#Chương 2 (kỳ 1): Sự đấu tranh trong giá dục sớm

#Kỳ 1: Những thách thức các chàng trai gặp phải trong giá dục sớm

PHẦN MỞ ĐẦU
Ở Chương 1, chúng ta bắt đầu tìm hiểu về thế giới cảm xúc của các chàng trai, hiểu được rằng các chàng trai thường xuyên gặp những mâu thuẫn nội tâm do cuộc đấu tranh giữa nhu cầu kết nối và mong muốn tự chủ. Họ thường bị áp đặt bởi những định kiến giới tính như con trai phải mạnh mẽ, không được bộc lộ cảm xúc, điều này dẫn đến sự xa rời cuộc sống nội tâm và thiếu hụt kiến thức về đời sống cảm xúc. Hệ quả là họ dễ gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về tâm lý như t.r.ầ.m c.ả.m, b.ạ.o l.ự.c hoặc t.ự t.ử.… Từ đó nhận thấy tầm quan trọng của việc giáo dục cảm xúc cho các chàng trai giúp họ phát triển khả năng nhận diện và thể hiện cảm xúc một cách lành mạnh và toàn diện.


Đến với Chương 2 - kỳ 1, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về những thách thức mà các chàng trai phải đối mặt trong môi trường giáo dục sớm, đặc biệt là ở lứa tuổi mẫu giáo. Những năm học đầu đời là giai đoạn vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ em. Đây là thời kỳ đặt nền móng cho các kỹ năng xã hội, ngôn ngữ và nhận thức của trẻ. Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ em đều thích nghi tốt với môi trường giáo dục sớm, đặc biệt là các bé trai. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao các bé trai lại gặp nhiều khó khăn hơn so với các bé gái trong gia đoạn này? Điều gì đang diễn ra trong lớp học mà lại khiến các bé trai trở thành vấn đề lớn đến vậy?

THỰC TRẠNG Ở TRƯỜNG HỌC VÀ NHỮNG KHÓ KHĂN CỦA CÁC BÉ TRAI
Một cảnh tượng quen thuộc thường thấy trong các lớp học mẫu giáo là các bé trai thường tỏ ra bồn chồn, khó tập trung, và thường xuyên có những hành vi gây rối. Trái ngược với các bé gái, các em ngồi yên lặng và chú ý lắng nghe, các bé trai dường như không thể ngồi yên một chỗ trong các giờ học có cấu trúc. Dường như bất kể những quy tắc nào mà giáo viên đã lập ra, các cậu bé trong lớp vẫn sẽ gây ồn ào, hoặc đứng dậy di chuyển, hoặc nói chuyện trong khi giáo viên giảng dạy.
Trong những năm gần đây, cuộc thảo luận công khai về sự công bằng trong trường học hầu như chỉ tập trung vào các bé gái và cách thức các em bị thiệt thòi trong một hệ thống ưu ái các bé trai. Giả định chắc chắn đó là nếu con gái gặp khó khăn ở trường thì con trai sẽ không. Tuy nhiên, nghiên cứu, số liệu thống kê và kinh nghiệm làm việc của hai tác giả với tư cách là nhà tâm lý học ở trường học và với các bé trai và nam giới trong liệu pháp riêng lại mâu thuẫn với điều này. Ở độ tuổi mẫu giáo đến lớp sáu, một chàng trai dành hơn một nghìn giờ mỗi năm ở trường, những trải nghiệm của cậu cũng như thái độ của giáo viên và những người lớn khác mà cậu gặp ở đó được định hình một cách sâu sắc. Một chàng trai bình thường phải đối mặt với một cuộc đấu tranh đặc biệt để đáp ứng những kỳ vọng về phát triển và học tập của chương trình giảng dạy ở bậc tiểu học, chương trình này nhấn mạnh khả năng đọc, viết và nói. Những kỹ năng nhận thức này thường phát triển chậm hơn ở bé trai so với bé gái. Một số bé trai tiến xa hơn trên đường cong phát triển đó và một số cô gái thì tụt lại phía sau, nhưng khi chúng ta so sánh một bé trai bình thường với một bé gái bình thường thì bé trai sẽ gặp thiệt thòi về mặt phát triển trong môi trường giáo dục sớm.
Trường tiểu học chủ yếu là môi trường nữ tính, với đa số giáo viên và những nhân vật có quyền lực là phụ nữ, điều này dường như đã được sắp đặt để “chống lại” các chàng trai, chống lại mức độ hoạt động cao hơn và khả năng kiểm soát xung động thấp hơn mà bình thường là đặc điểm của các chàng trai. Các chàng trai không thể làm mọi thứ mà cậu yêu thích, các hoạt động như chạy, ném, đấu vật, leo trèo,... đều bị cấm ở trong lớp học.
Trong bối cảnh này, trải nghiệm của một chàng trai về trường học giống như một cái gai trong đám hoa hồng; chàng là một sự hiện diện khác biệt, kém hơn và đôi khi bị coi như là điều không tốt, và các chàng trai biết điều đó. Vì thế, với những chàng trai có tài năng hoặc tính khí khiến họ trở thành ngoại lệ, nếu chúng ta định nói về những trải nghiệm cuộc sống của họ đã làm phức tạp hoặc làm t.ổ.n h.ạ.i đến sự phát triển cảm xúc của họ như thế nào, thì chúng ta phải nói về những t.ổ.n t.h.ư.ơ.n.g tiềm ẩn mà những năm học đầu tiên đã gây ra cho họ.


