#Chương 3 (Kỳ 1): Cái giá đắt của kỷ luật hà khắc

#Kỳ 1: Văn hóa trừng phạt, kỷ luật hà khắc đã tác động lên đời sống tinh thần của những chàng trai như thế nào?

Ở Chương 2, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về tác động của môi trường giáo dục sớm tới đời sống cảm xúc của những chàng trai như nào, những định kiến và gán mác xã hội áp đặt cho các chàng trai là gì. Từ đó chúng ta có thể nhìn thấy được những ảnh hưởng mà giáo viên, phụ huynh đã quản lý, giao tiếp với các chàng trai và tìm ra được giải pháp cho vấn đề trong giáo dục sớm nay. Và ở kỳ 3 này, chúng ta sẽ tiếp tục đi tới một khía cạnh rất phổ biến ở các gia đình, đó là: Sử dụng hình thức trừng phạt, kỷ luật hà khắc để giáo dục con cái. Liệu các bậc phụ huynh, thầy cô có đang giáo dục trẻ một cách đúng đắn? Chúng ta cùng tìm hiểu ở Kỳ 3 – chương 1: Văn hóa trừng phạt, kỷ luật hà khắc đã tác động lên đời sống tinh thần của những chàng trai như thế nào nhé!


ĐỊNH NGHĨA VỀ KỶ LUẬT HÀ KHẮC


Kỷ luật hà khắc sẽ cần nói đến cả việc trừng phạt thể xác dưới hình thức đánh hoặc đòn roi và đe dọa bằng lời nói (tinh thần), bao gồm coi thường, gièm pha, bêu xấu và đe dọa.


Hình phạt thể xác chỉ là một nửa của bức tranh. Những lời lẽ gay gắt hoặc đe dọa cũng sẽ để lại vết sẹo trong tâm hồn một đứa trẻ, nhất là khi các bé trai thường xuyên phải chịu những lời lẽ như vậy. Ngay cả những bậc cha mẹ không nghĩ đến việc tổn thương con cũng thừa nhận rằng trong lúc tức giận hoặc thất vọng, họ sẽ nói những điều không hay hoặc áp đặt hình phạt gây tổn thương tương tự. Và tất cả những cách thức đó: những đòn roi, đánh, đập, quất mạnh mà một số người lớn sử dụng để cho một cậu bé thấy ai mới là người có địa vị cao hơn, cũng như những lời chỉ trích bêu rếu, mỉa mai, coi thường và các hình thức đe dọa bằng lời nói hoặc hình phạt khắc nghiệt khác mà rất nhiều bậc cha mẹ sử dụng để kỷ luật hay chỉ đạo một cậu bé đều sẽ để lại cùng một nỗi đau.


Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng hình thức kỷ luật phổ biến nhất được cha mẹ và những người lớn mang vai trò chăm sóc khác sử dụng là bạo lực lời nói.
Cha mẹ và giáo viên thường biện minh cho việc áp dụng kỷ luật khắc nghiệt hơn với một cậu bé bằng một số lý do rất đơn giản: Hình thức kỷ luật đó thu hút sự chú ý của cậu bé. Hành động ấy truyền thông báo rằng người lớn phản đối hành vi của các cậu bé thông qua các thuật ngữ rõ ràng và đơn giản. Và hành động ấy xác định ai là người có quyền lực cao hơn trong mối quan hệ.


VĂN HÓA TRỪNG PHẠT VÀ KỶ LUẬT HÀ KHẮC ĐỐI VỚI CÁC CHÀNG TRAI


Sự bất bình đẳng trong việc giáo dục giữa nam và nữ. Tại sao con trai lại được áp dụng kỷ luật khắc nghiệt hơn nhiều so với con gái?


