiều người trong số họ đã có quá khứ lớn lên trong cảnh phải chịu kỷ luật hà khắc và không nhất quán. Tiếng nói của những kẻ phạm pháp vang lên đầy giận dữ trước sự ngược đãi của cha mẹ. Arnold Goldstein, trong cuốn sách Những tên tội phạm nói về tội phạm - tuyển tập các cuộc phỏng vấn với những tên tội phạm trẻ tuổi, đã trích lời một thanh niên: “Cha mẹ nghĩ rằng họ có thể giúp một đứa trẻ bằng cách [đánh,] và điều đó khiến chúng trở nên tồi tệ hơn[;] … [sự ] tức giận cứ thế trú ngụ trong đứa trẻ[;] … nỗi đau trở nên quá sức chịu đựng đối với cậu ấy.”


Nghiên cứu cho thấy rằng điều này cũng đúng với những đứa trẻ “bình thường”. Trong một nghiên cứu đại diện cho một tập hợp các nghiên cứu, họ phát hiện ra rằng những trẻ mẫu giáo bị đánh đòn ở nhà thì ở trường thường hung hăng hơn. Chúng có khả năng trở thành kẻ bắt nạt cao hơn nhiều. Cho dù các em bị cha hay mẹ đánh, cho dù việc đánh đòn xảy ra trong bối cảnh lạm dụng thể xác hay các em bị đánh tương đối nhẹ và không thường xuyên, thì tác động đều được phản ánh qua hành vi thô bạo của các em đối với người khác.


Tất nhiên, không phải tất cả các cậu bé lớn lên dưới bàn tay sắt của cha mẹ đều biến sự xấu hổ thành cơn giận dữ và biến cơn giận dữ thành bạo lực. Nhiều người giữ sự xấu hổ và tức giận ở bên trong, nó làm lu mờ cách nhìn của họ về cuộc sống và làm lu mờ trải nghiệm của họ trong những mối quan hệ khác, các mối quan hệ chứa nhiều tình yêu thương hơn. Nỗi buồn len lỏi vào mọi khía cạnh trong cuộc sống của họ và làm lu mờ tiềm năng cảm xúc đối với cả những niềm hạnh phúc và thú vui bình thường nhất…


KỶ LUẬT ĐÚNG ĐẮN


Không có một phương pháp hay cách thức cụ thể nào dành cho đứa con của bạn. Bởi chúng không phải là một sản phẩm đại trà, chúng sẽ là sản phẩm do bạn tạo ra. Chúng sẽ cho bạn thấy phương pháp hay cách thức nào là đúng đắn và phù hợp thông qua những biểu hiện bên dưới:

  • Kỷ luật tốt bao gồm một cậu bé và năng lượng của cậu ấy. Thông qua cách thể hiện của một cậu bé, ta có thể biết được rằng cậu ấy có đang được kỷ luật tốt hay không.
  • Kỷ luật tốt phải mang lại cảm giác an toàn về thể chất và tinh thần mà cậu bé cần để học những bài học lớn hơn về hành vi đạo đức và khả năng tự chủ.
  • Kỷ luật tốt phải nhất quán, phải cho thấy những kỳ vọng rõ ràng và hợp lý cũng như sự dẫn dắt vững chắc, đầy nhân ái của những người trưởng thành - những người làm gương, thực hiện tiêu chuẩn và hành vi tương tác hàng ngày với trẻ giống với khi họ tương tác với những người khác.
  • Kỷ luật tốt giúp kết nối với đứa trẻ, khuyến khích chúng tiếp xúc thay vì cô lập, lôi kéo trẻ vào cuộc thảo luận thay vì đuổi trẻ đi. Cậu bé đóng vai trò là một nhà tư vấn trong cuộc thảo luận đó. Có thể bằng những câu hỏi đơn giản, chẳng hạn như “Con không hiểu hoặc không đồng ý với quy tắc này ở điểm nào?” hoặc “Con cần gì để có thể thay đổi kiểu hành vi này?” Cha mẹ chỉ cần xem xét tính cách cá nhân hoặc tính khí của con trai mình thông qua tham khảo thực tế để có thể điều chỉnh biện pháp kỷ luật sao cho phù hợp nhất.
  • Chúng ta cần học cách thể hiện sự tôn trọng đối với trải nghiệm và cảm xúc của những cậu bé. Thông qua đối thoại, một cậu bé có thể hiểu được ý nghĩa đạo đức của sự kỳ vọng.
  • Giúp cậu học cách hướng về bên trong mình, xác định cảm xúc và thể hiện cảm xúc theo hướng cải thiện mối quan hệ với người khác thay vì xa lánh.
  • Thông qua cuộc trò chuyện không có hình phạt sẽ giúp những cậu bé hiểu hơn về chính mình và củng cố mối quan hệ giữa cậu bé và những người xung quanh.


Có một câu thoại hài cũ đại loại như, “Nếu bạn thông minh như vậy, tại sao bạn không giàu có?” Cũng như câu thoại đó, nếu kỷ luật tốt có tác dụng như vậy, tại sao tất cả chúng ta không thực hành?


Vì kỷ luật tốt cần nỗ lực!


Bạn sẽ mất nhiều thời gian và công sức hơn để dành ra một giờ với con (và đó là điều con cần) hơn là la mắng con rồi sau đó đi làm việc riêng của bạn, cho dù đó là công việc hay là chương trình giải trí đang chiếu lại trên truyền hình…


Không ai hoàn hảo; tất cả chúng ta đều phạm sai lầm, cho dù đó là trong hành động, lời nói hay giả định của chúng ta. Khi cách giáo dục bằng kỷ luật của chúng ta khuyến khích thấu hiểu lẫn nhau, thì kỷ luật sẽ giúp các cậu bé trở thành những cậu bé ngoan hơn thông qua việc chúng ta tiếp cận những cách dạy dỗ trẻ tốt hơn…


📍 Nguồn: Raising Cain: Protecting the Emotional Life of Boys - Dan Kindlon & Michael Thompson.
📍 Bản quyền dự án: Toàn bộ bản dịch, nội dung biên soạn và hình ảnh thiết kế của dự án thuộc về trí tuệ sáng tạo của The Domdom Healing Garden, mọi sao chép/trích dẫn vui lòng ghi rõ nguồn, nếu không Domdom xin phép liên lạc đề nghị gỡ bỏ.


Thương mến,
The DomDom Healing Garden

Sidebar: Work-in-progress

The Domdom Healing Garden

Khu vườn chữa lành Đom Đóm - không gian trị liệu và chăm sóc thế giới tinh thần cùng bạn!

Địa chỉ:27, đường số 3, Hiệp Bình Phước, Thủ Đức
Điện thoại:0932360164
Email:thedomdomhealinggarden@gmail.com

Follow Vườn

Bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ Đom Đóm?

Hãy để lại địa chỉ email để Đom Đóm thông báo cho bạn về các hoạt động và bài viết bổ ích nhé!