Các nghiên cứu theo dõi sự phát triển của trẻ qua các năm học cho thấy rằng: đến lớp ba, trẻ đã thiết lập một khuôn mẫu học tập định hình toàn bộ quá trình học tập của mình. Chúng ta thấy rõ điều này ở các bé trai: hai năm đầu tiên đi học là thời điểm quan trọng để bước vào thế giới học tập, nhưng với sự non nớt tương đối và sự thiếu thể lực mà các em thường gặp ở trường đã khiến các em thất bại. Nhiều chàng trai nếu phải nghỉ học từ nhỏ thì sẽ không bao giờ tìm lại được động lực để trở thành người học thành công. Ngay cả trong số những người cố gắng đạt được thành công sau này trong cuộc sống, những vết sẹo tinh thần của những năm tháng khó khăn đó vẫn không phai mờ. Cho đến khi họ có con và cần tham gia các hoạt động ở trường học với tư cách là phụ huynh, những cảm xúc của họ với trường học như xấu hổ, o.á.n g.i.ậ.n, g.i.ậ.n d.ữ,... âm ỉ suốt bao nhiêu năm bỗng trở lại, khiến đời sống nội tâm lẫn cuộc sống gia đình của họ bị xáo trộn. Thời gian cũng như thành công không làm mờ đi sự đau khổ và tức giận trong những năm tháng đó. Dù đã là một người đàn ông lớn tuổi nhưng cảm giác khi bước vào trường học vẫn như là một cậu trai học tiểu học. Cho dù họ đã đạt được những thành công to lớn trong cuộc sống hay đang phải vật lộn để tìm đường đi, vẫn có những câu chuyện tương tự, mà đối với họ, trường học là một bài kiểm tra sức chịu đựng đầy đau đớn.
Áp lực học tập ở giai đoạn tiểu học khiến các chàng trai có những cuộc đấu tranh nội tâm, thường đến lớp ba, các em đã không còn sức lực với nhiệm vụ học tập, bỏ học và coi trường học là nơi mà mình không thể làm được bất cứ điều gì đúng đắn. Có những em bỏ thời gian chờ đợi và đạt điểm cao, nhưng không cảm thấy niềm vui trong học tập và dần đánh mất tiềm năng lớn hơn của những năm học tập tốt nhất trong cuộc đời các chàng trai. Nhiều chàng trai phải đối mặt với nỗi xấu hổ và lo lắng thường xuyên trong suốt những năm học tiểu học. Từ đó, họ chỉ có cảm xúc tồi tệ về bản thân và ghét nơi khiến họ cảm thấy như vậy.
Khả năng đánh vần của các chàng trai ở giai đoạn tiểu học thường chậm hơn các cô gái. Cộng thêm mức độ hoạt động cao và nhiều năng lượng khiến các chàng trai thường xuyên rơi vào tình trạng bị l.a m.ắ.n.g vì không đạt đúng kỳ vọng mong muốn của giáo viên và phụ huynh. Các chàng trai không thích bị l.a m.ắ.n.g nhưng điều đó lại chiếm một phần lớn trong cuộc sống của họ. Người lớn chúng ta thường cảm thấy có lý khi l.a m.ắ.n.g con trai. Chúng ta cho rằng: L.a h.é.t có tác dụng, đặc biệt là trong việc truyền đạt sự không hài lòng với con trai, và cho rằng con trai không phải chịu t.ổ.n t.h.ư.ơ.n.g từ điều đó nhiều như con gái. Dù bề ngoài các chàng trai thường không thể hiện cảm xúc rằng mình đang bị l.a m.ắ.n.g, vì họ được dạy rằng: con trai thì không được yếu đuối; nhưng thực tế bên trong nội tâm của họ đau lắm.
Các chàng trai cảm thấy dễ dàng hơn khi có giáo viên nam ở trường tiểu học vì nghĩ rằng các thầy sẽ hiểu những gì họ đang cố gắng. Và các chàng trai cảm thấy thỏa mãn và hài lòng nhất với các môn thể thao. Vì đó là điều mà họ có thể làm tốt hơn bằng cách chăm chỉ, và họ xem đó như giờ giao lao có tổ chức. Họ cảm thấy chán ngắt nếu ngồi cả buổi sáng và phải theo dõi những cuốn sách nhỏ mà không được làm rơi chúng xuống nước. Và nếu họ không thể di chuyển xung quanh, họ sẽ cảm thấy bị mắc kẹt và không thích bất cứ điều gì mà giáo viên có thể đưa ra.