Nhiều bậc cha mẹ thừa nhận rằng họ áp dụng hình thức kỷ luật nghiêm khắc lên con trai nhiều hơn là với con gái. Như chúng ta đã thấy trong chương 2, các giáo viên thường cảm thấy khó chịu với nam sinh trong lớp hơn so với nữ sinh, nên họ có phản ứng gay gắt hơn với nam sinh. Cha mẹ và giáo viên thường kỷ luật các bé gái một cách miễn cưỡng, thể hiện sự hối hận và thậm chí, đôi khi, bày tỏ lo ngại rằng một bé gái “nhạy cảm” sẽ “cảm thấy rất buồn”.
- Đối với người lớn, kỷ luật khắc nghiệt được cho là sẽ giúp một cậu bé trở thành một người đàn ông: cậu cần sự đối xử khắc nghiệt để rèn giũa.
- Họ mặc định rằng con trai thì sẽ có khả năng đề kháng cao hơn trước những lời miếng nhiếc, áp lực lớn, tác động lớn hơn so với con gái.
- Niềm tin văn hóa cơ bản của chúng ta rằng con trai được tạo ra từ “những thứ khác” so với con gái. Do vậy họ đòi hỏi ở các bé trai nhiều hơn những gì chúng có.
- Họ định hình một hình mẫu lý tưởng cho người con trai của mình và sử dụng kỷ luật hà khắc để rèn luyện, để chúng trở thành một hình mẫu mạnh mẽ, thành công, không ngại những khó khăn, không sợ hãi…


Tuy nhiên, khi nói đến khả năng chịu tổn thương và tức giận của những cậu con trai, giả định này không đúng. Nếu bạn quá khắt khe, không công bằng hoặc ngược đãi bằng lời nói và thể chất với các bé trai hoặc bé gái, chúng sẽ phát triển những phản ứng mạnh mẽ và tức giận để chống lại cách đối xử đó hoặc chúng sẽ bị tổn thương. Những người đàn ông từng bị đánh đập, bị bêu rếu và bị sỉ nhục khi còn là những cậu bé sẽ xả giận lên thế giới bên ngoài.
Chúng ta áp đặt “sự bạo ngược cứng nhắc” lên các bé trai và nam giới. Cho dù định nghĩa về con trai trong nền văn hóa của chúng ta là gì đi chăng nữa, thì nó mang ý nghĩa rằng hành động của các cậu bé có khả năng cao bị hiểu lầm là đe dọa hoặc không vâng lời, rằng các cậu có khả năng cao bị trừng phạt hoặc đối xử thô bạo hơn so với cô bé nhà bên. Trong suốt cuộc đời của một cậu bé, bất kể bản chất hành vi vi phạm của cậu như thế nào, cậu bé ấy có khả năng nhận được phương án đối xử nhanh chóng và khắc nghiệt hơn so với một cô bé, thường là khắc nghiệt hơn so với những gì lý trí có thể biện minh.
Khi một người đàn ông và một người phụ nữ bị kết án cùng một tội danh, người đàn ông sẽ nhận bản án khắc nghiệt hơn. Số liệu thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy một người đàn ông bị kết án giết người có khả năng nhận án tử hình cao gấp hai mươi lần so với một người phụ nữ cùng tội danh.

Các bé trai được đưa vào môi trường rèn luyện kỷ luật hà khắc cao hơn so với các bé gái: quân đội, giáo dục đặc biệt…


Trong một cuộc khảo sát gần đây với các nhà quản lý tại các trường công lập, một cậu bé có khả năng bị đánh cao gấp tám lần so với một cô bé. Nghiên cứu cho thấy rằng các bé trai cũng phải chịu cảnh này khi ở nhà; các cậu bé chịu hình phạt thân thể thường xuyên hơn, với mức độ nghiêm khắc hơn so với các cô bé. Đặc biệt, các ông bố có khả năng đánh con trai ở tuổi vị thành niên cao hơn con gái ở tuổi vị thành niên.


Bất chấp sự phản đối ngày càng kịch liệt đối với trừng phạt thân thể và tuy một số hình phạt đã ít được sử dụng hơn, nhưng rất nhiều người lớn vẫn tiếp tục sử dụng đòn roi, đánh đập hoặc sử dụng lời lẽ lăng mạ như một cách để kiểm soát hoặc yêu cầu con cái nghe lời - đặc biệt là với các bé trai.
Nếu một nữ sinh thể hiện bản thân là người khó chịu nhất trong lớp, thì mọi người sẽ muốn biết điều gì đang diễn ra trong đầu cô bé. Còn nếu một nam sinh thể hiện bản thân là người khó chịu nhất trong lớp, thì nhiều người sẽ chỉ đơn giản nói rằng: “Trời ơi, thật là một đứa trẻ khó chịu. Thằng bé cần phải được kỷ luật.” Nhiều người lớn chẳng thấy tò mò gì về động cơ của các cậu bé. Cũng hiếm ai trong số họ cảm thấy miễn cưỡng khi phải áp dụng hình phạt khắc nghiệt lên các cậu bé. Và học sẽ sử dụng hình phạt để “giáo dục” cậu bé ấy.


