#Chương 12: Những nhu cầu sâu thẳm của các chàng trai cần để có đời sống cảm xúc lành mạnh

Ở chương 11, chúng ta đã được khám phá và hiểu hơn về nguyên nhân dẫn đến sự tức giận và gốc rễ đằng sau hành vi bạo lực của các chàng trai, cũng như có thêm những giải pháp gợi ý từ hai nhà trị liệu tâm lý để giúp các chàng trai chăm sóc đời sống nội tâm của mình. Giờ thì chúng ta đến với chương cuối cùng của dự án sách này - Chương 12 để có cái nhìn tổng quan về những nhu cầu sâu thẳm mà các chàng trai cần. Việc hiểu sâu sắc các nhu cầu thật sự này sẽ giúp các bậc phụ huynh, giáo viên, nhà trường, các chàng trai và những ai quan tâm đến nam giới có thể hỗ trợ đúng cách và giúp các chàng trai có một đời sống cảm xúc lành mạnh và vững vàng hơn.


‼️ MỞ ĐẦU

Từ nghiên cứu và quá trình hành nghề của mình, hai nhà trị liệu biết rằng mỗi bậc cha mẹ - mỗi người trưởng thành trong cuộc đời của một cậu bé - đều có khả năng mang lại nền tảng cảm xúc mà cậu cần để bước đi trong cuộc sống này. Vậy các chàng trai cần gì để phát triển đời sống tình cảm mạnh mẽ, linh hoạt, trở thành con người đồng cảm mà chính các em mong muốn trở thành?
Điều mà các chàng trai cần, trước hết, là được nhìn nhận qua một lăng kính khác so với những gì truyền thống định sẵn. Là một cá nhân nói riêng và với tư cách là một nền văn hóa nói chung, chúng ta phải loại bỏ quan điểm lệch lạc có tính phớt lờ hoặc phủ nhận khả năng cảm nhận của các cậu bé, và những quan điểm đó thậm chí còn tô điểm nhận thức của các cậu bé về bản thân mình rằng chúng nằm trên hoặc nằm ngoài đời sống cảm xúc. Chúng ta phải nhận ra tác hại của việc yêu cầu từ các em “quá nhiều và không đủ” Đôi khi đòi hỏi nhiều hơn mức mà khả năng phát triển của trẻ có thể đáp ứng, đồng thời hạ thấp một cách không cần thiết những kỳ vọng về khả năng tự chủ, sự đồng cảm, sự trung thực về cảm xúc và trách nhiệm đạo đức từ trẻ. Chúng ta nổi giận khi biết con trai được bào chữa cho các hành vi phá hoại hoặc gây thất vọng của mình bằng câu “con trai thì vẫn là con trai thôi”, trong khi bản chất của câu nói đó - con trai thì vẫn là con trai thôi - có thể được sử dụng để nâng cao hiểu biết rằng đôi khi con trai phải đấu tranh theo cách riêng của nam giới, và chúng cần tình yêu, sự hỗ trợ và chỉ dẫn có tính “thân thiện với con trai” của người lớn để có thể phát triển đa dạng phản ứng cảm xúc trước những thách thức trong cuộc sống. Các cậu bé không cần được miễn đấu tranh để trở thành người tốt. Hy vọng xuyên suốt dự án sách này, mọi người sẽ nhìn nhận các cậu bé theo một cách mới mẻ thông qua trải nghiệm của hai nhà trị liệu và mọi người được thôi thúc hơn để thật sự nghiêm túc xem xét lại những giả định sâu thẳm của chúng ta về các chàng trai.
Phụ huynh và giáo viên có thể làm điều đó bằng cách nào? Theo một nghĩa nào đó, các câu trả lời không mang tính khái quát, do đó, hoàn cảnh sống của bất kỳ cậu bé nào cũng mang tính cá nhân, bao gồm các vấn đề về thể chất và tình cảm cũng như bối cảnh gia đình, trường học và cộng đồng trong cuộc đời cậu bé ấy. Cuộc sống của cậu bé này có “cần” thêm thể thao không? Cậu bé đó có cần thêm âm nhạc không? Cậu ấy có cần giảm thời gian sử dụng máy tính không? Cần trò chơi khác? Cần bạn bè khác? Cậu bé cần bài tập nâng cao để thử thách với cương vị một người học, hay khối lượng bài tập nhẹ nhàng hơn để cậu có thể trải nghiệm nhiều hơn? Cậu cần thêm khuôn khổ hay bớt khuôn phép? Hai nhà trị liệu biết đây đều là những câu hỏi thực sự xuất hiện trong cuộc sống thường nhật khiến các bậc cha mẹ và giáo viên chật vật khi đối mặt với các chàng trai và bạn sẽ không tìm thấy câu trả lời trong danh sách “quy tắc” nuôi dạy những cậu bé “ngoan”. Có nhiều cách để trở thành một cậu bé ngoan, nhiều người tìm cách để trở thành một cậu bé ngoan và có rất nhiều con đường khác nhau để các cậu bé có thể đi đến một cuộc sống đầy ý nghĩa và vừa ý.


‼️ 07 NHU CẦU SÂU THẲM MÀ CÁC CHÀNG TRAI CẦN ĐỂ CÓ ĐỜI SỐNG CẢM XÚC LÀNH MẠNH:
Bảy điểm sau đây có khả năng sẽ thay đổi cách bạn nuôi dưỡng và bảo vệ đời sống tình cảm của chàng trai có mặt trong cuộc đời bạn. Hai nhà trị liệu thấy rằng chỉ dẫn một dòng không bao quát được tính phức tạp của hiện thực cuộc sống, vậy nên những điểm sau đây không phải là những dòng tóm gọn như vậy. Suy cho cùng, hai tác giả là những nhà tâm lý học, những nhà trị liệu; hai ông tin vào bản chất của nhận thức và sự phát triển về mặt cảm xúc chứ không tin vào những câu khẩu hiệu suông. Đời sống nội tâm và hành trình của mỗi cậu bé khác nhau, nhưng theo bảy hướng sau đây, mọi nhu cầu của các cậu bé đều như nhau. Những điểm sau đây là nền tảng nuôi dạy, dạy dỗ và tạo dựng những cộng đồng tôn trọng và nuôi dưỡng đời sống nội tâm của các chàng trai.