Nếu trường học trở thành một môi trường “căng thẳng” tiêu cực, các chàng trai sẽ không thích nó vì đó là nơi mà thành tích cá nhân của họ đơn giản không có giá trị gì nhiều. Phần lớn thời gian đi học của một chàng trai giống như một cái gai giữa những bông hồng; các em nghĩ bản thân là một sự hiện diện khác, thấp kém hơn và đôi khi không được đồng tình, lòng tự trọng của họ trở nên thấp. Theo kinh nghiệm của tác giả khi làm việc với trẻ em, nhiều chàng trai mà đến lớp hai, trình độ học vấn của họ đã bị tổn thương đến mức họ thực sự đã chán trường học thì cuộc đời cũng đã khép lại vì các băng đảng đã sẵn sàng tóm lấy họ. Nhưng nếu trường học không bị “căng thẳng” như cuộc sống của gia đình và hàng xóm, trường học sẽ trở thành một nơi “trung lập” để họ có thể cảm nhận được thành công của chính mình. Ở mức độ mà một đứa trẻ có thể gắn bó với trường học như một nơi để đạt được thành tích và hỗ trợ, thì trường học sẽ trở thành cứu cánh.


NGUYÊN NHÂN SÂU XA CỦA NHỮNG KHÓ KHĂN TRÊN

  • Sự khác biệt về hành vi và phong cách học tập

Có sự khác biệt trong hành vi và cách tiếp cận học tập giữa các bé trai và bé gái trong môi trường giáo dục. Một câu chuyện thực tế diễn ra ở lớp học làm gỗ của học sinh lớp năm, trong khi thực hiện các dự án, các bé trai thường hành động bốc đồng, không hợp tác ban đầu, và đôi khi hỗn loạn. Ban đầu thường có xu hướng thất bại, nhưng qua quá trình thử nghiệm và học hỏi từ nhau, các em dần hợp tác và cải thiện kết quả. Các bé gái thì ngược lại, các em có xu hướng làm việc có tổ chức và cẩn thận hơn từ đầu. Khả năng lên kế hoạch và hợp tác làm việc từ đầu của các bé gái hiệu quả hơn các bé trai. Tuy nhiên, năng lượng chấp nhận rủi ro và sự nhiệt tình của các bé trai thật sự có giá trị. “Sự khác biệt” này của các bé trai vốn không phải là xấu nhưng nó đặt ra thách thức đối với giáo viên, văn hóa trường học và chính các bé trai. Nếu như các giáo viên không nhận ra “sự khác biệt” này là một tài sản của các chàng trai mà là nhược điểm thì sẽ rất dễ để chỉ trích các em về sự thất bại có thể đoán trước của những cú phóng vội vàng và thiếu sót ở hiệp đầu tiên, và rất dễ khiến các em xấu hổ khi so sánh phong cách làm việc huyên náo của mình với phong cách điềm tĩnh hơn, hiệu quả hơn của các bé gái.

