#Chương 1 (kỳ 1): Cuộc trốn chạy khỏi cuộc sống nội tâm

Kỳ 1: Thế giới cảm xúc của những chàng trai

‼️ PHẦN MỞ ĐẦU
Mỗi chàng trai khi gặp vấn đề đều có những câu chuyện khác nhau, nhưng câu chuyện của họ đều có chung một chủ đề đáng lo ngại là sự thiếu hiểu biết và sự cô lập về cảm xúc.
Khi được yêu cầu những chàng trai cởi mở hơn hay chia sẻ về cảm xúc của họ, thì hầu hết họ sẽ phản ứng theo kiểu “chiến đấu hay bỏ chạy”, điều mà có lẽ tất cả chúng ta đều gặp phải trong những tình huống các chàng trai bị “đe dọa”.
Thế giới của những chàng trai đầy rẫy những mâu thuẫn và cha mẹ thường lúng túng trong việc tìm ra cách giúp đỡ tốt nhất cho con cái của mình. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể “chạm” vào thế giới cảm xúc này của những chàng trai này đây?


‼️ SỰ MÂU THUẪN CẢM XÚC

Những cậu bé khao khát được kết nối nhưng đồng thời cảm thấy cần phải thu mình lại, và điều này tạo ra mâu thuẫn cảm xúc.
Cuộc đấu tranh giữa nhu cầu kết nối và mong muốn tự chủ của những cậu bé đã tạo ra những biểu hiện khác nhau khi họ lớn lên. Tuy nhiên, bất kể ở độ tuổi nào, hầu hết các chàng trai đều không được chuẩn bị sẵn sàng cho những thử thách trên con đường trở thành một người lớn vững vàng về cảm xúc. Cho dù sinh học đóng vai trò gì (và vai trò đó cũng không có gì là rõ ràng cả) trong sự khác biệt về cách thể hiện cảm xúc giữa con trai và con gái, thì những khác biệt đó luôn được khuếch đại bởi một nền văn hóa hỗ trợ sự phát triển cảm xúc cho con gái và không khuyến khích điều đó cho con trai.
Những quan niệm khuôn mẫu về sự cứng rắn nam tính phủ nhận cảm xúc của một cậu bé và cướp đi cơ hội phát triển đầy đủ các cung bậc cảm xúc của cậu bé: Là con trai thì không được khóc, là con trai thì phải mạnh mẽ, là con trai thì phải galang, là con trai thì phải nhường nhịn… Đây là quá trình mà một chàng trai bị tách rời khỏi thế giới nội tâm của mình, là quá trình của sự giáo dục sai lầm về cảm xúc cho các chàng trai. Đó là một quá trình giáo dục xa rời sự kết nối lành mạnh, hiểu biết và thể hiện cảm xúc của mình, điều này ảnh hưởng đến cả những cậu bé nhỏ tuổi nhất, những bé nhanh chóng học được rằng họ phải che giấu cảm xúc và im lặng trước nỗi sợ hãi của mình. Những chàng trai không được giáo dục về cách được bộc lộ cảm xúc thật của mình khi đối diện với những xung đột, nghịch cảnh xảy ra trong cuộc sống. Và rồi họ trong “từ điển” của họ dần không có bất kể những ngôn ngữ hay từ vựng nào để họ có thể nói ra được cái mà họ đang “cảm” thấy. Và rồi họ tự bất lực, nổi điên với chính mình, hoặc họ sẽ chọn cách im lặng, né tránh.