1️⃣ Cho phép các em trai được sống nội tâm, chấp nhận mọi cung bậc cảm xúc con người trong các em và giúp phát triển vốn từ vựng về cảm xúc để các em có thể hiểu rõ hơn về bản thân và giao tiếp hiệu quả hơn với người khác:
Ý tưởng đơn giản ở đây đó là trong mọi lúc, bạn phải trò chuyện với đời sống nội tâm của một cậu bé một cách có ý thức cho dù cậu ấy có nhận thức được điều đó hay không. Bạn thể hiện sự tôn trọng, lưu tâm, đề cập đến nội tâm của cậu bé, và chia sẻ thế giới nội tâm của riêng bạn. Qua đó, một phần trong lời sấm truyền sẽ ứng nghiệm. Điều đó nghĩa là, nếu bạn hành động như thể con trai bạn có đời sống nội tâm - nếu bạn cho rằng con trai bạn cũng có đời sống nội tâm như những người khác - thì chẳng bao lâu cậu bé sẽ để tâm đến đời sống nội tâm của chính mình. Thay vì nói, “Con có thể thử chơi bóng đá hoặc tham gia vở kịch mùa thu sắp tới của trường. Con muốn chọn cái nào?” thì bạn có thể nói, “Cha/mẹ biết con thất vọng vì không được tham gia vở kịch năm ngoái. Con có muốn đánh liều và thử lại không? Cha/mẹ cũng biết rằng con đã chơi bóng đá từ lâu, nhưng cha/mẹ có cảm giác con không còn hứng thú với nó trong hai mùa giải vừa qua. Con nghĩ xem con muốn làm gì vào mùa thu này? Con muốn chọn làm gì?” Câu hỏi này giả định rằng có nỗi đau, xung đột nội tâm, rủi ro, lòng can đảm và tính phức tạp trong nội tâm cậu bé.
Một trường học, một trường học toàn nam, có truyền thống thể thao và “truyền thống chiến thắng” rất mạnh. Vào đầu mùa giải trước, huấn luyện viên bóng đá đã đứng lên và hỏi các cầu thủ của mình: “Công việc của tôi trên cương vị huấn luyện viên là gì?” Các chàng trai đã kể ra một số đầu việc: dạy họ kỹ năng, động viên họ, khiến họ làm việc chăm chỉ. Khi các cầu thủ hết ý, huấn luyện viên nói: “Ồ, công việc của tôi bao gồm tất cả những điều đó, nhưng tôi sẽ cho các cậu biết công việc thực sự của tôi là gì. Đó là yêu thương các cậu. Bất kể điều gì xảy ra trong mùa giải, công việc của tôi là yêu thương các cậu ”. Nhiều chàng trai vặn vẹo khó chịu khi huấn luyện viên nói vậy; họ không biết phải phản ứng thế nào. Tuy nhiên, sau một mùa giải thăng trầm với một vài trận thắng ngoạn mục và một vài trận thua đáng tiếc, hai đội trưởng của các đội đã phát biểu trong bữa tiệc thể thao cuối cùng và tuyên bố rằng họ cảm thấy rất tuyệt về mùa giải và họ thực sự yêu quý đồng đội của mình. Mọi người ở đó đều cảm động trước lời tuyên bố và tỏ lòng ngưỡng mộ khi hai đội trưởng đội bóng đá “cứng rắn” này đã nói vậy trong một bữa tiệc thể thao. Liệu có bao nhiêu người nhận ra rằng chính huấn luyện viên bóng đá, thông qua việc lựa chọn từ ngữ và phong cách huấn luyện của mình, đã “cho phép” các cầu thủ bộc lộ cảm xúc qua lời nói, đã làm gương cho các cầu thủ thấy cách một người đàn ông có thể biểu lộ những điều như thế?
Một giáo viên rất được yêu mến đã nói: “Các nam sinh sẽ bộc lộ cảm xúc của mình nếu bạn tạo ra một môi trường an toàn cho phép chúng cởi mở”. Hai nhà trị liệu nhận thấy có sự thoải mái biểu lộ cảm xúc ở các nam sinh trong các lớp học nơi học sinh được yêu cầu viết nhật ký, viết tiểu luận, sáng tạo nghệ thuật hoặc tham gia thảo luận về cảm xúc của mình hoặc của người khác hoặc của các nhân vật trong lịch sử hoặc văn học. Việc một cậu bé “không bao giờ nói về cảm xúc của mình” và cố gắng che giấu sự tổn thương của bản thân có thể dễ dàng nói về sự tổn thương và nỗi sợ hãi của một cậu bé hư cấu không có gì kỳ lạ cả. Cuộc trò chuyện này rất có giá trị; và đây là một cách giúp một cậu bé học những từ vựng về cảm xúc cậu ấy cần để cuối cùng hiểu và có thể bày tỏ cảm xúc của chính mình. Một ví dụ dễ hiểu hơn cho vấn đề này là câu chuyện của Casey Johnson, một cậu bé lớp 8 ở Virginia, người đã viết một bài luận trong lớp tiếng Anh về cuộc đời mình khi trở thành một thủ môn bóng đá. Bài viết có tiêu đề “Khi là thủ môn,” phản ánh những cảm xúc nội tâm sâu sắc của Casey khi phải đối mặt với áp lực, thất bại và cảm giác trách nhiệm. Trong bài, Casey kể lại những lần đội bạn ghi bàn và cảm giác thất vọng tràn ngập khi nghĩ mình là nguyên nhân khiến đội thất bại, mặc dù đồng đội an ủi rằng đó là lỗi của cả đội. Dù vậy, ánh mắt và thái độ của họ khiến Casey nhận ra rằng họ thực sự cho rằng lỗi là ở cậu. Đỉnh điểm là khoảnh khắc Casey gục xuống sân, nước mắt hòa lẫn với bùn, và cậu cảm thấy bị cô lập hoàn toàn. Điều duy nhất an ủi Casey lúc đó là lời động viên từ chính cầu thủ đội bạn: “Cậu đã cố gắng rồi.” Bài luận của Casey, nhờ sự hỗ trợ từ giáo viên và nhà trường, đã nhận được sự quan tâm và phản hồi tích cực từ bạn bè và phụ huynh. Điều này giúp Casey trở thành "anh hùng hai lần" – không chỉ vì cậu là một thủ môn dũng cảm mà còn vì cậu đã thẳng thắn chia sẻ những cảm xúc chân thật của mình qua bài viết.
“Môi trường an toàn” là gì và phụ huynh có thể tạo ra môi trường đó như thế nào? Trong một gia đình, bất cứ điều gì mang tính nghi thức đều có khả năng mang lại sự “an toàn” về mặt cảm xúc bởi vì đó là một khoảng thời gian quen thuộc, một không gian được bảo vệ mà trong đó không có áp lực thực thi nghĩa vụ, không có áp lực phải đáp ứng yêu cầu và không có mối đe dọa bị phán xét. Nhiều bà mẹ kể rằng họ thường đến bên con trai mình vào giờ đi ngủ, xoa lưng chúng như thường lệ hoặc trò chuyện vui vẻ về những gì diễn ra trong ngày, đặc biệt là trong những năm đầu trước tuổi vị thành niên. Có thể họ chuẩn bị bữa sáng cho con trai hoặc chia sẻ sở thích đọc sách, âm nhạc, thể thao hoặc các hoạt động ngoài trời với chúng. Còn những người cha kể về việc họ làm vườn với con trai mình hoặc đi cắt tóc, chơi bowling, đi xe đạp hoặc đi bộ đường dài hay xây dựng mô hình với chúng. Các bậc cha mẹ có thể chở con trai mình đi tập bóng đá hoặc ở lại xem các trận đấu bóng chày của chúng; các bạn có thể cùng nhau đọc các trang báo thể thao vào buổi sáng hoặc giải câu đố vào các buổi chiều Chủ nhật. Nếu cha mẹ thể hiện sự cởi mở, chấp nhận và yêu thương trong khoảng thời gian bên nhau đó thì cậu con trai sẽ học được những giá trị này của mối quan hệ.
Nhiều người nghĩ rằng cách duy nhất để thu hút sự quan tâm của các cậu trai là mang đến cho các em những trò giải trí và hình mẫu rập khuôn dành cho “con trai”: những ngôi sao điện ảnh cứng rắn và những vận động viên “người sắt”. Nếu bạn muốn các chàng trai lắng nghe trong một cuộc họp hoặc bữa tiệc ở trường thì để một vận động viên chuyên nghiệp lên tiếng hầu như luôn là lựa chọn chắc chắn bởi vận động viên ngay lập tức khiến chàng trai phải thể hiện sự tôn trọng. Nhưng liệu điều đó có nghĩa là các vận động viên là những người duy nhất mà các chàng trai sẽ lắng nghe? Để chiếm được trái tim và tâm trí của các chàng trai, bạn có phải đáp ứng những sở thích thông thường được cho là của các em không? Nếu bạn cho là vậy thì bạn đang hạ thấp và coi nhẹ mối quan tâm về mặt tinh thần và trí tuệ của con trai. Câu chuyện kể về một tu sĩ dòng Phanxicô được mời đến nói chuyện tại một trường nam sinh. Dù hiệu trưởng lo ngại các cậu bé sẽ không hứng thú, vị tu sĩ vẫn kiên quyết thực hiện hai việc: hướng dẫn thiền một chút trước khi bắt đầu và dành phần hỏi đáp cho phần cuối. Nhưng các chàng trai thích sự mới lạ, thích mạo hiểm, thích lòng can đảm; và nhà sư này có cả ba. Khi bắt đầu, ông mời các cậu bé nhắm mắt thiền, và tất cả đều làm theo. Sau bài nói chuyện về đạo đức và tâm linh, vị tu sĩ hỏi liệu có ai có câu hỏi không. Ban đầu, không khí im lặng làm hiệu trưởng lo lắng, nhưng vị tu sĩ bình tĩnh chờ đợi. Cuối cùng, một cậu bé mạnh dạn hỏi: “Tại sao lại có người muốn đi tu ạ?” Câu trả lời chân thành của vị tu sĩ đã khơi dậy sự tò mò, khiến 12 cánh tay khác lần lượt giơ lên với những câu hỏi sâu sắc hơn. Nhiều cậu bé muốn biết điều gì đang diễn ra trong tâm trí vị tu sĩ ấy. Có lẽ sẽ chẳng cậu bé nào trong số những cậu bé này chọn cuộc sống chiêm niệm tâm linh đâu, nhưng rõ ràng chúng tò mò về đời sống nội tâm.
Là cha mẹ, một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm là trò chuyện về đời sống nội tâm với con trai. Nếu bạn tiết lộ những đấu tranh và suy nghĩ của mình thì có thể các cậu bé sẽ phản hồi ngay lập tức dựa trên kinh nghiệm bản thân hoặc không, nhưng chúng sẽ tiếp thu và được định hình từ trải nghiệm này. Đây thường là những khoảnh khắc chúng nhớ nhất. Các cậu bé có thể trò chuyện về đội Red Sox với cha mình, và nhiều năm sau chúng có thể nhớ lại cảm giác thích thú khi đến Công viên Fenway, nhưng điều các em kể cho hai nhà trị liệu trong quá trình trị liệu là những khoảnh khắc tấm màn ngăn cách chúng với cha mẹ được vén lên, khi chúng nhìn thấy được lòng dũng cảm của mẹ, hay sự dịu dàng hoặc giọt nước mắt của cha, hay lần cha chia sẻ câu chuyện về cuộc đấu tranh kinh hoàng nào đó của mình, thừa nhận nỗi sợ hãi là một cảm xúc của “đàn ông thực thụ”. Một cậu bé vị thành niên quá quan tâm đến cuộc sống của chính mình nên chúng không muốn nghe những câu chuyện của cha mẹ suốt. Nhưng vào một thời điểm thích hợp, người cha hoặc người mẹ có thể chia sẻ những cảm xúc sâu sắc về tình thế tiến thoái lưỡng nan về mặt đạo đức mà họ phải đối mặt. Nếu đứa con 15 tuổi của bạn có vẻ không hứng thú vào lúc này, thì đừng nói về chuyện đó nữa, nhưng đừng bỏ cuộc. Dù vẻ ngoài của một cậu thiếu niên có thế nào đi chăng nữa thì cậu sẽ không trưng ra sự thờ ơ hoặc hoài nghi của mình mãi đâu và cậu ấy có một tâm trí khao khát muốn và cần biết cách đối phó với những thách thức xúc cảm trong cuộc sống tương tự như những thách thức về công nghệ và thể thao vậy.