  • Đặc điểm hành vi của các bé trai

✨ Năng động và thường bốc đồng: Năng lượng của các bé trai có tính lan truyền, đặc biệt với nhiều cậu bé năng lượng thể chất đó có thể chuyển thành một loại tâm lý táo bạo. Bé trai thường là những người chấp nhận rủi ro, dường như không biết gì về t.ổ.n t.h.ư.ơ.n.g tiềm ẩn khi bị ngã hoặc bị k.h.i.ể.n t.r.á.c.h, đôi khi vì muốn chứng tỏ mình dũng cảm mà không quan tâm đến hậu quả.

✨ Thẳng thắn, hành động và nói bằng những thuật ngữ đơn giản: Khả năng ngôn ngữ phát triển chậm hơn khiến các em biểu đạt thẳng thắn và không phức tạp, thích hành động hơn là đàm phán nói chuyện. Sự non nớt về mặt cảm xúc của các chàng trai cho phép họ ăn mừng bản thân một cách không nao núng, khệnh khạng, khoe khoang, kêu la để được chú ý. Các cậu bé không quá quan tâm đến việc làm hài lòng người khác.

✨ Thể hiện ý thức sâu sắc dựa trên quyền lực và công bằng: Nhu cầu cảm thấy có năng lực và được trao quyền của các bé trai khiến các em thể hiện ý thức sâu sắc dựa trên quyền lực, định hướng hành động về công lý, sự công bằng, thiện và á.c. Các bé trai thường bị thu hút bởi các nhân vật anh hùng - Người nhện, Người dơi, Ninja Rùa - những nhân vật hành động anh hùng chiếm ưu thế trong thế giới của các cậu bé , vì các em muốn được nhìn nhận thật nhiều theo những tỷ lệ anh hùng- trở nên to lớn thay vì nhỏ bé, có quyền lực trên thế giới thay vì vai trò của một đứa trẻ bất lực, và trở thành người phân xử đúng sai, chứ không phải là người đàm phán hay người quan sát.


Tóm lại, năng khiếu của một cậu bé bình thường được gói gọn trong sự năng động, bốc đồng và thể chất cao. Những năng khiếu này có giá trị hay không phụ thuộc rất nhiều vào giáo viên, vào chính cậu bé và có thời điểm thích hợp để bộc lộ. Những phẩm chất này phục vụ các bé trai một cách tuyệt vời trên sân chơi, nơi có không gian và sự tôn trọng đối với những hành động táo bạo và sự bốc đồng. Tuy nhiên, trong lớp học, bên cạnh các em gái - những em thường là những học sinh có tổ chức, hợp tác và thành đạt hơn ở trường - những “phẩm chất của con trai” đó nhanh chóng chuyển từ tài sản thành nhược điểm.