HÌNH PHẠT VÀ KỶ LUẬT HÀ KHẮC CÓ PHẢI LÀ VŨ KHÍ TỐI THƯỢNG?


Mức độ hoạt động và năng lượng thô thường khiến các cậu bé gặp khó khăn trong môi trường học đường cũng tạo ra xung đột tương tự khi ở nhà. Một đứa trẻ mới biết đi chạy ra đường, một cậu bé đánh một đứa trẻ khác hay chạy qua nhà một cách điên cuồng và làm hỏng đồ đạc, một thiếu niên coi thường gia quy hay chống lại kỳ vọng của cha mẹ. Từ thời điểm con trai đủ lớn để có thể tự do đi lại, nhiều bậc cha mẹ từ đó xem việc nuôi dạy con cái như một cuộc đấu tranh nhằm xác định xem ý muốn của ai sẽ thắng thế.


Quá nhiều bậc cha mẹ khác không đánh giá cao sự phấn khích của con trẻ. Họ cảm thấy đứa trẻ như vậy phiền phức, thiếu tế nhị hoặc thô lỗ. Như một người cha đã nói với chúng tôi: “Tôi phát ngán khi nhìn thấy những đứa trẻ hư hỏng, thiếu tôn trọng. Bạn phải cho chúng thấy bạn rất nghiêm túc về vấn đề này.” Một người khác nói: “Mọi người không còn tin vào tác dụng của việc đánh đòn nữa, nhưng tôi nghĩ bạn phải cho con trai mình biết rằng bạn có vũ khí tối thượng.”


Để cố gắng bảo vệ sự tỉnh táo của chính mình hay để cảm thấy đó là điều đúng đắn nên làm, một số bậc cha mẹ sử dụng kỷ luật như một cái búa để đóng đinh thông điệp quyền lực của mình: ai được, ai không, ai lớn, ai nhỏ…
Người ta nói rằng bạo lực là sản phẩm khi tâm trí đã kiệt quệ, và chúng tôi thấy rằng điều đó đúng với cả các bậc cha mẹ lẫn những người con. Các cậu bé trở nên kiệt quệ về mặt cảm xúc nếu chúng không phát triển được khả năng bộc lộ cảm xúc dễ dàng; khả năng này cho phép chúng chia sẻ cảm xúc của mình và giảm bớt phần nào nỗi sợ hãi và sự cô lập hiện hữu trong chúng. Chúng không thể “nói về nó” bởi vì chúng không biết làm thế nào để nói ra. Thay vào đó, chúng bộc lộ cảm xúc của mình bằng những hành động chỉ khiến phụ huynh hoặc giáo viên thêm bực mình.


Không có gì ngạc nhiên khi nghiên cứu chỉ ra rằng việc áp dụng các biện pháp kỷ luật khắc nghiệt tăng lên đáng kể khi cha mẹ bắt đầu cảm thấy căng thẳng. Chẳng hạn, các nghiên cứu về các gia đình trong thời kỳ suy thoái cho thấy rằng người cha đặc biệt phải chịu khó khăn về tài chính nặng nề hơn và một trong những hậu quả của áp lực này là họ sẽ áp dụng kỷ luật nghiêm khắc hơn lên những đứa trẻ - chẳng hạn như đòn roi hoặc đánh đập. Điều này tình cờ cũng được phát hiện là có liên quan đến sự tức giận và hành vi trả đũa ở trẻ. Sự căng thẳng vì có ít nguồn lực khiến những người đàn ông trở nên cáu kỉnh, và họ trút giận lên con mình. Đến lượt bọn trẻ cũng trở nên tức giận, và điều đó thể hiện ở những cơn bộc phát bùng nổ hơn của chính chúng. Các mối quan tâm về tài chính, sức khỏe và các mối quan tâm khác trong gia đình tiếp tục là nguồn gây căng thẳng cảm xúc chính cho các bậc cha mẹ ngày nay. Gần như lần nào cũng vậy, khi các bậc cha mẹ tham gia trị liệu kể cho chúng tôi nghe về những giai đoạn họ phản ứng không tốt khi nuôi dạy con cái, thì căng thẳng là một yếu tố gây ra. Khi cha mẹ phải gánh vác những gánh nặng trên vai mình, họ thường trút gánh nặng đó lên con cái.


Tất cả chúng ta đều có lúc mệt mỏi, choáng ngợp và tức giận. Đó thường là tâm điểm của hành vi không hoàn hảo của một cậu bé và cũng là tâm điểm của phản ứng không hoàn hảo của cha mẹ.