2️⃣ Nhận biết và chấp nhận mức năng động cao của các cậu bé và cho các em nơi an toàn để các em có thể tiêu bớt năng lượng:
Ở một trường Montessori ở Minneapolis, Minnesota, nằm trong một tòa nhà trường công lớn, cũ với trần cao và hội trường rộng rãi. Bên ngoài mỗi lớp học có một khoảng trống trên sàn, được đánh dấu bằng băng dính, bên trong có một sợi dây nhảy. Học sinh nào cảm thấy bồn chồn đều được phép đến đó để nhảy dây. Do phương pháp Montessori phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động cá nhân và thể hiện sáng tạo, nên hiếm khi một lớp học cùng một lúc làm một việc. Do đó, ở ngôi trường này, trẻ có thể rời khỏi phòng học và tập thể dục như một cách tự điều chỉnh bản thân. Con trai thường xuyên sử dụng khu vực này nhất. Có phải trường học nào cũng áp dụng cách thức này hay không? Gần như chắc chắn là không; hầu hết các lớp đều áp dụng giảng dạy và hoạt động theo nhóm cùng với các chính sách nhu cầu an toàn và giám sát truyền thống sẽ loại trừ khả năng áp dụng giải pháp tương tự trong đại đa số các trường học. Tuy nhiên, nguyên tắc cho phép nam sinh tập thể dục khi cần trong buổi học là một nguyên tắc rất có tác dụng. Hiệu trưởng một trường tiểu học tư thục nhỏ ở Pennsylvania nói rằng: “Chúng tôi đều thấy kinh ngạc khi thấy được lượng công việc các cậu bé hoàn thành khi nhận phần thưởng được phép ra ngoài”.
Nếu bạn hỏi các cậu bé trong độ tuổi đi học lúc nào ở trường là lúc chúng thích nhất, thì chúng thường trả lời: "Ý cô/chú là ngoài môn thể dục ra ạ?" Các cậu bé cần không gian để bay nhảy, để tiêu thụ năng lượng và để thể hiện niềm phấn chấn của bản thân. Các cậu bé cần không gian ở trường và cả ở nhà. Chẳng phải tầng hầm đã hoàn thiện chính là phiên bản tại gia của phòng thể chất của trường sao? Chẳng phải một ngôi nhà quá ngăn nắp và quy củ, một ngôi nhà không có không gian vui chơi tự do an toàn đối với một cậu bé chính là một niềm đau sao? Câu chuyện của bà Anne Roche Muggeridge là một ví dụ, bà là mẹ của bốn cậu con trai, người đã viết bài "Con trai nên là con trai" để chia sẻ quan điểm về việc nuôi dạy con trai. Bà tin rằng thay vì kiềm chế hoặc áp đặt, cha mẹ nên để các cậu bé tự do thể hiện năng lượng tự nhiên của mình. Bà kể về những trò chơi sôi động của con mình cùng bạn bè – từ chơi khúc côn cầu đến nhảy bậc thềm – dù có phá phách nhưng đã giúp chúng trưởng thành thành những người tốt bụng, trung thực, vui tính và dũng cảm. Bà chính là một người trân trọng và tin tưởng con trai. Nhiều bậc cha mẹ có con trai đón nhận đặc tính thể chất của con trai theo cách này; một số khác thì không. Hầu hết giáo viên dạy các cậu bé cũng yêu thương chúng; thật không may, một số khác thì không. Các bé trai cực kỳ nhạy cảm với những người lớn không có khả năng chịu đựng năng lượng của bé trai hợp lý và khi chúng cảm nhận được rằng một người có ngưỡng chịu đựng con trai thấp thì các cậu bé thường phản ứng coi như đó là một thách thức.
Mức năng động không chỉ là vấn đề nằm ở các cậu bé. Các chàng trai tuổi teen va và đẩy. Khi hai nhà trị liệu tham gia trị liệu cho nhóm nam thanh thiếu niên ở hầu hết mọi trường học, hai ông có thể thấy rõ mức năng động thể chất của chúng từ những hành động đơn giản như tìm một chỗ ngồi và đặt mông ngồi xuống. Nếu có bàn và ghế, thì bàn ghế sẽ bị xô đẩy, va chạm nhiều; nếu có ghế dài thì sẽ có lúc các nam sinh phải ẩu đả để chọn xem ai ngồi ở đâu; nếu chỗ ngồi ở ngay trên sàn thì các cậu bé sẽ ngồi đè lên nhau thành một đống trong khi những đứa khác đang cố tìm đúng vị trí ngồi. Chúng ta đang không nói về hành động gây hấn về mặt thể chất, mà chỉ là các cậu bé luôn sử dụng ngôn ngữ cơ thể sôi nổi và năng động. Chúng hất mũ của nhau; chúng nằm ngổn ngang trên đồ nội thất, chiếm giữ không gian bàn ăn và sàn phòng gia đình bằng các hành động có vẻ lớn hơn mức cần thiết. Đôi khi các cậu bé không để ý đến hậu quả và đôi khi chúng chỉ muốn gây hấn. Nếu hai năm trước bạn nặng 100 pound, bạn có tưởng tượng được là bây giờ bạn sẽ nặng 175 pound không? Khi bạn là một cậu bé, việc trở thành người lớn thật thú vị! Và nếu - như trường hợp mùa đông hai năm trước ở trường Belmont Hill - có một trận tuyết mới rơi trên ngọn đồi bên ngoài văn phòng hiệu trưởng và ông ấy đã để xe trượt tuyết của hai đứa con mình bên ngoài nhà thì giả sử sau đó bạn bắt đầu trượt tuyết và sau đó hai người trong số các bạn trượt tuyết, rồi ba người lên một chiếc xe trượt tuyết thành một đống khổng lồ, ai quan tâm nếu bạn mặc quần vải nỉ màu xám và áo khoác blazer xanh ở nhiệt độ 10 độ cơ chứ? Bạn cởi chiếc áo khoác màu xanh lam, treo nó lên cột hàng rào và sẵn sàng trượt tuyết. Và bạn cố gắng tránh cây ở khoảng cách gần và sau đó bạn cố gắng đẩy một người bạn xuống giữa dốc. Và những giáo viên lớn tuổi hơn cảm thấy kinh hoàng: họ cho rằng các tiêu chuẩn không còn được tuân thủ nghiêm túc - các nam sinh trước kia chưa từng như vậy (nhưng tất nhiên là chúng đã từng làm vậy). Các cậu bé đã từng như thế, đang như thế và sẽ luôn như thế. Con trai cần học cách quản lý thể chất của mình để không gây tổn hại nhưng chúng cũng không cần phải xấu hổ vì niềm phấn khích của bản thân mình.