  • Sự khác biệt về giới tính

Có hai điểm khác biệt quan trọng trong quá trình phát triển xác định mức độ sẵn sàng của các bé trai đối với các nhiệm vụ ở trường tiểu học và giúp giải thích thành tích nhìn chung của các em kém hơn so với các em gái.


Sự khác biệt về tốc độ trưởng thành
- Bé trai trưởng thành chậm hơn bé gái: Các bé gái thường đạt được các cột mốc phát triển nhận thức và ngôn ngữ sớm hơn, chẳng hạn như biết tên màu sắc, đếm số, và khả năng đọc sớm. Điều này giúp các bé gái dễ dàng hơn trong việc tiếp thu kiến thức khi bắt đầu được dạy đọc ở lớp 1.
- Tác động: Vì tốc độ phát triển chậm hơn, các bé trai thường bị đánh giá là kém hơn so với các bé gái cùng tuổi trong các nhiệm vụ học tập, đặc biệt là trong việc đọc. Điều này dẫn đến việc nhiều bé trai bị phân loại sai là khuyết tật học tập, dù thực tế các em chỉ đang phát triển theo nhịp độ bình thường đối với giới tính của mình.


Sự khác biệt về mức độ hoạt động và kiểm soát xưng động
- Bé trai năng động hơn và khó kiểm soát xung động hơn: Sự khác biệt về giới tính trong mức độ hoạt động giữa bé trai và bé gái trở nên rõ ràng hơn khi trẻ đến tuổi đi học. Nghiên cứu gần đây cho thấy sự khác biệt chính giữa con trai và con gái xảy ra trong tương tác xã hội. Giống như bất kỳ sự khác biệt về giới tính nào, có rất nhiều sự trùng lặp giữa nhóm bé trai và bé gái, do đó, có những bé gái năng động hơn nhiều những bé trai. Nhưng ở độ tuổi đi học, trung bình học sinh nam trong lớp năng động hơn khoảng 3/4 số học sinh nữ, và những trẻ năng động nhất trong lớp rất có thể là nam. Và ngay cả những bé gái năng động hơn dường như cũng không thể hiện năng lượng của mình một cách thoải mái như đặc trưng của các chàng trai. Bé trai thường có mức độ hoạt động thể chất cao hơn, dễ bị kích thích bởi môi trường xung quanh và có xu hướng chấp nhận rủi ro. Khả năng kiểm soát xung động ở bé trai cũng phát triển chậm hơn so với bé gái.
- Tác động: Sự năng động quá mức và thiếu kiểm soát xung động khiến bé trai dễ bị chẩn đoán mắc các rối loạn như ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý) nhiều hơn so với bé gái. Hầu hết các nghiên cứu đều phát hiện ra rằng số bé trai được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) cao gấp hai đến bốn lần so với các bé gái. Những khó khăn này khiến các bé trai thường gặp bất lợi trong môi trường học tập, nơi đòi hỏi sự tập trung và kỷ luật cao.