Việc người lớn sử dụng quyền lực để thúc ép hoặc trừng phạt một cậu bé là đã bỏ qua thành phần cảm xúc trung tâm trong thái độ và hành động của cậu. Việc đó không thể tạo ra được mối liên kết cần thiết. Thay vì dạy trẻ cách cư xử có đạo đức, có trách nhiệm, thì khi áp dụng kỷ luật khắc nghiệt, chúng ta đã bỏ qua “thời điểm có thể dạy được”. Đó chính là cơ hội để giúp các cậu bé suy ngẫm về hành động của mình và học cách hành động tốt hơn. Rõ ràng là trải nghiệm kỷ luật của một cậu bé có ảnh hưởng đến việc hình thành lương tâm của cậu, theo hướng tốt hơn hoặc xấu hơn.


Khi người lớn sử dụng những cách tiếp cận mang tính ép buộc, thiên về quyền lực hơn này, ngay cả với các cậu bé nhỏ tuổi, chúng ta có thể thấy nhiều khả năng việc kỷ luật sẽ phản tác dụng: cậu bé sẽ đáp trả bằng một cuộc phản công quyết liệt nhằm trả đũa. Cha mẹ có thể cảm thấy sự việc đã kết thúc khi cậu bé ngưng thực hiện hành vi vi phạm. Nhưng nếu cậu bé cảm thấy bị tấn công hoặc bêu xấu một cách bất công, thì xung đột vẫn tồn tại đối với cậu cho đến khi cậu giải quyết được cảm xúc của mình. Để giải quyết cảm xúc, cậu có thể mất hàng giờ, hàng ngày hoặc lâu hơn nữa. Mức hà khắc trong cách thức kỷ luật sẽ leo thang theo thời gian. Nó giống như một cuộc chạy đua vũ trang mà trong đó các đối thủ đều cố gắng phát triển loại vũ khí mạnh hơn.
Đứa trẻ sẽ chống lại các quy tắc và giá trị của cha mẹ mình và sẽ chỉ tiếp thu được duy nhất sự khắc nghiệt, điều này làm hỏng mục tiêu chính của kỷ luật: hướng dẫn để đứa trẻ thực hiện hành vi có trách nhiệm hơn.


Thay vì thúc đẩy sự phát triển của khả năng kiểm soát nội tại, kỷ luật khắc nghiệt củng cố ý tưởng rằng kỷ luật đến từ các tác nhân bên ngoài - từ phụ huynh, hiệu trưởng, thầy cô, họ hàng. Thay vì dẫn dắt một cậu bé để cậu đưa ra quyết định sáng suốt hơn, kỷ luật khắc nghiệt ngăn cản cậu tiếp thu các giá trị - và học các bài học về sự đồng cảm, tôn trọng và lý trí - những yếu tố dẫn đến hành vi có trách nhiệm, đạo đức và trách nhiệm về mặt tình cảm. Những liên kết bị mất đó sẽ làm suy yếu chuỗi lương tâm được bồi đắp cùng quá trình trưởng thành của một cậu bé.


Các nhà khoa học nghiên cứu cách chúng ta học và ghi nhớ đã mô tả hai loại học tập có liên quan đến sự phát triển của lương tâm - học ngữ nghĩa và học theo giai đoạn:
- Học ngữ nghĩa là kiểu học dựa trên quy tắc mà chúng ta rút ra từ một trải nghiệm hoặc từ các nguồn thông tin như bài giảng, lời giải thích hoặc từ tập hợp các hướng dẫn. Học ngữ nghĩa thực sự phát huy tác dụng trong môi trường học đường.
- Học tập theo giai đoạn mang tính cảm quan cao và chúng ta có xu hướng ghi nhớ trải nghiệm về âm thanh, cảm giác, mùi vị, mùi hương, kết cấu hoặc hình ảnh trực quan của trải nghiệm đó. Nếu bạn dành một buổi chiều nhàn nhã để nướng bánh quy với một đứa trẻ, rất có thể trẻ sẽ nhớ cái cách hơi nóng từ lò nướng làm cửa sổ nhà bếp hấp hơi hoặc cảm giác khi chạm, ngửi và nếm bánh quy sẽ sống động hơn nhiều so với nội dung công thức hay quá trình nướng bánh. Những ký ức về tổn thương tình cảm cũng được xử lý theo phương thức này. Nạn nhân đã từng bị lạm dụng thể chất hoặc tình dục hoặc những người sống sót sau thảm họa thường có hồi ức giác quan cực kỳ sống động về các sự kiện xoay quanh chấn thương tâm lý đó, bao gồm hình ảnh trực quan và mùi hương, kết cấu, ánh sáng và âm thanh liên quan đến sự kiện.