3️⃣ Nói chuyện với các chàng trai bằng ngôn ngữ của họ - theo cách tôn vinh niềm tự hào và tính nam của họ. Hãy thẳng thắn; đối xử với họ như thể họ là nhà tư vấn và người giải quyết vấn đề:
Do các bé trai được dạy sai là phải sợ cảm xúc cuồng nhiệt và tính dễ bị tổn thương trong mình nên điều quan trọng là phải giao tiếp với các em sao cho tôn trọng được mong muốn trở nên mạnh mẽ của các em và không làm các em xấu hổ. Các cậu bé thường hành động như thể chúng bị dị ứng với những lời kêu gọi cảm xúc trực tiếp mà có thể có tác dụng với các cô gái. Trên cương vị là một nhà trị liệu, cách giao tiếp với các cậu bé của hai tác giả thường phải khác với cách hai ông giao tiếp với một cô gái nếu muốn thu hút các em cuốn vào cuộc trò chuyện. Với các cô gái, hai nhà trị liệu có thể hỏi, “Cháu cảm thấy thế nào?” và thường các cô gái sẽ trả lời thẳng thắn. Thường thì với các cậu bé, câu hỏi phải cụ thể hơn: “Cháu tức giận đến mức nào khi phải đến đây?” “Cháu nghĩ tại sao mình lại phải đến đây?” “Bố mẹ cháu đang lo lắng về điều gì vậy?” “Cháu có nghĩ tình hình của mình chắc chắn sẽ khiến bản thân cháu phải đi gặp bác sĩ trị liệu không?” Con trai có thể sẽ ngại nói về cảm xúc của mình, nhưng chúng thích giải quyết vấn đề; chúng thích được tư vấn. Có cậu bé từ chối đến trị liệu gia đình với chúng tôi, một số thậm chí còn từ chối xuống xe và không thèm bước vào tòa nhà. Cách thường có hiệu quả mà hai nhà trị liệu dùng đó là ra bãi đậu xe và nói với cậu bé, “Này, tôi hiểu là cháu không muốn ở đây và cháu không tin vào mấy cái này, nhưng tôi đang muốn đưa ra lời khuyên cho bố mẹ cháu về làm thế nào để có thể quản lý cháu và tôi cảm thấy thực sự không thoải mái khi làm vậy mà không lấy ý kiến của cháu.” Chúng tôi đã từng có những chàng trai tham gia vào buổi trị liệu và nói sẽ không nói gì cả, nhưng chúng nói chuyện nếu bạn đặt ra cho chúng những vấn đề, nếu bạn gây sức ép phải nói chuyện lên các cậu bé. Khi làm việc với các cậu bé, hai nhà trị liệu thấy rằng mình thường sẽ cần dẫn dắt bằng cảm xúc của mình và cho phép các cậu bé lựa chọn giữa các phương án. Ví dụ: nếu một cậu bé diễn tả một tình huống có vẻ đáng sợ hoặc đầy đau thương, chúng tôi sẽ nói, “Tôi không biết đủ rõ về cháu để biết cháu cảm thấy thế nào, nhưng với tôi, có vẻ như cháu đang ở trong một tình huống khá đáng sợ đó. Nếu ở trong hoàn cảnh của cháu, chắc tôi sẽ cảm thấy sợ hãi biết bao.” Một cậu bé luôn có thể nói: “Không, cháu không thấy vậy”, thì lúc đó cậu bé cũng có khả năng chỉnh lại ấn tượng sai lệch của chúng ta bằng những suy nghĩ bổ sung của cậu mà chúng tôi có thể khám phá. Sẽ chẳng ai nói với một cậu bé: “Chắc là cháu đã thấy sợ”. Nếu, để đáp lại việc người lớn đã biểu lộ cảm xúc của mình, cậu bé nói: “Chà, có lẽ cháu hơi sợ một chút,”, thì khi đó nhà trị liệu hoặc bất kỳ người lớn nào có thể trả lời với lòng đồng cảm thực sự, “Tôi có thể hiểu điều đó.” Trải nghiệm đó khi được lặp đi lặp lại trong thời gian ngắn hàng trăm lần, có thể cho cậu bé cảm thấy rằng cảm xúc của mình có giá trị, rằng nhiều cậu bé và người lớn khác cũng có chung cảm giác dễ bị tổn thương như cậu.
Nếu bạn muốn biết phản ứng cảm xúc của con trai mình, hãy hỏi con về cảm xúc của bạn bè của con, và liệu người khác cũng thấy rằng đó là một tình huống đáng lo ngại hay không:
· Cậu bé đã giúp đỡ bạn mình như thế nào?
· Liệu cậu bé có thể nhờ giúp đỡ trong tình huống đó không?
· Cậu bé nghĩ gì về cách người lớn xử lý tình huống này?
· Cậu bé muốn bạn làm gì nếu như bạn là người quyết định?
· Cậu bé có nghĩ rằng phụ nữ có lẽ sẽ xử lý tình huống khác so với đàn ông hay không?
Các chàng trai, cũng như các cô gái, thích thảo luận về những gì nam tính và những gì nữ tính, những gì bẩm sinh và những gì học được. Các chàng trai sẽ vui vẻ thảo luận về điều gì đúng và điều gì không. Chúng tôi chưa bao giờ gặp một cậu bé nào không trả lời một loạt câu hỏi có - không cả. Vấn đề với cuộc trò chuyện giữa con trai và người lớn đó là người lớn trở nên bực tức vì họ mong đợi một kiểu giao tiếp khác. Người lớn mong đợi nhiều ở các cậu bé vị thành niên vì các cậu trông to lớn và thể hiện mong muốn có được đặc quyền của người lớn. Nhưng nếu các cậu thanh niên ấy chưa tập nói nhiều hoặc tự cho rằng bản thân nói chuyện không nam tính, thì việc mắng mỏ hay thể hiện sự thất vọng về họ sẽ không giúp ích gì. Hành động đó chỉ làm mất uy tín của người lớn trong mắt cậu bé mà thôi.
Để con trai làm cố vấn không đồng nghĩa với việc cho phép cậu bé làm mọi thứ mình muốn. Tuyệt đối không! Nhưng làm vậy chính là cho phép cậu bé được lắng nghe. Nếu bạn đã làm vậy từ khi con còn nhỏ, thì nó sẽ có ích cho cậu bé bởi cách bạn và con chia sẻ với nhau về cách nói chuyện, lắng nghe và tư vấn sẽ giúp con trai bạn hình thành khả năng phán đoán cái gì là đúng và đâu là sai. Nếu bạn lắng nghe con mình một cách nghiêm túc, thì cậu bé sẽ lắng nghe chính mình một cách nghiêm túc. Giao tiếp với con trai có khi nào khó khăn không? Có, thường là thế. Giao tiếp với con trai có bất khả thi? Hầu như không bao giờ. Việc giao tiếp chỉ trở nên bất khả thi với những cậu trai giận dữ, khinh người và đa nghi nhất mà thôi. Nếu bạn sẵn sàng đặt những câu hỏi mang tính tư vấn, bày tỏ trực tiếp cảm xúc của mình và không cảm thấy thất vọng với những câu trả lời ngắn gọn, thì bạn có thể giao tiếp với các chàng trai. Trên hết, bạn phải tôn trọng khả năng phòng vệ tâm lý, mong muốn trở nên mạnh mẽ và nhu cầu tỏ ra mạnh mẽ hơn những gì mình cảm thấy của một cậu bé. Mắng mỏ cậu bé vì ước muốn trở thành hay tự cảm thấy bản thân là một chàng trai có năng lực và một chàng trai được bạn bè tôn trọng sẽ chẳng có ích gì. Nếu bạn tôn trọng điều đó, cậu bé có thể sẽ cảm thấy mình không cần phải đề cao cảnh giác và sẽ lên tiếng.