HỆ QUẢ VÀ GỢI MỞ CÁCH TIẾP CẬN


🍀 HỆ QUẢ
Những sự khác biệt trên dẫn đến các hệ quả rõ rệt trong môi trường học tập, ảnh hưởng đến cách các bé trai và bé gái tiếp nhận và phản ứng với việc học, cũng như cách các em được đánh giá và đối xử bởi giáo viên và hệ thống giáo dục. Các bé trai thường có thành tích học tập kém hơn và dễ cảm thấy bị thiệt thòi, thậm chí là thất bại trong môi trường giáo dục tiểu học, nơi mà các yêu cầu học tập không phù hợp với tốc độ phát triển và đặc điểm hành vi của các em.
Nhìn chung, việc chúng ta dạy đọc ở độ tuổi mầm non sẽ ảnh hưởng tích cực đối với các bé gái và đặt các bé trai vào thế bất lợi. Kết quả là các bé trai không cảm thấy có khả năng hoặc được coi trọng như các bé gái trong các nhiệm vụ học tập trọng tâm ở trường tiểu học. Các chàng trai cảm thấy mình là kẻ thua cuộc hoặc thất bại, ngay cả khi các em đang phát triển các kỹ năng với tốc độ bình thường đối với các bé trai ở độ tuổi của mình. Những cậu bé phải vật lộn với khuyết tật học tập thực sự còn phải đối mặt với những trở ngại lớn hơn để thành công ở trường và cuộc đấu tranh chán nản của họ trong vai trò học sinh dễ dàng trở thành định nghĩa cuộc sống của họ khi là con trai. Câu chuyện thực tế từ trải nghiệm điều trị tâm lý của một trong hai tác giả với cậu bé sáu tuổi có sự phát triển chậm hơn so với các bạn đồng trang lứa, đặc biệt là về ngôn ngữ và khả năng tập trung, và một cậu bé khác 15 tuổi bị suy sụp vì cảm thấy mình thất bại trong học tập, cho thấy lo ngại nếu không được hỗ trợ đúng cách, các chàng trai có thể mất đi lòng tự trọng và gặp khó khăn trong việc tìm thấy vị trí của mình trong cuộc sống tương lai. Tóm lại, việc chàng trai cảm thấy mình "thất bại" hoặc "kém cỏi" trong học tập có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về tâm lý và ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của họ.


🍀 GỢI MỞ CÁCH TIẾP CẬN
Dưới đây là một số gợi ý tiếp cận hỗ trợ giúp các chàng trai vượt qua những thách thức trong môi trường giáo dục sớm được hai tác giả đã chia sẻ:

Bảo vệ lòng tự trọng của trẻ: Các báo cáo trong hồ sơ trị liệu tâm lý của tác giả và đồng nghiệp đều cho thấy “Đứa trẻ gặp khó khăn khi học đọc ở lớp một; bắt đầu ghét trường học; lòng tự trọng của cậu ta đi xuống địa ngục; và khi ở tuổi thiếu niên, cậu ấy cáu kỉnh hoặc sử dụng ma túy”. Tác giả nhấn mạnh việc duy trì lòng tự trọng của trẻ trong suốt quá trình học tập. Đó là rủi ro thực sự đối với sự thành công và sức khỏe tinh thần của các chàng trai. Một khi các chàng trai ra trường, thế giới sẽ khác. Họ sẽ tìm thấy một vị trí thích hợp mà việc họ không thể đánh vần tốt hoặc không đọc cho đến khi lên tám tuổi sẽ không thành vấn đề. Nhưng nếu chàng trai đó bắt đầu ghét bản thân vì học không giỏi ở trường, cậu ấy sẽ rơi vào một cái hố mà chính cậu đang tự đào ra trong suốt quãng đời còn lại. Do đó, phụ huynh và giáo viên cần tập trung vào việc giữ gìn và xây dựng lòng tự trọng cho trẻ.