Cha mẹ có quyền lực to lớn trong mắt con cái. Từ ký ức đầu tiên của chúng, chúng ta vượt trội hơn so với trẻ nhỏ về kích thước và trí thông minh; chúng ta là những người khổng lồ, có năng lực đáng kinh ngạc và chúng ta thống trị thế giới của chúng. Hãy tưởng tượng bạn đang đối mặt với một người đàn ông cuồng nộ to lớn và đó là cảm giác khác biệt về kích thước của một đứa trẻ khi chúng so mình với người lớn. Chúng ta có thể bùng nổ trong cơn giận dữ kéo dài ba mươi giây và sau đó quay lại bình tĩnh trả lời điện thoại. Nhưng đối với một đứa trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ, cơn giận đó vang dội khắp vũ trụ trong tương quan thời gian và không gian. Bên cạnh cảm giác bị lùn đi bởi kích thước và sức mạnh vốn có của chúng ta, một đứa trẻ còn chịu thiệt thòi hơn bởi thực tế là nó thiếu quan điểm và kinh nghiệm sống để hiểu lý do đằng sau hành vi của người lớn. Trẻ em rất dễ sợ hãi trước người lớn và trong một thời gian dài, rất lâu sau đó chúng vẫn tin vào những gì người lớn nói với chúng, ngay cả khi những điều người lớn nói là vô lý hoặc gây tổn thương trong lúc nóng giận. Con bạn không nhất thiết phải biết rằng bạn khó chịu sau một ngày tồi tệ. Một đứa trẻ chỉ thấy (đôi khi một cách ngây thơ) rằng nó đã làm phật lòng bạn.

Các phương pháp kỷ luật khắc nghiệt, vì mức độ hà khắc của chúng cao, nên chúng sẽ để lại dấu vết trong ký ức theo giai đoạn. Vì vậy, mặc dù một đứa trẻ có thể nhớ lý do, lời nói hay hành vi đã khiến mình đã bị trừng phạt, nhưng điều mà nó nhớ nhất là nơi chịu trừng phạt, nó cảm thấy sợ hãi như thế nào và khuôn mặt cáu giận và ghét bỏ của cha mẹ nó trông ra sao. Đứa trẻ sẽ ít có khả năng tiếp thu bài học mục tiêu, đặc biệt khi bài học đó là về một quy tắc chung chẳng hạn như “Điều quan trọng là phải đối xử tốt với người khác và không đánh họ.”
Đánh đòn một bé trai bốn tuổi để khiến cậu bé im lặng sẽ khiến cậu giật mình và xấu hổ đến phát khóc hoặc im lặng vì xấu hổ. Dù lợi ích nhất thời cho người kỷ luật có là gì đi nữa, nhưng bài học về sự xấu hổ và tức giận đối với cậu bé sẽ trường cửu.


👉 #Teasing_chương 3 - kỳ 2: Ở chương 3 kỳ 2, chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi về hệ quả mà văn hóa kỷ luật hà khắc tác động lên đời sống, tâm hồn của những chàng trai và từ đó đưa ra một vài gợi mở cho một sự giáo dục đúng đắn hơn.


📍 Nguồn: Raising Cain: Protecting the Emotional Life of Boys - Dan Kindlon & Michael Thompson.
📍 Bản quyền dự án: Toàn bộ bản dịch, nội dung biên soạn và hình ảnh thiết kế của dự án thuộc về trí tuệ sáng tạo của The Domdom Healing Garden, mọi sao chép/trích dẫn vui lòng ghi rõ nguồn, nếu không Domdom xin phép liên lạc đề nghị gỡ bỏ.


Thương mến,
The DomDom Healing Garden.

Sidebar: Work-in-progress

The Domdom Healing Garden

Khu vườn chữa lành Đom Đóm - không gian trị liệu và chăm sóc thế giới tinh thần cùng bạn!

Địa chỉ:27, đường số 3, Hiệp Bình Phước, Thủ Đức
Điện thoại:0932360164
Email:thedomdomhealinggarden@gmail.com

Follow Vườn

Bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ Đom Đóm?

Hãy để lại địa chỉ email để Đom Đóm thông báo cho bạn về các hoạt động và bài viết bổ ích nhé!