4️⃣ Dạy các cậu bé rằng dũng cảm thể hiện cảm xúc là dũng cảm, sự can đảm và đồng cảm là những nguồn sức mạnh thực sự trong cuộc sống:
Nếu bạn hỏi một cậu bé về lòng can đảm, cậu bé có thể sẽ sử dụng từ dũng cảm ở đâu đó trong câu trả lời của mình và nếu bạn yêu cầu cậu bé cho bạn một ví dụ về lòng dũng cảm, cậu có thể sẽ nhắc đến các bộ phim nổi tiếng hoặc có thể là một hành động anh dũng mà cậu ấy đã xem trên bản tin hoặc đọc được khi làm bài tập ở trường, hoặc có thể là cậu đã chứng kiến cảnh người bạn cùng lớp sẵn lòng chống lại kẻ bắt nạt. Những bộ phim nổi tiếng nhắm đến các chàng trai dường như chỉ đề cao một loại can đảm duy nhất: đứng lên chống lại đối thủ có hình thể to lớn hơn. Sẵn sàng chiến đấu với kẻ thù, vượt mặt một chú khủng long, đánh bại quái vật ngoài hành tinh, nhìn vào mắt kẻ ác đang giương cao khẩu súng, tất cả đều là định nghĩa của giới truyền thông về lòng dũng cảm của nam giới.
Các chàng trai thể hiện niềm đam mê đặc biệt với những câu chuyện phiêu lưu và chiến tranh xưa cũ. Khi xem các cậu bé diễn kịch về lòng dũng cảm, ta có thể thấy vở kịch thường là những tình huống chiến tranh. Nhưng đó không phải là tất cả những gì các chàng trai muốn thấy hay muốn biết. Các chàng trai và cô gái cũng khao khát những câu chuyện về lòng dũng cảm đong đầy cảm xúc. Vào tháng Giêng hàng năm, các nam sinh và nữ sinh đều say mê nghiên cứu về nhà lãnh đạo dân quyền đã bị sát hại - Martin Luther King, Jr., khi cuộc đời và thời đại của ông trở thành chủ đề thảo luận tại lớp ở hầu hết các trường học. Các nam nữ sinh có thể nghe thấy lòng dũng cảm của King trong những bài phát biểu gây xúc động, trong sách hoặc phim tài liệu về các cuộc tuần hành bất bạo động vì dân quyền của ông. Các em cũng được chứng kiến lòng dũng cảm, không chỉ của King, mà còn của nhiều “người bình thường” khác trong thời kỳ đó, những người đã đứng lên chống lại nạn phân biệt chủng tộc trong bối cảnh sống và cộng đồng của chính họ. Các em học sinh cũng bắt gặp thông điệp tương tự về lòng dũng cảm đầy cảm xúc từ trong nghiên cứu về chế độ nô lệ ở Mỹ, nạn diệt chủng Holocaust, phong trào bầu cử ở Hoa Kỳ và ngày nay là phong trào nhân quyền quốc tế và hoạt động vì môi trường. Các cậu trai không hề miễn cưỡng quan tâm đến những chủ đề này. Các cậu yêu mến những người anh hùng; tất cả các cậu đều có ước mơ về sự vĩ đại. Các chàng trai luôn sẵn sàng đón nhận cảm hứng. Vậy chúng ta đang phổ biến đến các cậu bé những hình mẫu nào?
Ngoài những nghiên cứu về lòng can đảm thể hiện cảm xúc ở trường học, hai nhà trị liệu thấy rất thiếu những hình ảnh hoặc cơ hội nhận diện lòng can đảm trong cảm xúc như vậy trong cuộc sống hàng ngày của các cậu bé. Đặc biệt, đàn ông hiếm khi được tôn vinh vì lòng can đảm về mặt đạo đức hoặc tình cảm. Những người đàn ông xuất hiện trên bản tin chủ yếu vì họ đại diện cho quyền lực, kỹ năng hoặc sự giàu có; những người đàn ông trong chương trình giải trí hoặc là những người thống trị như Arnold Schwarzenegger, kiểu người không biết sợ hãi, hoặc là những người ngu ngốc tốt bụng như Tim Allen trong Cải thiện ngôi nhà (Home Improvement) mà trong đó bối cảnh của cuộc sống sitcom đơn giản là không bao gồm sự can đảm về mặt cảm xúc. Điều quan trọng nhất là các chàng trai cần có những tấm gương dũng cảm thể hiện cảm xúc trong cuộc sống của mình chứ không chỉ trên các phương tiện truyền thông. Chúng ta cần nhận diện và xác định lòng can đảm về mặt cảm xúc trong cuộc sống của phụ nữ và nam giới, trong gia đình chúng ta cũng như trong cuộc sống của trẻ em và những người khác xung quanh chúng ta cho các cậu trai. Trong cuộc sống và nghệ thuật, chúng ta cần cung cấp cho các chàng trai những hình mẫu về chủ nghĩa anh hùng vượt ra ngoài hình ảnh cơ bắp, ích kỷ và tính anh hùng quá đơn giản. Nhiều người lớn thể hiện lòng dũng cảm trong công việc hoặc cuộc sống cá nhân, nhưng hiếm khi chúng ta cho phép con cái chứng kiến những khoảnh khắc tận tâm hoặc dũng cảm của riêng chúng ta. Chúng ta cần nói về điều đó và chúng ta cần công nhận lòng can đảm thể hiện cảm xúc của những người xung quanh chúng ta, những người, dù bằng những cách nhỏ nhặt hàng ngày thế nào đi chăng nữa, thể hiện lòng can đảm của riêng họ - để phát biểu trong lớp, để trở nên năng động bất chấp khuyết tật, để học một ngôn ngữ mới, để bước tới giúp đỡ cho dù quay đi mặc kệ sẽ dễ dàng hơn nhiều. Khi chúng ta gắn cho lòng can đảm về mặt cảm xúc một khuôn mặt và một hình thức - của chính mình hoặc của người khác - chúng ta sẽ để lại ấn tượng không thể xóa nhòa. Các bé trai có thể và sẽ hưởng ứng tính phức tạp của lòng can đảm thực sự. Mark Twain từng nói: “Dũng cảm là chống lại nỗi sợ hãi, làm chủ nỗi sợ hãi—chứ không phải là không sợ hãi”. Các bé trai cần biết rằng việc chấp nhận nỗi sợ hãi và những cảm giác dễ bị tổn thương khác ở bản thân và ở người khác là một phần tất yếu của lòng dũng cảm thực sự của một người đàn ông.
Charlie, cậu bé 7 tuổi, cảm thấy lo lắng và không thể ngủ được vì sợ lốc xoáy có thể xảy ra, lo lắng cho những người bạn sống ở Tennessee. Cha Charlie đang ru cậu ngủ và giải thích cho cậu rằng không có lốc xoáy, cả Jeff - bạn của Charlie cũng đang ngủ qua đêm tại nhà Charlie cũng đã cố gắng an ủi cậu nhưng nỗi sợ hãi của Charlie không đến từ âm thanh mà từ cảm giác bất an bên trong. Người cha nhận ra rằng những lời thuyết phục không thể xoa dịu con trai nên ông hỏi ý kiến cậu về việc ông nằm cạnh Charlie, ôm con và hứa ở lại cho đến khi cậu ngủ. Charlie chấp nhận sự an ủi này và yêu cầu bố ôm chặt hơn, cho thấy rằng sự hiện diện và yêu thương của cha là điều giúp cậu cảm thấy an toàn nhất. Các cậu bé cũng có những nỗi sợ hãi - không chỉ những nỗi sợ hãi “phù hợp với sự phát triển” của cậu về sấm sét và những căn phòng tối, mà còn những nỗi sợ hãi liên quan đến những tình huống hàng ngày khi chúng dần lớn lên; về mặt này các cậu bé cũng như mọi người. Con trai có nỗi sợ hãi, con trai có nhu cầu, con trai dễ bị tổn thương và con trai có khả năng cảm xúc nội tại mạnh mẽ. Thừa nhận nỗi sợ hãi của con trai sẽ không làm chúng yếu đuối; thậm chí làm vậy sẽ giải phóng các cậu bé khỏi sự xấu hổ và giúp chúng mạnh mẽ hơn. Con trai là tù nhân của những cảm xúc ấy chừng nào chúng còn phải phủ nhận sự thật về những cảm xúc ấy hoặc yêu cầu bản thân phải hoàn toàn kiểm soát chúng. Khi các chàng trai và những người đàn ông cứng rắn phủ nhận nỗi sợ hãi của mình thì họ chưa hoàn toàn trở thành con người; bên cạnh đó, việc phải nỗ lực cố gắng phủ nhận nỗi sợ hãi của mình thật mệt mỏi. Chúng ta cần thừa nhận và đồng cảm với những nỗi sợ hãi phổ biến đó, đồng thời chúng ta cần dạy các cậu bé tôn trọng nỗi sợ hãi của chính mình và tôn trọng nỗi sợ hãi của người khác. Đó là sự đồng cảm, và như Jeff, bạn của Charlie đã chứng minh, mọi cậu bé đều có khả năng đồng cảm. Các bé trai cần có trải nghiệm được đồng cảm, có thể thể hiện khả năng đồng cảm của bản thân và được yêu cầu thể hiện sự đồng cảm.
Con trai có cần được đào tạo đặc biệt để có khả năng đồng cảm không? Hai tác giả không tin rằng các cậu bé cần được đào tạo đặc biệt nhưng chúng cần cơ hội để thể hiện sự đồng cảm của mình. Thường thì các cậu bé chỉ cần được khuyến khích thể hiện khả năng đồng cảm bẩm sinh của mình là được. Hãy quan sát bất kỳ cậu bé nào khi chơi với chú chó hoặc chú mèo của mình; trong một lớp học có thú cưng là chuột nhảy, ếch hoặc rắn, hãy quan sát cách các cậu bé tranh giành cơ hội được làm người chăm sóc cho thú cưng trong lớp. Có nhiều cách để tạo cơ hội cho các cậu trai học cách đồng cảm. Chăm sóc thú cưng chính là một cách. Chăm sóc mọi người và chăm sóc cộng đồng là hai việc khác nhau. Các bé trai ở mọi lứa tuổi đều cần có cơ hội chăm sóc động vật, trẻ sơ sinh, người nghèo, người già hay môi trường. Hai nhà trị liệu thấy được sự đồng cảm của nam sinh ở những trường học nơi các chương trình phục vụ cộng đồng được áp dụng đều đặn trong chương trình giảng dạy; họ cũng thấy được sự đồng cảm của các cậu bé trong những gia đình nơi anh chị em của chúng cần được chăm sóc và giúp đỡ.
Có một trường học ở Chicago, vào mùa xuân năm cuối cấp ở đó, học sinh có cơ hội ra khỏi khuôn viên trường và thực hiện một dự án phục vụ cộng đồng. Hầu hết học sinh đều thích thú với dự án này, nhưng mỗi năm sẽ có ít nhất một vài nam sinh cảm thấy vô cùng xúc động trước dự án này và các em đã nói như vậy trong hội nghị, nơi các em chia sẻ kinh nghiệm cũng như bày tỏ rằng dự án đã giúp các em “nhìn thế giới theo một cách mới” như thế nào. “Lúc đầu, em rất bực mình khi phải chăm sóc cậu bé chậm phát triển này vì cậu ấy không làm theo bất cứ điều gì tôi nói và điều đó thật khó chịu,” một cậu bé nói trong một bài thuyết trình gần đây. Khi cậu tiếp tục kể câu chuyện, hóa ra đứa trẻ chậm phát triển kia đã trở nên gắn bó với cậu, và sau sáu tuần làm việc, đứa trẻ đã ôm lấy cậu. Khi mô tả khoảnh khắc này, nam sinh bắt đầu nghẹn ngào trước mặt toàn trường. Ta có thể thấy rằng rõ ràng việc tạo ra được sự khác biệt trong cuộc đời của một đứa trẻ khuyết tật là một việc vô cùng có ý nghĩa đối với cậu. Có bao nhiêu nam sinh tốt nghiệp trung học phổ thông của chúng ta đã có kinh nghiệm chăm sóc trẻ khuyết tật hoặc người già? Hai tác giả mạo hiểm đoán là có rất ít nam sinh như vậy. Những chàng trai có trải nghiệm như thế sẽ trở nên đồng cảm hơn. Khi càng có nhiều trải nghiệm như vậy, họ sẽ càng trở nên đồng cảm hơn.
Do cách đào tạo các chàng trai mà nền văn hóa của chúng ta mang lại, đôi khi các chàng trai có thể sẽ cần giới hạn khả năng cạnh tranh và ngăn cậu vội vàng chạy theo thành tích cá nhân. Có một huấn luyện viên bóng đá thường bắt cả đội phải chạy vòng tròn nếu có ai trong đội lớp 8 của ông ấy chỉ trích hoặc khinh thường đồng đội hoặc đối thủ trong một trận đấu. Ông ấy yêu cầu tất cả các em tham gia để nhắc nhở vì ông ấy muốn tất cả các em biết rằng ông ấy rất không đồng ý với tâm lý thắng bằng mọi giá và ông ấy muốn các cậu bé lấy áp lực từ bạn bè làm động lực để xoa dịu lời phê phán của từng người. Điền kinh và các môn thể thao đồng đội cho chúng ta cơ hội dạy về sự đồng cảm trong các tình huống mà các cậu bé rất có động lực học nhất. Bất cứ ai từng nghi ngờ về bản năng đồng cảm của các chàng trai nên nhìn vào sự quan tâm, tình bạn thân thiết và lòng trung thành mà các chàng trai thể hiện trong môi trường thể thao đồng đội - khi đối mặt với thất bại và chấn thương, cũng như khi chiến thắng.