Hiểu rõ nguyên nhân và đặc điểm cá nhân của trẻ: Tốc độ phát triển khác biệt giữa bé trai và bé gái phần lớn mang tính sinh học, bị ảnh hưởng bởi cha mẹ và giáo viên chỉ trong chừng mực họ hỗ trợ cho sự phát triển đó hoặc không. Tư duy khoa học hiện nay về cuộc tranh luận giữa bản tính và sự nuôi dưỡng nêu bật mối liên hệ không thể tách rời giữa sinh học và kinh nghiệm. Những ảnh hưởng này - một số ảnh hưởng về mặt sinh học, một số ảnh hưởng về văn hóa - kết hợp lại để nuôi dưỡng quá trình phát triển của trẻ. Sự nuôi dưỡng và bản tính không thể tách rời. Vì thế, cần đánh giá cẩn thận các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, bao gồm cả yếu tố sinh học và môi trường. Điều này giúp đưa ra các phương pháp hỗ trợ phù hợp với từng cá nhân thay vì áp đặt những tiêu chuẩn chung.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng ưu thế của bé trai trong số trẻ khuyết tật học tập (60 đến 80 phần trăm khuyết tật học tập xảy ra ở trẻ trai) sẽ biến mất nếu các bé trai 8 tuổi được dạy cùng lớp với các bé gái 6 tuổi, vì khuyết tật học tập là được chẩn đoán dựa trên đánh giá khả năng đọc ở một độ tuổi nhất định so với tiềm năng trí tuệ (kết quả kiểm tra IQ) ở cùng độ tuổi. Tại Hoa Kỳ, ít nhất một số Trường Waldorf, với chương trình giảng dạy dựa trên nghệ thuật sáng tạo, sử dụng “giới thiệu bằng hình ảnh” để đọc ở các lớp đầu thay cho các kỹ năng đọc và bài tập đọc truyền thống hơn ở hầu hết các trường học. Một nhà quản lý tại một trường nơi chương trình giảng dạy áp dụng cách tiếp cận tương tự, ít dựa trên hiệu suất hơn đối với việc đọc sớm, đã chia sẻ: “Nếu bạn bắt đầu dạy môn này sớm hơn, có vẻ như tất cả nam sinh của bạn đều mắc chứng khó đọc”.


Tóm lại, những thách thức mà các chàng trai phải đối mặt trong môi trường giáo dục sớm không chỉ đơn thuần là những vấn đề về hành vi hay học tập, mà còn đến từ sự khác biệt về giới tính liên quan đến tốc độ trưởng thành và mức độ năng động. Sự khác biệt này của các chàng trai không phải là nhược điểm mà là tiềm năng cần được khám phá và hỗ trợ đúng cách. Trong một môi trường giáo dục sớm, nơi mà các chuẩn mực đôi khi chưa phù hợp với nhịp độ phát triển của các em, việc hiểu và tôn trọng sự độc đáo của mỗi chàng trai giúp các em giữ nguyên lòng tự trọng khi còn đi học là chìa khóa để nuôi dưỡng một thế hệ chàng trai tự tin, mạnh mẽ, hiểu biết về cảm xúc và giàu lòng trắc ẩn.


#Teasing chương 2 - kỳ 2: Ở bài chia sẻ tiếp theo với tựa đề “GIẢI PHÁP ĐÁP ỨNG NHỮNG THÁCH THỨC CỦA CÁC CHÀNG TRAI”, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những kiểu nguyên mẫu của chàng trai phá hoại, những gán mác sai lệch và cách quản lý không đúng cách của giáo viên, trường học và phụ huynh. Từ đó tham khảo những giải pháp giúp các chàng trai vượt qua những thách thức trong môi trường giáo dục sớm. Hãy cùng đón đọc vào lúc 20h, tối thứ 7 tuần sau - 14/09/2024 nhé!

📍 Nguồn: Raising Cain: Protecting the Emotional Life of Boys - Dan Kindlon & Michael Thompson.
📍 Bản quyền dự án: Toàn bộ bản dịch, nội dung biên soạn và hình ảnh thiết kế của dự án thuộc về trí tuệ sáng tạo của The Domdom Healing Garden, mọi sao chép/trích dẫn vui lòng ghi rõ nguồn, nếu không Domdom xin phép liên lạc đề nghị gỡ bỏ.


Thương mến,
The DomDom Healing Garden.

Sidebar: Work-in-progress

The Domdom Healing Garden

Khu vườn chữa lành Đom Đóm - không gian trị liệu và chăm sóc thế giới tinh thần cùng bạn!

Địa chỉ:27, đường số 3, Hiệp Bình Phước, Thủ Đức
Điện thoại:0932360164
Email:thedomdomhealinggarden@gmail.com

Follow Vườn

Bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ Đom Đóm?

Hãy để lại địa chỉ email để Đom Đóm thông báo cho bạn về các hoạt động và bài viết bổ ích nhé!