‼️ SỰ THIẾU HỤT KIẾN THỨC VỀ CẢM XÚC

Nếu bạn hỏi một chàng trai “Điều đó khiến con cảm thấy thế nào?” cậu ấy thường sẽ không biết phải trả lời ra sao. Thay vào đó, cậu ta sẽ nói về những gì cậu đã làm hoặc những dự định sẽ làm đối với vấn đề này. Hầu hết những cậu bé, chàng trai thậm chí còn không có từ nào để diễn tả cảm xúc của mình - chẳng hạn như buồn, tức giận hoặc xấu hổ… bởi họ thiếu những kiến thức về cảm xúc. Và vấn đề lớn nhất đó chính là vốn từ vựng về cảm xúc của họ bị thiếu thốn trầm trọng.
Các bà mẹ thường bị sốc trước những cơn tức giận dữ dội của những cậu bé, chàng trai, khi những đứa con trai của họ la hét, mắng chửi, hoặc thậm chí còn cố đánh bố mẹ mình. Sự thiếu hiểu biết về cảm xúc của những cậu bé, chàng trai đã tác động lớn đến người khác (đặc biệt là gia đình và trường học), nhưng chính những chàng trai ấy cũng phải trả cái giá đắt về những hành vi của chính mình. Thiếu sự giáo dục về cảm xúc, một cậu bé phải đối mặt với những áp lực của tuổi mới lớn và những định kiến với phản ứng “nam tính” của sự tức giận, gây hấn và trốn chạy về mặt cảm xúc.

NGUYÊN NHÂN

  • Những chàng trai phải trải qua đau khổ tột cùng do sự áp đặt của văn hóa, định kiến xã hội về giới nam
  • Nam giới chịu áp lực quá nhiều về quyền lực và uy tín trong xã hội, nên có xu hướng coi các chàng trai là đại diện cho sức mạnh, cho sự thành công trong tương lai và làm giảm tầm quan trọng của bất kỳ vấn đề nào mà chúng có thể gặp phải trong thời thơ ấu.
  • Định kiến gia đình, xã hội cho rằng con trai thì phải tự chủ, tự tin và thành công, không được dễ xúc động, không được yếu mềm, không được khóc và không được để cảm xúc chi phối.... Mọi người thường nhìn thấy ở các chàng trai những dấu hiệu của sức mạnh mà sự thật là các em không có, và họ thường bỏ qua hàng núi bằng chứng cho thấy các em đang bị tổn thương, thậm chí nhiều em trong số đó đang gặp khủng hoảng và tất cả đều cần được giúp đỡ.
  • Với những định kiến xã hội, cộng đồng thì nam giới bị gắn mắc trở thành người anh hùng, được khuyến khích bộc lộ sức mạnh, sự ưu việt chứ không được chấp nhận những vẫn trăn trở, yếu đuối bên trong bản thân.
  • Môi trường giáo dục từ gia đình, trường học đã tạo một hình mẫu người đàn ông vững chãi, mạnh mẽ, kiên cường để các cậu con trai phải học theo một cách cứng nhắc, và thiếu hụt việc tạo hình tượng một người đàn ông có thể bộc lộ, thể hiện cảm xúc của mình một cách đúng đắn
  • Hầu hết các bé gái đều được khuyến khích ngay khi còn nhỏ để có khả năng hiểu biết về cảm xúc - biết cách phản ánh và bày tỏ cảm xúc của chính mình cũng như phản ứng lại cảm xúc của người khác. Trong khi đó, những cậu bé, chàng trai lại không nhận được sự khuyến khích này. Chính sự thiếu hiểu biết về cảm xúc của những bậc phụ huynh, văn hóa, môi trường sống, định kiến về phái nam đã tại nên sự thiếu hiểu biết về cảm xúc của các em từ khi còn nhỏ.