5️⃣ Sử dụng kỷ luật để xây dựng tính cách và lương tâm, chứ kỷ luật không phải kẻ thù:
Sớm hay muộn thì mọi cậu bé đều sẽ gặp rắc rối, dù là do tính cách bốc đồng, mức năng động hay chỉ vì cậu là con người: đó là một phần bình thường của quá trình trưởng thành. Những gì xảy ra với các em trong quá trình xử lý kỷ luật sẽ hình thành nền tảng đạo đức cho hành vi sau này của các em. Chúng tôi tin rằng các cậu bé cần kỷ luật rõ ràng, nhất quán và không khắc nghiệt. Kỷ luật tốt nhất được xây dựng dựa trên tình yêu của trẻ dành cho người lớn và mong muốn làm hài lòng người lớn. Nếu sự thôi thúc đó được tôn trọng và nuôi dưỡng, các cậu bé sẽ mở lòng mình với tình yêu thương và sự tôn trọng. Nếu bị bêu rếu quá mức, bị trừng phạt nghiêm khắc hoặc phải chịu sự tức giận quá mức của người lớn, chúng sẽ sớm phản ứng với quyền uy bằng sự phản kháng hơn là mong muốn làm tốt hơn.
Sự thật là những đứa trẻ được kỷ luật tốt ngay từ khi còn nhỏ - nghĩa là được hướng dẫn tốt thay vì bị trừng phạt – khi lớn lên chúng ngày càng cần ít phải chịu kỷ luật công khai hơn. Khi làm việc với những cậu bé gặp rắc rối, hai nhà trị liệu thường thấy ảnh hưởng của kỷ luật khắc nghiệt, và nó chỉ đơn thuần gây thêm rắc rối và những vết sẹo tình cảm lâu dài lên các cậu bé. Hai ông cũng biết từ kinh nghiệm trị liệu các cậu bé của mình rằng ngay cả những “kẻ gây rối” lão luyện cũng có thể tìm thấy cảm hứng trong hình thức kỷ luật bao gồm sự hướng dẫn và sự đồng cảm chân thành. Hãy lắng nghe những lời của Alex, một cậu bé lớp 8, là diễn giả của lớp trong lễ tốt nghiệp tại một trường tiểu học tư thục nhỏ ở Middleburg, Virginia. Trong những năm đầu đời, Alex là một trong những vị khách thường xuyên ghé qua văn phòng hiệu trưởng, và là một cậu bé có xu hướng bốc đồng, quậy phá. “Cháu luôn—có thể nói là người ‘độc nhất’, Cháu khác với mọi người: Cháu thích chơi những trò chơi khác nhau, thích xem những chương trình truyền hình khác nhau và có nhiều sở thích khác nhau. Nhưng điều đó chẳng sao cả. Cháu đã rất vui.” Alex nói. “Chỉ có duy nhất một người thực sự hiểu và ủng hộ các sở thích cũng như quan điểm khác nhau của cháu,” cậu bé tiếp tục nói và đề cập đến hiệu trưởng, ông Gilford, người mà theo cậu, “không giống một hiệu trưởng rập khuôn chút nào,” mà thay vào đó thầy “dường như đã biết cháu trước cả khi cháu đến trường vào ngày đầu tiên.” Alex nhớ lại một ngày hồi lớp 1 khi cậu phải đến văn phòng thầy Gilford: “Khi cháu đi dọc hành lang đến văn phòng của thầy lần đầu tiên, khi bước những bước cuối cùng cháu chỉ nghĩ được là 'Thầy sẽ làm gì?'. Khi cháu ngồi xuống, điều đầu tiên thầy ấy nói với cháu là: 'Ồ, xin chào, Alex. Ngày hôm nay của con thế nào rồi?'
“Hành động này của thầy làm cháu giật mình vì hai lý do. Thứ nhất là thầy ấy điềm tĩnh, hiền lành và thân thiện. Hai là những gì thầy ấy đã nói. Cháu đã nghĩ thầy ấy sẽ phản ứng như một kẻ điên cơ! Chúng cháu đã kết thúc cuộc gặp với một cuộc trò chuyện bình thường và thú vị thay vì bị chỉ trích.” Đây là một cậu bé, 7 năm sau sự kiện đó, vẫn nhớ rằng mình đã không bị mắng và không bị trừng phạt. Câu chuyện của cậu bé là thước đo cho thấy các cậu bé cho rằng mình sẽ phải chịu phạt đến mức nào và đối thoại hợp lý có thể thay đổi suy nghĩ của đại đa số các em như thế nào.


6️⃣ Làm gương cho các cậu bé trong việc thể hiện sự gắn bó tình cảm của một người đàn ông:
Con trai bắt chước những gì chúng nhìn thấy. Nếu các cậu bé chỉ thấy sự xa cách về mặt tình cảm, sự thận trọng và lạnh lùng giữa những người đàn ông thì khi lớn lên các em sẽ bắt chước hành vi đó. Mặc dù điều này hiếm khi xảy ra ở Hoa Kỳ nhưng ở nhiều nền văn hóa khác, việc đàn ông thể hiện cử chỉ trìu mến ở cả nơi riêng tư và nơi công cộng là điều phổ biến. Chúng tôi biết có một người đàn ông luôn chào đón người bạn thân nhất của mình bằng một cái ôm và cảnh tượng này diễn ra với sự hiện diện của người con trai từ năm này qua năm khác. Mọi tác động lên cậu bé đều không xảy ra ngay lập tức. Cậu con trai, như nhiều cậu bé khác, đã trải qua giai đoạn tuổi thiếu niên không muốn động chạm hay bị bất cứ người lớn nào, kể cả cha cậu hay bất kỳ ai khác, chạm vào. Nhưng giờ đây, ở độ tuổi đôi mươi, cậu ôm cả bố mình và bạn của bố khi hai người có cơ hội gặp nhau. Các chàng trai sẽ học được điều gì cơ chứ khi các em không được chứng kiến tình bạn thân thiết giữa những người đàn ông, khi trong cuộc đời cậu không có hình mẫu thân mật nào rõ ràng ngoài người bạn đời của cậu ta?
Theo kinh nghiệm của hai nhà trị liệu, hai ông thấy rằng nhiều người đàn ông thiếu người bầu bạn và họ đã như vậy kể từ khi học trung học hoặc kể từ khi kết thúc những ngày học đại học. Nhiều người không biết cách bắt đầu hoặc duy trì tình bạn quan trọng; quá nhiều đàn ông không biết cách mở lòng với những người đàn ông khác. Có một bác sĩ tâm thần ở Chicago, anh ta thường xuyên chơi gôn với một nhóm bốn người trong hơn 20 năm và mặc dù họ dành hàng giờ bên nhau mỗi tuần nhưng họ không tiết lộ nhiều thông tin cho nhau. Một ngày nọ, anh ấy về nhà lấy gậy đánh gôn và vợ anh nói: “Joe vừa gọi điện và nói rằng hôm nay anh ấy có thể không đi chơi gôn được nhé.” "Tại sao vậy?" bác sĩ tâm thần hỏi. “À, anh ấy sắp ly hôn và vì quyết định phân bổ tài chính, anh ấy có thể sẽ không đủ khả năng duy trì tư cách thành viên câu lạc bộ của mình.” Anh ta ngây ra và trả lời: “Anh ấy sắp ly hôn à? Anh không biết chuyện đó đấy!” Hai nhà trị liệu tin rằng, ngay cả khi tình bạn nam giới có thể không cần được đo lường bằng lượng thông tin cá nhân mà họ biết về nhau, nhưng thật đáng buồn khi một người đàn ông không thể chia sẻ với những người bạn chơi gôn suốt hai mươi năm của mình rằng cuộc hôn nhân của anh ta đang gặp rắc rối nghiêm trọng. Vấn đề về sự cô đơn của đàn ông phải được giải quyết ngay khi họ còn là các chàng trai. Các chàng trai cần được khuyến khích bắt đầu, duy trì tình bạn và trải nghiệm những xung đột nảy sinh trong tình bạn nam giới từ các cấp độ kỹ năng thể lực khác nhau từ trêu chọc và từ cạnh tranh để giành được sự chú ý của các cô gái. Các chàng trai thường thiếu cả nguồn lực và ý chí để giải quyết những xung đột đó và duy trì tình bạn.
Khi trò chuyện với các bà mẹ và những người phụ nữ khác về nhu cầu của con trai về hình mẫu gắn bó tình cảm của đàn ông, chúng tôi thường nghe được những tiếng cười trừ. Hình mẫu gắn bó tình cảm trông như thế nào ở một người đàn ông? họ muốn biết điều đó. Và làm thế nào để họ, với tư cách là phụ nữ, có thể đóng góp vào hình mẫu này? Đầu tiên, hãy hỗ trợ và khuyến khích những tình bạn đó. Sau đó, hãy thừa nhận và chấp nhận rằng tình bạn của đàn ông không phải lúc nào cũng có hình thức như bạn mong đợi hay mong muốn và đó là bởi một số nét gắn bó của đàn ông không thân thiết, cũng không đáng tin cậy như những gì phụ nữ thích và bị nhiễm sự cạnh tranh, nhiều tình bạn của họ chỉ là khác với tình bạn của bạn mà thôi. Một đồng nghiệp nữ của hai nhà trị liệu tin chắc rằng tình bạn của con gái tốt hơn của con trai. Một ngày nọ, cô đã phải đặt câu hỏi về những giả định của mình khi quan sát bốn cậu bé đang câu cá ở một hồ chứa gần đó. Khi cô tắm nắng và quan sát các cậu bé, các em đứng đó, gần như vai kề vai, câu cá trong 2 đến 3 tiếng và hầu như không nói chuyện. Các em chắc chắn đã không trò chuyện được lâu. Nhưng sau khi quan sát các cậu bé một thời gian, cô nhận ra rằng giữa các em có một sự gần gũi vô cùng và sự gần gũi ấy vượt lên cả những cuộc trò chuyện giữa các chàng trai và những người đàn ông. Cô thấy được sự thân mật biết bao giữa những cậu bé này khi không trò chuyện và sự im lặng giữa họ đáng tin cậy biết bao. Các em thích được ở bên nhau và đó mới là điều quan trọng.
Hầu hết các cậu bé đều thích có đàn ông hiện diện ở bên cạnh. Các em thích ngắm nhìn cha mình, thích ở bên cha, thích chơi với cha. Nhưng đôi khi các cậu bé cũng cần cha mình chia sẻ về sự gần gũi, và điều đó có thể sẽ làm khó những người cha. Có rất nhiều người đàn ông cho biết khi còn là các cậu bé, họ chưa bao giờ nghe cha mình nói “Bố yêu con” cả. Vì vậy, đôi khi phải sắp xếp để các ông bố làm được điều đó. Các chương trình kiểu dạng “Bố và Tôi” được các trường học, giáo đoàn và trung tâm giải trí cộng đồng tài trợ định kỳ là một mô hình tuyệt vời. Những chương trình này có thể tổ chức từ sự kiện đơn giản nhất ở bậc mẫu giáo cho đến những chuyến phiêu lưu du lịch phức tạp, hay những khóa tu dành cho các chàng trai trưởng thành và cha họ, nhưng những chương trình hay đều có chung mẫu số quan trọng: Họ sắp xếp thời gian để hai cha con ở bên nhau. Họ đặt cả hai vào một tình huống khiến người cha phải rời khỏi chiếc ghế chỉ đạo và thay vào đó hai cha con trở thành đối tác của nhau. Chương trình bao gồm thời gian tự do để đi lang thang và khám phá, cũng như một số khung giờ có tổ chức dành cho các hoạt động được thiết kế nhằm giúp củng cố mối quan hệ thay vì gây ra cạnh tranh hay xích mích giữa cha và con. Khi chúng ta nhìn thấy những người cha và con trai trong những chương trình này, chúng ta thường thấy các cậu con trai cười rạng rỡ trước sự quan tâm vô kể và vô ưu mà các em nhận được từ cha mình, và chúng ta thấy những người cha biết ơn biết bao khi có được cơ hội đã được sắp xếp sẵn và được chấp thuận như vậy để thể hiện tình cảm với con trai họ. Điều đó thật đẹp. Cho dù đó là một sự kiện đã được lên kế hoạch trước đi chăng nữa cũng sẽ không tước đi bất cứ ý nghĩa của trải nghiệm này. Trải nghiệm kết nối cảm xúc là một trải nghiệm chân thực và cậu bé sẽ lớn lên một cách chân thực theo những trải nghiệm đó.