HỆ QUẢ

  • Thống kê chỉ ra rõ khoảng 95% các vụ gi** người ở tuổi vị thành niên là do chàng trai trai thực hiện.
  • T* sát là nguyên nhân thứ ba gây t* vong ở các bé trai trong độ tuổi từ giữa đến cuối tuổi vị thành niên (tai nạn và gi** người chiếm vị trí thứ nhất và thứ hai). Phần lớn những vụ t* t* “thành công” là ở các bé trai. So với một bé gái cùng tuổi, một cậu bé ở tuổi vị thành niên có nguy cơ tự tử cao hơn gấp bảy lần.
  • Các chàng trai thể hiện sự thiếu hiểu biết về cảm xúc của mình bằng cách nổi loạn, chống phá, đối xử tàn nhẫn với cha mẹ, người thân trong gia đình, thầy cô, bạn học và cả với những bạn nữ. Họ hành động thái quá, bốc đồng, bấn loạn bởi những cảm xúc mà họ không thể gọi tên hoặc không hiểu. Sự rối loạn nội tâm của họ được thể hiện qua sự thất bại trong học tập, trầm cảm, nghiện ma túy, nghiện rượu, các mối quan hệ rắc rối hoặc phạm pháp…
  • Việc không hiểu và gọi tên được những cảm xúc bên trong chính mình khiến những chàng trai cảm thấy bất lực, cô độc với chính bản thân mình và với những người xung quanh. Từ đó, họ tạo ra những hành vi hoặc thu mình lại, nhốt kín mình trong phòng với chứng nghiện game hoặc sẽ tìm cách chống phá, gây náo loạn ở bên ngoài xã hội. Tất cả những điều này chỉ nhằm một mục đích để được chấp nhận, được chú ý bởi những người khác.
  • Các chàng trai phải vật lộn với chính mình về những cảm giác thất bại, bị từ chối và cảm giác không hòa hợp trong khi đây là những điều mà những cô gái có thể thoải mái được thể hiện hay bộc lộ ra. Khi không thể kìm nén nỗi đau được nữa, họ sẽ hành động. Có rất nhiều lý do để lo lắng: một cậu bé bối rối lớn lên sẽ trở thành một thiếu niên giận dữ, cô lập về mặt cảm xúc, và, có thể đoán trước được, sẽ trở thành một người đàn ông trung niên cô đơn, có nguy cơ mắc chứng trầm cảm.


👉 Nhưng tất cả những điều đó chỉ để cho thấy rằng: Họ khao khát tình yêu, sự chấp nhận và chấp thuận từ cha mẹ và bạn bè. Họ đấu tranh cho lòng tự trọng. Nhưng họ không có khả năng, không có sự hiểu biết để biết mình cần làm gì.


GIẢI PHÁP


Vậy thì các chàng trai cần gì để hiểu biết về cảm xúc của chính mình?


Công việc giúp các chàng trai hiểu đời sống cảm xúc của mình và phát triển vốn từ vựng về cảm xúc là việc đầu tiên chúng ta có thể hỗ trợ cho họ. Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách giúp họ hiểu rõ hơn về cảm xúc của mình và của người khác – bằng cách nhận diện, đặt tên cho những cảm xúc và tìm hiểu xem chúng đến từ đâu. Học về cảm xúc liên quan đến việc nhận diện và cảm nhận cảm xúc của chúng ta, sau đó sử dụng những kỹ năng này để hiểu rõ hơn về bản thân và người khác. Chúng ta học cách trân quý những cảm xúc phức tạp của cuộc sống, vì điều này giúp phát triển tất cả các mối quan hệ nghề nghiệp và cá nhân, giúp củng cố những sự kết nối làm cho cuộc sống thêm phong phú.

  • Thứ 1: Những chàng trai cần xây dựng khả năng hiểu biết về cảm xúc bằng cách xác định và đặt tên cho cảm xúc của mình
  • Thứ 2: Nhận diện và gọi tên cảm xúc thông qua những biểu đạt trên cơ thể vật lý: giọng nói, nét mặt, hơi thở, ngôn ngữ cơ thể…
  • Thứ 3, Nhận diện và gọi tên các cảm xúc mà mình cảm nhận được thông qua những tình huống, sự kiện hoặc phản ứng từ các mối quan hệ, xã hội, cuộc sống….