7️⃣ Dạy con trai rằng có nhiều cách để trở thành đàn ông:
Qua nhiều năm làm việc tại các trường nam sinh, hai nhà trị liệu gặp nhiều cậu bé cảm thấy mình "không đủ chuẩn" vì không phù hợp với hình mẫu nam tính lý tưởng: khỏe mạnh, lực lưỡng, thành đạt và nam tính tuyệt đối. Điều này khiến các cậu bé tự ti và đánh giá bản thân qua tiêu chuẩn phi thực tế. Nếu xã hội đã nhận ra tác hại của việc áp đặt một chuẩn mực sắc đẹp duy nhất lên các cô gái, dẫn đến các vấn đề như rối loạn ăn uống và tự ti, thì đã đến lúc chúng ta cũng cần xem xét lại thông điệp giới hạn về nam tính mà chúng ta đang truyền tải cho các chàng trai. Một giáo viên trung học tốt bụng, đáng yêu mà chúng tôi biết đã tâm sự rằng: “Suốt thời thơ ấu, bạn lo lắng về việc liệu mình có trở thành đàn ông hay không. Sau đó, khi đã trở thành đàn ông, bạn sẽ dành phần đời còn lại để tự hỏi liệu người khác có nghĩ rằng bạn đã trở thành đàn ông hay chưa”. Vấn đề Đại Bất Khả. Chúng ta có thể làm tốt hơn cho các cậu bé.
Đôi khi, chìa khóa để tiếp cận một chàng trai chỉ đơn giản là cho phép anh ta truyền đạt mối quan tâm sâu sắc của mình đến một chủ đề nào đó. Một giáo viên trung học nói với chúng tôi: “Có rất nhiều nam sinh đến lớp tôi ghét thơ. Chúng không muốn động đến thơ ca. Nhưng khi tôi bày tỏ rằng thơ có ý nghĩa đối với tôi, thì một số nam sinh bắt đầu cảm thấy thích thú, thậm chí yêu thích thơ ca.” Ai cũng sẽ có cách phù hợp với bản thân mình. Chúng ta phải dạy các cậu bé rằng có nhiều cách để trở thành một người đàn ông; rằng có nhiều cách để trở nên dũng cảm, để làm một người cha tốt, để yêu thương, trở nên mạnh mẽ và thành công. Chúng ta cần tôn vinh bản năng sáng tạo và bản năng mạo hiểm của các cậu bé, cả nghị lực và sự táo bạo của các em. Chúng ta cần ca ngợi nghệ sĩ nghệ thuật và nghệ sĩ giải trí, nhà truyền giáo và vận động viên, người lính và y tá nam, chủ cửa hàng và thủy thủ chu du quanh thế giới, giáo viên và giám đốc điều hành. Có nhiều cách để một cậu bé có thể đóng góp cho cuộc sống này.
Các chàng trai của chúng ta sẽ lớn lên với nhiều kích cỡ khác nhau, sở hữu nhiều kỹ năng và khả năng làm được nhiều việc khác nhau. Chúng ta không được bỏ qua những đóng góp to lớn của họ; chúng ta không được làm cho các cậu cảm thấy rằng mình không xứng đáng, rằng chúng ta coi thường những đóng góp của họ. Chúng ta kỳ vọng nhiều về mặt đạo đức và tinh thần từ các chàng trai, và cần hỗ trợ họ khi họ nỗ lực cố gắng. Và nếu các cậu trai cố gắng làm hài lòng chúng ta thì chúng ta phải thông báo với họ rằng họ đã không làm chúng ta thất vọng. Điều duy nhất giúp con trai chúng ta lớn lên an toàn về mặt tâm lý, đó là cho con biết rằng chúng ta coi trọng con và yêu thương con, rằng chúng ta có niềm tin rằng con lớn lên sẽ trở thành những người đàn ông tốt một cách tự nhiên.
Nhân cách con người và triết lý con người được hình thành từ những trải nghiệm, đôi khi rất nhỏ, được lặp đi lặp lại. Đó là lý do tại sao hầu hết những người cần trị liệu tinh thần thường cần trải qua trị liệu lâu dài. Các vấn đề của họ đã khởi phát từ quá lâu rồi. Kết luận của các chàng trai về cách mình nên hành xử, điều tạo nên tính nam và liệu họ có phải là những chàng trai tốt và đáng giá hay không là kết quả của hàng trăm, thậm chí hàng trăm nghìn khoảnh khắc lắng nghe, quan sát và phản ứng trước những thông điệp về yếu tố tạo nên một cậu bé và một người đàn ông. Phần lớn những gì họ thấy và nghe đều đau đớn và đầy tính xuyên tạc; phần lớn những gì họ trải qua khiến họ muốn che giấu con người thật của mình và chỉ cho thế giới thấy con người hợp với lẽ thường và dễ chấp nhận nhất của họ, để các chàng trai không xúc phạm đến nền văn hóa cũng như để chính nền văn hóa sẽ không tấn công họ. Cách duy nhất để giúp một cậu bé thay đổi đó là cho cậu những trải nghiệm mạnh mẽ mà nội tâm, tâm hồn cậu có thể đồng cảm được và cho cậu ấy biết rằng cậu có quyền được hưởng đầy đủ những trải nghiệm một con người có. Chính các giáo viên, cha mẹ, các mục sư, cô dì chú bác là những người cho phép các cậu bé được trải nghiệm. Và họ có thể làm điều đó bằng cách khẳng định với cậu bé rằng nỗi tổn thương mà cậu cảm thấy là một xúc cảm con người và xúc cảm ấy được chấp nhận. Một khi bạn hiểu rằng là con người thì sẽ dễ bị tổn thương, do đó, cho dù bạn là nam hay nữ, bạn sẽ đều có thể bước tiếp và trở nên dũng cảm, tự tin và thể hiện cảm xúc một cách hiệu quả từ nền tảng vững chắc đã có. Bạn sẽ không cần phải che giấu sự tổn thương của mình với chính mình và vì vậy bạn sẽ không cảm thấy quá sợ hãi và tâm hồn bạn sẽ không trở nên quá mỏng manh, dễ vỡ.


‼️ KẾT LUẬN
Trong suốt những năm làm nhà trị liệu, hai tác giả chưa bao giờ gặp một cậu bé nào không khao khát tình yêu thương của cha mẹ và sự chấp nhận của người khác cả và không cậu bé nào không cảm thấy tê liệt vì thiếu vắng hình bóng cha mẹ hay không cậu bé nào cảm thấy được chuộc lỗi từ sự quan tâm thái quá của cha mẹ cả. Những chàng trai mạnh mẽ và khỏe mạnh trở nên mạnh mẽ nhờ chấp nhận và công nhận tính người ở bản thân. Tất cả chúng ta đều có cơ hội làm điều đó mỗi ngày - mỗi khi chúng ta gặp một cậu bé và chúng ta có cơ hội nói với cậu ấy rằng: “Tôi nhìn thấy cậu. Một chàng trai – tràn đầy sức sống, tràn đầy ước mơ, tràn đầy cảm xúc.”



📍 Nguồn: Raising Cain: Protecting the Emotional Life of Boys - Dan Kindlon & Michael Thompson.

The Domdom Healing Garden

Khu vườn chữa lành Đom Đóm - không gian trị liệu và chăm sóc thế giới tinh thần cùng bạn!

Địa chỉ:27, đường số 3, Hiệp Bình Phước, Thủ Đức
Điện thoại:0932360164
Email:thedomdomhealinggarden@gmail.com

Follow Vườn

Bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ Đom Đóm?

Hãy để lại địa chỉ email để Đom Đóm thông báo cho bạn về các hoạt động và bài viết bổ ích nhé!