Các chàng trai trai cần một vốn từ vựng về cảm xúc để giúp mở rộng khả năng thể hiện bản thân theo những cách khác ngoài sự tức giận hoặc là hung hăng. Họ cần được trải nghiệm sự thấu cảm, bao dung ở chính gia đình cũng như ở trường học và được khuyến khích thể hiện những cảm xúc khó (buồn, sợ hãi, lo lắng, yêu thương, mềm yếu, cô đơn, lạc lõng, tủi hờn…). Con trai cũng cần được cảm nhận sự kết nối tình cảm, tình yêu thương, sự mềm yếu không khác gì con gái.
Trong suốt cuộc đời của họ, đặc biệt là trong thời niên thiếu, họ cần những mối quan hệ gần gũi, hỗ trợ để có thể bảo vệ họ tránh khỏi việc trở thành nạn nhân của những cảm xúc hỗn loạn và bị từ chối. Quan trọng nhất, một chàng trai cần có một đời sống tình cảm phong phú. Cậu ta cần học cách hiểu biết về cảm xúc từ cha mình và những người đàn ông khác cũng như từ mẹ và những người phụ nữ khác, bởi vì cậu phải tạo ra chất đàn ông cho riêng mình. Một chàng trai phải thấy và tin rằng cảm xúc là một yếu tố thuộc về đời sống của một người đàn ông.
Thông qua việc nhận diện cảm xúc với nhiều cách thức khác nhau, họ có thể nhận thức được mối tương quan giữa mất mát và buồn bã, giữa thất vọng và tức giận, hoặc các mối đe dọa đối với niềm tự hào hoặc lòng tự trọng và nỗi sợ. Từ đó họ bắt đầu có thể hiểu hơn về những cảm xúc mà họ đang mang bên trong mình, và rồi thông qua việc nhận diện được nó, họ sẽ có thể tìm được cách thức để bộc lộ nó ra bên ngoài một cách lành mạnh, thay vì kìm nén hoặc sẽ tìm cách chiến đấu với những thứ bên ngoài.


‼️ TẤT CẢ CÁC CHÀNG TRAI ĐƯỢC SINH RA VỚI TIỀM NĂNG CẢM XÚC
Một trong những tuyên bố từ chối, không chấp nhận sự nhạy cảm của một chàng trai phổ biến nhất từ các bà mẹ khi nói về vấn đề mà con trai họ đang gặp phải là: “Tôi biết con trai tôi nhạy cảm, nhưng…”. Nền văn hóa cộng đồng khiến chúng ta tin tưởng rằng những cậu con trai là mạnh mẽ và lý trí, nhưng nó không hề đúng. Tất cả các chàng trai đều có cảm xúc. Họ thường bị đối xử như thể họ không có cảm xúc. Và rồi họ hành động như thể họ không có cảm xúc. Nhưng tất cả những chàng trai đều được sinh ra với khả năng trải nghiệm đầy đủ các cung bậc cảm xúc.
Khi các nhà nghiên cứu so sánh đàn ông và phụ nữ hoặc con trai và con gái về nhận thức, hiểu biết và thể hiện cảm xúc, nam giới hầu như luôn đứng thứ hai. Nếu các bé trai và bé gái được đưa cho một loạt ảnh khuôn mặt thể hiện các biểu cảm khác nhau, nhìn chung các bé trai sẽ kém chính xác hơn trong việc xác định những cảm xúc đang được thể hiện. Điều đó dẫn đến việc dường như nam giới thường không quan tâm đến những cảm xúc bị tổn thương hoặc nhu cầu bộc lộ, thể hiện tình cảm với người khác.
Nhiều người đàn ông thừa nhận rằng: họ có xu hướng tránh đối diện với những tình huống dễ xúc động hoặc phải đối mặt với những cảm xúc khó. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là đàn ông thiếu “sự kết nối” để thể hiện hoặc thấu hiểu cảm xúc.
Trung bình, các bé trai mới sinh thường có phản ứng cảm xúc nhiều hơn các bé gái. Ví dụ, các nghiên cứu cho thấy các bé trai khóc nhiều hơn các bé gái khi thất vọng hoặc buồn bã.
Mặc dù mang trong mình tiềm năng của việc cảm nhận và có phản ứng về cảm xúc mạnh mẽ hơn nhưng khi những cậu bé lớn lên, chúng lại trở nên khó khăn để thể hiện cảm xúc hơn. Điều này có thể nhìn thấy được khi cho những chàng trai được đối diện trực tiếp với những bối cảnh mang lại nhiều cảm xúc. Và phản hồi của những chàng trai trước bối cảnh đó là một sự đóng băng, vô cảm. Leslie Brody, chuyên gia hàng đầu về khác biệt giới tính, mô tả đây là “sự thay đổi trong quá trình phát triển, trong đó nam giới trở nên ít thể hiện cảm xúc trên khuôn mặt hơn theo tuổi tác, trong khi nữ giới thì ngược lại.”
Có bằng chứng cho thấy những chàng trai có thể cảm nhận về cảm xúc của bản thân tốt hơn. Khi nhịp tim hoặc độ dẫn điện của da—lòng bàn tay đẫm mồ hôi—được đo lường trong các tình huống kích thích cảm xúc, thì không có sự khác biệt cụ thể nào về phản ứng giữa các em gái và các em trai.
Các nghiên cứu đã chỉ ra sự khác biệt cho thấy rằng các bé trai có thể phản ứng ở mức độ cao hơn chứ không phải thấp hơn.
Các kết quả nghiên cứu khác cho thấy rằng khi các cậu bé bị kích động về mặt cảm xúc, chúng khó để kiểm soát hay điều hòa cảm xúc của mình hơn so với các bé gái. Trong một nghiên cứu gợi kích thích của Richard Fabes và Nancy Eisenberg tại Đại học Arizona, các nhà nghiên cứu đã cho một nhóm học sinh mẫu giáo và lớp hai nghe một đoạn băng về tiếng em bé khóc và theo dõi các phản ứng sinh lý và hành vi của các em.
Kết quả là các cô gái cảm thấy ít khó chịu hơn với âm thanh này. Nhưng các bé trai thì dễ bị căng thẳng, tức giận hơn và có xu hường muốn chạy trốn khỏi nơi đó. Nói cách khác, những cậu bé gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc của chính mình, chính vì vậy họ sẽ có xu hướng phớt lờ hoặc chạy trốn cái nơi mà khiến cho họ cảm nhận được sự căng thẳng.


👉 Bản thân những chàng trai khi sinh ra đã mang trong mình một tiềm năng mạnh mẽ để cảm nhận được cảm xúc của chính mình. Nhưng chính bởi sự thiếu hụt về sự nhận thức, hiểu biết về cảm xúc đã tạo ra những chàng trai luôn muốn chạy trốn hoặc tấn công những trường hợp, bối cảnh, con người khiến họ cảm thấy căng thẳng. Những hành vi nổi loạn, tức giận, phẫn nộ hoặc trầm cảm, tự nhốt mình chỉ là những hệ quả của việc thiếu sự hiểu biết về mặt cảm xúc.


#Teasing_kỳ_2: Ở kỳ 2, chúng ta sẽ tiếp tục trao đổi với nhau về việc làm thế nào để có thể xây dựng hình tượng một chàng trai lành mạnh và cùng nhau trả lời câu hỏi: Liệu có cách nào đó để thay đổi cho những hệ quả mà các chàng trai đang phải chịu đựng không?


📍 Nguồn: Raising Cain: Protecting the Emotional Life of Boys - Dan Kindlon & Michael Thompson.
📍 Bản quyền dự án: Toàn bộ bản dịch, nội dung biên soạn và hình ảnh thiết kế của dự án thuộc về trí tuệ sáng tạo của The Domdom Healing Garden, mọi sao chép/trích dẫn vui lòng ghi rõ nguồn, nếu không Domdom xin phép liên lạc đề nghị gỡ bỏ.


Thương mến,
The DomDom Healing Garden.

Sidebar: Work-in-progress

The Domdom Healing Garden

Khu vườn chữa lành Đom Đóm - không gian trị liệu và chăm sóc thế giới tinh thần cùng bạn!

Địa chỉ:27, đường số 3, Hiệp Bình Phước, Thủ Đức
Điện thoại:0932360164
Email:thedomdomhealinggarden@gmail.com

Follow Vườn

Bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ Đom Đóm?

Hãy để lại địa chỉ email để Đom Đóm thông báo cho bạn về các hoạt động và bài viết bổ ích nhé!